Vô Danh Lock

Tân Hiệp Phát: Bị bức tử hay là tự sát?

Đăng 8 năm trước

Chuyện con ruồi nhưng lại không bé như ruồi, khi nó gắn đến hình án 7 năm tù cho một con người và hệ lụy hàng ngàn tỷ đồng với một thương hiệu

Chuyện con ruồi nhưng lại không bé như ruồi, khi nó gắn đến hình án 7 năm tù cho một con người và hệ lụy hàng ngàn tỷ đồng với một thương hiệu, nghe đâu đã từng được định giá lên tới 2 tỷ USD cho một vụ mua lại (buy-out) nhưng lời mời chào "khủng" đó chỉ đổi lại được bằng cái lắc đầu.

Mô tả hình ảnh

Cách ứng xử với vụ "con ruồi trong chai nước" đã khiến Tân Hiệp Phát phải đối mặt với những thiệt hại không thể lường trước. (Ảnh: Zing)

Dễ hiểu, mới từ đầu năm tới nay, người của Tân Hiệp Phát đã sơ sơ tính toán mình thiệt hại khoảng 7 ngàn tỷ đồng rồi thì cái giá mua lại cỡ gần 50 ngàn tỷ đồng chẳng nghĩa lý gì. Hóa ra con ruồi không phải có giá 500 triệu, mà nếu cái con ruồi ấy là một thương hiệu đã có cổ phiếu được niêm yết trên thị trường chứng khoán thì giá vốn của nó đang lên, giờ đang ở mức chục ngàn tỷ và nếu THP ‘qua đời’, giá vốn của nó ít nhất cũng là 2 tỷ đô la.

Sự tăng giá của con ruồi cho thấy, sức mạnh cộng đồng (chứ không phải sức mạnh người tiêu dùng nói riêng) quá ghê gớm. Không ai liệt kê được tỷ lệ cụ thể nhưng trong số 100 người đang ‘ghét’ Tân Hiệp Phát, chắc số % là người tiêu dùng không quá bán.

Câu hỏi là “Tại sao người ta ghét Tân Hiệp Phát đến thế?”.

Câu trả lời, ngay và luôn, chính là “Ghét là ghét cái THÁI ĐỘ”. Cộng đồng đang ghét thái độ được cho là khệnh khạng, trịch thượng, thiếu tôn trọng, không chịu đối thoại thỏa đáng và sau đó là lấp liếm chữa cháy của Tân Hiệp Phát, hay nói đúng hơn, những người chịu trách nhiệm với việc xây dựng và phát triển thương hiệu Tân Hiệp Phát.

Mô tả hình ảnh

Các sản phẩm của Tân Hiệp Phát bây giờ đều bị gắn liền với hình ảnh con ruồi.

Họ không nhìn thấy sự chân thành, sự minh bạch, thái độ cầu thị của một cơ thể đang sống nhờ thị trường (mà khốn nỗi là khi đã ghét thì ngay cả người không sử dụng cũng suy nghĩ về Tân Hiệp Phát như mình chính là người tiêu dùng) mà thay vào đó là những nhận định “Xảo quyệt, gian trá, ỷ thế, ỷ tiền”.

Sản phẩm của Tân Hiệp Phát có thực sự bẩn, có thực sự có dị vật, có thực sự đóng cặn, có thực sự sử dụng nguyên liệu độc hại, có thực sự tạo ra hiệu ứng trên cơ thể người dùng hay không? Tất cả đều chỉ là vấn đề cảm tính, thông qua một vài sự kiện được đưa tin, nhưng được cộng hưởng bởi ác cảm đã trở thành mặc định hình ảnh “Nó luôn luôn không an toàn” ngay từ thời điểm bùng phát vụ ồn ào này.

Chẳng ai đảm bảo được 100% sản phẩm mình sản xuất ra không có lỗi và quy trình sản xuất nào, dù khắt khe đến mấy, cũng vẫn có một biên độ cho phép với sản phẩm lỗi. Nhưng khi vụ con ruồi được tung ra, sau nhiều vụ khác rải rác từ năm 2009 tới nay, cái mà cộng đồng nhận được từ Tân Hiệp Phát luôn là khẳng định chắc nịch “Dây chuyền của chúng tôi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế”.

Mô tả hình ảnh

Tân Hiệp Phát từng mời người đến tham quan dây chuyền sản xuất để chứng minh sản phẩm sạch. (Ảnh: Người lao động)

Thậm chí, ở vụ con ruồi, Tân Hiệp Phát còn hào phóng mời khách quan tham quan dây chuyền nhà máy, song song treo mức thưởng cực lớn nếu ai phát hiện ra lỗi. Đó không phải là cách đối thoại với người tiêu dùng bởi chẳng ai có thời gian mà đi săm soi lỗi của một doanh nghiệp, trừ cánh nhà báo được mời tham dự.

Và người đi săm soi kiểm định ấy cũng chẳng đủ niềm tin để đại diện cho một cộng đồng. Người tiêu dùng xem đó là một thách thức với họ thì đúng hơn. Và với họ, khi đã thách tôi, thì chính thức ông bắt đầu lọt vào danh mục bị ghét.

Sau đó, người tiêu dùng quên rất nhanh. Thời gian là thuốc tiên có thể chữa lành mọi thứ mà? Chẳng ai nhắc đến vụ con ruồi nữa. Công luận quay sang Hà Hồ-Cường Đô la; Lệ Quyên trên máy bay; ISIS đánh bom ở Pháp... chứ chẳng còn nhớ đến một anh Võ Văn Minh đang hầu tra chuẩn bị ra tòa.

Tân Hiệp Phát chủ quan vì thấy báo chí cũng chẳng còn lục lại cái scandal đó nữa. Nhưng sự chủ quan của họ đã bắt họ trả giá nhiều hơn khi vụ việc được mang ra tòa xử, ở cùng với thời điểm một loạt vụ án lớn được xử lưu động. Họ cho rằng giữa rừng thảm án, chả ai rảnh rỗi nhớ về một con ruồi.

Song họ nhầm to.

Mô tả hình ảnh

Ông chủ Tân Hiệp Phát đã nhầm khi nghĩ dư luận quên vụ con ruồi.

Công luận vốn mẫn cảm, và đa cảm. Người ta chỉ cần nhìn vào bản án 7 năm, cùng hình ảnh đứa con thơ của Võ Văn Minh thôi là cái nút nhấn chuyển sang chế độ “Ghét” đã được bật lên tự động. Nhưng cái ghét đó cũng chưa đủ đậm đặc khi phía Tân Hiệp Phát đối diện với khủng hoảng bằng cách gióng lên hồi chuông “Chúng tôi đang bị hãm hại”.

Vụ mua lại 2 tỷ USD được rò rỉ ra, cho một số phóng viên báo chí, như thể là cái cớ cho chuyện “không ăn được thì đạp đổ”. Cái cớ của Tân Hiệp Phát quá lỏng lẻo. Cả cộng đồng KHÔNG NHÌN THẤY MỘT NẠN NHÂN NÀO ngoài Võ Văn Minh (mặc dù rất nhiều người đồng tình rằng Võ Văn Minh rõ ràng phạm pháp)?

Chẳng ai thấy Tân HIệp Phát là nạn nhân của một âm mưu nào cả mà chỉ thấy chính họ đang hãm hại người khác. Lập tức, họ không dừng lại ở công kích, ở kêu gọi tẩy chay nữa mà lục lại toàn bộ hồ sơ lưu trên mạng của thương hiệu này. Và họ nhận thấy, mỗi lần có chuyện, tại sao báo chí lại im lặng về Tân Hiệp Phát nhanh thế, như thể không có chuyện gì xảy ra.

Mô tả hình ảnh

Những hình ảnh biếm họa vụ con ruồi của Tân Hiệp Phát tràn lan trên mạng xã hội. (Ảnh: Facebook)

Nghi vấn được đặt ra là quan hệ của Tân Hiệp Phát quá mạnh, quá tốt. Và đòn đánh chí mạng mà Tân Hiệp Phát không ngờ tới (vì họ chưa xem trọng sức mạnh của lực lượng này) chính là mạng xã hội. Ở kỷ nguyên mỗi tài khoản như một tờ báo, mỗi chủ tài khoản như một phóng viên điều tra, Tân Hiệp Phát chính thức gục trước dư luận. Cấp độ ghét đã lên đến báo động màu cam.

Song, cái dở của những người xử lý khủng hoảng ở Tân Hiệp Phát là họ không rút ra bài học cũ. Đâu đó lại lác đác những bình luận, đánh giá rằng “Tại sao lại tẩy chay THP mà không tẩy chay các hãng nước ngoài từng vi phạm tương tự?”.

Mô tả hình ảnh

Có cả một fanpage "Tẩy chay Tân Hiệp Phát" được rất nhiều người hưởng ứng trên Facebook.

Và sai lầm lại được đẩy lên cao trào hơn khi có những phản pháo cho rằng mất Tân Hiệp Phát, mỗi năm mất mấy ngàn tỷ tiền thuế rồi thậm chí có luật sư còn phát biểu ‘phát động tẩy chay có thể bị truy tố’. Đây là một suy luận ấu trĩ và một nước cờ đối đầu đẩy cộng đồng vào đường không còn gì để thỏa hiệp.

Không có Tân Hiệp Phát nữa ư, sẽ có những nhãn hàng mới, dù nhỏ, tận dụng cơ hội bước vào tấn công thị trường. Họ sẵn sàng và hoan hỉ đóng thuế thay cho Tân Hiệp Phát, miễn sao miếng bánh thị phần chiếm được là tương xứng. Người dùng không uống các sản phẩm THP nữa thì họ cũng sẽ có các sản phẩm thay thế.

Và từ xưa tới nay, chưa có ai chết vì không uống nước ngọt có gas và các loại nước giải khát đóng chai bao giờ. Thái độ thiếu cầu thị của Tân Hiệp Phát, thái độ đối đầu đến cùng của họ, dưới nhãn mác một số người bênh vực là “phải thiết lập một xã hội thượng tôn pháp luật” đã bật tiếp nút “Ghét” sang chế độ cảnh báo cuối cùng: Màu đỏ.

Mô tả hình ảnh

Không chỉ người tiêu dùng, ngay cả các đối tác giờ cũng quay lưng lại với Tân Hiệp Phát.

Cộng đồng rất thèm một xã hội văn minh, thượng tôn pháp luật và sai phạm của Võ Văn Minh, cộng đồng chắc chắn đồng thuận với án phạt đưa ra nhưng họ không đồng thuận với cách Tân Hiệp Phát giải quyết để hình thành con đường độc đạo cho Võ Văn Minh đi tới vành móng ngựa.

Cộng đồng chính thức ghét thương hiệu ấy là vì cái thái độ và nó tạo ra bài học kinh điển cho mọi thương hiệu ở mọi ngành nghề sản xuất là “Hãy tương tác với cộng đồng chứ đừng nghĩ rằng cộng đồng không hề có nhu cầu nào khác là dùng sản phẩm tốt và đẹp”.

Suy cho cùng, gói lại câu chuyện này, không thể kết án ai trong cái chết nếu có của thương hiệu Tân Hiệp Phát cả. Con ruồi không giết họ; cộng đồng không giết họ. Chỉ có chính họ đã tự sát mà thôi.

Hà Quang Minh

Chủ đề chính: #tân_hiệp_phát

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn