Nguyễn Lam Ngọc

Sống thử - Đã bao giờ là biểu hiện của đạo đức?

Đăng 6 năm trước

Liệu đã đến lúc chúng ta nhận ra những gì là định kiến và xóa bỏ nó khỏi nếp tư duy của thế kỉ 21? 'Sống thử', cũng như những điều mà trước nay người ta vẫn đổ cho là xấu xa khác, có lẽ không có lỗi. Có chăng, lỗi là ở chính bản thân mỗi người...

Có lẽ hiện nay, xã hội không còn xa lạ với thuật ngữ khá tế nhị và gây nhiều tranh cãi "sống thử". Cụm từ này được sử dụng để chỉ một cách sống mới được cho là khá "lệch lạc" của giới trẻ khi họ chung sống như vợ chồng mà chưa qua đăng kí kết hôn hay cưới hỏi. 

Đây được coi là một trào lưu du nhập từ phương Tây, nơi có phong cách suy nghĩ khá "thoáng" nhưng lại không phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt. Nhiều người cho rằng "sống thử" không những đi ngược lại với văn hóa đạo đức, mà còn dễ dẫn đến nhiều vấn đề xã hội khác đáng lo ngại. Cụ thể, tình trạng quan hệ trước hôn nhân là khó tránh khỏi khi hai người đã "sống thử". Và như vậy sẽ kéo theo hệ lụy nghiêm trọng hơn như mang thai ngoài ý muốn, phá thai,...

Tuy nhiên, sống thử có thực sự đáng bị chỉ trích đến như thế?

Hãy nhìn lại "xu hướng đổ lỗi" khá quen thuộc trong cách tư duy đầy định kiến của chúng ta. Chúng ta cũng đã từng đổ lỗi cho game online là làm suy đồi đạo đức và mất kiểm soát hành vi vì nghiện game. Nhưng thực sự lỗi là do ai? Do game cùng những chiêu trò câu dụ của nhà sản xuất, hay do người chơi đã không làm chủ được chính bản thân mình? Chắc hẳn ai cũng đã có câu trả lời cho mình, nhưng chúng ta lại không muốn tin rằng mình sai, và lại đi đổ lỗi...

Sống thử cũng tương tự như vậy. Có dẫn đến những hậu quả không mong muốn hay không, là do ý thức của cá nhân. Nếu bạn đủ trưởng thành và nghĩ rằng mối quan hệ của hai bên đã đủ vững chắc để tiến đến một mối quan hệ gần gũi hơn, như "người một nhà", nhưng lại chưa thể kết hôn, thì sống thử, tại sao không?

Trước khi để định kiến che lấp lý trí, hãy kể đến những ưu điểm mà "sống thử" mang lại.

Đầu tiên, nó sẽ giúp bạn hiểu được người mà bạn đã lựa chọn để yêu thương kia có bản chất thực sự thế nào. Đôi khi bạn nghĩ rằng các bạn đã yêu nhau đủ lâu để hiểu rõ tất cả về nhau. Nhưng không đâu. Chỉ khi đã ở nhà, con người mới có thể thoải mái bộc lộ mọi thói quen, tính cách của mình mà không hề đề phòng. Và đó cũng chính là lý do "hôn nhân là nấm mồ của tình yêu". Vậy sống thử, để nếu cảm thấy không thực sự hợp nhau, không thể dung hòa, thì sự chia tay - so với hôn nhân - là nhẹ nhàng và ít rủi ro hơn rất nhiều.

Còn nếu các bạn hòa hợp được cả về tính cách và thói quen sinh hoạt, thì sống thử sẽ là một sợi dây gắn kết bền chặt, như người thân trong gia đình vậy. Sẽ không còn những lúc nhớ nhung vì bận rộn mà không thể gặp mặt, sẽ không còn chờ đợi từng tin nhắn mà không biết đối phương đang làm gì. Bởi giờ đây, hai bạn làm gì cũng có nhau cả.

Còn chưa kể đến những lợi ích về kinh tế mà "sống thử" mang lại. Vậy nếu đã sẵn sàng, chẳng có lý do gì mà người trẻ không được phép "sống thử", chẳng có lý do gì để xã hội áp đặt định kiến và đánh giá nhân phẩm của họ!

Chủ đề chính: #sống_thử

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn