Mỹ Hằng Những gì chính mình còn không hiểu, thì đừng viết cho người khác đọc.

'Sính' việc nhà nước và những hệ lụy

Đăng 7 năm trước

Nhiều người cho rằng công việc nhà nước rất nhàn hạ, chỉ ở trong văn phòng “ngồi mát ăn bát vàng”. Bởi vậy, nhiều bậc cha mẹ định hướng cho con mình vào cơ quan nhà nước từ khi còn đi học để chúng được thảnh thơi, sung sướng.

Có rất nhiều bạn trẻ mong muốn được làm công chức, viên chức nhà nước, bởi “nghe nói” rằng làm việc nhà nước rất “nhàn”, lương ổn định, về già còn có cả lương hưu mà không phải làm việc. Cũng bởi một lí do nữa là không ai đo được cụ thể hiệu quả làm việc của một công việc nhà nước nói chung, nhất là các công việc liên quan đến thủ tục hành chính.

 Làm thế nào để biết được năng suất lao động của một công chức? Không có doanh số, cũng không có KPI (Key Performance Indicator: chỉ số đánh giá hoạt động). Như vậy, công chức nhà nước sẽ mặc định một suy nghĩ trong đầu: làm qua loa cho có cũng được, chỉ cần tới giờ là về, không cần cố gắng, cũng không cần siêng năng. Vì chẳng ai quy định hay đo lường việc ấy cả. Không ít những viên chức nghe nhạc, chơi game hay tán gẫu qua lại trong giờ làm việc, ngay cả khi có rất nhiều công việc đang chờ, họ vẫn ung dung như thế. Có khi còn quát nạt và tỏ ý khó chịu khi dân có ý kiến. Đó là chuyện “bất bình thường” nhưng từ lâu đã trở nên “bình thường”. Một khi đã là công chức nhà nước, công việc ấy có tính chất ổn định rất cao, làm cho đến khi nào “về hưu” thì thôi, tỉ lệ bị sa thải hầu như là không có. Nhưng khi làm việc cho các doanh nghiệp tư nhân có tính cạnh tranh và đào thải quyết liệt, bạn có thể bị đào thải bất cứ lúc nào. Đó là lí do người Việt rất “sính” việc nhà nước.

Cứ cho rằng quan điểm “sính việc nhà nước” tuy có hơi kém phần năng động khi so với tỉ lệ người lao động và dân số trẻ ở Việt Nam, nơi cần những đầu óc muốn bức phá nghiên cứu sáng tạo đi cùng với khởi nghiệp để đưa đất nước phát triển chứ không phải là những cái đầu muốn sự nhàn hạ yên ổn, thì mong muốn làm công chức nhà nước cũng không có gì là sai trái. Nhưng nếu đặt trong một cái nhìn đa chiều, thì rất có vấn đề.

Như đã nói ở trên, thứ nhất, nếu chỉ một số bộ phận người Việt muốn làm công việc nhà nước thì không có gì để nói. Theo phân công lao động, mỗi công việc đều có tầm quan trọng của nó để tạo nên sự vận hành của xã hội. Vấn đề ở đây là đa số các bạn trẻ đều muốn “được” làm công chức nhà nước. Đó là kết quả của cuộc khảo sát trước kì thi đại học một số em học sinh trung học phổ thông của phóng viên VTV trong một năm gần đây khi hỏi “các em mong muốn sau này sẽ làm nghề gì?” Tư tưởng việc nhà nước nhàn hạ lương cao đã được truyền miệng từ bố mẹ đến các em. Ở độ tuổi này, chắc gì các em đã biết được việc nhà nước là như thế nào, chính là “vì bố mẹ bảo thế”. Nếu phần đông các em có tư tưởng như vậy, thì những công việc khác sẽ dành cho ai? Tư tưởng ỷ y thích làm việc nhẹ nhưng lại muốn lương cao có giúp các em tạo nên năng suất lao động cho xã hội hay không?

Thứ hai, vì quá ham muốn công việc nhà nước nên nhiều người đã cố gắng “bám “ cho bằng được, tức là chạy chọt. Chạy việc nhà nước không còn là một cụm từ xa lạ đối với những gia đình có con em là sinh viên hay vừa mới tốt nghiệp. Ngay cả khi bạn có được công việc ấy do đã  trải qua một kì thi hay xét tuyển công chức, viên chức một cách công bằng thì cũng sẽ có người hỏi bạn “tốn bao nhiêu tiền để xin việc?”, đó là chuyện thường ngày. Con số có thể là 100, 200, hay 300 triệu đồng tùy theo mối quan hệ và mức lương của công việc. Nhưng có những vị phụ huynh đã ngã ngửa khi gặp những “mối” lừa đảo, họ hứa xin cho công việc, khẳng định quen biết ông này bà kia làm chức to để lấy tiền. Các vị phụ huynh cả tin, giao hết tiền cho mối lừa đảo ấy và hắn sẽ bặt vô âm tín. Tiền mất tật mang, công việc không có, không kiện cáo được ai, các vị phụ huynh chỉ biết kêu trời và quay ra mắng con mình là “ăn hại”.

Với cơ chế hiện nay, rất khó để các em có định hướng làm công chức ngay từ đầu có thể xin được việc theo mong muốn. Khi đã "vỡ mộng", các em sẽ phải bắt đầu lại từ đầu, vứt đi tấm bằng đại học và làm một nghề nào đó để kiếm sống. Đó là một quá trình đầy khó khăn vì hều hết các em đều đã mất hết đam mê và nhiệt huyết phấn đấu cho sự nghiệp.

Thời đại bây giờ đã đi quá xa so với thời bố mẹ chúng ta ngày trước. Các vị phụ huynh hãy thôi gieo rắc và tiêm vào đầu con trẻ những thứ đã không còn phù hợp với chúng, với thời cuộc. Đừng cố chạy đua để đổi lấy chút hư danh mà có thể gây ra những hậu quả khó lường. Hãy tin vào thế hệ trẻ. Các em biết mình cần gì và muốn gì. Hoặc nếu chưa biết thì thời gian sẽ giúp chúng nhận ra đâu là thứ chúng muốn, bằng những bài học đắt giá mà cuộc đời đã và sẽ dạy. Để mỗi năm, câu chuyện chọn nghề không còn là những nỗi lo và con số thất nghiệp của cử nhân, thạc sĩ không còn là những vấn nạn của xã hội.

Mỹ Hằng

Chủ đề chính: #sính_việc_nhà_nước

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn