Nguyễn Minh Trí

Rùng mình những nạn đói khủng khiếp nhất lịch sử loài người

Đăng 7 năm trước

Nạn đói năm Ất Dậu ở miền Bắc Việt Nam có thể được xem như phần kí ức buồn khó xóa nhòa của dân tộc ta. 5 nạn đói khủng khiếp dưới đây sẽ khiến bạn càng thêm chua xót bởi mức độ thiệt hại nhân mạng của chúng.

1.Nạn đói "Ba năm ác nghiệt" tại Trung Quốc (1959-1961), 43 triệu người chết

Đây được xem nạn đói kinh khủng nhất trong lịch sử loài người nói chung và Trung Quốc nói riêng, cướp đi hơn 40 triệu sinh mạng người dân đất nước này. Chính sách "Đại nhảy vọt", hay còn bị gọi mỉa mai là "Đại nhảy lùi", "Đại thảm họa kinh tế" của Mao Trạch Đông là nguyên nhân cốt yếu gây nên tấn bi kịch cho toàn xã hội Trung Quốc thời bấy giờ. 

Nhằm "lột xác" Trung Quốc từ một nước thiên về nông nghiệp trở thành quốc gia xã hội cộng sản công nghiệp hiện đại, hàng loạt chủ trương được liên tiếp đề ra: cấm sở hữu đất tư nhân, hàng triệu lao động bị chuyển từ hoạt động nông nghiệp sang tập trung hoạt động công nghiệp, chính phủ độc quyền phân phát và cung cấp lúa gạo, thu mua ở giá thấp và bán lại với giá cao,... Để tối đa hóa hiệu suất nông nghiệp, hạt giống được gieo trồng sâu hơn bình thường và sát rạt nhau; chính điều này đã khiến hoa màu trở nên còi cọc, năng suất thấp. Chính sách diệt chuột, muỗi, ruồi, chim sẻ được áp dụng triệt để. Trái với suy tính của các nhà lãnh đạo, phong trào triệt tiêu chim sẻ lại làm bùng phát số lượng châu chấu phá hoại mùa màng, tàn phá hoa màu ở vùng nông thôn, gây nên tình trạng thiếu lương thực trầm trọng. Hơn nữa, trận lũ sông Hoàng Hà năm 1959 cộng với đợt hạn hán kéo dài năm 1960 tại miền Bắc, 60% đất nông nghiệp không hề có mưa đã đẩy Trung Quốc đến thảm cảnh khó khăn hơn bao giờ hết. Cuối năm 1962, số người chết được các nhà chức trách công bố là 14 triệu người; tuy nhiên, các học giả ước tính con số thậm chí vượt ngưỡng 43 triệu. 

2.Đông Trung Quốc (1907), 25 triệu người chết

Đất nước tỷ dân tiếp tục đứng thứ 2 về kỉ lục số người thiệt mạng trong nạn đói. Vào năm 1907, miền đông Trung Quốc hứng chịu đợt bão lũ kéo dài trên khắp 4000 dặm vuông đất nông nghiệp, thiệt hại 100% lúa gạo và hoa màu các loại. Việc thiếu hụt thức ăn trầm trọng khiến người dân nơi đây như quẫn trí, bạo động lương thực diễn ra hằng ngày và chỉ được dập tắt bằng vũ lực đẫm máu. Ước tính mỗi ngày lại có khoảng 5000 người bỏ mạng vì đói khát. 

3.Liên Xô (1932-1933), 10 triệu người chết

Chính sách tập thể hóa nông nghiệp của Josef Stalin tiến hành tịch thu và phá hủy tài sản nông dân bao gồm ngũ cốc, hoa màu, gia súc,... Hạt giống bị tịch thu sẽ chỉ gieo trồng ngắn hạn. Người dân bị buộc tội nếu tích trữ của cải riêng. Chủ trương đã gây ảnh hưởng tràn lan đến nhiều khu vực sản xuất ngũ cốc ở Liên Xô, cướp đi tính mạng hàng triệu người và gây ra tình trạng thiếu thốn lương thực khắp các vùng lân cận như Ukraine, Bắc Kavkaz, Volga, Kazakhstan, nam Urals và đông Serbia. 

Đây được xem như kế hoạch thuộc chương trình tập thể hóa nhằm tiêu diệt thành phần địa chủ và phản cách mạng. Người dân Ukraine có tư tưởng đứng lên chống chính sách này lập tức bị đàn áp bằng hình thức "bỏ đói đến chết có hệ thống và cố ý", theo như lời sử gia Miklos Kun. Trích dẫn nhận định nhà xã hội học người Đức Gunnar Heinsohn, việc không cung cấp lương thực cho người dân và ngăn chặn họ di tản khỏi vùng nạn đói hoành hành là "sự phối hợp giữa ý định giết người tập thể và diệt chủng". 

4.Bengal, Ấn Độ (1943), 7 triệu người chết

Bengal là khu vực lịch sử và địa lí thuộc đông bắc Tiểu lục địa Ấn Độ. Trong giai đoạn 1942-1943, Bengal đã gồng mình gánh chịu một loạt sự kiện thảm khốc: Thế chiến thứ II và chủ nghĩa đế quốc Nhật Bản phát triển lớn mạnh, Nhật Bản đình chỉ mua bán lương thực giữa Bengal và đối tác thương mại lớn nhất của Bengal là Miến Điện, lốc xoáy và triều cường liên tục vào năm 1942 khiến 3200 dặm vuông đất nông nghiệp tê liệt, nấm lạ tấn công 90% số lượng cây trồng, người dân tị nạn từ Miến Điện đổ xô vào Bengal khiến nhu cầu lương thực tăng đột biến,... Tính đến tháng 12/1943, chuỗi biến động kinh hoàng nêu trên đã gây ra nạn đói khiến 7 triệu người Bengal thiệt mạng. 

5.Bắc Triều Tiên (1994-1998), 3 triệu người chết

Đường lối lãnh đạo sai lầm và lũ lụt là hai nguyên nhân chính dẫn đến thảm họa đói kém tại Bắc Hàn. Mưa lớn năm 1995 đã khiến các khu đất nông nghiệp ngập úng, 1.5 triệu tấn lương thực bị phá hủy hoàn toàn. Tàn nhẫn hơn, Chủ tịch Kim Chính Nhật thực hiện chính sách đặt nhu cầu quân đội lên hàng đầu, kể cả lương thực. Mặc cho người dân đói khát miếng ăn, Bắc Hàn vẫn tiếp tục duy trì vị thế cô lập, không nhập khẩu lương thực. Sự lạnh lùng và kiên quyết cố hữu của chính quyền Bắc Triều Tiên đã khiến 3 triệu người bỏ mạng vì không chịu nổi cái đói. Ước tính trong vòng 5 năm đó, cứ 1000 trẻ em sẽ có 93 em chết đói, cứ 1000 phụ nữ mang thai sẽ có 41 người không thể cầm cự. Đây là vết nhơ không thể chối bỏ về chính sách lãnh đạo sai lầm trong lịch sử đất nước này.

Chủ đề chính: #nạn_đói

Bình luận về bài viết này
2 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn