Lạc Thư Trầm Gã mộng mơ lạc lối tìm lại chính mình bằng những con chữ ấp bằng cả niềm đam mê

Tên húy của chín chúa mười ba đời vua triều Nguyễn và phương ngữ nam bộ

Đăng 4 năm trước

Có bao giờ bạn tự hỏi vị vua tài ba Lê Thánh Tông nhưng sao khi đặt tên đường lại thành Lê Thánh Tôn? Rồi Ngô Thì Nhậm và Ngô Thời Nhiệm thực ra có phải một người hay không? Và một loạt phương ngữ của xứ đàng trong mà điển hình là của người Nam Bộ từ đâu mà hình thành? Thật ra là có liên quan đến tên húy của các vị vua chúa nhà Nguyễn, chúng ta cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé!

Chín chúa mười ba triều vua nhà Nguyễn

Trong hình mà chúng ta vừa xem ở trên là niên biểu của một thời kỳ nhiều biến động của chính trường phong kiến Việt Nam, cũng là một thời kỳ lịch sử đặc sắc có một không hai. Dưới chân thiên tử là Vua Lê, mà sử cũ vẫn gọi là nhà Lê Trung hưng, hai họ Trịnh - Nguyễn phân tranh cát cứ lấy sông Gianh làm giới tuyến...


Trong phạm vi bài viết này không đề cập đến cuộc nội chiến ấy, chúng tôi chỉ mượn hình ảnh niên biểu ấy để dẫn nhập và liệt ra đây tên húy của chín vị chúa Nguyễn của xứ Đàng Trong để các bạn rồi sẽ tiện theo dõi ở phần sau của bài viết.

1. Chúa Tiên Nguyễn Hoàng

 2.Chúa Sãi (Chúa Bụt) Nguyễn Phúc Nguyên

3. Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan

4. Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần

5. Chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Thái 

6. Chúa Minh Nguyễn Phúc Chu

7. Chúa Ninh Nguyễn Phúc Chú

8. Chúa Vũ Nguyễn Phúc Khoát

9. Chúa Định Nguyễn Phúc Thuần


Rồi sau đó là một chuỗi biến động tưởng như họ Nguyễn bị đẩy đến tận cùng của suy vong. Nhưng Nguyễn Phúc Ánh, giọt máu cuối cùng của vương triều đàng trong sau mấy mươi năm bôn tẩu, đã phục quốc thành công. Sự kiện "Gia Long tẩu quốc" ấy hãy còn nhiều tranh cãi cũng như vai trò của nhà Nguyễn với lịch sử Việt nam vẫn là một lằn ranh còn đầy tranh sáng tranh tối kéo dài suốt mười ba đời vua...


  1. Vua Gia Long -Nguyễn Phúc Ánh
  2. Vua Minh Mạng-Nguyễn Phúc Đảm
  3.  Vua Thiệu Trị -Nguyễn Phúc Miên Tông,
  4.  Vua Tự Đức -Nguyễn Phúc Hồng Nhậm
  5. Vua Dục Đức -Nguyễn Phúc Ưng Ái
  6.  Vua Hiệp Hòa - Nguyễn Phúc Hồng Dật,
  7.  Vua Kiến Phúc -Nguyễn Phúc Ưng Đăng
  8.  Vua Hàm Nghi -Nguyễn Phúc Ưng Lịch
  9. Vua Đồng Khánh -Nguyễn Phúc Ưng Kỷ
  10. Vua Thành Thái -Nguyễn Phúc Bửu Lân
  11.  Vua Duy Tân -Nguyễn Phúc Vĩnh San
  12.  Vua Khải Định -Nguyễn Phúc Bửu Đảo
  13. Vua Bảo Đại -Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy

từ việc kỵ húy thời phong kiến

Kỵ húy là một khái niệm quen thuộc trong lịch sử phong kiến. Người ta sẽ cố dùng những từ đồng nghĩa hoặc nói trại đi để tránh dùng đến những từ trùng với tên của các bậc vua chúa. Vậy cho nên mới có một loạt những phương ngữ nam bộ xuất hiện mà theo các nhà nghiên cứu ấy là do sự kính trọng và phần nào là quy định nghiêm ngặt đương thời dẫn đến tạo thành thói quen.

Khi chúa Nguyễn Hoàng vào Nam gầy dựng Xứ Đàng Trong, ông mang theo tập quán kỵ húy từ miền ngoài vào. Nhưng ở Xứ Đàng Ngoài, trải qua hàng ngàn năm lịch sử, với nhiều biến cố lên xuống của các triều đại, lòng người tan hợp thăng trầm theo mệnh nước, nhiều tiếng kỵ húy của triều đại trước bị triều đại sau xóa bỏ, và chúng đã mai một đi trong trí nhớ người dân, còn để lại rất ít dấu vết trong ngôn ngữ những lưu dân theo chân Nguyễn Hoàng vào Nam. Mà đã vào vùng đất mới này tức thoát khỏi vòng cương tỏa của triều đình, họ chẳng thèm sợ húy gì của vua chúa cũ nữa. Bản thân vị Chúa Tiên cũng chỉ áp đặt tập quán đó cho thần dân của mình ở vùng đất mới chớ chẳng bận tâm đến những từ húy kỵ nơi "cố quốc". Có lẽ vì thế mà trong ngôn ngữ người dân miền Nam chỉ có những từ húy từ tên các vua chúa nhà Nguyễn.


Còn bây giờ nếu bạn vẫn chưa sẵn sàng, thì hãy lướt lên phần trên của bài viết này một lần nữa để nhớ qua tên của một số vị ở đó, và đây, sẽ có những điều thú vị dành cho bạn.

Đến phương ngữ xứ Đàng Trong

Đầu tiên, họ Hoàng là một họ khá phổ biến ở miền Bắc, nhưng ít gặp ở phương Nam. Bởi lẽ vị Tiên chúa lập ra xứ đàng Trong là Nguyễn Hoàng, vì thế mà thường sẽ đổi thành họ Huỳnh. Một minh chứng khá thú vị là liên quan đến một ...loài cua. Đó là cua Huỳnh Đế. Cua huỳnh đế là đặc sản từ vùng biển Quảng Ngãi đến Phú Yên.Giống cua này được ngư dân tôn xưng là vua của các loài cua và theo tương truyền của các lão ngư dân miền Trung, ngày xưa, khi vua chúa du ngoạn ở các vùng biển đẹp, thấy ngư dân nơi đây đánh bắt được loại cua lạ, có màu đỏ hồng như chiến bào, hình dáng như loài rùa nên ăn thử. Ăn thấy ngon, tốt cho sức khỏe nên vua truyền cho các địa phương có loại cua này phải dâng lên hoàng cung. Từ đó tên gọi cua hoàng đế hay vua của các loài cua được lưu truyền trong dân gian. Nhưng vì phạm húy với tên của chúa Nguyễn Hoàng nên được đọc trại đi thành cua huỳnh đế. 

Rồi thú vị hơn nữa nè, ở Bắc Bộ có tỉnh Thái Bình được mệnh danh là quê lúa, nhưng trong Nam thì chỉ có Thới Bình, tên một huyện ở Cà Mau, thay vì Thái bình (kiêng tên chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Thái), các tên thôn xã như Thới Tam, ThớiTứ, Tân Thới Nhứt, Tân Thới Nhì, Xuân Thới Đông, Xuân Thới Sơn... thuộc khu vực Hóc Môn thành phố Hồ Chí Minh, là tuân theo sự kỵ húy đó.


Tiếp nữa, có một nhân vật lịch sử tên là Ngô Tòng Chu nhưng hầu hết sử sách đếu chép là Ngô Tùng Châu. Ông này gắn liền với danh tướng Võ Tánh của vua Gia Long. Cả hai đã tuẫn tiết trong trận chiến thành Quy Nhơn. Nhưng vì kỵ húy với chúa Nguyễn Phúc Chu, nên các sách đều chép thành Ngô Tùng Châu. Và cũng chung một lẽ đó nên một số nhân vật trong truyện tàu mà xuất bản ở miền Nam trướcc đây chỉ có Châu Chỉ Nhược, Châu Bá Thông, hoặc Đông Châu Liệt quốc chứ không dùng từ Chu là vậy.

Và đây vì sao mà vua Lê Thánh Tông mà thành Lê Thánh Tôn, và một loạt miếu hiệ của các vị vua đều đổi thành Tôn thay vì là Tông. Bởi như trong danh sách ở trên, ta thấy vị vua thứ ba của triều Nguyễn, vua Thiệu Trị ,có tên húy là Nguyễn Phúc Miên Tông. Rồi vua Tự Đức là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, nên mưu sĩ Ngô Thì Nhậm được viết lại trong sử với cái tên Ngô Thời Nhiệm, nhưng trong Hoàng Lê Nhất Thống Chí được viết bởi Ngô Gia văn phái ở Bắc Hà, vì không ảnh hưởng sự kị húy này nên vẫn giữ cái tên Ngô Thì Nhậm khiến cho danh thần của vua Quang Trung một lúc có hai danh tín , khiến đời sau đôi lúc nhầm là hai người.

Rồi còn một số từ như kiểng thay vì là cảnh, vì kỵ húy với Hoàng Tử Cảnh con trai vua Gia Long. Hay một số nơi ở miền nam hay nói sơn hà thay cho san hà vì ngại tên vua Duy Tân là Nguyễn Phúc Vĩnh San...

Nhưng rắc rối và cầu kỳ nhất là chữ Hoa. Bà Hồ Thị Hoa là mẹ của vua Thiệu Trị , vợ vua Minh Mạng. Và để tránh phạm húy nên chợ Đông Hoa thành chợ Động Ba, rồi cầu Hoa thành cầu Bông như ngày nay hay xuất hiện những thuật ngữ như huê hồng, huê hậu hoặc nước Huê Kỳ...

 Ngôn ngữ là linh hồn của một dân tộc. (Ferdinand von Humboldt)

Vậy nên chỉ là một số phương ngữ bình dân thường ngày mà tìm hiểu rõ ràng chân tờ kẽ tóc thì cũng có thể thấu cảm được ngọn ngành những căn nguyên của lịch sử hay hoàn cảnh của thời cuộc.

Và câu chuyện về phương ngữ nam bộ không chỉ là câu chuyện của đọc trại đi vì phạm húy mà còn là câu chuyện của một thủa hồng hoang đi mở cõi, để rồi xuất hiện một lớp từ vựng, một loạt cách phát âm mang hồn dân dã, của đất-nước nơi này. 

Câu chuyện về phương ngữ ấy âu cũng là câu chuyện từ ngàn xưa của người dân Nam Bộ vậy !

Chủ đề chính: #lịch_sử_việt_nam

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn