Bảo Thanh Lương

Sơn Tinh, Thủy Tinh

Đăng 5 năm trước

Hùng Vương thuở đó có người con gái tên là Mỵ Nương, dung mạo tuyệt luân, nhan sắc khuynh thành. Vua từ chối không gả nàng cho Thục Vương vì nghi là muốn dòm ngó nước ta, nên có ý tìm khắp trong nước xem kẻ nào có kỳ tài dị thuật thì gả con gái cho.

Sơn Tinh và Thủy Tinhcùng đến ứng tuyển. Hùng Vương cho thi tài. Sơn Tinh có thuật xem suốt ngọc đá.Thủy Tinh có thuật nhập vào nước lửa, người nào cũng có tài linh thông. Hùng Vương cả mừng, bảo Lạc Hầu rằng: 

- Xem tài của hai chàng ta thấy đều nên gả con cho cả. Hiềm vì ta chỉ có mộtcon gái thì tính sao bây giờ? 

Lạc Hầu tâu: - Vua nên hẹn với hai chàng, hễ ai cưới trước thời được. 

Hùng Vương cho là phải, bèn bảo với hai chàng về chuẩn bị lễ vật; sớm mai hễ aitới trước với nhiều vật lạ của quý thì gả cho. Tinh sương hôm sau, Sơn Tinh đã tới với những thổ vật như: vàng, bạc, ngọc báu,tê giác, voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao và một chĩnh vàng cốm.Hùng Vương đẹp lòng lắm, gả Mỵ Nương cho Sơn Tinh rước vợ về, đem lên núi LôiSơn. 

Thủy Tinh đem thủy vật tới như: trân châu, đồi mồi, san hô, hổ phách, cá kình,cá nghê cùng các thứ cá ngon mỗi thứ một trăm. Nhưng vì tới muộn, Mỵ Nương đãtheo Sơn Tinh đi mất rồi. Thủy Tinh đại nộ, đem quân đuổi theo những muốnnghiền nát núi Lôi Sơn, 

Sơn Tinh dời lên chóp núi Tản Viên, làm ra lưới sắtchặn ngang đường thượng lưu huyện Từ Liêm. Thủy Tinh bèn đi đường khác, tự sông Lý nhân vào sát chân núi Quảng oai, men bờ lên cửa sông Hát giang, rồi ra sông Lư (sông Cái), vào sông Đà để đánh mé sau núi Tản Viên. Lại mở ra các sông nhỏ để đem nước vào đánh mé trước núi; đi qua các làng Cam Giá, Đông Lân, Cổ Nhạc, My Xá, đi đến đâu xoáy nước xuống thành vực để làm chỗ cho giống thủy tộc ở, rồi tiến nước đánh nhau với Sơn Tinh. 

Nhưng nước dâng cao chừng nào, núi lên cao chừng ấy. Sơn Tinh cho bộ hạ nhổ bao nhiêu gốc cây to lớn lấp đầy các hang hố, tuôn đá, gỗ từ trên núi xuống ầm ầm. Dân chúng miền núi hợp sức đóng cọc, đan phên đổ đất đắp đê tận lực giúp SơnTinh. Cuộc giao tranh ác liệt kéo dài trong mấy ngày đêm, long trời lở đất ,quân thủy tộc chết trôi đầy đồng, có chỗ xác dồn lại bế tắc cả khúc sông. 

Cuối cùng quyết định hơn thua, Thủy Tinh cỡi rồng xông lên, thúc rồng phóng vòi dài trăm trượng chụp bắt lấy Sơn Tinh đang đứng trên một đám mây. Sơn Tinh thả sét ra chớp nhoáng, chặt đứt vòi rồng làm mấy đoạn. Liệu không thể thắng nổi tình địch, Thủy Tinh đành hạ nước xuống cho quân rút lui. Tuy thất bại, nhưng Thủy Tinh vẫn không quên mối thù, nên từ đó, mỗi năm vào khoảng tháng bảy tháng tám, Thủy Tinh lại dâng nước lên đánh nhau với Sơn Tinh một trận để nhắc nhở mối hận tình ngàn đời. 

Sự biến hóa của Tản Viên sơn thần không biết đâu mà lường được, phàm ai có lòng thành thì cầu được ước thấy; ai nhờn nhỡ tất gặp tai nạn ngay. Vào những ngày đẹp, thần thường hiện hình chơi các nơi khe suối, có đám mây phủ như hình tán quạt. Dưới thời nước Nam bị nội thuộc nhà Đường, Cao Biền sang làm Đô hộ, muốn trấn yểm các nơi linh tích, thường bắt đứa con gái 17-18 tuổi chưa chồng, cho ăn đủ hoa quả, mặc áo xiêm lịch sự đặt lên ngồi trên ngôi, giết trâu bò tế bái để cho thần phụ vào người con gái ấy, rồi rình khi cất nhắc chân tay, thốt nhiên chém đi. Đó là chước thuật Cao Biền thường dùng để trấn áp bách thần. Khi Biền dùng mẹo ấy cúng thần Tản Viên, thì thần cưỡi ngựa trắng, ngồi trên đám mây nhổ vào cỗ tế mà đi. Cao Biền than rằng: “Linh khí nước Nam còn thịnh vượng lắm, không tài nào mà trừ được. 

Về đời Trần, quan hàn lâm Nguyễn Sĩ cố nhân đi đánh giặc qua đền ngài, có đem lễ vào khấn, rồi đề một bài thơ rằng: 

Non ngất thần thiêng lẫm liệt thay! 

Động lòng đã thấu tới cao dày, 

Mỵ Nương cũng hiển oai linh lắm, 

Xin giúp thư sinh một chuyến này. 

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn