An Mộc ('': Yêu sự đơn giản - Simple is the best :")
Teacher, Student, Aunt, Daughter tại Tp HCM, Hà Nội, Đà Nẵng

Sự thấu cảm, lòng trắc ẩn, nhân cách, thái độ: con người có thể thay đổi?

Đăng 3 năm trước

Có rất nhiều bằng chứng cho thấy sự thấu cảm có thể được dạy trong thời thơ ấu, nhưng nó trở nên phức tạp hơn khi ta đã trở thành người lớn, đặc biệt là khi nó bị ép buộc.

Đó là câu hỏi đằng sau ngành công nghiệp self-help trị giá hàng tỷ đô la, sự gia tăng của các blog và podcast hứa hẹn biến bạn trở thành một con người tốt hơn, cũng như các meme “truyền cảm hứng” nhan nhản và trống rỗng.

Nó tạo ra một cảm giác rằng có lẽ chúng ta có thể, nên là, nhiều hơn chúng ta đang là.

Mặc dù vậy, cùng với tất cả những gì vô bổ và ngụy khoa học xung quanh câu hỏi đó, là một chút khoa học nghiêm túc về việc liệu con người có thể chuyển biến chính họ hay không và bằng cách nào.

Những thất bại gần đây ở Canberra đã cho thấy những hứa hẹn trong việc cải hóa con người. Người ủng hộ Đảng Quốc gia Tự do Andrew Laming làm hỏng bài học về sự thấu cảm sau khi xin lỗi do cách hành xử với phụ nữ trên mạng rồi lại chế giễu chính lời xin lỗi ấy trước khi bị buộc tội là đã chụp ảnh một phụ nữ đang cúi xuống.

Lãnh đạo quốc gia Michael McCormack cho rằng khán giả của ông sẽ cải thiện sau khi ngồi lắng nghe một chuyên gia trong khoảng “một giờ”.

Ý tưởng về sự hối cải có thể diễn ra dễ dàng như vậy đã gây ra một số hoài nghi. Một loạt các nhà tâm lý học đã cảnh báo ý tưởng "sửa chữa nhanh chóng", nói rằng bất kỳ khóa đào tạo nào có thể mang lại sự đổi thay nào kiểu như vậy cũng cần phải trên tinh thần tự nguyện, diễn ra trong thời gian dài và với cường độ cao.

Thế còn câu hỏi lớn hơn: liệu sự thay đổi có khả thi?

Raye Colbey nói vậy. Khi người phụ nữ ở Adelaide Hills nghe tin về chiếc thuyền chở những người xin tị nạn bị rơi trên Đảo Christmas vào năm 2010 (hàng chục người trong số họ đã chết), cô nghĩ: "Phục vụ cho những kẻ khốn các người ư". Sau đó, những người xin tị nạn chuyển đến khu phố của cô khi Trung tâm giam giữ Inverbrackie được thành lập, và cô phản đối quyết định đó.

Rồi, cô được đề nghị tham gia loạt phim tài liệu “Hãy Biến Về Nơi Các Người Đã Tới” (dịch từ tên tiếng Anh: Go Back To Where You Came From) của đài SBS, và cô đã đến Châu Phi và Malaysia để gặp gỡ những người hy vọng tìm được nơi nương náu.

“Chuyến đi đã thay đổi tôi, nó thực sự đã thay đổi tôi,” cô nói. “Giờ thì tôi có lòng trắc ẩn hơn nhiều rồi…”

Có vô số cách mà con người có thể thay đổi. Tiến sĩ Michelle Jongenelis, nhà nghiên cứu cấp cao (Trung tâm Thay đổi Hành vi của Đại học Melbourne), nói rằng thay đổi thì khó và phức tạp, nhưng có thể.

Có thể là mọi người đang thiếu kiến thức mang lại cho họ động lực cần thiết để thay đổi - chẳng hạn như nhiều người không nhận ra rằng rượu gây ung thư, vì vậy khoảng cách kiến thức cần được nối liền. Những người hút thuốc có thể không quan tâm đến việc chết sớm, nhưng họ sẽ quan tâm đến việc sống đủ lâu để đuổi chơi đuổi bắt với cháu trai cháu gái hoặc dành dụm cho một kỳ nghỉ.

Một khi người ta có động lực để thay đổi, họ cần tin rằng họ có thể thay đổi.

Jongenelis nói: “Sau đó là về thiết lập mục tiêu. Các mục tiêu cần phải thông minh: Cụ thể, có thể đo lường, có thể đạt được, thực tế và có thời hạn.”

Nhưng, xin chờ chút. Để duy trì những thay đổi, bạn phải tiếp tục đánh giá tình hình của mình để không bị thụt lùi. Và, Jongenelis nói, thay đổi hành vi khác với thay đổi đặc nét nhân cách - chẳng hạn như thay đổi mức độ thấu cảm của bạn.

Cô nói: “Sự thấu cảm khác với thái độ. Đối với một số người, đó không phải là thứ có thể dạy được."

Những thay đổi này có thể định hình thành công và thất bại của mọi người trong cuộc sống.

Các đặc nét nhân cách cũng vậy.

Một nghiên cứu tổng hợp năm 2018 gồm 50.000 người đã thấy bốn trong số “năm đặc nét lớn” - cởi mở, tận tâm, hướng ngoại, dễ chịu và nhiễu tâm - thay đổi trong suốt cuộc đời của một người. Sự dễ chịu thì suy giảm.

Nghiên cứu cho thấy: “Những người tham gia trở nên ổn định hơn về mặt cảm xúc (để dành cho việc gia tăng chứng loạn thần kinh vào cuối cuộc đời) nhưng nhìn chung ít dễ gần, ít cởi mở hơn, kém trật tự và kỷ luật hơn”.

Các kết quả về đặc nét thứ năm, sự dễ chịu, không tương đồng:

“Đặc nét “sự dễ chịu” (agreeableness) (liên quan đến sự ấm áp và đồng cảm), nhưng thực ra thì trong từng nghiên cứu riêng lẻ, người ta thấy đặc nét này có thay đổi, nhưng theo các hướng khác nhau đối với các nghiên cứu khác nhau (đôi khi tăng lên, đôi khi giảm đi), kết quả là nó có vẻ ổn định khi được xem xét tổng thể. ”

Vào năm 2019, một bài báo được xuất bản trên tạp chí American Psychologist cũng đã xem xét lại năm đặc nét nhân cách một lần nữa và thấy rằng các đặc nét nhân cách không phải là bất di bất dịch. Có những nghiên cứu khác ủng hộ những phát hiện này và còn cụ thể hơn rằng các sự kiện trong cuộc sống có thể thay đổi chúng ta (ví dụ: các sự kiện chấn thương và thậm chí các quá trình bao gồm cả thời kỳ mãn kinh).

Tuy nhiên, điều khiến mọi người tiếp tục viện đến ấn phẩm self-help là tự hỏi liệu họ có thể thay đổi tính cách của chính mình một cách cố ý, có chủ đích, theo một hướng cụ thể.

Một nghiên cứu gần đây được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Nhân cách cho thấy những người cố gắng thay đổi nhân cách của chính họ - mà không cần sự giúp đỡ - thường thất bại. Nghiên cứu đó một lần nữa xem xét năm đặc nét lớn và phát hiện ra một số người thậm chí còn thay đổi theo cách ngược lại với những gì họ muốn.

Tổ chức Thay đổi Tính cách (The Personality Change Consortium) là một nhóm các nhà nghiên cứu toàn cầu cùng làm việc về chủ đề này. Công bố gần đây nhất của họ lập luận rằng những đặc nét nhân cách không những có thể thay đổi một cách có chủ đích mà còn có một lập luận rằng chúng nên được thay đổi.

Các nhà nghiên cứu viết: “Những thay đổi này có thể làm nên những thành công và thất bại trong cuộc đời của mọi người. Do đó, các đặc nét nhân cách có thể chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng tại giao điểm của khoa học xã hội và chính sách công”.

Các nhà tâm lý học đã phát triển một loạt các mô hình và kỹ thuật đào tạo để thay đổi các đặc nét nhân cách - thậm chí còn có hẳn một ứng dụng (app) cho việc đó.

Điều đó đưa chúng ta trở lại ý tưởng về đào tạo sự thấu cảm. Có rất nhiều bằng chứng cho thấy sự thấu cảm có thể được dạy trong thời thơ ấu, nhưng chuyện trở nên phức tạp hơn với người lớn. John Malouff viết trên tờ Conversation rằng sự thấu cảm liên quan đến việc “hiểu cảm xúc của người khác, cảm nhận cảm xúc đó và phản ứng với nó một cách thích hợp”.

Phó giáo sư của Đại học New England viết rằng trong khi trẻ em học cách thấu cảm cùng với quá trình chúng lớn lên, có những phương pháp hiệu quả để dạy người lớn trở nên thấu cảm hơn. Những phương pháp đó “có nhiều điểm tương tự như những phương pháp được sử dụng để dạy một điệu nhảy mới hoặc cách diễn thuyết hay trước công chúng”. Nói cách khác, sự thấu cảm có thể được dạy như một kỹ năng hoặc một nghề thủ công.

Ông viết: Thường có bốn yếu tố trong đào tạo:

Đầu tiên là tìm hiểu về lợi ích của sự thấu cảm - thấu hiểu cảm xúc ở người khác và cách đáp ứng lại chúng.

Tiếp theo là cung cấp cho người đó ví dụ về phản hồi thấu cảm

Rồi thực hành thể hiện sự thấu cảm

Sau đó nhận phản hồi về cách họ thực hiện.

Phân tích tổng hợp mà ông đã thực hiện cho thấy có vẻ như có thể làm tăng sự đồng cảm. Nhưng ông có một số tiêu chuẩn nghiêm túc và kết luận: không chắc rằng việc đào tạo sẽ hiệu quả hoặc nó sẽ hiệu quả về lâu dài.

Một trong những quan điểm mà tác giả Sue Williamson, giảng viên cao cấp về quản lý nguồn nhân lực tại Đại học New South Wales ở Canberra, đưa ra là việc ép buộc ai đó thực hiện kiểu đào tạo đó là vô ích.

Bà viết: “Các chương trình đào tạo nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và phân biệt đối xử thường được các nhà tuyển dụng nhẹ thì coi là biện pháp khắc phục tệ thì xem là sự trừng phạt, điều này cũng có thể dẫn đến phản ứng dữ dội từ những người tham gia."

Người sáng lập công ty đào tạo sự thấu cảm Empathy First, Leanne Butterworth, cũng đồng ý. “Đó không phải là thứ bạn có thể ném tiền vào và hy vọng nó biến mất. Bạn cần phải học hỏi và cởi mở với thay đổi để học hỏi và phát triển và phản tỉnh”.

“Nếu họ được gửi đến lớp đào tạo thấu cảm như một hình phạt, điều đó có nghĩa họ không được gửi đến bởi một người biết thấu cảm. Huấn luyện sự thấu cảm không phải là một hình phạt.

“Họ có thể học cách nói “phụ nữ không thích điều đó, điều đó khiến họ cảm thấy không an toàn “, nhưng chẳng ai có được khoảnh khắc ‘a-ha’ hết.”

Butterworth nói, bạn có thể thành công trong việc dạy ai đó bắt chước sự thấu cảm, nhưng nếu người ta không muốn, họ sẽ không thực sự thay đổi. "Nếu bạn sẵn sàng hướng nội và thực hiện, bạn có thể thay đổi."

Trở lại với Colbey, người đã trải qua 25 ngày trước ống kính máy quay khi cô đi du lịch từ ngôi nhà bình dị ở Hills đến Phi châu tan nát bởi chiến tranh.

“Tôi cho rằng mình đã sống trong một bong bóng yên lành. Cuộc sống của tôi thật tuyệt vời. Tôi đã có một cơ ngơi đáng yêu, một công việc tốt, tôi có những con ngựa, con chó của mình. Tôi đã có một cuộc sống tuyệt vời mà không hề nghĩ đến những người tị nạn cho đến khi họ bắt đầu lên thuyền đến đây và tôi đã bất mãn với họ.

Họ rời bỏ đất nước của mình vì nơi đây đang có chiến tranh và tôi có sự thấu cảm với mối bận tâm của họ rằng họ sẽ tìm kiếm một đất nước an toàn hơn cho con cái của họ."

Nhưng Colbey đã khẳng định rằng sự thấu cảm của cô không mở rộng đến tất cả những người xin tị nạn, chỉ những người "thực sự không kiểm soát được số phận của họ" mà thôi.

“Sự thấu cảm của tôi hướng tới những người bị kẹt cứng mà không có tương lai,” cô nói. “Điều đó khiến tôi cảm thấy như thể ít nhất tôi còn nợ họ hơn… Mọi chuyện luôn có hai mặt, vì vậy tôi không nên vội nhảy vào kết luận, tôi không a dua để rồi sinh ra phân biệt đối xử.”

"Chuyến đi đã thay đổi tôi, nó thực sự đã thay đổi tôi, và tôi cảm thương hơn rất nhiều đối với nhiều người tị nạn - những người chân chính đang sống trong cộng đồng."

Khi được hỏi liệu trước khi đến các trại tị nạn ở nước ngoài rằng ai đó có thể sẽ thuyết phục cô ấy trở nên thấu cảm hơn không, Colbey cười cợt.

“Tôi không nghĩ rằng mình có thể thay đổi chút nào chỉ vì có người nói chuyện với tôi - bạn phải tự mình nhận ra điều đó.”

Chủ đề chính: #thấu_cảm

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn