Dương Kim Trực

Tết Của Người Việt

Đăng 7 năm trước

Thu qua,đông đến xuân lại về. Những chiều cuối đông thường ảm đạm,buồn tênh,vài ba chiếc lá rơi nhè nhẹ,thắm thoắt một năm đã trôi qua.

Thu qua,đông đến xuân lại về. Những chiều cuối đông thường ảm đạm, buồn tênh, vài ba chiếc lá rơi nhè nhẹ, thắm thoắt một năm đã trôi qua.

Cứ mỗi dịp cuối năm chúng ta mới có cơ hội nhìn lại chặn đường một năm trôi qua, đã làm được gì và chưa làm được gì.

Một năm mới của người việt bắt đầu bởi cái tết. Tết là một lễ hội lớn, kéo dài, và người Việt chúng ta hay tổ chức lễ hội tết một cách hoành tráng nhất có thể. Tết hiện hữu xung quanh trong tất cả người việt chúng ta. Dù là người Việt xa quê hương hay người việt đang ở chính quê hương mình vẫn cảm nhận và đón một cái tết với những gì họ có.

Đối với người Việt xa quê, chỉ cần thắp một nén nhang, bày một bàn thờ hoa quả và hướng về quê hương với tấm lòng của một người con đất Việt xa xứ, thế cũng là một cái tết rồi. Đơn giản như thế. Bình dị, chân thành và mộc mạc.

Dù là tết của tất cả mọi người, nhưng trên chính quê hương chúng ta, mỗi người cũng có những cách đón tết theo mỗi cách khác nhau phụ thuộc vào khả năng tài chính và yếu tố tâm linh của họ.

Đón Tết ở thành phố cũng khác với nông thôn. Tết của người giàu cũng khác Tết của người nghèo.

Ở thành phố, cứ độ tất niên thì đa số họ chuẩn bị cho một kỳ nghỉ dài cùng gia đình và người thân, họ chọn một nơi nào đó để đến, một khu nghĩ dưỡng, hoặc có thể là họ đi du lịch ở nước ngoài. Cách người thành phố đón tết chủ yếu là đi chơi, giải trí, thư giản sau một năm làm việc mệt mỏi. Họ tự cho phép hưởng thụ trong những ngày tết. Và đó là cách đón tết của đa số người giàu.

Ở nông thôn thì cách đón tết có khác đi. Mọi người tất bật dọn dẹp nhà cửa, làm sao cho khang trang nhất để đón tết. Rồi chuẩn bị cho giao thừa, ngày xưa còn có tục ngồi canh nồi bánh chưng đêm giao thừa nữa, ông bà ngày xưa thường tự làm bánh chưng, bánh giầy để cúng tổ tiên vào sáng mùng 1 tết, thế nên đêm giao thừa ông bà ta ngày đó thức trắng đêm để canh nồi bánh ấy. Ngày nay có khác hơn, toàn là dịch vụ cả,cứ ra chợ là có hết, và thanh niên bây giờ cũng khác ngày xưa, không còn chú trọng vào những phong tục như thế nữa. Đêm giao thừa họ kéo nhau đi chơi, hát hò, xem đốt pháo hoa, rồi hái lộc…. Các cụ lớn tuổi thì ở nhà chuẩn bị bánh trái để thờ cúng, xong đâu đấy rồi thì mở tivi xem chương trình “Gặp nhau cuối năm”, nghe chủ tịch nước đọc thư chúc tết….

Tết của người việt cũng kéo dài hơn hẳn tết của phương Tây. Có nơi kéo dài đến hết tháng giêng, bởi thế dân gian thường bảo tháng giêng là tháng ăn chơi.

Sáng mùng 1 tháng giêng là chính thức tết, mọi người trưng diện những bộ cánh đẹp nhất của họ, có người trước đó còn đi xem bói, ai hợp tuổi với mình và mình hợp tuổi với ai để mà chọn người “xông đất” đầu năm lấy hên. Trẻ con thì háo hức lắm, vì tết là được ông bà, cô chú lì xì mừng tuổi. Thanh niên thì hẹn hò nhau, đi chơi, lễ hội, họp lớp….Các cụ thường ở nhà suốt ngày mùng 1, hôm sau thì các cụ hay có phong tục đi chúc tết những người thân quen.

Ngày xưa, tết thường mộc mạc lắm, mọi người đón một cái tết đúng nghĩa truyền thống, cùng nâng ly chúc cho nhau một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, trẻ con nô nức dạo chơi vui vẻ, thanh niên thường tham gia vào các hoạt động thể thao do làng xã tổ chức. Các lễ hội truyền thống ngày ấy tuy đơn điệu nhưng bình yên và chân thật ấm lòng.

Ngày nay, khi văn hóa việt có sự xáo trộn mạnh, thì tết cũng không bình yên như trước. Tết không còn bắt đầu bởi ly rượu chúc nhau mưa thuận gió hòa, mà tết ngày nay bắt đầu bằng những cuộc chơi thâu đêm của đám thanh niên, những cuộc đua xe mịt mờ khói bụi cũng bắt đầu từ đó. Tệ nạn xuất hiện ngày càng nhiều. Người Việt đang tự đánh mất dần một nền văn hóa lâu đời nhất.

Một sáng tết, trong không khí lành lạnh của mùa xuân, mùi thơm hoa cỏ của đất trời, cái không khí lạnh bàng bạc ấy khiến con người ta có cảm giác bâng khuân khó tả. Tôi phóng xe dạo một vòng quanh thành phố,và tôi chợt đứng khự lại, trước mắt tôi là con đường dẫn vào bãi rác ở ngoại ô thành phố, xa xa, có hai đứa trẻ đang nhặt nhạnh những mẫu ve chai, vui vẻ cười đùa, hình như đang tranh luận một chuyện nào đó vui lắm. Hai đứa trẻ mặt mũi lấm lem, nhem nhúa bùn đất,nhưng ở đó, ánh mắt chúng vô tư, hồn nhiên. Long lanh đôi mắt trẻ thơ, chúng cứ vô tư như thế, nhặt tất cả những gì có thể nhặt được. Tôi thoáng nghĩ rằng, chúng không có tết.Nhưng chợt nhận ra, với những đứa trẻ ấy, ngày nào kiếm được tiền cho một ngày đủ ăn đã là tết rồi. Tết trong tâm hồn của chúng.

Sau lưng tôi, quán cà phê bên gốc phố vang lên bài hát mùa xuân, xuân xuân ơi xuân đã về…..

Chủ đề chính: #tết_cổ_truyền

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn