Thủy Vu "Hãy học khi người khác ngủ, lao động khi người khác lười nhác, chuẩn bị khi người khác chơi bời, và có giấc mơ khi người khác chỉ ao ước"-William Arthur Ward.

Sẽ mệt lắm khi phải quan tâm người khác nghĩ gì

Đăng 6 năm trước

Có khi nào bạn cảm thấy mệt mỏi vì không thể hòa nhập vào một nhóm bạn? Có lúc bạn muốn biến mất khỏi cuộc sống này vài ngày? Quan tâm tới những suy nghĩ của người khác vô cùng mệt mỏi, dù đối với người thân hay bạn bè. Đơn giản thôi, đừng suy nghĩ nhiều nữa!

Bạn là người nhạy cảm?

Những người nhạy cảm được trời phú cho khả năng nhìn thấu suy nghĩ của người khác, nhưng cũng làm họ buồn bã quá nhiều. Người nhạy cảm thường nói nhiều, vì họ sợ người khác nghĩ xấu họ, nên không ngừng nói, phô bày hết bản chất con người của mình với đối phương. Nhưng chính việc nói không ngừng, quá nhiệt tình lại giống như đang đính chính với thế giới. Khi người nào đó hiểu lầm ý của họ, họ sẽ giải thích đến khi nào người ta đồng ý thì thôi. Càng cởi mở thì càng sợ cô đơn, đó là những người hướng ngoại. Họ không chịu được khi ở một mình và hơn hết, họ quan tâm đến những gì người khác nghĩ về bản thân mình. Người nhạy cảm luôn luôn không thích mình không hoàn hảo trong mắt người khác. Nhưng lạ thay, trực giác của họ thường đúng.

Hãy sống lạnh lùng

Một người bạn đã kể với tôi rằng: Cô ấy vừa lên đại học, vì sợ cơ đơn nên cô ấy kết bạn với một nhóm tám người. Cứ vào trường là họ ở đâu cô ấy ở đó. Nhưng cô ấy không thể hòa nhập được, bởi cô ấy nói gì cũng không ai phản ứng, cũng không tỏ ý đồng tình. Dần dần, cô ấy trở nên ba phải, không có chính kiến của mình, luôn nghe theo nhóm bạn. 

Cô ấy quan tâm thái quá đến việc nhóm bạn nghĩ gì khi mà lời cô ấy nói họ không chú ý. Đây là một nỗi sợ, sợ suy nghĩ của người khác, sợ mình không được chú ý, sợ người ta khinh thường. 

Nhưng hãy nghĩ lại đi, chúng ta sống là vì ai? Không dám đứng lên phát biểu ý kiến trong giảng đường vì sợ mình nói sai và sợ người ta xì xầm bàn tán. Không dám mặc bộ váy mới vì sợ người ta nhìn ngó và nói màu sắc của nó nhạt như bà già. Và còn nhiều điều mà ta không làm vì sợ người xung quanh bàn ra tán vào. Chúng ta sống cho bản thân mình cơ mà?

Đừng để ý đến những gì người khác nghĩ về chúng ta, dù tốt dù xấu. Hãy dẹp lối suy nghĩ "cao thượng" đó đi và sống vui vẻ với những gì mình thích. Không quan tâm này không có nghĩa là vô cảm trước mọi điều, mà là dám đạp lên thị phi, tự tin lướt qua ánh mắt của người khác. Bạn không cần phải cố gắng trở thành người lạnh lùng, mà hãy sống lạnh lùng. Và đừng bận tâm suy nghĩ của người khác.

Tự thôi miên mình

Hãy lặp đi lặp lại câu "Tôi không quan tâm mấy người nghĩ gì" hay "Mấy người nghĩ gì không liên quan tới tôi". Khi bô não nhận được thông tin một lần, nó sẽ nghĩ rằng điều đó không cần nhớ và chúng ta quên đi nhanh chóng. Nhưng nếu ta lặp đi lặp lại nhiều lần, nó sẽ nghĩ đó là điều quan trọng và điều khiển suy nghĩ và hành động của ta giống y như vậy. Như niệm chú, bắt bản thân suy nghĩ như thế và tin là như vậy. Khi điều đó trở thành thói quen, chúng ta sẽ chẳng còn quan tâm ánh mắt người nào đó nhìn mình và lo sợ rằng họ đang nghĩ gì về ta.

Nói ít hơn và đừng nói tất cả về bản thân

Bất cứ ai cũng có những bí mật, dù lớn dù nhỏ. Những bí mật lớn, nó có ảnh hưởng rất nghiêm trọng nếu bạn lỡ nói ra, hoặc đó là điều riêng tư. Còn những bí mật nhỏ để trong lòng sẽ rất khó chịu. Nhất là đối với những người thích nói, thích thể hiện, thích buôn chuyện. Hãy nên nhớ, bất cứ ai cũng không thể đặt niềm tin tuyệt đối, vì vẫn còn tồn tại cái gọi là tương đối. Một đứa bạn dù thân đến mức ngay cả hôm nay đi vệ sinh mấy lần cũng kể cho nhau nghe thì cũng không biết chắc rằng ngày mai nó có quay ngược lại "cắn" bạn một cái và ôm bí mật của bạn đi hay không. Vì thế, hãy nói ít hơn và lắng nghe nhiều hơn. Sự thật rằng những người ít nói thường là người thông minh và khôn ngoan. Nếu như bạn quá mệt mỏi với việc giữ bí mật, hãy tìm một người mà bạn tin tưởng và chia sẻ để nhận được lời khuyên nhưng đừng "móc ruột móc gan" ra mà nói.Càng nói ít, càng ít phiền phức. Khi đã trở thành thói quen, bạn sẽ không còn cảm thấy ngứa miệng mỗi khi thấy ai đó nhìn mình bằng ánh mắt "Tôi biết hết cô rồi!". Thay vào đó, bạn sẽ chẳng xem đó là điều gì quan trọng cả. Dù cho người khác nghĩ bạn như thế nào thì cũng chẳng ảnh hưởng gì đến bữa sáng của bạn cả.

Quy tắc 20- 40- 60

Doanh nhân, nhà đầu tư, giám đốc điều hành Heidi Roizen cho biết, bài học ý nghĩa nhất mà bà rút ra để có cuộc sống viên mãn là, “Năm 20 tuổi, bạn không ngừng lo lắng, phiền muộn về những gì mà người ngoài nghĩ về mình. Năm 40 tuổi, bạn bừng tỉnh và tự nhủ, từ giờ, mình sẽ chẳng thèm quan tâm xem mọi người nghĩ gì về mình nữa”. Đến tuổi 60, bạn nhận ra rằng, thật ra đâu có ai để ý, đánh giá mình đâu”. Người ta sống đều hướng mọi lợi ích về mình và cho rằng vũ trụ quay quanh mình. Sẽ chẳng ai dành 24/24 hoặc cũng không quá 5 phút để nghĩ xấu người khác. Vì đơn giản, họ bận nghĩ về bản thân, về công việc, con cái, bạn bè...Cuộc sống còn rất nhiều điều bạn cần phải làm mỗi ngày, có dự án vẫn chưa hoàn thành xong, có bản báo cáo ngày mai phải nộp sếp gấp, có bài thi học kì vào chiều nay, có chiếc váy đang giảm giá mình muốn mua vào ngày lãnh lương... Có rất nhiều việc cần nghĩ tới, vậy thì quan tâm suy nghĩ của người khác về mình chẳng phải càng thêm mệt mỏi sao?

Hãy sống như mèo

Chúng ta bình tĩnh và thản nhiên trước mọi việc khi đã nhìn thấu người khác. Hãy như một chú mèo ú, nằm đó lim dim và thu hết mọi thứ và tầm mắt của mình. Bạn thấy ánh mắt của con mèo nhà mình nuôi thế nào? Có phải rất bình tĩnh, bí ẩn và nguy hiểm không? Quan sát nhiều hơn đoán mò, lắng nghe nhiều hơn nói nhảm, bạn sẽ cảm thấy bất cứ ai cũng bị mình nhìn thấu. 

Và, hãy ngăn mình nói những thứ vô nghĩa với người khác. Đừng đem vào cuộc hội thoại của bạn về "Cái máy giặt nhà tôi bị chuột cắn đứt dây điện", "Con chó nhà hàng xóm vừa sinh được 5 con" hay "Chồng tôi hôm qua gần sáng mới về". Những điều đó không cần thiết phải nói ra rồi nhọc lòng đoán xem người nghe đang nghĩ gì về điều ấy.

Lời khuyên

  • Cuộc sống có nhiều điều phải lo, lo cho bản thân còn chẳng xong huống chi là lo người khác nghĩ mình thế nào. 
  • Sống lạnh lùng nhưng không phải sống vô cảm, chúng ta vẫn có bạn, dù không nhiều nhưng thân thiết. 
  • Sống ích kỷ một chút cũng chẳng sao, sống vì bản thân mình, thích món gì ăn món đó, thích mặc gì thì mặc đó, thích đi đâu thì đi đó. Bạn sẽ thấy mình thật tự do.

Bài viết mang tính chất tham khảo.

Chủ đề chính: #người_nhạy_cảm

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn