Pham Hoan Muốn chia sẻ những gì mình thấy và cảm nhận

Tất tần tật về du lịch Hồ ba bể - Hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Việt Nam

Đăng 5 năm trước

Hồ Ba Bể là một hồ nước ngọt tự nhiên, trong 100 hồ nước ngọt lớn nhất thế giới, nằm trong Vườn quốc gia Ba Bể, nơi đây được công nhận là khu du lịch quốc gia Việt Nam. Hồ được hình thành từ cách đây hơn 200 triệu năm. Cuộc kiến tạo lục địa Đông Nam Á cuối kỷ Camri, đã đưa một khối nước khổng lồ với diện tích bề mặt xấp xỉ 5 triệu m2 và chiều dày hơn 30m lên lưng chừng vùng núi đá vôi, tạo ra hồ Ba Bể. Ba nhánh của hồ thông nhau được gọi tên là Pé Lầm, Pé Lù và Pé Lèng.

Giá trị lớn nhất của Hồ Ba Bể là cảnh quan địa chất độc đáo, giá trị nổi bật về địa chất địa mạo và giá trị to lớn về đa dạng sinh học. Đây là hồ nước ngọt thiên nhiên lớn nhất Việt Nam.

Hồ Ba Bể nằm trong Vườn quốc gia huyện Ba Bể, cách trung tâm tỉnh Bắc Kạn 60km về phía bắc và cách Hà Nội hơn 200km, có diện tích tự nhiên là 67.412ha. Hồ Ba Bể rộng gần 500ha gắn liền với dòng sông Năng và hệ thống hang động, thác nước thiên nhiên kỹ vĩ trở thành khu danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở khu vực miền núi phía Bắc.

Phía Đông huyện giáp huyện Ngân Sơn Phía Tây giáp tỉnh Tuyên Quang Phía Nam giáp huyện Chợ Đồn và huyện BạchThông Phía Bắc Giáp huyện Pác Nặm và tỉnh Cao Bằng. Huyện có 16 đơn vị hành chính, gồm 15 xã và 01 thị trấn với 200 thôn bản. Dân số toàn huyện có gần 47 nghìn người, trong đó có khoảng 95% là người dân tộc thiểu số.Thành phần dân tộc chính là: Tày, Kinh, Dao, Mông, Nùng, Hoa và một số dân tộc khác.

Hồ Ba Bể được biết đến là một trong số những hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất miền Bắc và được UNESCO xếp vào top 20 hồ nước ngọt đẹp nhất thế giới cần được bảo vệ và phát triển.

Nằm trong khu vực vườn Quốc gia Ba Bể, thuộc xã Nam Mẫu, huyện Ba bể, tỉnh Bắc Kạn, hồ Ba Bể được bao quanh bởi hai cánh cung Ngân Sơn và Bắc Sơn. Nếu bạn yêu thích cảnh quan núi rừng, nương rẫy, thiên nhiên hùng vĩ nơi đây, hãy tận hưởng chuyến đi thư giãn sau một tuần làm việc mệt mỏi. 

Cách đến hồ Ba Bể

Để di chuyển thuận lợi và an toàn đi đi đến hồ Ba Bể, bạn có thể di chuyển bằng xe khách và xe máy. Con đường từ thành phố Bắc Kạn đến hồ Ba Bể khoảng gần 65 km với địa hình đường đèo phức tạp.Nếu đi xe máy, quãng đường sẽ bắt đầu từ quốc lộ 3, hướng đi Sóc Sơn - Thái Nguyên. Lưu ý, để lái xe an toàn,bạn nên để ý xe cộ lớn vì đường đi khá nhỏ, ngoằn ngoèo qua núi. Bạn cần để ý tốc độ vào buổi tối và bật đèn xe đúng quy định.

Trải nghiệm đầu tiên khi đến hồ Ba Bể, ta sẽ bắt gặp cảnh đồi núi trập trùng phía xa chen lẫn những tầng mây, sương mù mờ ảo. Làn nước xanh biếc cùng tiếng chim hót, muông thú gọi bầy sẽ là bức tranh trữ tình thơ mộngnơi núi rừng Đông Bắc.

Hồ Ba Bể được bao quanh bởi núi và khu rừng nguyên sinh. Cái tên Ba Bể bắt nguồn từ một sự tích được lưu truyền từ đời này sang đời kia, đúng với thực tế, hồ Ba Bể được thắt khúc bởi ba hồ là hồ Pé Lầm, hồ Pé Lù và hồ Pé Làng.

Khi đến hồ, để di chuyển trên hồ, bạn có thể thuê thuyền. Nếu đi nhóm đông, bạn nên thuê thuyền lớn để tham quan hết các danh lam, địa điểm đẹp trên hồ Ba Bể.

Một điều khiến mình khá thoải mái khi đến du lịch tại hồ Ba Bể chính là chuỗi nhà nghỉ xây theo kiến trúc homestay nằm trong các bản ven hồ. Với kiến trúc là nhà sàn thoáng mát vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông, bạn có thể chiêm ngưỡng toàn bộ cảnh núi rừng và một góc hồ Ba Bể khi đứng trên ban công.

Tại bản Pác Ngòi, có hơn 10 hộ gia đình kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ và ăn uống, giá cả khá hợp lý chỉ khoảng 200.000-300.000 đồng/phòng, ở từ 5-7 người.

Các điểm du lịch hồ ba bể

1. Động puông

Để đi đến động puông thì bạn sẽ phải đi thuyền xuôi theo sông Năng, đây là con sông đổ vào hồ Ba Bể, lên thuyền tại bến xuồng boocluom xã Khang Ninh đi xuôi theo dòng sông, thuyền đi được khoảng 400m thì sẽ đến động puông, Động Puông dài 300 mét, cao hơn 30 mét hình thành khi con sông Năng chảy xuyên qua bên dưới núi đá vôi Lũng Nham với vách đá dựng đứng và nhiều thạch nhũ có hình dạng và màu sắc khác nhau bên trong động. 

Bên trong động, những dải thạch nhũ hình thù kỳ lạ rủ xuống soi bóng lung linh trên dòng nước. Càng vào sâu bên trong, tuy lòng động khá tối nhưng vẫn đủ sức hấp dẫn du khách, trong động là nơi trú ngụ của hàng vạn con dơi đang sinh sống, khi du khách vào tham quan động, âm thanh bước chân, ánh sáng đèn pin và tiếng trò chuyện vang vọng làm dơi bơi ra nháo nhác trên nóc động.

Không biết từ bao giờ, dòng sông Năng hiền hòa là thế mà đục thủng cả vách núi đá vôi để tạo thành một dòng chảy với những hang động kỳ vĩ. Nhiều người còn ví động Puông như hàm cá mập khổng lồ há miệng nuốt từng áng thuyền độc mộc cứ nối đuôi nhau xuôi dòng.

2. Thác đầu đẳng

Từ động puông ta đi thuyền xuôi theo dòng sông Năng sẽ đến Thác Đầu Đẳng, thác có chiều dài hơn 1.000 mét, tuôn chảy qua những khối đá muôn hình, chất chồng lên nhau như thạch trận. Đôi bờ là những vạt rừng mọc ken dày, xanh tốt, phủ tán lòa xòa ra tận mép nước. Dòng thác lúc ầm ào, khi rẽ dòng khúc khuỷu, có đoạn lại êm đềm thơ mộng... Đến tham quan Thác Đầu Đẳng, ngồi trên những phiến đá lớn hay đứng trên ban công gỗ, cho bạn thỏa thích ngắm nhìn đoạn thác cuộn trào, tung bọt trắng xóa.

Khung cảnh rất đẹp và sống động

Ngoài ra, khu vực Thác Đầu Đẳng còn xuất hiện loại cá Chiên hiếm thấy với những con nặng trên 10kg. Vào dịp tháng 3 đến tháng 4 hàng năm, sau những trận mưa đầu mùa trút xuống, từng đàn cá lại đua nhau vượt thác, tạo nên cảnh tượng kỳ thú “cá vượt vũ môn”. 

3. Pò giả mải

Đảo Bà Góa (Tiếng địa phương là Pò Giả Mải) hòn đảo nhỏ xinh xắn nằm giữa hồ 1 (Pé Lèng) của hồ Ba Bể. Đảo được tạo thành bởi những phiến đá to nhỏ, xếp chồng lên nhau, cây cối trên đảo xanh tốt quanh năm, rễ cây buông xuống ôm lấy những phiến đá, nhìn xa đảo như một hòn non bộ giữa mặt hồ.

Đảo Bà Goá điểm du lịch hấp dẫn, viên ngọc xanh in bóng lung linh giữa hồ nước trong xanh, nơi lý tưởng dành cho du khách tham quan và chụp những bức hình kỷ niệm về chuyến đi đến với khu du lịch vườn Quốc Gia Ba Bể,Bắc Kạn./.

Tương truyền đảo chính là nơi sinh sống của hai mẹ con bà góa tốt bụng năm xưa đã dùng vỏ trấu lấy từ hạt thóc bà Tiên cho tách làm đôi biến thành hai chiếc thuyền độc mộc đi cứu giúp dân lành trong trận đại hồng thuỷ hình thành hồ Ba Bể.

4. Đền An Mã

Đền An Mã (An Mạ) toạ lạc trên đảo An Mã giữa hồ Ba Bể. Đây là ngôi đền cổ được trung tu xây dựng lại năm 2006. Đền thờ Phật, Mẫu Thượng Ngàn, Chúa Sơn Trang, Đức Thánh Trần....

Đến khu tâm linh Đền An Mạ, trên hòn đảo có khum hình mai rùa, Đền do dòng họ Ma trụ trì dựng đền để thờ cúng cội nguồn, tổ tiên. Đền An Mạ rất thiêng, hằng năm đây là nơi tổ chức lễ hội lồng tồng. Những ngày mồng một âm lịch hằng tháng, người dân địa phương thường lên đảo thắp hương cầu tài, cầu lộc, cầu cho gia đình bình an, hạnh phúc

Đền An Mã là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của người dân địa phương, khách thập phương và cũng là nơi dâng lễ hội xuân Ba Bể tổ chức vào ngày 10 tháng giêng. Hội đền An Mã được tổ chức vào ngày 6 tháng hai âm lịch hàng năm./.

Tương truyền: Đền là nơi thờ các vị trung thần nhà Mạc trong cuộc chiến tranh phong kiến thời Lê Mạc, sau khi bị thua trận đã chạy đến động Puông rồi tuẫn tiết tại đó. Để tưởng nhớ các vị trung thần, người dân nơi đây đã dựng đền thờ họ Mạc, song sợ bị quan quân nhà Lê trả thù nên đã đổi tên thành đền thờ họ Ma. An Mạ theo tiếng dân tộc Tày có nghĩa là "mồ yên mả đẹp" nơi yên nghỉ của các trung thần họ Mạc.

5. Ao tiên

Cái tên “Ao Tiên” vốn đã gắn với câu chuyện truyền thuyết về người thợ săn trong lúc qua Ao Tiên đã bị hút hồn bởi vẻ đẹp kiều diễm của các nàng tiên đang tắm trong ao. Ao Tiên nằm ở góc hồ ba của hồ Ba Bể, là một hồ nước nhỏ nằm lọt giữa thung lũng của những cánh rừng nguyên sinh, có những mạch ngầm thông nhau giữa Ao Tiên và hồ Ba Bể. Đây chính là nét độc đáo của Ao Tiên,nơi đây còn là nơi cư trú của nhiều loài động thực vật thủy sinh, cũng như nét đặc trưng khác của vườn Quốc gia Ba Bể

Mặt nước hồ phẳng lặng, xanh trong như một tấm gương in đậm bóng núi, mây trời. Lãng mạn với những cô gái Tày trong bộ áo dài dân tộc khua nhẹ mái chèo trên những chiếc thuyền độc mộc.

6. Động Hua mạ

Động Hua Mạ được mệnh danh là “Kỳ quan đệ nhất Động”, là một trong những điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi đến với Ba Bể, Bắc Kạn.

Động Hua Mạ nằm ở phía Nam Hồ Ba Bể, cách trung tâm Vườn Quốc gia Ba Bể khoảng 10km. Nằm bên bờ sông Lèng, giữa lưng chừng ngọn núi Cô Đơn thuộc địa phận xã Quảng Khê, huyện Ba Bể (Bắc Kạn), đây là một hang động lớn với vẻ đẹp cuốn hút, mang trong mình những huyền sử kỳ bí.

Động Hua Mạ gắn liền với một truyền thuyết dân gian vô cùng kỳ bí. Truyện kể rằng ở khu vực “Lèo Pèn” (tiếng Tày có nghĩa là “Rừng Ma” ), nơi ma quỷ ngự trị, tại lưng núi có một sơn động lạ. Ngày ngày, cứ chiều tà, tiếng kêu hú từ phía động vọng ra khiến dân chúng trong vùng không ai dám đến gần.

Một ngày cuối năm, có một vị tướng đi tuần qua, khi đến bờ sông Lèng trời đã gần tối. Đoàn người ngựa định sang bản bên để nghỉ lại, nhưng lạ thay khi qua sông, cứ xuống đến nước ngựa lại quay đầu trở lại, hí vang như báo hiệu một điều gì đó. Cùng lúc đó từ phía “Lèo Pèn,” tiếng hú vọng ra. Thấy sự việc lạ, vị tướng cho gọi dân làng đến hỏi thì được biết tiếng kêu đó là những oan hồn của dân binh đã cùng triều đình chống giặc, vì cố thủ trong hang, bị giặc bít cửa hang nên đã chết mà không được siêu thoát.

Hiểu rõ sự tình, quan quân liền hạ trại ngay cạnh bờ sông Lèng và mổ ngựa làm lễ tế trời đất. Lạ thay, khi lễ tế vừa xong thì tiếng oan hồn trong động cũng im dần rồi mất hẳn. Từ đó người ta gọi sơn động “Lèo Pèn” là động Hua Mạ (hay còn gọi là Đầu Ngựa), để ghi nhớ một sự tích kỳ bí và huyền thoại của hang động này. Qua hàng triệu năm, trầm tích thời gian tạo nên những khối nhũ đá kỳ vĩ, mang nhiều hình dáng đặc biệt như hình bông hoa, đài sen đức Quan âm bồ tát, cảnh thầy trò Đường Tăng đi sang Tây Trúc lấy kinh; cảnh mỏm đá lô nhô như một buổi thiết triều có đông đủ văn võ bá quan... Các nhũ đá trắng, đen ánh lên các màu lung linh huyền ảo từ phía trên hang động rủ xuống, từ mặt đất nhô lên khiến không gian bên trong động càng thêm lung linh, huyền ảo.

7. Thác tát mạ

Trên đường vào xã Hoàng Trĩ (Ba Bể) du khách sẽ bị thu hút bởi dòng thác Tát Mạ chảy tựa như dải lụa trắng, mềm mại nổi bật giữa nền xanh của núi rừng.

Tát Mạ là tiếng địa phương. Theo nghĩa Tiếng Việt “tát” có nghĩa là “thác”, “mạ” có nghĩa là “ngựa”, Tát Mạ là Thác Ngựa. Các cụ truyền miệng lại rằng từ xa xưa khu vực quanh thác còn rất hoang vu, cây cối rậm rạp không ai dám đặt chân đến, chỉ nghe dòng thác chảy ào ào vì bị che lấp bởi cây cối nên âm thanh của dòng thác càng trở nên huyền bí, linh thiêng. Mỗi khi có mưa giông, sấm chớp thì dòng thác phát ra những âm thanh kỳ lạ như tiếng một đàn ngựa hí vì vậy người dân nơi này gọi là thác Tát Mạ. Dòng thác còn có một cái tên gọi khác là Thác Bạc bởi nhìn từ xa thác đổ từ trên cao xuống tạo thành vệt trắng xóa như một dải lụa tương phản với ánh sáng lấp lánh ánh bạc.

Thác là một dòng chảy lớn, dọc theo núi đá có độ dốc cao, phân thành nhiều tầng, tầng cao nhất khoảng 40m. Do chênh lệch về độ cao nên thác Tát Mạ trông rất hùng vĩ, dòng nước trắng xóa chảy ào ào như một dải lụa mềm mại tung bọt như lớp sương mờ trên nền xanh của cây rừng, tạo thành âm thanh vang vọng núi rừng. Dòng thác chảy trên nền đá xanh bền vững được bao bọc bởi khu rừng bán nguyên sinh tạo cho thác một vẻ đẹp nguyên sơ. Thác Tát Mạ được hình thành tự nhiên trên lưu vực suối Bản Duống, bắt nguồn từ một đỉnh núi cách đó khoảng 10km, chảy qua thôn Nà Lườm, Nà Cọ kết hợp với 2 con suối Tàng Na và Bản Mán tại trung tâm xã rồi chảy ra hợp lưu với sông Tà Lèng chảy về Hồ Ba Bể và có nhiệm vụ cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho nhân dân trong vùng, tạo nên một vẻ đẹp đặc trưng của vùng nông thôn miền núi.

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn