Phan Thị Mỹ Kha

Tác hại của việc sống thiếu ánh sáng. Vậy phải làm gì để khắc phục tình trạng này?

Đăng 5 năm trước

Khi được khảo sát, người dân ở nhiều nước châu Âu và Bắc Mĩ đã tự ước tính, rằng mình đã dành 66% quỹ thời gian cá nhân để ngồi trong nhà. Nhưng những nghiên cứu thực tế lại chỉ ra rằng, trung bình mỗi người mất hơn 90% thời gian để tự giam mình giữa bốn bức tường. Chúng ta hầu như không biết rằng việc sống thiếu ánh sáng không những ảnh hưởng đến sức khoẻ cơ thể mà còn ảnh hưởng đến tinh thần, trạng thái của bản thân.

1. Những sự thật bạn chưa biết hết về Cụm từ “ô nhiễm không khí”

Không khí bên trong ngôi nhà và các tòa nhà của chúng ta có thể bị ô nhiễm gấp năm lần so với không khí ngoài trời. Theo khảo sát của YouGov, gần 80% người dân không biết điều này.

Không khí trong nhà có thể trở nên tồi tệ đến độ nào? Không khí trong nhà về cơ bản giống như không khí bên ngoài, nhưng các nguồn gây ô nhiễm lại đến từ tất cả các vật liệu xung quanh chúng ta. Sơn và các sản phẩm làm sạch, đến đồ nội thất và bọc, đồ chơi bằng nhựa và thảm, có thể bị bám bụi và trở thành một chất gây ô nhiễm. Phòng ngủ của trẻ em cũng thường là nơi bị ô nhiễm nhiều nhất trong nhà.

Bạn có thường nấu ăn, đốt nến hoặc phơi quần áo trong nhà không? Mỗi một lần làm như vậy, bạn lại tạo ra thêm những tạp chất độc hại trong nhà. Ẩm trong không khí có thể dẫn đến mối và nấm mốc, và các bào tử nấm của chúng làm vấy bẩn bầu không khí.

Dành quá nhiều thời gian trong nhà cũng khiến chúng ta không được hấp thụ đủ ánh sáng tự nhiên. Là một loài động vật bậc cao, chúng ta rất cần ánh sáng ban ngày. “Từ năm 1800 đến năm 2000, từ con số 90% người làm việc ngoài trời xuống còn dưới 20%”, Russell Foster, người đứng đầu Phòng thí nghiệm Nuffield thuộc Nhãn khoa và Viện khoa học thần kinh tại Đại học Oxford nói. “Chúng ta đã đi từ một loài hoạt động ngoài trời để dành phần lớn thời gian trong các hang động tối tăm.”

Trung bình, một người đi làm chỉ dành 15 phút ở ngoài trời trong ngày làm việc, nhà sinh vật học Munich, Till Roenneberg đã phát hiện sự thật nói trên trong một cuộc khảo sát với hàng nghìn người. 

Thiếu ánh sáng ban ngày làm gián đoạn nhịp điệu sinh học của cơ thể chúng ta, bởi nó báo hiệu cho ta biết khi nào là lúc thức và khi nào thì ngủ. Nếu nhịp điệu sinh học hàng ngày này thường xuyên bị gián đoạn, chất lượng giấc ngủ, chức năng não bộ và sức khỏe chung của chúng ta cũng bị ảnh hưởng

2. Tác hại của việc sống thiếu ánh sáng

Không khí trong nhà bị ô nhiễm cũng làm ảnh hưởng đến chúng ta về thể chất và tâm lý. Nó làm tăng tỷ lệ mắc bệnh hen suyễn, bệnh hô hấp, bệnh tim và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Những người sống trong các ngôi nhà mà thường xuyên bị ẩm hoặc mốc có nguy cơ bị hen suyễn cao hơn 40%. Ô nhiễm không khí trong nhà cũng có thể gây ra các vấn đề sức khỏe ngắn hạn như ho, nhức đầu, đau họng và kích ứng mắt.

Ánh sáng bên trong nhà hoặc văn phòng của bạn có thể là vừa đủ với bạn, nhưng thực chất, lượng ánh sáng mà chúng ta hấp thụ được lại ít hơn nhiều so những gì mà cơ thể cần. Mức sáng trong nhà đa phần chỉ rơi vào khoảng 300 đến 500 lux (đơn vị đo mức sáng). Trong khi ngồi bên cửa sổ sẽ cho bạn nhận được một lượng khoảng 3.000 lux. Ánh sáng ngoài trời trung bình đạt ở mức khoảng 10.000 đến 100.000 lux. Điều này là đủ để điều chỉnh đồng hồ sinh học của bạn chỉ trong 30 phút phơi sáng. 

Đơn giản mà nói, cường độ ánh sáng mà chúng ta nghĩ là mình cảm thấy thoải mái thực sự mới chỉ đáp ứng được một nửa - và đôi khi một phần ba mức mà cơ thể chúng ta thực sự cần để khỏe mạnh. 

Đồng hồ sinh học là thứ rất quan trọng để cơ thể và tâm trí của chúng ta hoạt động ở điều kiện tốt nhất, và nó cần ánh sáng ban ngày.

Sự thiếu hụt về ánh sáng ban ngày cũng có thể làm gián đoạn giấc ngủ của chúng ta, khiến cho chúng ta làm việc kém hiệu quả hơn, khả năng học tập bị giảm sút và dễ mắc lỗi hơn. Ánh sáng tối ở trong nhà cũng có thể làm cho con người ta trở nên ủ rũ, và với 5% người, nó gây ra trầm cảm theo mùa. Với những người sống ở các vùng có vĩ độ cao, tỉ lệ này lại cao hơn nữa.

Ngược lại, việc tăng lượng ánh sáng ban ngày được hấp thụ trong các lớp học lại giúp cải thiện kết quả kiểm tra toán của học sinh lên tới 15%. Nhân viên văn phòng được bố trí ngồi gần cửa sổ cũng thực hiện tốt hơn từ 10 đến 25 % khi thực hiện các bài kiểm tra chức năng tâm thần và trí nhớ so với những người không có chung điều kiện.

3. Một số biện pháp khắc phục tình trạng này

May mắn thay, vẫn còn đó một số giải pháp vô cùng nhanh chóng và đơn giản để tối đa hóa sự tiếp xúc của cơ thể với ánh sáng ban ngày và giảm thiểu các chất gây ô nhiễm không khí trong nhà và ở văn phòng.

Những việc bạn có thể làm để giảm thiểu những tác động tiêu cực của việc ở trong nhà quá nhiều:

  • Hãy tận dụng cơ hội ra ngoài đường mỗi ngày.
  • Cố gắng tiếp nhận thật nhiều ánh sáng tự nhiên vào ban ngày và không để đèn khi đang ngủ để duy trì nhịp sinh học
  • Hít thở không khí trong lành ở ngoài trời ít nhất ba hoặc bốn lần một ngày.
  • Hạn chế việc gây ẩm trong nhà - ví dụ, đóng cửa phòng tắm trong khi tắm và bật quạt hoặc mở cửa sổ.
  • Giữ cho thảm trong nhà luôn sạch hoặc thường xuyên giặt chúng.
  • Khi nấu, bật quạt hút và mở cửa sổ.
  • Quần áo nên phơi ngoài ánh nắng mặt trời càng nhiều càng tốt. 
  • Tránh đốt nến.
  • Dọn dẹp nhà cửa thường xuyên.

Nói chung, chúng ta cũng có thể suy nghĩ lại về thiết kế và kiến ​​trúc của các tòa nhà mà trong đó, nó sẽ chú trọng vào việc tạo điều kiện để hấp thụ ánh sáng ban ngày và không khí trong lành từ bên ngoài.

Những thay đổi nhỏ trong thiết kế nhưng cũng tạo ra thay đổi đáng kể cho chất lượng cuộc sống. Ví dụ, sử dụng vật liệu thân thiện, bền vững với môi trường, cửa sổ được thiết kế rộng hơn và vị trí các căn phòng nên được đặt tại những nơi mà cửa sổ trong phòng hướng về phía nam để tối đa hóa lượng ánh sáng được tiếp nhận.

Nhiều nghiên cứu khoa học cũng cho thấy có một sự thiếu liên kết trầm trọng giữa nhận thức về cuộc sống của bản thân và tình trạng thực tế. Thay đổi nhận thức từ trong mỗi người là bước đầu tiên để giải quyết các tác động của việc ở trong nhà quá lâu với chính chúng ta.

Nguồn bài: Lostbird từ Velux

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn