Phạm Nguyên

Sơ đồ tư duy (mindmap) - phương pháp học hiệu quả và thú vị

Đăng 7 năm trước

Có rất nhiều phương pháp học tập. Mỗi phương pháp đều có những ưu - nhược điểm riêng. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu cách học với sơ đồ tư duy nhé !

Giúp bạn tiết kiệm thời gian

Từ trước đến nay, học thuộc bài luôn là nỗi ám ảnh với học sinh Việt Nam. Nguyên nhân đầu tiên là do việc học thuộc lòng tốn nhiều thời gian. Việc đưa một lượng lớn kiến thức vào đầu  không phải là chuyện dễ, đặc biệt là với cách dạy và học bài truyền thống của nước ta. Hãy thử tưởng tượng xem, nếu cho bạn vài giờ để vẽ và nguệch ngoạc những gì mình thích ra giấy, hoặc cũng vài giờ đó để ngồi học thuộc một văn bản; bạn sẽ chọn cái nào? Chắc chắn là vẽ rồi đúng không nào?! So với việc ngồi hàng giờ để học thuộc lòng những trang sách, vở với chi chít chữ thì việc bỏ ra 15 - 30 phút để tạo ra một sơ đồ tư duy và ghi nhớ nội dung bên trong sẽ thoải mái hơn nhiều!

Giúp bạn cảm thấy việc học trở nên thú vị

Với những màu sắc sặc sỡ và hình vẽ sinh động do chính mình sáng tạo ra, sơ đồ tư duy sẽ giúp bạn cảm thấy việc học trở nên thú vị hơn bao giờ hết. Khi chúng ta cảm thấy thích thú với một việc nào đó, ta sẽ có động lực để thực hiện nó. Chính vì vậy sơ đồ tư duy còn giúp ta cảm thấy thích học và muốn học hơn.

Giúp việc ghi nhớ trở nên dễ dàng hơn

Chẳng học sinh nào mong muốn việc phải học thuộc lòng những dòng chữ khô khan nhưng lại dài dằng dặc cả. Thứ nhất là vì ''lười'', thứ hai nữa là bởi việc đó không dễ dàng chút nào. Nhưng, với sơ đồ tư duy, bạn hoàn toàn có thể! Với những ý chính của nội dung bài học và hình ảnh minh họa, những kiến thức đã được học sẽ dễ dàng "đi vào trí nhớ" của bạn. Chưa kể, với cách học truyền thống, "nay học mai quên" là chuyện bình thường. Chính vì vậy, những nội dung chính, quan trọng có kèm theo màu sắc, hình ảnh sinh động sẽ giúp bạn ghi nhớ "thật"!

Ví dụ, với "phép trừ phân số", thay vì phải học các định nghĩa, quy tắc một cách cứng nhắc, bạn có thể chuyển sang dạng sơ đồ tư duy như bên trên để dễ học hơn:

Cách tạo ra một sơ đồ tư duy

Với những hiệu quả thiết thực đó, chắc hẳn, là học sinh Việt Nam - với cách học lỗi thời, học một cách máy móc, ai cũng muốn tạo ra cho mình những sơ đồ tư duy để cải thiện việc học đúng không?

Để làm một sơ đồ tư duy không khó. Đầu tiên, bạn cần chọn cho mình một chủ đề để tạo sơ đồ tư duy, có thể là "vật lý", "hóa học'', "nhiệt", "ánh sáng",...hoặc bất kì chủ đề nào bạn muốn. Bạn viết chủ đề đó ở giữa tờ giấy. Tiếp theo, bạn vẽ các nhánh từ chủ đề, mỗi nhánh có thể là một phần, một khía cạnh hay một luận điểm của chủ đề, mỗi nhánh là một màu sắc khác nhau. Các nội dung nhỏ hơn trong mỗi "nhánh" bạn hãy biểu diễn bằng các nhánh nhỏ hơn "mọc ra" từ nhánh chính, và nhớ là nhánh phụ "nên" cùng màu với nhánh chính của nó; nếu quá nhiều màu ta sẽ bị loạn đấy. Và cuối cùng, đừng quên tô vẽ thêm những hình ảnh minh họa (nếu có thể) nhé các bạn !

Dưới đây là sơ đồ tư duy thể hiện chủ đề "đặc điểm các yếu tố tự nhiên Việt Nam":

Trên đây là những lợi ích cũng như cách tạo một sơ đồ tư duy. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết. Chúc các bạn thành công với cách học mới này!

Chủ đề chính: #cách_học_hiệu_quả

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn