Kimle

Tại sao 'Bụt chùa nhà không thiêng ' ?

Đăng 4 năm trước

Thành ngữ 'Bụt chùa nhà không thiêng' nói về những quan hệ gần gũi , thân quen, Lặp đi, lặp lại đến nhàm chán. Người ta cảm thấy bình thường , từ bình thường đến coi thường là một khoảng cách rất gần . Gần chùa gọi bụt bằng anh là vì vậy. Tâm lý con người hay so sánh , đứng núi nọ nhìn núi kia . Nảy sinh ra tâm lý tự ti, cái gì của mình đều kém ,đều không bằng người. Mở rộng ra, cái gì của Ngoại đều hơn của Nội, dẫn đến tự ti dân tộc . Không có tự hào dân tộc thì đất nước làm sao mà phát triển .

Văn mình - Vợ người .

Từ đời cụ Bành Tổ cho đến bây giờ,  từ ông đại văn hào xuyên Lục Địa cho đến anh văn sĩ nửa mùa đều coi Văn của mình là nhất ! Đọc văn của mình  cứ gọi là thơm phưng phức, Vừa đọc vừa gật gù tấm tắc, hứng lên thì tự khen vỗ đùi đen đét : Văn thế này mới đáng gọi là văn chứ, không giật giải Nobel thì còn ai vào đây nữa ! Tác  giả cứ gọi là ngất ngây con gà Tây. 

Văn của mình bao giờ mà chẳng hay ! Vợ của người bao giờ mà chẳng đẹp !

  Vợ gã hàng xóm sao óng ả mịn màng thơm tho thế không biết !?  Gớm...khúc nào ra khúc ấy . Ăn mặc model  như người mẫu , không chê vào đâu được, cứ gọi là thơm như múi mít !

Nghĩ đến vợ mình mà chán như con dán. .  Nói chung là thua... thua toàn tập ! 

Thằng chồng của  ả "thơm như múi mít" nhìn vợ gã hàng xóm cũng mắt tròn mắt dẹt như vậy. Thói đời, đứng núi nọ nhìn núi kia bao giờ chẳng cao hơn .  dân gian có câu " của lạ - Cá tươi ". Của ta, ta coi thường nhưng gã hàng xóm lại tắc lẻm thèm thuồng như mèo thấy mỡ.

Có ông đèo vợ lên phố, trông thấy bóng hồng là liếc ngang liếc dọc, bà vợ ngồi sau ngấm nguýt khó chịu ra mặt. Cái đẹp tạo hóa cứ ngồn ngộn thế kia ai mà chẳng thích , tương tự như bông hoa đẹp, bức tranh đẹp, chỉ ngắm chứ có làm gì đâu mà ngấm mới chả nguýt. Nhưng đi với "người yêu" của mình thì cũng phải tôn trọng nàng mà bơn bớt cái ý thích đó lại chứ .

Ngồi đằng sau mình cũng là một bông hoa rực rỡ sắc màu có kém đâu.  Khổ lắm ! Cái tâm lý Bụt chùa nhà không thiêng đấy ạ!  Có biết đâu ta đang sở hữu một báu vật mà bao kẻ ao ước.  Thật đúng như nhà thơ Bảo Sinh nói : Vợ là cơm nguội của ta / Nhưng lại là phở gà của thằng cha hàng xóm. 

Chê chồng là thuộc tính của đàn bà ?

 10 bà mà ngồi tám với nhau thì đến 9 bà chê chồng .

 Bà thì chê chồng quê mùa một cục, ăn mặc như  đồ sặc lố. . Bà thì chê chồng đần không biết xoay xở chỉ trông vào ba cái đồng lương chết đói.  Có bà lại chê chồng "văn hóa lùn", ăn nói cục cằn thô lỗ . Bà chê chồng nhậu nhẹt, nhanh ẩu đoảng vô tích sự . Bà chê chồng ẻo lả dặt dẹo yếu sinh lý  vv.....Có một ngàn lẻ một lý do các bà chê, ít thấy các bà khen chồng ! Lạ thế !

Đã bảo rồi , khổ lắm ! Cái gì gần gũi , thuộc sở hữu của mình đến nhàm chán thì bảo sao  không chê!?

- Nhìn thằng cha trưởng phòng xốc vác năng nổ, nghĩ đến gã chồng của mình cả dớ mà thở dài. 

-Thấy gã bạn học ăn mặc đẹp như tài tử xine , nghĩ đến ông chồng cả quýnh của mình mà chán mớ đời. 

-Thấy thằng cha 6 múi đầu ngõ to cao, chạnh lòng nghĩ đến  ông xã hom hem ở nhà mà buồn như con chuồn chuồn.

Có nàng ở nhà ăn nói với chồng con thì cáu gắt ỏm tỏi như mắm tôm.Nhưng ra ngoài xã hội thì dịu dàng, thanh lịch,  e thẹn như gái mới về nhà chồng.  

   -Tại sao không ăn nói dịu dàng với người thân của mình ?  

 - Ôi dào ! Vợ chồng với nhau thì quá hiểu nhau,  khách sáo với nhau mà làm zề... ?

Theo các nhà xã hội học, đàn bà thành đạt trên đường công danh thì bao giờ cũng bị trục trặc phần gia thất. Suy đến tận cùng ngõ ngách của đời sống xã hội thì cũng đúng thôi . Bà vợ đối ngoại ở bên ngoài, hàng ngày tiếp xúc toàn với nhân vật đẳng cấp Vip.  Về nhà nhìn ông chồng dúm dó mà nẫu ruột. 

Dẫu biết rằng, bất cứ cái gì so sánh đều khập khiễng, nhưng vẫn không tránh khỏi so sánh, nó như đập vào mắt thế kia , có bị mù đâu mà không so sánh ! Thế là bị cám dỗ, bị sa ngã ( cái này các nàng vẫn thường nói là "bị say nắng"). Các nàng ngụy biện : Chỉ là bị say nắng nhất thời thôi, hết nắng là khỏi ngay ấy mà, chuyện nhỏ như con thỏ mà cứ làm ầm ĩ . 

Vì thế , cánh mày râu thường rỉ tai nhau quy ước 3 tý để chọn vợ : 

Xinh một tý/ Ngoan một tý/ Ngu một tý.  (Ngu 1 tý thôi , ngu 2 đến 3 tý thì chồng con mất nhờ )

 Ngu, còn để đất cho anh chồng thể hiện chứ . Không gì cũng đường đường một đấng nam nhi, thông minh hơn vợ là cái chắc !?  Người vợ là sếp ở cơ quan, nếu khôn ngoan ra, khi về nhà phải giả vờ "ngu một tý", tranh khôn với chồng để mà làm gì !? Nhường sự khôn ngoan cho hắn để hắn còn giữ thể diện với hàng xóm, với bạn bè theo kiểu "nước mắm hâm " . 

Nhường và nhịn hắn một tý thì có chết thằng Tây nào đâu ?Đấy mới là người vợ khôn ngoan ! Khôn ngoan để giữ tổ ấm của mình không trở thành tổ lạnh. Khôn và ngoan như các cụ nhà ta đã dạy : Chồng em áo rách em thương / Chồng người áo gấm xông hương mặc người.

Người Việt khoái chê.

 “Nội soi” . Một sản phẩm công nghệ cao “made in Vietnam”  vừa ra mắt chừng ít phút đã có phản ứng (không phải phản hồi) mà nhìn ngược lại cứ cái gì gắn mác VN là y như rằng bị soi mói, bị “giải phẫu”, thậm chí không có tì vết thì cũng bị người ta cố tìm cho bằng được một cái lỗi gì đó rất vô duyên, thậm chí chả liên quan. 

Tỉ như “tôi không thích chủ nhân của nó nên tôi thấy nó xấu”, để rồi sau đó là hàng loạt lời chê bai, dè bỉu, như một cuộc đánh hội đồng, nếu không thân bại danh liệt, thì cũng khó mà ngóc đầu lên được

Chê là một hình thức phản biện, có thể xem như là một hành động tích cực, để cho mọi sự hoàn hảo hơn, nhưng chê cũng phải cho đúng và cho trúng, nếu quá đà thì thành thói xấu, thành bệnh di căn, hết chữa. Mà chê thì hiện tại đã trở thành một trong thói xấu phổ biến của người VN, đến mức việc chê điều gì đã được (hay bị) coi đó là chuyện bình thường. Chắc ít ai nghĩ thói quen này gây ra rất nhiều hệ lụy. “Vạch lá tìm sâu”, dìm “hàng” nhau đã gần như thành một thứ văn hóa định kiến, văn hóa chê bai không từ bất cứ cái gì của VN. Nó là biến tướng của sự đố kỵ, ganh ghét, ích kỷ… Không hài lòng bất kỳ điều gì, không muốn thừa nhận ai, không muốn ai hơn mình, mà chỉ thích phê phán, phê không được thì tìm cách “dìm”, thể hiện “cái tôi” hẹp hòi, thiển cận.

 Tại sao không ai nghĩ, sản phẩm “Made in Vietnam” sẽ là một bước hạn chế sản phẩm cùng loại nhập vào VN, tiết kiệm lượng ngoại tệ nhập hàng, mà quan trọng nhất, nếu sản phẩm được người Việt tin dùng, thì đây là một cách giải quyết công ăn việc làm của bao nhiêu người, lợi nhuận thu về là của người Việt hưởng. Tại sao không tìm những ưu điểm để động viên, để cùng tìm giải pháp tích cực cho hoàn thiện hơn, lại đi so sánh với bên ngoài, để phủ nhận những gì gọi là “made in Vietnam”? Rồi “đánh” cho sập luôn, bất chấp những thiệt hai. 

Chẳng phải “Bụt chùa nhà không thiêng” mà là tính xấu không thích người “đồng bào” mình lại hơn mình, nên phải làm sao xóa bỏ hình ảnh đi mới hả dạ.

Trong y tế . Bụt chùa người thiêng hơn.

Trong y tế, Bụt chùa người thiêng hơn. Tâm lý người bệnh bao giờ cũng sính ngoại hơn . Ông nhà bị trọng bệnh, vợ chồng con cái họp nhau lại quyết định đưa ra nước ngoài chữa. Mấy cái bệnh viện của mình á. không thể tin tưởng được. Ai đời, đau chân trái lại mổ chân phải. Đau mạng sườn lại chữa ở chân , trang thiết bị y tế lạc hậu, thuốc giả, bằng giả vv......Đưa ông đi Singapore là thượng sách ! Nhà mình thiếu gì tiền ( cứ nghĩ tiền như lá rụng, ra đường mà hót ).

Nhưng khổ nỗi Bụt chùa người thiêng hơn ! Nhà nào có người bệnh hiểm nghèo mà đồng tiền xông xênh, với tâm lý còn nước còn tát , thì phương án cho bệnh nhân xuất ngoại được ưu tiên hàng đầu.  

 Thái Lan là nước đông bệnh nhân người Việt nhất . xong đến Singapore, Nhật , Mỹ.  Ước tính mỗi năm người Việt chi một khối lượng lớn ngoại tệ ra nước ngoài chữa bệnh.  Không thể phủ nhận với công nghệ và kỹ thuật tiên tiến trong điều trị, nhiều nước có nền y học phát triển, đang tạo ra sức hút không nhỏ với những bệnh nhân có điều kiện kinh tế không may mắn mắc bệnh hiểm nghèo.

 Nhưng vấn đề đặt ra là . Người giàu ở Việt Nam vẫn là thiểu số. Người nghèo, người cận nghèo vẫn là đa số. Vậy, tiêu chí phục vụ đa số phải được đặt nên hàng đầu., Người lào, người Campuchia sang Việt Nam chữa bệnh khá đông. Hệ thống y tế của mình phải đầu tư trang thiết bị hiện đại,  cũng như trình độ chuyên môn cũng như y đức của các y bác sỹ phải được nâng cao. Ngay như vấn đề dược phẩm của mình đã được hoàn thiện từng bước. Thuốc nội của mình đâu kém thuốc Ngoại, nhất là thuốc Đông y, giá cả lại rẻ hơn. Tình hình rất khả quan. Dần dần đã lấy được lòng tin của người bệnh.  

Trong giáo dục, tư tưởng sùng Ngoại khá nặng.

 Có lẽ không đâu mà cách nói “Bụt nhà không thiêng” lại thể hiện rõ như trong ngành giáo dục. Đến nỗi, cái gì có hai chữ “quốc tế” vào trông cũng sang hơn hẳn khiến nhiều trường, nhiều dự án gắn thêm hai chữ này bất kể thực chất. 

Con cái những đại gia, những quan chức đều cho du học Mỹ Anh Pháp ..vv..với số tiền khủng.Một số không có khả năng cho con em họ xuất ngoại thì họ phải chọn trường quốc tế, trường ngoại nhập với giáo viên ngoại. 

 Từ đó mới có một nghịch lý: các trường quốc tế được hưởng những quy chế đặc biệt mà các trường trong nước nằm mơ cũng không có được trong khi những quy chế đặc biệt đó nếu trao cho trường trong nước sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực chẳng kém gì. 

 Nhưng xin đừng bao giờ hoang tưởng về du học, trường quốc tế, đừng bao giờ gây cơn sốt hoặc kiệt sức ngã quỵ giữa đường vì đua đòi chạy theo “mốt sùng ngoại”. Không phải sinh viên nào ra nước ngoài , học sinh trường quốc tế cũng trở  thành tài.

Chúng ta phải làm sao để khẳng định và tự hào với dòng chữ in trên sản phẩm " Made in Vietnam "

 Một điều rất đáng mừng , các siêu thị trong nước , hàng hóa Made in Việt Nam chiếm đa số, riêng mặt hàng tiêu dùng chiếm 90%. Như vậy đã khẳng định một điều rõ ràng hàng hóa sản xuất trong nước đã chiếm lĩnh thị trường, thuyết phục được người tiêu dùng " Người Việt dùng hàng Việt ".  

Không những thế, người Việt chế tạo tàu lặn mini bán cho Thái Lan, Malaysia; Trò chơi Flappy Bird của tác giả Nguyễn Hà Đông cũng khiến thế giới "phục sát đất" và đã lọt vào danh sách 50 thương hiệu nổi tiếng nhất, theo xếp hạng của Infergy; doanh nghiệp Việt sản xuất thang máy xuất khẩu sang Nhật, thị trường nổi tiếng với các yêu cầu, tiêu chuẩn hết sức khắt khe. 

Trong hồi ký của toàn quyền Đông Dương Paul Doumer Có nói " Người An Nam là một chủng tộc vượt trội hơn hẳn các nước trong khu vực Đông Nam Á. Chỉ có thể so sánh người An Nam với người Nhật Bổn, không rõ có sự liên hệ , ảnh hưởng từ xa xưa không ?" 

 Vì vậy, Chúng ta phải làm sao để khẳng định và tự hào với dòng chữ in trên sản phẩm " Made in Vietnam ". Không những chiếm lĩnh thị trường trong nước mà sẽ phải vươn ra chiếm lĩnh thị trường quốc tế. 

                                                                            Kimle tham khảo. 

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn