An Mộc ('': Yêu sự đơn giản - Simple is the best :")
Teacher, Student, Aunt, Daughter tại Tp HCM, Hà Nội, Đà Nẵng

Sơ cứu vết thương thủng, hở, bị chảy máu

Đăng 3 năm trước
Sơ cứu vết thương thủng, hở, bị chảy máu

Có 2 loại vết thương thủng, hở, bị chảy máu: Chấn thương tĩnh mạch: Máu chảy chậm và ít; Chấn thương động mạch: Máu chảy mạnh, có thể phun thành tia. Thường thì với trường hợp này chỉ nên sơ cứu vết thương chảy máu tạm thời rồi LẬP TỨC đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Mục đích của việc chăm sóc và sơ cứu vết thương hở, thủng:

Cầm máu hoặc kiểm soát chảy máu quá nhiều để phòng ngừa cũng như điều trị sốc do mất máu.

Duy trì các chức năng sinh tồn trong quá trình sơ cứu bằng cách giúp nạn nhân thở và lưu thông tuần hoàn, hạn chế biến chứng xảy ra, giảm nguy cơ nhiễm khuẩn.

Sau đây là nội dung chi tiết:

Bước 1: Rửa tay

Mục đích: ngăn ngừa nhiễm trùng

Cách làm:

Rửa tay sạch sẽ bằng nước và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn trước khi tiến hành sơ cứu vết thương hở, thủng, bị chảy máu.

Nếu có, nên dùng găng tay cao su sử dụng một lần.

Bước 2: Cầm máu

Mục đích: Tránh cho nạn nhân mất máu (có thể dẫn đến sốc và nguy hiểm đến tính mạng)

Cách làm:

Dùng một miếng băng hoặc vải sạch đắp nhẹ nhàng lên vết thương, cùng lúc đó tác động lực ép trực tiếp để cầm máu.

Nếu nạn nhân bị chảy máu quá nhiều mà không có sẵn băng gạc tại chỗ, có thể dùng chính bàn tay của nạn nhân hay người hỗ trợ để ép vết thương lại.

Nên nâng vùng bị tổn thương lên cao hơn mức của tim nhằm giảm áp lực máu tới khu vực này.

Bước 3: Làm sạch vết thương

Mục đích: tránh nhiễm trùng, tránh làm tổn thương sâu hơn

Cách làm:

Rửa vết thương bằng nước sạch hoặc nước muối (mất khoảng 5 - 10 phút)

Dùng khăn lau nhẹ nhàng hoặc nhíp gắp bỏ bụi bẩn hoặc mảnh vụn có trong vết thương.

Nếu chấn thương là do dị vật đâm sâu vào thì không nên tự ý rút ra hoặc tác động lực trực tiếp lên chúng mà nên quấn khăn vải lại thành vòng đệm xung quanh dị vật và chờ đến lúc có sự trợ giúp của nhân viên y tế có đầy đủ phương tiện chuyên môn.

Bước 4: Thoa thuốc kháng sinh

Mục đích: Tránh nhiễm trùng

Cách làm

Đối với những vết trầy xước hay vết cắt nhỏ, thoa một lớp kem kháng sinh hoặc thuốc mỡ (Neosporin, Polysporin) mỏng lên vùng bị thương. Nếu phát ban xuất hiện (do thành phần của thuốc), cần ngừng sử dụng sản phẩm, tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế về biện pháp thay thế phù hợp.

Bước 5: Băng kín vết thương

Mục đích: giữ cho vết thương luôn được sạch sẽ.

Cách làm: Buộc nhẹ nhàng (có thể tham khảo cách quấn băng số 8 hoặc quấn băng xoắn ốc)

Lưu ý:

Không quấn quá chặt gây cản trở lưu thông máu và làm nạn nhân khó chịu.

Nếu máu thấm qua miếng băng gạc thì quấn thêm một lớp mới, tránh tháo ra thay lại từ đầu.

Bước 6: Thay băng

Mục đích: để đảm bảo vệ sinh, hỗ trợ phục hồi, nhận biết thương tổn phát sinh

Cách làm:

Nếu chăm sóc tại nhà, có thể thay băng hàng ngày hoặc bất cứ khi nào băng bị ướt hay bẩn cho đến khi vết thương liền sẹo.

Trong 2 ngày đầu sau bị thương, rửa và bôi lại thuốc kháng sinh lên vết thương mỗi lần thay băng.

Bước 7: Theo dõi các dấu hiệu nhiễm trùng

Mục đích: phát hiện các bất thường để ứng phó kịp thời

Cách làm:

Trong khi chờ đợi sự can thiệp/ hỗ trợ của người khác và người có chuyên môn, trên đường đưa đi cấp cứu hay sau khi sơ cứu vết thương hở tại nhà đều cần phải theo dõi sát sao tình trạng hô hấp, tuần hoàn và giữ ấm cho nạn nhân.

Cách làm:

Khi phát hiện các dấu hiệu như: vết thương không lành, vùng bị thương sưng đỏ lan rộng, đau nhiều hơn, có mủ hoặc xuất hiện sốt... đó chính là dấu hiệu cảnh báo nhiễm trùng, cần liên hệ với chuyên gia y tế để được hỗ trợ.

Các lưu ý quan trọng trong sơ cứu vết thương thủng, hở, chảy máu:

1. Cần đưa nạn nhân đến bệnh viện NGAY LẬP TỨC nếu:

  • Chấn thương đụng dập nghiêm trọng gần đầu, cổ, bìu, ngực hoặc bụng;
  • Vết thương đâm sâu và xuyên qua khớp;
  • Chấn thương gây đứt lìa chi thể (lưu ý bảo quản và chăm sóc chi thể bị đứt rời trong túi nilon kín, ướp lạnh để bàn giao cho nhân viên y tế).
  • Bị thương do động vật hoặc người khác cắn, tấn công;
  • Bị thương do một vật kim loại đâm vào cơ thể;
  • Cầm máu nhưng vết thương vẫn không ngừng chảy máu sau một vài phút;
  • Vết thương sâu, bẩn hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng;

2. Sau khi sơ cứu cần lưu ý

  • Tiêm uốn ván (nhất là trường hợp không có lịch sử tiêm uốn ván trong vòng 5 năm qua)
  • Cân nhắc tiêm phòng bệnh dại (nếu vết thương là do động vật gây ra)

(Sưu tầm từ Mayoclinic, dẫn theo Ths, BS. Nguyễn Văn Huy, website: BV Vinmec)

Chủ đề chính: #sơ_cứu_vết_thương

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn