Khánh Lâm

SHANGRI – LA VÀ NHỮNG BÍ ẨN CỦA NÓ.

Đăng 4 năm trước

Câu hỏi Shangri La là ở đâu hay Shangri La có thật không cùng những bí ẩn về vùng đất này đã hấp dẫn nhiều người khám phá câu chuyện đằng sau nó. Ngay tại Trung Quốc, vào năm 2001, huyện Trung Điện thuộc tỉnh Vân Nam đã được đổi tên là Shangri-La không chỉ bởi lý do thu hút khách du lịch, mà nơi đây còn nổi tiếng vì có nhiều nét tương đồng hệt như các bí ẩn của vùng đất Shangri La trong truyền thuyết đã từng đề cập.

Năm 1933, tiểu thuyết đình đám Lost Horizon tựa tiếng Việt “Chân Trời Đã Mất” của nhà văn Anh James Hilton đã làm nên một cơn sốt thực sự. Trong tiểu thuyết này, Shangri La là một thung lũng huyền thoại gắn liền với một xã hội không tưởng.

Vùng đất này khởi nguồn từ một tu viện Lạt Ma giáo, nằm ở phía tây cuối dãy núi Côn Lôn. Nơi đây được miêu tả là cách biệt với bên ngoài thế giới và là nơi sinh sống của những người bất tử - một vùng đất hạnh phúc vĩnh viễn. 

Người dân ở đây sống vượt quá tuổi thọ thông thường và chỉ có bề ngoài lão hóa cực kỳ chậm. Bí ẩn này đã được nhắc đến trong các văn bản Tây Tạng cổ về sự tồn tại của bảy địa danh như thế với tên gọi Nghe-Beyul Khimpalung. Một trong những địa danh như thế nằm ở đâu đó trong vùng Makalu-Barun.

Trong đó, nhưng ít ai biết rằng vùng đất huyền thoại trên bắt nguồn từ câu chuyện về Shambhala trong văn tự cổ xưa “Pháp thời luân Kim Cang” của Mật Tông Tây Tạng, trong các văn bản tiếng Phạn, hay từ các bản viết tay của đạo Bon.

Vương quốc Shambhala được miêu tả có vị trí huyền bí nằm ẩn mình sau ngọn núi hẻo lánh phương Bắc trên dãy Himalaya. Nơi đây cũng chính là nguồn cơn dẫn đến giấc mơ khát khao chinh phục vùng đất này của hàng trăm nhà thám hiểm trên thế giới. Hàng nghìn năm qua đi, vùng đất này vẫn là cảm hứng cho những ai yêu thích sự huyền bí, tâm linh.

Chính cảm hứng bất tận này mà Shambhala có mặt trong tiểu thuyết của James Hilton năm 1933 và được chuyển thể thành phim cùng tên, sản xuất năm 1937. Nội dung của tác phẩm miêu tả về cuộc hành trình của nam chính bị lạc giữa một vùng núi tuyết cao thuộc Tây Tạng, sau đó anh đã tìm được Shangri La (Shambhala). 

Sổ tay Chiêm tinh học Tây Tạng đã nêu rằng: “Không có vấn đề gì, cho dù Shambhala là một nơi đâu đó trên hành tinh này hay không, vương quốc này vẫn chỉ có thể được nhìn thấy bởi những người có tâm trí trong sạch và tin vào nghiệp báo."

Trong tiếng Phạn “Shangri La" có nghĩa là “nơi nghỉ ngơi” hoặc “chốn bình yên”. Vì lẽ đó mà vùng đất này đặc biệt coi trọng tình cảm thiêng liêng, sự hạnh phúc của con người. Theo đó, sự gắn kết giữa con người với nhau thông qua các mối quan hệ xã hội hay gia đình đều được xem trọng. Tiền bạc, vật chất đều là phù du và những ai theo đuổi danh vọng sẽ không thể bước vào vùng đất này.

Shangri La ở Trung Quốc ngày nay không khác với miêu tả về Vương Quốc Shambhala là mấy. Nó nằm trên một cao nguyên có độ cao hơn 3.300m so với mực nước biển, xung quanh là những ngọn đồi xanh thẳm, hồ nước tĩnh mịch cùng bầu không khí trong lành, mát mẻ.

Đây cũng là nơi tọa lạc của các tu viện, những ngôi chùa Phật giáo với kiến trúc tuyệt đẹp. Tu viện Shongzan Lin (Tùng Tán Lâm) toạ trên một ngọn đồi với kiến trúc Tây Tạng độc đáo - được xem như là ngưỡng cửa bước vào Tây Tạng huyền bí.

Đến thăm Shangri La, Trung Quốc, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước thực cảnh nơi đây. Cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ trên đường đồi làm tô thêm vẻ đẹp đằm thắm, yên bình của đời sống người dân nơi đây.

Các công trình kiến trúc Phật giáo Mật Tông độc đáo của Tây Tạng sẽ giải đáp phần nào những bí ẩn trong lòng du khách, duy chỉ có những người bất tử là chưa có cơ duyên để gặp được. Dù vậy, vùng đất này chưa hề khiến ai phải rời đi trong sự thất vọng mà chỉ mang theo họ một niềm hạnh phúc khó tả và lòng mong mỏi quay lại lần nữa.

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn