Soraphie

Tại sao bạo lực lây lan như một căn bệnh truyền nhiễm?

Đăng 6 năm trước

Martin Luther King từng nói 'bạo lực sinh ra bạo lực' khi ông nhận ra sự lây lan của bạo lực. Giờ đây chúng ta đã có những giải thích chắc chắn đến từ khoa học để chứng minh cho quan điểm của ông.

Năm 2013, viện Khoa học Quốc gia đã xuất bản bài báo dài 153 trang có tên "Sự lây lan của bạo lực" nói về việc bạo lực xảy ra như thế nào. Bạo lực giống như một căn bệnh truyền nhiễm lây lan từ người này sang người khác, tuy nhiên nó cũng có thể dẫn tới con đường làm giảm và ngăn chặn bạo lực.

Mạng xã hội đặc biệt quan trọng với thanh thiếu niên, và tình trạng bạo lực cũng xảy ra đặc biệt cao trong độ tuổi này. Bạo lực tuổi vị thành niên là một vấn đề nghiêm trọng diễn ra ở mọi nơi trên thế giới, đặc biệt là ở Mỹ. Ở đây tỷ lệ thanh thiếu niên chết vì tự tử mỗi năm cao hơn tất cả số người chết vì ung thư, bệnh tim, chết sau khi sinh ra, bệnh cúm và những bệnh về hô hấp, đột quỵ, tiểu đường cộng lại. 

Gần đây các nhà tâm lý đã tiến hành một cuộc nghiên cứu về các mạng xã hội để xác định cái cách mà bạo lực lây lan và có thể lây lan tới mức nào. Họ lấy thanh thiếu niên Mỹ làm ví dụ điển hình cho nghiên cứu.

Bạo lực: là một thứ rất dễ lây lan

Khi một người bị phơi nhiễm trước căn bệnh dịch thì có khả năng họ sẽ mắc bệnh đó. Bệnh truyền nhiễm có thể lan đi rất nhanh hoặc rất chậm, tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Ví dụ như bệnh sởi lây lan rất nhanh trong khi bệnh lao lại lây lan chậm.

Giống như vậy, bạo lực cũng có thể lây lan nhanh hoặc chậm tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Ví dụ như các cuộc chiến giữa băng nhóm và các cuộc nổi loạn lan truyền rất nhanh trong khi những loại bạo lực khác lây lan chậm hơn nhiều. Các nạn nhân của bạo hành trẻ em có thể trở thành thủ phạm của bạo hành gia đình trong rất nhiều năm sau đó.

Cả bệnh truyền nhiễm và bạo lực đều có xu hướng tập hợp. Đó là sự kết hợp của nhiều ca bệnh diễn ra ở cùng một thời gian và địa điểm. Một số người cho rằng hành vi bạo lực diễn ra một cách ngẫu nhiên, nhưng bằng chứng từ các cuộc nghiên cứu lại không ủng hộ giả định này. Bạo lực xảy ra theo các nhóm, và thường xảy ra giữa các cá nhân trong cùng một mạng lưới xã hội.

Những người bị tiếp xúc với dịch bệnh có thể diễn tiến thành nhiều kết quả khác nhau, từ việc có thể không bị nhiễm bệnh, tới các triệu chứng cấp tính, mãn tính, hoặc có thể là tàn tật và chết. Quy luật này cũng đúng với những người tiếp xúc với bạo lực. Không phải người nào tiếp xúc với bạo lực cũng sẽ trở nên bạo lực. Nhưng cũng có người tiếp xúc với bạo lực lại trở nên bạo lực hơn những người không tiếp xúc với nó.

Khi mà sự mô phỏng là một mối nguy thực sự

Một cơ chế then chốt của bạo lực là sự mô phỏng hoặc sao chép lại hành vi mẫu. Theo như thuyết học tập xã hội thì con người học theo những hành vi hung hãn và bạo lực giống với cách họ học theo những hành vi xã hội khác, đó là bằng cách trực tiếp trải nghiệm, bắt chước những hành vi mà họ quan sát lúc người khác thực hiện.

Và theo thuyết nhận thức xã hội thì người quan sát không chỉ mô phỏng lại những hành vi cụ thể mà họ quan sát được, họ còn đưa ra những lý luận nhận thức dựa trên sự quan sát của mình. Những lý luận này sẽ dẫn tới các mẫu hành vi thuộc về tổng thể.

Sử dụng mạng xã hội để phân tích mức độ lây lan của bạo lực

Các nhà tâm lý học đã sử dụng những khái niệm từ thuyết học tập xã hội và thuyết nhận thức xã hội để đi sâu tìm hiểu cách mà bạo lực lan truyền qua các mạng xã hội.

Mạng xã hội là một mạng lưới của sự tương tác trong xã hội và giữa các mối quan hệ cá nhân, như là bạn bè, gia đình, tình cảm, vân vân (ở đây không nói đến mạng xã hội truyền thông). Trong nghiên cứu này, mạng xã hội bắt đầu với một cá thể, mức độ lây lan được đo bởi các mức độ được nhân lên bởi cá thể đó và bạn bè của họ.

Mức độ 1 là bạn của cá thể, mức độ 2 là bạn của bạn của cá thể, mức độ 3 là bạn của bạn của bạn của cá thể, và cứ tiếp tục mãi như vậy. Số liệu được tổng hợp từ 5.913 thanh thiếu niên thuộc Viện nghiên cứu Sức khỏe Vị thành niên qua 3 lần phỏng vấn.

Để đo lường độ rộng của mạng xã hội, người ta yêu cầu người tham gia liệt kê tên 5 người bạn nam và 5 người bạn nữ ở trường. Để đo lường mức độ bạo lực, người ta yêu cầu người tham gia trả lời câu hỏi về mức độ thường xuyên mà họ từng vướng vào cuộc ẩu đả, số lần họ chĩa dao chĩa súng vào ai đó, và mức độ họ gây thương tích cho người khác dẫn tới phải băng bó hoặc đi bệnh viện. Bên cạnh đó các chuyên gia cũng hỏi tương tự với những người bạn, bạn của bạn, bạn của bạn của bạn,...

Kết quả cho thấy rằng thanh thiếu niên thường có hành động bạo lực nếu bạn bè của họ từng làm vậy. Có khả năng 48% thanh thiếu niên sẽ tham gia vào các cuộc ẩu đả nghiêm trọng nếu bạn bè của họ từng như vậy, ảnh hưởng lên tới mức độ 4. Khả năng 140% chúng sẽ chĩa vũ khí vào người khác nếu bạn bè của chúng từng làm vậy, ảnh hưởng ở mức độ 3. Khả năng 183% chúng sẽ gây thương tích cho người khác nếu bạn bè của chúng từng làm vậy, ảnh hưởng ở mức độ 2. 

Nam giới chịu ảnh hưởng lớn hơn nữ giới, có lẽ bởi vì nam giới có khả năng trở nên bạo lực hơn nữ giới.

Ý nghĩa của kết quả nghiên cứu

Có rất nhiều chứng cứ chỉ ra rằng việc một người chứng kiến hành vi bạo lực ở nhà, trường học, cộng đồng, hoặc thậm chí trên báo chí truyền thông đều có thể gia tăng khả năng người đó trở nên bạo lực, cả ở trong nhà và ngoài xã hội. Những người từng là nạn nhân của bạo lực cũng có khả năng cao trở thành thủ phạm gây ra bạo lực.

Tuy nhiên cũng có một tin tốt đó là bạo lực giống như căn bệnh truyền nhiễm đều có thể ngăn cản hoặc chữa trị.

Thứ nhất là nỗ lực hướng tới việc ngăn cản không để cho các cá nhân tiếp xúc với bạo lực. Thứ hai, đối với các cá nhân từng tiếp xúc với bạo lực thì cần hướng tới ngăn chặn không để họ bị ảnh hưởng bởi bạo lực. Bạn bè là những người có ảnh hưởng rất lớn lên hành vi bạo lực của thanh thiếu niên, nên bố mẹ và người lớn cần khuyến khích trẻ chỉ tiếp xúc với bạn bè không bạo lực.

Những trẻ hay gây hấn có thể được giáo dục lại cách giải quyết mâu thuẫn theo hướng phi bạo lực như đàm phán, thỏa hiệp, hợp tác. Hãy dạy chúng cách trở nên cảm thông hơn, bởi vì sự cảm thông là một trong những dấu hiệu tốt nhất của hành vi ủng hộ xã hội. Ngoài ra, cần đẩy mạnh xu hướng hỗ trợ và ủng hộ lẫn nhau ở các trường học và cộng đồng để làm giảm tình trạng bạo lực.

Martin Luther King không sai khi nói rằng "bạo lực sinh ra bạo lực". Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng bạo lực có thể lây lan tới mức độ 4. Tuy nhiên các phương pháp loại trừ bạo lực cũng có thể được lan rộng qua các mạng xã hội.

---

Còn nhiều bài thú vị khác của mình tại đây, mời các bạn cùng đọc!

Chủ đề chính: #bạo_lực

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn