Hoa Vien Yêu màu mây, màu violet. Thích mùa thu dịu ngọt. Ghét mùa hè nóng bỏng.

Sự bùng nổ về doanh số của các hàng quán nhờ đơn hàng online

Đăng 4 năm trước

Sở dĩ doanh số ngày càng phát triển, ngoài món ăn của cửa hàng ngon, lạ miệng, việc nở rộ các ứng dụng đặt thức ăn đã giúp đơn hàng tăng mạnh.

Cô Hương, chủ một quán mì tiềm hơn 25 năm tại quận Phú Nhuận, TP HCM cho biết, khoảng 7-8 năm trở lại đây, kinh doanh của quán ngày càng đi xuống. “Có khách thích ra ăn tại nhà hàng, có khách thích đặt đồ ăn qua điện thoại vì nghe nói đặt trên “áp" được giảm giá nhiều, lại không cần tốn xăng chạy xe ra quán”, cô Hương nói.

 Nguồn vốn có hạn, tầm nhìn bó hẹp, hoạt động tự phát là những điểm nghẽn trong kinh doanh ở các cửa hàng nhỏ lẻ như quán mì của cô Hương. Thay vì vận động thay đổi để phát triển, các chủ quán chọn cách thu gọn kinh doanh nhằm cắt lỗ, từ đó dẫn đến kinh doanh ngày càng thiếu hiệu quả. Cộng thêm sức ép từ chi phí mặt bằng, nhân công, nguyên liệu… việc đóng cửa có lẽ chỉ là sớm muộn. 

Trong bối cảnh đó, số hàng quán phất lên nhờ đổi mới tư duy buôn bán, tập trung nguồn lực để kinh doanh trực tuyến ngày càng nhiều. Việc “lên app" theo đó cũng trở thành phương án tối ưu cho tình trạng doanh thu sụt giảm của các cửa hàng kinh doanh ăn uống, đặc biệt là hàng quán nhỏ lẻ vốn không sở hữu nhiều lợi thế cạnh tranh.

Yếu tố nan giải nhất trong bài toán kinh doanh của hàng quán hiện nay - “hút khách" - đã được các doanh nghiệp giao vận khắc phục triệt để. “Đăng ký lên ứng dụng xong, quán có nhiều “khách lạ” ghé ăn và mua về hơn hẳn. Lượng người mua qua app cũng rất đông, tôi phải thuê thêm tận 3 nhân viên mới làm xuể công việc tại quán”, cô Hương chia sẻ sau 3 tháng đem quán ăn “lên app".

Cũng phấn khởi khi doanh số liên tục tăng trưởng, chị Thanh, chủ cửa hàng bún đậu mắm tôm trên đường Phan Văn Trị (Gò Vấp) cho biết, hiện nay 60% doanh số bán hàng của cửa hàng chị đến từ các dịch vụ giao hàng, 40% là khách đến quán. 

"Lý do khiến đơn hàng từ các ứng dụng giao hàng cao hơn vì khách được hưởng nhiều ưu đãi, khuyến mãi. Mặt khác, thay vì chỉ áp dụng một ứng dụng đặt hàng như trước đây thì món bún đậu có thể bán được ở trên 3-4 app. Dù lợi nhuận trên món không cao như bán tại cửa hàng nhưng đổi lại lượng khách mua hàng đông", chủ cửa hàng trên chia sẻ.

Không chỉ hàng quán hưởng lợi, ngay cả tài xế tham gia giao hàng cũng cho biết thu nhập thông qua dịch vụ gọi thức ăn của họ cao hơn hẳn so với chạy xe thông thường. Anh Hòa, một nhân viên giao hàng cho biết, ngoài tham gia chạy xe ôm công nghệ, anh còn tham gia giao thức ăn 3 tiếng vào buổi trưa và chiều nên mỗi ngày kiếm thêm 150.000 - 300.000 đồng. Đặc biệt, những khách hàng thân thiện còn thường xuyên "tip" thêm mỗi khi nhận hàng ưng ý. 

"Giao đồ ăn phải chạy trong quãng đường ngắn, nhưng bù lại người giao được hãng hỗ trợ, đảm bảo doanh thu 25.000 - 45.000 đồng một cuốc xe. Ngoài ra, với những đơn hàng thanh toán không thành công chúng tôi vẫn được đền bù hợp lý", anh Hòa bộc bạch.Nằm trong danh sách được hưởng lợi từ ứng dụng gọi xe, giao đồ ăn, các đơn vị thanh toán cho biết doanh thu, lợi nhuận đến từ các ứng dụng này không hề nhỏ. 

Thông qua công nghệ (#TechforGood), việc tối ưu hoá quy trình vận hành trong từng công đoạn như sản xuất, đóng gói, giao hàng, truyền thông… của các hàng quán hiện nay cũng được các dịch vụ đặt món nhiệt tình hỗ trợ. 

Sự bùng nổ của các dịch vụ gọi món trực tuyến cũng góp phần tạo nên diện mạo chưa từng có cho ngành kinh doanh ăn uống tại Việt Nam. Ngày càng nhiều cửa hàng sinh ra để phục vụ việc kinh doanh qua ứng dụng, hoặc thu gọn mô hình phục vụ tại chỗ để đẩy mạnh mảng online. Và hiển nhiên, sự tối giản hoá vẫn là điều cần thiết nhằm giải quyết bài toán chi phí vận hành trong kinh doanh ăn uống.

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn