Nguyễn Thành Long Tôi muốn đi, muốn gặp, muốn trò chuyện, muốn giúp đỡ mọi người. Tôi muốn trở thành tiếng nói của nhân dân, tôi muốn trở thành một nhà báo.

Tại sao vẫn tiếp tục chạy khi đã có người về đích?

Đăng 4 năm trước

Đừng chạy để cán vạch đích của người khác, hãy chạy để cán vạch đích của mình.

Có một lần tôi đi xem một cuộc thi chạy 1000m dành cho các bạn là học sinh THPT cấp thành phố. Đó chỉ là một cuộc thi hết sức bình thường, không quá đông khán giả, không có quá nhiều lời tung hô hay ống kính máy quay hướng về phía những con người đang chạy phía dưới kia. Chính tôi cũng đến xem chỉ vì một đứa bạn năn nỉ tôi đi cùng để cổ vũ cho bạn nó - một thí sinh tham gia thi - và cũng vì tôi rảnh rỗi quá. 

Bùmmm!!! Phát súng báo hiệu chạy vang lên, các thí sinh bắt đầu chạy. Thực sự thì tôi không quá quan tâm đến việc ai là người chiến thắng và khi mà tôi nhìn vào một thí sinh nào đó chạy, thực chất là tôi đang nhìn về một nơi xa xăm và nghĩ về chuyện khác. Khoảng 7,8 phút sau khi phát súng báo hiệu vang lên, đã có người đầu tiên về đích và tôi cũng đứng dậy để chuẩn bị đi về. Đó là lúc mọi chuyện bắt đầu.

“Tại sao các anh kia vẫn chạy tiếp hả bố???” một đứa bé tầm 6,7 tuổi hỏi bố mình. Người bố suy nghĩ hồi lâu rồi trả lời rằng: “Vì họ nên hoàn thành cuộc thi của mình con ạ” Sau đó 2 bố con nọ ra về, còn tôi vẫn ở lại, tôi nhìn xuống những người còn đang cố chạy về đích, họ đã là những người cuối cùng rồi, có về đích cũng chẳng được giải thưởng hay một lời tán dương nào cả!!! Vậy tại sao, họ vẫn chạy??? Liệu câu trả lời có đơn giản là vì họ nên hoàn thành cuộc thi của mình hay không??? Lúc đó, tôi thực sự đã nghĩ khác.

Nếu coi vạch đích kia là sự thành công, thì ắt hẳn người cán đích đầu tiên là người đạt được thành công. Vậy ta cũng có thể coi những người về phía sau là những người thất bại, nhưng nếu biết mình thất bại rồi, tại sao họ vẫn tiếp tục chạy? Đó là vì cách nhìn nhận thế nào là thành công của mỗi người là khác nhau, họ có những mục đích, có những dự định khác nhau. Ví dụ, người về thứ hai có thành tích là 7 phút, nếu so với người về thứ nhất là 6 phút  thì vẫn là một khoảng cách xa. Nhưng nếu người về thứ hai so sánh với chính mình của ngày hôm qua, vào buổi luyện tập cuối cùng trước khi cuộc thi bắt đầu, là 7 phút 10 giây. Thì người thứ hai đã nhanh hơn chính mình của ngày hôm qua. Tương tự với tất cả các thí sinh khác, kể cả có là người về cuối cùng đi chăng nữa.

Cũng không thể loại bỏ khả năng có người chỉ thi cho có, miễn sao về đích là được (như lời ông bố nói là phải hoàn thành cuộc thi) thì chính những người đấy đã chiến thắng chính suy nghĩ của mình, bởi tôi tin chắc rằng, họ muốn bỏ cuộc, muốn dừng lại ngay từ khi biết được đã có người cán đích rồi. Nhưng thay vì bỏ cuộc, họ đã chiến thắng chính mình, chính suy nghĩ của mình. Rốt cuộc thì những con người cố gắng chạy những bước nặng nề khi đã có người về đích, chính là những người “về đích” theo cách riêng của họ, cái “đích” ở đây là mong muốn (dù chỉ là thoáng qua) rằng không phải để trở thành người giỏi nhất, không phải để đánh bại một ai đó, chỉ đơn giản là để bản thân ngày một tốt đẹp hơn.

Từ bé đến lớn, chúng ta không được dạy như thế,chúng ta được dạy rằng phải liên tục so sánh mình với kẻ khác, phải vượt lên trên kẻ khác mới gọi là thành công, phải thành công như những hình mẫu thành công suốt ngày xuất hiện trên báo đài, thì mới được tính là thành công. Chúng ta luôn được dạy bảo rằng phải hướng tới chiến thắng, phải hướng tới vị trí số một. Không ai trong chúng ta được chấp nhận vị trí số hai, đó đồng nghĩa với một thất bại. Tất cả phải thật xuất chúng, hoàn hảo.Nhưng chúng ta học được gì từ những cuộc thi, những lần tranh tài ganh đua đó đó. Không ai giải thích cho chúng ta việc chúng ta đang làm đó có ý nghĩa gì đối với bản thân chúng ta. Người giỏi rồi sẽ có người giỏi hơn, không ai đảm bảo sẽ giữ vị trí số một mãi mãi ở mọi lĩnh vực. Liệu họ có giữ nổi nhiệt tâm của mình, cải thiện bản thân tốt hơn nếu họ tin chắc rằng không ai đe dọa nổi vị trí của họ.

Một cuộc thi chạy bình thường, giữa những học sinh THPT bình thường, rốt cuộc lại đem đến cho tôi những suy nghĩ mới mẻ về cách chúng ta sống, phấn đấu như thế nào cho đúng và tìm ra “vạch đích” mỗi ngày cho chính mình, đừng cố gắng chèn “vách đích” của mình lên của người khác hay ngược lại, người khác cũng không có quyền áp đặt“vạch đích” của họ lên chúng ta. Suy nghĩ đến đây, tôi mới sực nhớ ra là cuộc thi đã kết thúc từ lâu, tôi vẫn đứng trên khán đài còn cậu bạn tôi đang gọi tôi í ới ở dưới cổng từ bao giờ. Cậu ấy thúc giục tôi không nhanh lên là “về đích” chậm bây giờ (ý cậu ta là về nhà)… nhưng thực sự thì ngày hôn nay, tôi đã “về đích” của mình rồi.  

“Không có gì cao quý trong việc vượt lên trên kẻ khác, cao quý thực sự là vượt lên chính bản thân mình”.

-Ernest Hemingway- 

Nguyễn Thành Long, lớpBC8, khoa VVBC, đại học Văn Hóa Hà Nội

Chủ đề chính: #người_thành_công

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn