nguyen sinhvien

Rờ rẫm 'Nguồn gốc văn minh' cùng Will Durant.

Đăng 5 năm trước

Vào một đêm mưa gió lâm thâm ở rừng rậm, vì quá buồn rầu mặc dầu đèn cạn pin tôi vẫn đem cuốn sách ra rờ rẫm và gạ gẫm cùng Nguyễn Hiến Lê và Will Durant cho đến khi vò nát mất mấy trang. Tôi quyết định kể về buôn làng và phang bài này lên trang Ohaytv. Hãy đến đây khi bạn có dịp.

Đọc sách là một thú vui, đôi khi lại là một cực nhọc, nhiều lúc là một hoạt động xa xỉ. Trong hoàn cảnh này, với tôi, đúng là một hoạt động xa xỉ bên cạnh một cảm giác bị buộc tội. Mặc dù với một cuốn sách mỏng như cuốn "Nguồn gốc văn minh" của Will Durant.


Về phía tác giả, ông được ghi  trên wikipedia như sau:


"William James Durant (5 tháng 11 năm 1885 – 7 tháng 11 năm 1981) là một nhà sử học, triết gia và tác giả người Hoa Kỳ. Ông đấu tranh cho việc trả lương công bằng, quyền bầu cử của phụ nữ và các điều kiện làm việc tốt hơn cho người lao động Mỹ. Durant không chỉ sáng tác về nhiều chủ đề mà còn tiến hành thực hiện các ý tưởng của mình. Nhiều người cho rằng Durant đã cố gắng đưa triết học đến gần hơn với công chúng.


[...]


Tiếp theo, vào năm 1907, ông bắt đầu dạy tiếng Latinh, tiếng Pháp, tiếng Anh và hình học tại Đại học Seton Hall, ở South Orange, New Jersey. Durant còn kiêm làm thủ thư tại thư viện của trường."


Ông nổi tiếng bởi tập sách viết về các nền văn minh phương Đông dưới sự hỗ trợ của vợ.


"Nguồn gốc văn minh" là một cuốn sách mỏng thú vị. Dưới văn phong giản dị, thanh sáng của Nguyễn Hiến Lê, bản dịch càng trở nên thu hút người đọc. Quả thực, từ khi mở cuốn sách ra người đọc đã không biết bao lần phải gật gù hoặc bật cười thành tiếng. Đó hẳn là thành công của tác giả lẫn dịch giả.


Tác giả đưa chúng ta dạo qua các bộ lạc, tộc người từ sơ khai cho đến văn minh hiện đại. Rồi kết luận giữa sơ khai và văn minh rất mỏng manh. Hầu như những gì có ở văn mình thì những dân tộc cổ xưa đã trải qua rồi. Ngoài hai cái là chữ viết và quốc gia nữa mà thôi. Cứ liệu nhân học học phong phú, vừa gần gũi vừa bí ẩn xa lạ. Gần gũi vì bản thân tôi sinh ra ra ở Tây Nguyên, ngay từ nhỏ đã tiếp xúc với người bản địa ở đây. Họ là Êđê, Xơ Đăng, Vân Kiều, Ca Dong... Nguyên sắc tộc Xơ Đăng thôi đã chia ra làm nhiều nhánh khác nhau, ngôn ngữ cũng khác nhau. Bí ẩn xa lạ vì do quá quen thuộc nên khi đọc lại mới thấy rằng mình thường không để ý đến họ mấy. Ngay cả ngôn ngữ ÊĐê mà hàng ngày vẫn nghe mà mình còn không biết hết. Khi Durant viết về luân lí hôn nhân, tình dục có chi tiết nói về bộ lạc lõa lồ và họ cho như vậy là lịch sự. Hay tình dục không cấm kị giữa trai gái về trinh tiết... Tất cả những thứ ấy, bằng liên hệ trực tiếp khi tiếp xúc với người bản địa ở đây, tôi đã thấy qua. Gia đình tôi, cụ thể là chú tôi vào trong này những năm 80 thế kỉ trước theo diện di cư tự do. Một lần đi ra giếng cộng đồng tắm, chú tôi bắt gặp phụ nữ ở đây khi tắm thường không mặc gì trên người. Với một người đồng bằng Bắc Bộ như ông thì đó quả là một cú sốc văn hóa nặng nề, nhất là đang còn ở độ tuổi thanh niên. Lần đi tắm đó thất bại. Người Xơ Đăng và Êđê không có quan niệm trinh tiết. Cho đến những năm gần đây người Xơ Đăng vẫn chưa bỏ đi quan niệm ấy của họ, khiến cho người "kinh" phàn nàn thấy làm kì lắm, một số thì lại thích thú âm thầm hoặc ra mặt. Ông bí thư xã người Êđê vẫn công khai có vợ bé là người Xơ Đăng mà dân ở đây không ai thấy làm kì.


Về món ăn cũng vậy. Khi ông tả về các món ăn của các bộ tộc, như món côn trùng hay thịt sống. Tôi còn nhớ con đường trước cổng nhà mình thường có rất nhiều cây muồng lớn. Đến mùa hè bươm bướm bay về đẻ trứng nhiều vô số kể. Sau đó trứng nở ra sâu con, ăn lá muồng, và màu xanh. Người Êđê thích thú đi thu hoạch tất cả chúng về làm món ăn. Lúc đầu nghe có kinh dị. Sau này đọc qua sách nhân học thì thấy cũng bình thường. Mặc dù chưa thử qua lần nào. Kể cả món trứng của loài kiến đỏ, người Êđê bây giờ vẫn không thay đổi gì nhiều, anh hàng xóm lâu lâu vẫn qua nhà tôi bắt kiến về làm món canh chua. Vậy mà, họ chê người Xơ Đăng ăn bẩn. Vì người Xơ Đăng muối chuột nguyên con kể cả đầu và ruột. Và ăn những con vật gần như bị hủy hoại. Họ cảm thấy như vậy mới có mùi vị. Mỗi sắc tộc có một luân lí riêng, như Durant nói, không nên phân biệt là tốt hơn hay xấu hơn ở mỗi nhóm. Pháp luật cũng cần nên biết những điểm này hầu ra luật cho phù hợp.


Về nghi lễ thờ cúng hay tang ma. Người Êđê chôn người chết chỉ đào hố và lấy cành cây lấp lên. Khi đêm về mơ thấy người đã mất hiện lên quấy phá, thì sáng hôm sau, cái xác chết ấy sẽ bị quăng lên mặt đất để chịu phơi nắng. Không phải ai cũng bị chôn một cách sơ sài như vậy. Tùy theo kinh tế giàu nghèo và địa vị trong làng. Trong lễ tang họ gõ chiêng ầm ĩ và nhảy múa chung quanh. Đẽo các hình nhân bằng gỗ trông rất vui mắt. Nuôi gà và để các dụng cụ trong nhà mồ...


Vẫn thấy ghê nhất là lễ đâm trâu tàn bạo. Đấy, cứ đọc cuốn sách này là các kí ức lại hiện về. Từ nhiều năm nay họ đã bị "kinh hóa" rất nhiều rồi. Sau khi đã trải qua vô vàn xung đột sắc tộc lẫn luân lí.


Trọng điểm của cuốn sách chỉ là ở chỗ xét thấy văn minh không xa rời dã man là mấy. Ông còn bảo những người văn minh nên biết ơn tổ tiên dã man vì họ đã thử qua rất nhiều hoàn cảnh để truyền lại kinh nghiệm cho hế hệ ngày nay.


Khi truyền thông hàng ngày đưa tin thuốc làm từ thịt người của Trung Quốc thì khi đó ta biết rằng văn minh mỏng manh lắm. Cơ hồ rất khó đạt được.


Cũng nên biết rằng Nhân học là một môn học đang lúc thời thịnh hành của nó. Ở Việt Nam một số sách chuyên ngành nhân học đã được dịch, nhưng chưa nhiều. Để mở mang tầm hiểu biết tri thức của mình hiện nay không thể không bổ sung vào tủ sách của bạn danh mục các cuốn nhân học. "Nguồn gốc văn minh" thực sự cần thiết là cuốn sách bạn nhất định phải bổ sung đầu tiên. Vì sau đó các nhà nhân học nhanh nhạy khác đã phản bác và đưa ra nhiều ý kiến khác với của Will Durant.

Con gái Xơ Đăng.

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn