Form Your Soul Tải ebook mới nhất của mình Content Writing for Everyone tại đây nhé: https://bit.ly/37b1P4c

Tại sao càng lớn càng thấy thời gian trôi nhanh hơn? Làm thế nào để nó chậm lại?

Đăng 6 năm trước

Tại sao hồi nhỏ, mong mãi mới đến ngày sinh nhật trong khi bây giờ, vèo một cái là hết ngày, vèo một cái là sang tuần mới?

Chắc hẳn bạn đã từng được bố mẹ cảnh báo “thời gian trôi qua nhanh lắm” nhưng có lẽ, phải đến khi thực sự được trải nghiệm thì bạn mới thấm nhuần được điều này: Càng già, thời gian càng trôi nhanh rõ rệt.

Càng già, chưa làm gì đã thấy hết vèo một ngày.

Trong khi, hồi còn nhỏ, ngày nào cũng chờ đợi mòn mỏi để đến ngày sinh nhật. Phải chăng, thời gian là thứ gì đó đầy quyền năng và huyền bí.

Hiển nhiên, bạn không thể thêm bớt thời gian vào chiếc đồng hồ nhưng bằng cách hiểu rõ “hiện tượng” này, bạn sẽ trân trọng thời gian hơn và bắt đầu tập trung làm những điều bạn muốn.

Có rất nhiều lý thuyết khác nhau về việc tại sao nhận thức về thời gian của chúng ta lại thay đổi khi chúng ta lớn tuổi.

Một số nhà khoa học cho rằng đây thực chất là sự thay đổi trong đồng hồ sinh học ở cơ thể mỗi người. Khi chúng ta già đi, quá trình trao đổi chất diễn ra chậm hơn làm chậm nhịp tim và hơi thở. Trong khi đó, nhịp sinh học của trẻ con lại đập nhanh hơn khiến nhịp tim, hơi thở cũng nhanh hơn trong một khoảng thời gian cố định làm chúng cho cảm giác như đã rất lâu mà thời gian chờ đợi (như giáng sinh, sinh nhật...) vẫn chưa đến.

Một giả thuyết khác lại cho rằng con người nhận thức thời gian trôi qua tương đương với lượng thông tin mà chúng ta tiếp nhận được. Khi trẻ con phải phân tích những vấn đề phức tạp, não của chúng mất nhiều thời gian để xử lý hơn, đồng nghĩa với việc cảm thấy thời gian trôi qua chậm hơn.

Trên thực tế, khi phải đối mặt với những tình huống mới, bộ não của chúng ta sẽ ghi lại từng ký ức một cách chi tiết và do đó não phản ánh các sự kiện diễn ra chậm hơn so với sự kiện thực tế. Điều này cũng được chứng minh khi bạn nhìn thấy vật nào đó rơi tự do, bạn sẽ thấy nó rơi rất chậm trước mặt bạn nhưng thực tế thì nó vẫn rơi với tốc độ vốn có.

Những sự thay đổi “tương đối” của thời gian

Lúc một tuổi, chúng ta nhận thức thời gian một cách tương đối, nghĩa là 1 giờ lúc 5 tuổi khác so với 1 giờ lúc 55 tuổi.

Khi là một đứa trẻ, bạn mới sinh ra đời, chưa “tồn tại lâu” trên cuộc đời này nên với bạn, 1 năm dường như chiếm rất lớn trong cả cuộc đời bạn. Tuy nhiên, khi bạn trưởng thành, bạn đã sống qua nhiều năm, con số 1 năm dường như thật nhỏ bé.

Bạn có thể click vào link này để quan sát dòng thời gian tương tác (được lý thuyết hóa bởi triết gia Paul Janet) và hình ảnh hóa quan điểm trên. Tuy nhiên, ý tưởng cơ bản ở đây vẫn là chúng ta nhận thức thời gian trong so sánh với tổng thời gian mà chúng ta đã sống trong cuộc đời.

Chúng ta có ít trải nghiệm mới hơn

Càng già và càng hiểu nhiều hơn về thế giới, chúng ta sẽ bắt đầu phát triển một chuỗi các hoạt động quen thuộc hàng ngày.  Ngày này sang ngày khác trộn lẫn vào nhau và thời gian dường như đi ngang qua chúng ta một cách thầm lặng. 

Theo nhà tâm lý học William James, trong so sánh với tuổi thơ, tuổi trưởng thành sẽ có ít trải nghiệm mới mẻ và đáng nhớ. Chúng ta thường đo lường thời gian bởi những cái đầu tiên - ngày đầu tiên đi học, nụ hôn đầu tiên, ngôi nhà đầu tiên, đứa con đầu tiên - khi “hết” những cái đầu tiên đó, James nói rằng “mỗi ngày và mỗi tuần dường như không có nhiều khác biệt.... và năm tháng qua đi mà chẳng đọng lại gì nhiều”.

Một số giả thuyết cho rằng khi già đi, con người sẽ trở nên quen thuộc với mọi thứ xung quanh từ nhà ở đến nơi làm việc. Do đó, bộ não của chúng ta không cần mất nhiều thời gian để phân tích thông tin và cảm thấy thời gian trôi nhanh hơn.

Trong khi đó, thế giới của trẻ con luôn tràn ngập màu sắc và những trải nghiệm mới lạ. Chúng phải làm quen với môi trường mới và bộ não phải phân tích mọi thứ xung quanh khiến cho cảm giác thời gian trôi đi chậm hơn.

Khi những kỷ niệm của chúng ta càng nhiều các chi tiết, khoảnh khắc dường như sẽ kéo dài hơn. Đây cũng là điều mà nhà thần kinh học David Eagleman chia sẻ với tờ New Yorker:

“Điều này giải thích tại sao chúng ta nghĩ rằng thời gian trôi nhanh hơn khi chúng ta già”. Tại sao mùa hè khi còn nhỏ dường như kéo dài mãi mà mùa hè khi đã lớn lại vụt qua nhanh lạ kỳ? Càng thân thuộc với thế giới, bộ não càng có ít thông tin để ghi lại và thời gian dường như sẽ chạy nhanh hơn. “Thời gian giống như một thứ được làm từ cao su vậy... nó giãn ra khi chúng ta thực sự khởi động các tài nguyên trong não bộ và khi bạn nói “Ồ, tôi đã có được thứ này, mọi thứ đúng như mong đợi”, thời gian bắt đầu co lại”.

Khi chúng ta bị mắc kẹt trong chế độ lái tự động khủng khiếp, chúng ta chạy đua qua từng ngày mà chẳng hề có một chi tiết thực nào về những người quanh chúng ta. Nó giống như thể bạn có một chuyến đi bộ dài tới nơi làm việc - đôi khi, bạn tới điểm đến mà chẳng hề nhớ rõ là mình đã lái xe tới đó.

Đây còn được gọi là giả thuyết “mắc kẹt bởi thói quen” của người lớn. Khi chúng ta càng quen thuộc với những sự kiện hàng ngày, ta càng thấy thời gian trôi đi nhanh hơn. Và thời gian trôi nhanh hơn tỷ lệ thuận với tuổi tác.

Cơ chế sinh học đằng sau giả thuyết này được giải thích là do các dopamine tiết ra dẫn truyền lên hệ thần kinh kích thích nhận thức của con người về thời gian. Từ 20 tuổi trở đi, các dopamine tiết ra nhiều hơn khiến con người cảm thấy thời gian trôi đi nhanh hơn.

Căng thẳng và “áp lực thời gian” càng khiến một ngày trôi qua nhanh hơn

Trong một nghiên cứu được xuất bản trên tờ Ammons Scientific, các nhà nghiên cứu đã hỏi những người tham gia cảm thấy thời gian trôi qua nhanh như thế nào, từ rất chậm cho đến rất nhanh. Đi thẳng vào vấn đề, họ nhận ra rằng hầu hết các đáp viên đều báo cáo là thời gian trôi quá nhanh bởi vì chúng ta có quá nhiều việc để làm và không đủ thời gian để làm tất cả mọi thứ. Các nhà nghiên cứu gọi điều này là “áp lực thời gian” và nó đi kèm với căng thẳng.

Càng căng thẳng, càng ít có khả năng chúng ta có thể tập trung và hiện diện trong từng khoảnh khắc - chúng ta chỉ cố gắng cho hết ngày càng nhanh càng tốt. Khi làm vậy, chúng ta không có thời gian để hiểu rõ những người xung quanh và tạo ra các kỷ niệm sâu sắc. Do đó, nhận thức của chúng ta về thời gian cũng nhạt dần.

Thử tập trung vào “Chánh niệm” (Mindfulness)

Nếu lý thuyết chúng ta trải qua thời gian tương đối với số năm chúng ta sống là quan trọng thì cũng có nghĩa rằng cách để chúng ta kiểm soát nó đó là dừng so sánh thời gian hiện tại của chúng ta với cả cuộc đời.

Hay nói cách khác: sống trọn với hiện tại. Khi tập trung vào hiện tại, chúng ta đang nghĩ về giá trị tuyệt đối, chứ không phải tương đối của thời gian. Và có vài cách để thực hiện điều này.

Thiền có thể giúp bạn chậm lại và tập trung. Và bạn không phải chìm đắm trong tôn giáo hay tín ngưỡng để thiền. Nó đơn giản như việc tìm một địa điểm yên tĩnh, đếm đến 10 và tập trung vào hơi thở. Tôi “thiền” khi tôi rửa bát.

Tập trung vào hiện tại là tất cả những gì cần thiết để đạt đến sự chánh niệm (mindfulness). Đây có thể là một thuật ngữ thông dụng mà bạn đã được nghe rất nhiều nhưng không hẳn bạn đã hiểu hết được hàm ý của nó. Chánh niệm nghĩa là bạn  hiện diện nhiều hơn ở hiện tại và nhận thức được những suy nghĩ, cảm xúc cũng như hành động của mình. Ngoài thiền, bạn cũng có thể áp dụng các phương pháp dưới đây để thực tập chánh niệm:

Một cách đơn giản để bắt đầu đó là cài đặt các kích thích hoặc tín hiệu kéo bạn lại với hiện tại khi tâm trí không thể tránh khỏi việc suy nghĩ vẩn vơ suốt cả ngày. Chẳng hạn, trong khi ăn, hãy nhớ nhấm nháp từng chút một. Ở nơi làm việc, hãy nhớ để chuông thông báo hay kiểu nhắc nhở khác thư giãn sau một vài giờ đồng hồ. Dừng lại trước khi bạn phản ứng với con trẻ - hoặc người lớn - có thể giúp bạn trở nên bình tĩnh hơn trong các mối quan hệ. 

Giống như nhiều người, tôi có xu hướng “hiện diện” hơn khi đi nghỉ. Dành thời gian đi đâu đó nghỉ ngơi chính là tập trung vào hiện tại: bạn bỏ lại đằng sau mọi áp lực, lo lắng và chỉ tập trung thư giãn, khám phá và tận hưởng cuộc sống.

Giải phóng lịch trình của bạn: Đừng nhồi nhét quá nhiều công việc vào kế hoạch hàng tuần. Thay vào đó, hãy thêm các khoảng thời gian nghỉ ngắn để phục hồi năng lượng và thư giãn.

Xây dựng nghi thức buổi sáng: Thay vì nhảy ra khỏi giường, đánh răng, mặc quần áo vội vàng và đi làm thì hãy thiết kế lại buổi sáng của bạn. Chẳng hạn, bạn có thể dậy sớm hơn một chút (tốt nhất là dậy đúng giờ), tập thể dục, đi bộ, đọc sách hoặc chuẩn bị một món ăn thật ngon để chào ngày mới.

Không ngừng trải nghiệm những điều mới mẻ

Bước ra khỏi vùng an toàn sẽ tạo ra sự khác biệt. Nếu điều James nói là đúng và thời gian trôi qua nhanh bởi vì chúng ta có quá ít “những thứ đầu tiên” thì cách tốt nhất để kiểm soát điều này đó là thêm vào những điều mới mẻ cho cuộc sống của bạn: gặp gỡ người mới, tới thăm các địa điểm mới và thử những điều mới.

Nếu quá thoải mái với cuộc sống thì hãy nói “có” thường xuyên hơn. 

Tiếp tục học hỏi

Khi thử những trải nghiệm mới, bạn sẽ hiểu nhiều hơn về chính mình và thế giới xung quanh bạn, và một cách tự nhiên, bạn phát triển. Thay đổi có thể tạo ra sự khác biệt trong cách bạn nhìn nhận thời gian. 

Khi liên tục học hỏi - đọc nhiều về các chủ đề mới, rèn luyện những kỹ năng mới, luyện tập ngôn ngữ mới - theo cách này, bạn đang trải nghiệm những điều mới mẻ. Sự mới lạ này sẽ giúp bạn tận dụng hiệu quả thời gian và kiềm chế suy nghĩ rằng thời gian trôi qua nhanh quá.

Theo Lifehacker

Chủ đề chính: #khám_phá

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn