Ngô Văn Khương

Sự tàn ác của văn hóa mạng và nỗi đau của truyền thông

Đăng 8 năm trước

Cô gái đã tìm đến cái chết vì không chịu nổi sức ép dư luận. Sự săn lùng của cộng đồng mạng và truyền thông là liều thuốc độc giết chết cuộc đời em.

Mô tả hình ảnh

“Mọi người có thôi hay không? Em sai em nhận hết, đừng có bàn tán nữa. Im cả đi. Mấy người không biết nghĩ à. Mấy người ép người khác vào đường cùng đúng không? Tôi van lạy mấy người hãy tha cho tôi”.

Đó là những dòng chữ cuối cùng của cô gái mới chớm tuổi 15 ở huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai), sớm phải giã từ cõi  đời vì không chịu nổi sự hả hê, những lời lẽ xúc phạm nặng nề của cộng đồng mạng sau khi xem clip ghi lại cảnh ái ân của cô bé với bạn trai, được chia sẻ với tốc độ chóng mặt.

Hàng nghìn lượt chia xẻ clip riêng tư này.

Tôi cứ tự hỏi, nhìn vào tấm di ảnh của cô bé có bao nhiêu trái tim thấy nhói đau? Thấy day dứt? Thấy mình thật nhẫn tâm khi đã viết những dòng chia sẻ, khiến cô bé phải thốt lên xin được cộng đồng mạng buông tha, xin đừng ép, đừng đẩy cô bé vào đường cùng?

Thế nhưng, dường như cộng đồng mạng vẫn cứ vô tư “chém gió”. Và cô bé đã tìm đến cái chết để tự giải thoát.

Nhà báo Thẩm Hồng Thụy đã gọi đích danh đó là “Sự tàn độc mang tên cộng đồng mạng”: Trong cộng đồng mạng, có những kẻ chuyên sống bằng niềm thích thú ném đá, chê bai bới móc người khác, có những kẻ chờ đợi người khác ngã ngựa, bị “bề hội đồng” thì mới hả hê.

Em- một cô bé đáng thương mới chập chững vào đời nhưng đã sớm vấp ngã bởi tình trường và em đã phải chết vì búa rìu của cộng đồng mạng. Em cũng không phải là trường hợp đầu tiên tự tử vì sức ép của dư luận.

Cha mẹ em đang vật vã bên quan tài con, không còn nước mắt để khóc thương cô con gái đoản mệnh thì không ít nhà báo lại tìm đến, khai thác triệt để lời tâm sự của cha mẹ em, biện minh cho cái gọi là đi tìm nguyên nhân của cái chết.

Tôi thực sự thấy nhói đau khi thấy xuất hiện hơn chục bài báo viết về cái chết của em mà nội dung thì na ná…chỉ có vậy thôi. Có ai đã đặt mình vào hoàn cảnh của cha mẹ em lúc này để mà chia sẻ, cảm thông?

Tôi còn nhớ cách đây cũng ngót nghét mười năm có lẻ, bé gái 8 tháng ở tỉnh Bắc Giang bị chấn thương nặng do bị xâm hại tình dục. Một tờ báo non trẻ vừa mới thành lập đã có bài viết chi tiết đến mức trần trụi về chuyện đau lòng này, tên bố mẹ, cháu bé và nơi ở cũng “phơi” đủ trên báo.

Nhìn dòng người cứ nườm nượp đổ về bệnh viện Việt Đức ( Hà Nội) để được nhìn tận mắt cháu bé, Giáo sư - bác sĩ Tôn Thất Bách - ngày ấy là Giám đốc bệnh viện Việt Đức đã phải thốt lên “Nhẫn tâm quá, không biết người cầm bút viết bài báo ấy nghĩ gì nếu con gái, em gái họ rơi vào hoàn cảnh thương tâm của cháu bé. Vết thương thực thể trên cơ thể cháu bé rồi sẽ lành lặn theo thời gian, nhưng bài báo đó sẽ theo cháu cả cuộc đời”.

Và không ít người - đối tượng săn lùng của cộng đồng mạng và truyền thông - đã tìm cách im lặng khi quyền riêng tư bị phơi bày trước bàn dân thiên hạ. Người có bản lĩnh đã chọn “ngồi xổm” trên dư luận, người cảm thấy bị tổn thương, bị xúc phạm lên tiếng, bèn bị quy chụp là “gái đĩ già mồm”. Nhưng với những người - đối tượng dễ bị tổn thương thì sức ép của dư luận chính là liều thuốc độc kết thúc cuộc đời họ.

Ai là người đã “giết chết” họ? Nói như nhà báo Thẩm Hồng Thụy thì: Thủ phạm không phải là những ngón tay, cũng không phải là những thao tác trên bàn phím viết ra những dòng chữ bới móc, miệt thị, tàn nhẫn. Thủ phạm chính là những trái tim đen tối, những cái đầu luôn tự cho mình được quyền phán xét, nhục mạ, quy chụp người khác.

Chủ đề chính: #mặt_trái_của_internet

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn