Trương Võ Kim Quyên

Tản mạn về Haruki Murakami và kẻ song trùng.

Đăng 8 năm trước

Điều đặc biệt ở Haruki Murakami là ông diễn tả cuộc sống một mình (không cô độc, không phải cô đơn) đẹp đến mức người đọc cảm thấy sự bình thản sâu sắc.

Mô tả hình ảnh

Vì lí do gì mà tóc cô gái trong truyện "Người tình sputnik" bạc trắng chỉ sau một đêm?

Cô bị nhốt trong đu quay, qua cửa sổ cô trông thấy chính mình đang làm tình với người đàn ông trong căn phòng của một khách sạn trước mắt. Từ đó trở đi, cô bị mất một nửa linh hồn, cô ta chết trong sự sống! Hay như trong cuốn "Biên niên kí chim vặn dây cót", có một nhân vật bắt gặp chính mình đang ngủ trên chính chiếc giường của mình, từ đó trở đi anh ta không còn có thể nói được nữa. Khác biệt là anh ta lại không chết trong sự sống như cô, anh ta thực sự sống, sống hơn bất cứ ai, ít nhất là so với các nhân vật khác trong truyện của Haruki.

Đây là motif khá phổ biến trong các loại truyện kinh dị của phương Tây, cặp song trùng mang ý nghĩa như hai con người giống hệt nhau nhưng với tính cách đối lập, cũng được gọi là những linh hồn song sinh. Người này thường là đối thủ của người kia, mang đến sự "giật mình thức tỉnh" hoặc là sự khiêu khích ám ảnh khôn nguôi đến mức cả hai không thể cùng tồn tại. Đến lúc cao trào của truyện, người này sẽ phải tiêu diệt người kia.

Đó là ý nghĩa trong văn học, nhưng thật ra dopplegänger chỉ có ý nghĩa như hai tính cách hoàn toàn đối lập cùng lúc tồn tại bên trong một cá thể mà thôi. Kiểu như con lắc, chúng ta thường dịch chuyển tâm trạng từ thái cực này sang thái cực khác liên tục, yêu - ghét, vui - buồn, khóc - cười... Văn chương thường thể hiện mọi thứ một cách bi đát nhất có thể, nào là "sự rạn nứt nhân cách", "bóng ma" (gặp gỡ bóng ma của chính mình trong khi vẫn còn đang sống thì ghê hết chỗ nói). Cho nên những loại truyện kinh dị của Phương Tây (mà sử dụng motif trên) thường không gây ra sự ghê sợ như truyện á Đông nhưng lại gây ám ảnh lâu dài về sau, cảm giác lo sợ tâm lí nhiều hơn là về không gian (ánh sáng/bóng tối), bóng tối thường gây sợ hãi vì liên quan đến "thế giới bên kia". Nhưng sự ghê ghê âm ỉ trong truyện kinh dị của phương Tây mơ hồ hơn, ảo hơn vì thực ra ta không biết cụ thể cái gì làm cho ta thấy ghê.

Ví dụ như đọc truyện "Con mèo đen" của Edgar Allan Poe có thể sẽ không bao giờ dám nuôi một con mèo đen chẳng hạn, nhưng con mèo trong truyện vẫn cứ là một con mèo, nó không có hoá thành tinh hay yêu quái để hù doạ người đêm đêm. Cách tác giả miêu tả nó làm cho người đọc lạnh sống lưng.

Hoặc câu chuyện "Bàn tay khỉ", mỗi lần nhớ lại câu chuyện đều cảm thấy ghê ghê thế nào nhưng cụ thể là cái gì thấy ghê thì không rõ. Nó không mang tính chất hù doạ rụng tim nhưng một khi đã đọc, hiểu thì coi như xong, không quên được, cái cảm giác ghê ghê cứ đi theo mỗi lần nhớ lại câu chuyện.

Thật ra tôi cũng không biết do Haruki chưa đủ tầm để viết truyện kinh dị như Edgar Allan Poe,như Hitchcock hay do ông cố tình viết hú hoạ về chi tiết "song trùng" thế thôi hay sao, vì truyện của ông chủ yếu là đánh vào sự hư hư thực thực rất vừa phải, vừa đủ để thấy chính bản thân mình khi đọc nhưng cuối cùng lại không hiểu ông muốn truyền tải cái gì!?

Khi đọc truyện của Haruki, cảm giác như đang đọc chính bản thân mình, ông giống như nhà thôi miên, cứ dẫn dắt và khơi gợi ra những kí ức đã bị chôn vùi, những cảm xúc tinh tế, những chi tiết nhỏ nhoi tưởng như chẳng hề quan trọng chút nào cũng được ông miêu tả rất kĩ. Do vậy mà sách của ông cuốn nào cũng dầy ơi là dầy, lan man vô cùng, đọc xong cũng coi như là... xong.

Như nước trôi qua cầu, ta đây nóng bức nhảy cái ùm xuống tắm táp mát mẻ rồi đi lên, không mang theo được gì, ngay cả nước trên người cũng phải lau cho khô. Nhưng cũng chính vì vậy mà sách của ông không bao giờ lỗi thời, không gây nhàm chán, lúc nào cũng có thể đọc lại mà mỗi lần mỗi khác (như nước mỗi mùa mỗi khác ấy), kết thúc bao giờ cũng để mở, làm cho người đọc cứ suy nghĩ mãi không thôi.

Tôi có ấn tượng với câu chuyện "Cái quần cộc Đức" trong cuốn "Người Ti - vi" của ông, kể về một người phụ nữ Nhật chịu đựng chồng suốt bao nhiêu năm cuộc đời bỗng nhiên bỏ nhà, bỏ con ra đi sau khi trông thấy người đàn ông hệt chồng mình mặc cái quần cộc của Đức.

Bà ta sang Đức thăm họ hàng, sẵn tiện đi may cho ông chồng cái quần của Đức, nhưng tiệm may đòi hỏi phải có một người vóc dáng giống hệt như chồng bà thử đồ cho vừa chuẩn thì họ mới chịu may, đó là quy tắc của những nơi có đẳng cấp. Bà ta cũng cố xoay xở tìm được một người đàn ông với vóc dáng gần như là giống y hệt chồng, sau khi nhìn ngắm ông ta mặc cái quần của Đức như thế một hồi, bà bỗng nhớ lại tất cả những điều xấu xa của chồng, cảm giác căm ghét mạnh mẽ chưa bao giờ bà cảm thấy chực trào ra. Thế là bà quyết định ở lại Đức luôn, không về nhà nữa.

Câu chuyện cũng không có gì xuất sắc, thậm chí có người nói tao mà viết còn hay hơn, nhưng vấn đề không phải là từ ngữ bạn viết có trau chuốt hay không, vấn đề là ở nội dung, từ ngữ chỉ là sự tung hứng. Truyện của ông không bàn đến những vấn đề quá xa xôi, quá lớn lao, chỉ những điều tinh tế, tinh tế đến mức người đọc chỉ có thể cảm chứ không thể nói. Cái khổ tâm lớn nhất của các fan hâm mộ Haruki là không biết cách nào giải thích cho người khác hiểu vì sao họ yêu văn của ông đến vậy, câu chữ cũng có giới hạn. Gần giống như là tình yêu, yêu đi rồi biết, đọc đi rồi biết, người không kiên nhẫn chắc chắn không đọc sách ông được, đọc xong cũng chửi vì có nhiều đoạn ông viết rất bệnh, đọc muốn bệnh.

Một điều đặc biệt khác nữa của Haruki là ông diễn tả cuộc sống một mình (không phải là cô độc, cũng không phải là cô đơn) đẹp đến mức người đọc cảm thấy sự bình thản sâu sắc bên trong các nhân vật. Qua tay ông, việc nấu mì spaghetti, làm súp miso hay ăn cơm, uống bia cũng tao nhã, đi bơi hay đi dạo cũng trở thành nghệ thuật, các nhân vật trò chuyện với nhau thì phun châu nhả ngọc tựa chân lí, lúc làm tình cũng có thể luận Hegel...

Ngoài những cái đẹp đó ra cũng có vài đoạn làm tình thể loại biến thái, làm tình với mẹ, giết người bằng cách lột da, những giấc mơ kinh dị luôn luôn được miêu tả rất là chi tiết. Âu cũng là cách để giữ sự cân bằng "mùi vị" cho cuốn sách, cái xấu làm nền cho cái đẹp, bóng tối làm nền cho ánh sáng, giữ cho một tác phẩm có chỗ đứng riêng của nó, không có tiêu chuẩn nào để bị so sánh.

Để khép lại bài viết này, tôi nghĩ cũng nên giới thiệu cuốn mình thích nhất trong tất cả các sách của ông, "Nhảy nhảy nhảy", sặc mùi liêu trai + trinh thám + tình cảm nhẹ nhàng đẹp đẽ, mà văn của ông bao giờ cũng đẹp, là đẹp,không phải hay, rất là đẹp.

Chủ đề chính: #Haruki_Murakami

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn