NHQ

Điểm lại một số sự kiện nổi bật năm 2015 trên thế giới

Đăng 8 năm trước

Bài viết được tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn nhằm có cái nhìn chung nhất về tình hình thế giới trong năm 2015

2015 là năm của nước mắt (Theo larrypatten.com)hNăm 2015 gần qua đi cho dù có nhiều thành tựu ở nhiều lĩnh vực nhưng có vẻ như không thể bù đắp cho những giọt nước mắt về sự mất mát người thân và nỗi lo sợ một hiểm họa mới ngày càng lớn dần. Ở rất nhiều nơi trên trái đất này, tiếng cười trở nên khó mua và sự bình yên trở thành khó đoán định.

Paris bị cú đúp khủng bố

Biểu tình phản đối khủng bố tại Paris (Theo sify.com)

Ngày 7 tháng 1, vụ xả súng bất ngờ vào trụ sở của tờ báo trào phúng nổi tiếng của Pháp là Charile Hebdo khiến Paris ngỡ ngàng, làm 12 người thiệt mạng, 11 người khác bị thương, trở thành thương vong lớn nhất tại Pháp sau 64 năm kể từ vụ đánh bom chuyến tàu Satrasbourg – Paris năm 1961 khiến 28 người thiệt mạng. Nguyên nhân không bất ngờ nhất là Charlie Hebdo vốn là mục tiêu không kích của thành phần cực đoan khắp thế giới vì nội dung của tạp chí thường xuyên đề cập đến các vấn đề tôn giáo. Bất chấp vụ tấn công, Charlie Hebdo vẫn phát hành số tiếp theo nhằm phát ra thông điệp không hề sợ hãi, với sự ủng hộ mạnh mẽ của công chúng khắp châu Âu để ủng hộ quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí và phản đối chủ nghĩa khủng bố.

Phải dùng từ “Nhưng” với Paris vì chủ nghĩa khủng bố không hề buông tha thủ đô tươi đẹp này. Một lần nữa Pháp không chỉ chảy máu trong tim vì cơn ác mộng kinh hoàng của đêm thứ Sáu ngày 13/11 làm 130 người chết và 350 người bị thương. Trong khi các bên đang mải thảo luận và tranh cãi về một phương án tối ưu nhằm kiểm soát và tiêu diệt sự hung hãn của “thế lực mới nổi” IS, những khóc than về mất mát cũng như niệm chú cho sự an toàn của thường dân đang trở thành niềm tin mãnh liệt hơn bao giờ hết. Liệu “chiếc vòng kim cô” cho IS có sớm được tìm ra trước khi có những giọt nước mắt tiếp theo lăn rơi?

Máy bay tử nạn tại Sinai và sự can thiệp nội chiến Syria của Nga

Cuộc không kích của Nga tại Syria (Theo AP)

Năm 2015, lịch sử hàng không ghi nhận thêm tai nạn của chuyến bay 9268 bị rơi trên bán đảo Sinai - Ai Cập làm 224 người mất mạng vào ngày 30/10. Sự khác biệt của vụ tai nạn này ở chỗ chủ nhân của chiếc máy bay là của Nga, và hơn thế nó xảy ra trong bối cảnh Nga đang triển khai chiến dịch không kích chống lại IS và những phe đối lập khác của chính phủ Syria bắt đầu từ ngày 30/9. Trong khi Mỹ và phương Tây ngay lập tức đoán thủ phạm là IS thì kết luận thận trọng và chắc chắn của Nga cho thấy một căn cứ đáp trả rất riêng và thông minh của Putin đối với chiến sự tại Syria. Thậm chí Putin còn tuyên bố sẽ không kích Syria cho tới khi nào tiêu diệt hết những kẻ phải chịu trách nhiệm về vụ đánh bom máy bay.

Việc Nga can dự sâu vào chiến sự tại Syria mà theo Putin là hợp lý và chính nghĩa với yêu cầu từ chính phủ nước Trung Đông cho thấy một nước cờ rất bất ngờ và khôn ngoan. Dù có nhiều tranh cãi xảy ra giữa các bên liên quan về động cơ thực sự của Nga tại Syria là gì thì người dân thế giới lại kỳ vọng một nước Nga trỗi dậy có khả năng oanh tạc và làm sợ hãi các căn cứ của IS mà hơn một năm qua, Mỹ và đồng minh phương Tây và Ả Rập chưa thể làm được.

Dần dần thì sự tham gia của quân đội Nga vào chiến sự ở Syria kéo theo nhiều chứng kiến từ các nước, tất nhiên phần lớn là sự đồng thuận. Mỹ cho biết có thể hợp tác với Nga khi có bối cảnh thích hợp. Pháp được Putin gọi là “đồng minh” sau vụ khủng bố đẫm máu của IS tại Paris. Đầu tháng 12, Trung Quốc bất ngờ lên tiếng ủng hộ chiến dịch chống IS của Nga. Ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump trong một bài phát biểu tranh cử khẳng định ủng hộ Putin 100%. Iraq, Iran cũng đã chính thức đưa tiếng nói ủng hộ chiến dịch không kích IS của Nga.

Hiệp định thương mại TPP được ký kết bởi 12 nước

Biểu đồ các nước tham gia TPP (Theo CCTV)

Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính thức thông qua vào 5/10/2015 đã mở ra một sân chơi mới không chỉ cho những người trong cuộc mà còn ảnh hưởng đến địa kinh tế toàn cầu, đóng góp trên 40% GDP và khoảng 30% trao đổi thương mại. Sở dĩ như vậy vì TPP được xem là hình mẫu cho hợp tác kinh tế khu vực trong những năm đầu thế kỷ 21. Các nước trong TPP đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình; xóa bỏ thuế xuất khẩu hoặc chỉ duy trì ở mức hạn chế, không mở rộng thêm thuế xuất nhập khẩu trong tương lai, các quốc gia thực hiện luật lao động và môi trường chặt chẽ hơn, củng cố rào chắn pháp lý cho các công ty dược, kéo dài thời kỳ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Mặc dù vậy, TPP gây nhiều tranh cãi vì nhiều vấn đề được đề cập nằm ngoài phạm trù thương mại cũng như các cuộc đàm phán được thực hiện bí mật.

Những kỳ vọng về TPP có hiện thực hóa được hay không thì còn chờ một khoảng thời gian ngắn nữa khi quốc hội 12 nước đều đồng ý thông qua, trong đó đầu tàu là Quốc hội Mỹ. Và có vẻ như sẽ có nhiều hơn một khả năng khi đúng thời điểm hiện nay nước Mỹ đang mải với các cuộc vận động tranh cử tổng thống mới. Số phận của TPP với Mỹ chưa rõ sẽ như thế nào khi Quốc hội nhiệm kỳ mới được hình thành.

Nước được tìm thấy trên sao Hỏa

Nước trên sao Hỏa (Theo NASA)

Sự kiện NASA tìm thấy nước trên sao Hỏa được xem là bước đột phá mới, một trong những yếu tố tiên quyết để cho thấy sự sống tồn tại trên Hành tinh Đỏ này, là căn cứ chứng minh có sự tồn tại của người ngoài hành tinh và có ảnh hưởng rất lớn đến các nghiên cứu và khám phá khác cho khoa học vũ trụ trong tương lai. Trước đó năm 2008, giới khoa học khẳng định trên sao Hỏa tồn tại nước đóng băng, bao gồm ở cả hai cực; năm 2011, nhà nghiên cứu Jujendra ở Viện Công nghệ Georgia là người khám phá có thể có nước mặn chảy trên sao Hỏa. Theo NASA công bố vào tháng 9/2015, những vệt nước chỉ xuất hiện khi nhiệt độ bề mặt sao Hỏa vượt qua ngưỡng âm 23 độ C và mặn hơn so với nước trên trái Đất. Nước tinh khiết chắc chắn không ổn định trong khí quyển khắc nghiệt của sao Hỏa, đó là do nước muối có khả năng cao tồn tại dưới dạng đóng băng hoặc bị bốc hơi trong thời gian chuyển mùa nóng lạnh ở đây. Tháng 10/2015, NASA cung cấp thêm thông tin về dấu vết cho thấy có những dòng nước và hồ tồn tại khoảng 3.8 đến 3.3 tỷ năm. Có vẻ như sao Hỏa của hàng tỷ năm trước rất tương đồng với trái đất hôm nay.

Thảm họa xô đẩy tại Mecca Haji

Đoàn người tại Thánh địa Mecca (Theo ibTimes)

Năm 2015 chứng kiến thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử lễ hành hương Haji trong vòng 25 năm trở lại đây ở Saudi Arabia ngày 24/9 với 717 người thiệt mạng, 805 người bị thương, nhưng một thông tin khác được đưa ra có thể số người thiệt mạng lên tới khoảng 1.100 người , cao hơn rất nhiều so với con số mà Saudi Arabia công bố. Nguyên nhân là do một số lượng lớn người hành hương xô đẩy chen lấn khi tiến hành nghi lễ “ném đá quỷ dữ” tượng trưng cho việc loại bỏ cái ác. Năm 2015 có khoảng 2 triệu người tham gia lễ hành hương, một nghi lễ tôn giáo lớn nhất thế giới, hàng năm thu hút hàng triệu tín đồ Hồi giáo từ khắp nơi các châu lục. Cũng liên quan đến nghi lễ này, ngày 11/9 trước đó, tại Đại Thánh đường của Thánh địa Mecca đã xảy ra vụ sập cần cẩu làm 108 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương. Mức độ nghiêm trọng của thảm họa bị đẩy lên cao khi đào sâu thêm mâu thuẫn giữa Iran và Saudi Arabia. Iran chỉ trích chính quyền Saudia Arabia tổ chức yếu kém, thiếu an toàn trong khi Saudia Arabia phản bác Iran sử dụng vụ tai nạn này như một nước cờ chính trị nhằm vào Saudia Arabia.

Vụ bê bối khí thải của Volkswagen

Vụ bê bối khí thải đẩy VW vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng (Theo autocar.co.uk)

Vụ việc nổ ra từ quá trình thực hiện dự án đánh giá mức khí thải của ô tô động cơ diesel châu Âu sản xuất cho thị trường Mỹ của một nhóm các nhà khoa học ở Tây Virginia. Kết quả thu thập được cho thấy chiếc Passat của Volkswagen (VW) có lượng khí thải Nox cao gấp 20 lần so với kết quả kiểm tra trong phòng thí nghiệm. Sự việc đã đẩy VW vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong lịch sử tồn tại.

Chỉnh phủ Đức cho biết vụ bê bối gian lận khí thải của Tập đoàn sản xuất xe hơi hàng đầu thế giới của nước này đã gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế trong nước, chưa kể người tiêu dùng mất lòng tin vào hãng. Ngay sau khi thừa nhận, VW thông báo thu hồi 11 triệu xe trên toàn thế giới để khắc phục sự cố. Tập đoàn thậm chí đã chi 6,5 tỷ USD (tương đương 7,3 tỷ USD) cho chiến dịch khắc phục hậu quả. Hành vi gian lận của VW có thể bị phạt tới hơn 18 tỷ USD. Một nguồn tin của Reuters chô hay VW đã yêu cầu ngân hàng cung cấp khoản tín dụng 20 tỷ euro (21,1 tỷ USD). Sức ép tài chính có thể sẽ buộc VW phải bán bớt một số tài sản như các thương hiệu xe sang Bentley, Lamborghini và Ducati.

Vụ thu hồi xe của VW trên toàn thế giới được coi là một trong những vụ thu hồi lớn nhất trong lịch sử cũng là vụ bê bối lớn nhất trong lịch sử 78 năm của hãng này. Trước đó năm 2009 -2010, tập đoàn Toyota thu hồi 10 triệu xe.

Khủng hoảng tị nạn châu Âu

Hàng ngàn người tị nạn đi bộ từ biên giới Hungary sang Áo (Theo telegraph.co.uk)

Chỉ khi hàng triệu người nối đuôi nhau “đổ bộ” vất vưởng ở các khu vực biên giới châu Âu, mặc dù trước đó người dân Syria đã tha hương nhiều nơi đất khách quê người, người ta mới đi tìm hiểu tại sao châu Âu lại lâm vào một khủng hoảng về người kinh hoàng đến như vậy. Một đất nước mà ở đó người dân coi chính phủ là độc tài, tổng thống phát động cuộc nội chiến, mọi phe phái và đặc biệt là IS nhảy vào cuộc chiến đã làm cho tình hình chiến sự trở nên vô cùng phức tạp. Con đường đi của 4 triệu dân Syria không chốn dung thân chỉ có thể là láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Lebanon, Jordan và Ai Cập và không thể là khối Vùng vịnh giàu mạnh vì ở nơi đây không hề tiếp nhận dù chỉ một người tị nạn. Tất cả hệ lụy bị sinh ra từ đó: cứu trợ, bệnh dịch, đói khát, mất mát… Sự khốn cùng này sẽ bị quên lãng nếu như không có hình ảnh em bé Syria chết trên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ. “Lục địa già” lâm vào tình cảnh bắt buộc phải xử lý vấn đề người tị nạn ở thời điểm hiện tại và bắt đầu phải nghĩ đến phương án giải quyết viễn cảnh khủng hoảng di cư ở tương lai, một mối lo đau đầu không kém gì kinh tế và thất nghiệp. Hệ quả này sẽ vẫn được tiếp tục nhắc đến về các giá trị phương tây và các mối nguy hại bất ổn của địa chính trị thế giới đầu thế kỷ 21.

Chủ đề chính: #sự_kiện_nổi_bật_thế_giới

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn