Nguyễn Minh Trí

Tại sao người thông minh thường cô độc?

Đăng 8 năm trước

Người thông minh thường cô độc? Liệu chỉ số IQ cao có phần nào tác động tiêu cực đến mức độ hạnh phúc của một người?

Theo thống kê từ khảo sát trên 15000 người với độ tuổi từ 18 đến 28 của nhà tâm lý học Norman Li thuộc Đại học Quản trị Singapore, có 2 nguyên nhân cốt lõi ảnh hưởng trực tiếp đến sự hài lòng về mặt tinh thần của con người trong đời sống hiện đại: mật độ dân cư và thời lượng giao tiếp với người khác. 

1. Càng đông đúc, càng dễ buồn bực

The Washington Post vừa chỉ ra rằng người dân sống ở những vùng nông thôn hoặc ngoại ô yên tĩnh có thái độ sống tích cực, lạc quan hơn so với cư dân ở những thành thị náo nhiệt, ồn ào và hối hả. Thực trạng trên được lí giải bằng lí thuyết Savanna vốn cho rằng bộ não con người từ xa xưa đã phát triển để có thể thích nghi với đời sống bầy đàn, săn bắt hái lượm ở những khu vực có mật độ dân số loãng như thảo nguyên Phi châu mênh mông (các nhóm nhỏ lẻ khoảng 150 người) hoặc vùng Alaska hẻo lánh (dưới 1 người/km vuông). Việc kết nối và sống nương tựa vào nhau giúp tạo thành vòng tròn khép kín vô cùng cần thiết cho sự sinh tồn lẫn sinh sản, duy trì nòi giống. Điều này khiến họ trở nên gắn kết và “vui sống” hơn.

Trái lại, đời sống thành thị chen chúc, khói bụi, ô nhiễm, kẹt xe do mật độ dân số tăng đột biến cùng sự xuất hiện của những phát minh đột phá như iPhone, xe hơi, thức ăn nhanh,… lại khiến con người dễ cảm thấy phiền nhiễu cũng như ít thỏa mãn, hài lòng với bản thân. 

2. Người thông minh thường ít bạn

Việc giao thiệp rộng rãi với nhiều bè bạn cũng như gắn bó với mọi thành viên trong gia đình sẽ khiến một người phần nào cảm thấy hạnh phúc và an toàn. Tuy nhiên, quan điểm lại hoàn toàn bị đảo lộn đối với các “thiên tài trí não”. Người thông minh thường cảm thấy an tâm và vui vẻ khi thui thủi một mình ở góc riêng tĩnh lặng nào đó hơn là tụ tập bạn bè náo nhiệt. Họ càng ít giao tiếp với bạn bè lại càng thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại.

Carol Graham – nghiên cứu sinh thuộc học viện Brookings cho hay: “Những người sở hữu trí thông minh đặc biệt thường không có xu hướng kết giao bè bạn, do họ muốn dành nhiều thời gian hơn cho các mục tiêu vĩ đại và lâu dài. Ví dụ như một bác sĩ đang dày công nghiên cứu tìm ra phương thuốc chữa bệnh ung thư hay một cây bút đang mày mò tìm tòi ý tưởng và nguồn cảm hứng cho một tác phẩm văn học kinh điển sắp ra mắt.”

Tuy có khuynh hướng tự cô lập bản thân và ít hài lòng với cuộc sống hiện tại, những cá nhân với bộ não “đặc nghẹt chất xám” lại dễ dàng thích ứng với những thay đổi, thử thách mới lạ cũng như ít gặp khó khăn trong việc giải quyết các tình huống khó nhằn. Họ thường tách khỏi cộng đồng để tìm kiếm cho bản thân sự tiến bộ và lối đi riêng. 

Chủ đề chính: #thông_minh

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn