Woody Übermensch Mình thích thì mình viết thôi

So sánh thú vị giữa miền Bắc và miền Nam Trung Quốc

Đăng 7 năm trước

Trong lịch sử, miền Bắc Trung Quốc luôn dễ dàng chiến thắng và tiêu diệt các quốc gia miền Nam Trung Quốc.

Lưu ý: Để cho đơn giản, trong bài viết này, miền Bắc là chỉ "miền Bắc Trung Quốc" và miền Nam là chỉ "miền Nam Trung Quốc".

Ranh giới địa lý phân chia miền Bắc và miền Nam Trung Quốc là sông Hoài, núi Tần. Nhưng ở một số tỉnh miền Đông, sông Dương Tử được coi là ranh giới Bắc Nam.

Trong lịch sử, miền Bắc Trung Quốc luôn dễ dàng chiến thắng và tiêu diệt các quốc gia miền Nam Trung Quốc. Tần diệt Sở Ngô, Nguỵ diệt Thục, Tấn diệt Ngô, Tuỳ diệt Lương Trần, Tống diệt Hậu Thục Nam Đường Ngô Việt, Nguyên diệt Nam Tống, cho đến Thanh diệt Nam Minh, Tam Phiên Thái bình thiên quốc. Từ thời Tần trở đi, quy luật này luôn đúng, không có một ngoại lệ.

Về cơ bản có 3 nguyên nhân chính sau:

1.Cuộc sống du mục (và đôi khi cướp bóc) khiến người miền Bắc quen thuộc với việc chiến đấu hơn người miền Nam. Chiến tranh giữa các bộ tộc du mục miền Bắc xảy ra thường xuyên, trong khi miền Nam với nền kinh tế nông nghiệp thì tương đối yên ổn hơn. Thể chất người miền Bắc cũng cao to và mạnh mẽ hơn người miền Nam.

2.Do đặc điểm khí hậu, miền Bắc không trồng được lúa nước nên lương thực chủ yếu của họ là lúa mì (và kê). Trong khi đó lương thực chủ yếu của miền Nam là gạo và bắp. Điều này chính là nguyên nhân quan trọng nhất làm nảy sinh sự khác biệt về văn hóa, tính cách của người dân 2 miền. Nền nông nghiệp lúa nước phụ thuộc vào một hệ thống thoát nước và đòi hỏi nhiều lao động, trong khi nó trồng lúa mì phụ thuộc chủ yếu vào lượng mưa và đòi hỏi ít lao động hơn. Điều đó dẫn tới Nam Trung Quốc đã phát triển một nền văn hóa thúc đẩy hành vi hợp tác, và miền Bắc Trung Quốc phát triển một nền văn hóa thiên về độc lập và chủ nghĩa cá nhân hơn. Người miền Nam dè dặt, thận trọng, siêng năng, thông minh (gian xảo) hơn, người miền Bắc trung thực, thẳng thắn, chất phác, mạnh mẽ, hung hăng, thích gây gổ hơn. Khi đàn ông miền Bắc bất đồng, họ đánh nhau, khi đàn ông miền Nam bất đồng, họ chửi nhau (giống người Việt Nam). Phụ nữ miền Bắc tuân phục và nhu mì hơn, phụ nữ miền Nam “chó cái” hơn. Xã hội miền Bắc là phụ hệ, xã hội miền Nam có thiên hướng mẫu hệ (nhưng chưa đến mức mẫu hệ như Việt Nam).

3.Ngựa cũng là một yếu tố rất quan trọng. Miền Bắc có rất nhiều ngựa, trong khi đó miền Nam do đặc điểm địa hình và khí hậu rất khó để nuôi dưỡng một số lượng lớn ngựa như miền Bắc. Kỵ binh là một lợi thế rất lớn giúp miền Bắc tiêu diệt các quốc gia miền Nam. Quân Nguyên Mông thất bại ở Việt Nam là một ngoại lệ, không phải do người Việt Nam thiện chiến hay thế nào, mà chủ yếu vì 2 lý do: một là địa hình núi rừng của Việt Nam không thích hợp kỵ binh, hai là bệnh sốt rét, tiêu chảy… đã tiêu diệt rất nhiều sinh lực của quân đội phương Bắc vốn không hợp thủy thổ nơi đây. Kết quả quân Việt Nam về cơ bản không cần chiến đấu, chỉ cần bỏ trốn (sách lịch sử hay gọi là chiến thuật vườn không nhà trống) rồi chờ thời cơ phản công cũng đủ để chiến thắng. Thực ra chiến thuật vườn không nhà trống là một chiến thuật rất chính xác trong tình huống này – không có ý mỉa mai.

Đó là quá khứ. Còn Trung Quốc hiện đại thì như thế nào?

Kể từ khi Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách mở cửa về kinh tế cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 cho tới nay, miền Nam Trung Quốc đã có nền kinh tế phát triển mạnh hơn miền Bắc. Đó là nhờ những lý do sau:

1.Đặng Tiểu Bình thực hiện chiến lược phát triển đất nước từ phía Đông sang phía Tây, do đó các tỉnh phía Đông (đặc biệt là Đông Nam) đã được chú trọng phát triển trước. Kết quả là hiện nay 10 tỉnh có GDP bình quân đầu người cao nhất đều là các tỉnh phía Đông. Và Đông Nam cũng phát triển hơn Đông Bắc. Quảng Đông và Phúc Kiến là 2 tỉnh được lựa chọn để xây dựng đặc khu kinh tế vào những năm 80 và sau đó là Thượng Hải, Phố Đông. Mặc dù sự chênh lệch Đông Tây nổi bật hơn nhưng sự chênh lệch Bắc Nam cũng rất đáng kể.

2.Nam Trung Quốc kết nối nhiều hơn với những người Trung Quốc ở nước ngoài. Ví dụ cộng đồng người Hoa ở Việt Nam chủ yếu là người Quảng Đông và Tiều Châu.

3.Nam Trung Quốc gần Hồng Kông. Thẩm Quyến có sự phát triển tuyệt vời như hiện tại, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất là nó nằm gần Hồng Kông. Thẩm Quyến từ một làng chài nhỏ đã nhanh chóng phát triển thành một thành phố như thế này:

4.Người miền Bắc giỏi chiến tranh, nhưng người miền Nam giỏi sản xuất và kinh doanh hơn. Hơn nữa khí hậu miền Bắc vào mùa đông quá lạnh ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và công việc.

5.Miền Bắc Trung Quốc có nhiều khoáng sản khiến cho nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào công nghiệp nặng và công nghiệp khai khoáng. Khi tài nguyên cạn kiệt dần, việc chuyển đổi các ngành công nghiệp nặng sang lĩnh vực khác là rất khó khăn. Khoáng sản không phải lúc nào cũng là lợi thế, đôi khi nó là một lời nguyền. Nếu Việt Nam cũng nghèo nàn khoáng sản như Nhật Bản, nhiều khả năng người Việt sẽ có một tính cách khác và đất nước cũng sẽ phát triển hơn cả về kinh tế và khoa hoc kỹ thuật, môi trường cũng ít ô nhiễm hơn.

6.Trước mở cửa, Nam Trung Quốc nhìn chung kém phát triển hơn miền Bắc, vì vậy nó có ít gánh nặng hơn để cải cách. Trong khi đó miền Đông Bắc Trung Quốc có một nền kinh tế bị kiểm soát chặt chẽ bởi chính phủ và rất khó cải cách. Thậm chí ở Đông Bắc vẫn còn những khu công nghiệp lỗi thời lạc hậu để lại từ thời phát xít Nhật.

7.Miền Bắc khô hạn hơn miền Nam. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống cũng như sự phát triển kinh tế.

Đây là một làng quê nghèo ở miền Bắc:

Và đây là một làng quê nghèo ở miền Nam:

Mặc dù hiện tại miền Nam phát triển về kinh tế hơn nhưng quyền lực chính trị luôn nằm trong tay miền Bắc.


Tác giả: Woody Übermensch - Ohay TV

******************************

Các bài viết khác của tôi có thể bạn sẽ thích:

Chủ đề chính: #miền_Bắc

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn