khoa10021996

TẾT LÀNG TÔI

Đăng 8 năm trước

Tết là một nét truyền thống được mọi người dân VIỆT NAM chúng ta gìn giữ qua bao đời nay, tuy nhiên xã hội ngày càng hiện đại dường như cái tết đúng nghĩa đã dần lãng quên vào trong ý nghĩ của giới trẻ hiện nay

Viết bài : Nguyễn hữu đăng khoa

Tết làng                             

Làng tôi lên phố đã lâu, nhưng rồi phố vẫn cứ là làng. Làng PHƯỚC THỌ tức khu phố 9, phường PHƯỚC HỘI, thị xã LA GI, tỉnh BÌNH THUẬN.

Gọi làng, bởi dù đã lên phố gần 10 năm, nhưng cảnh vật, con người vẫn “muôn năm cũ”. Dù tiếng phố, cách trung tâm thị xã có vài trăm mét, nhưng tết nhứt, cái nếp quê trong làng vẫn còn rất đậm. Mỗi chuyện chia thịt heo ăn tết cũng đủ rộn ràng đầu trên, xóm dưới. Cứ vài ba gia đình trước tết cả tháng đã rủ nhau hùn hạp mổ con heo chia phần ăn tết. Heo nhà nuôi, không công thức, không chất tăng trọng, nhiều nạc, ít mỡ, giá cả lại phải chăng nên mỗi gia đình đều kiếm cho mình phần hùn đủ ăn trong mấy ngày tết. Khuya 28, 29 tết tiếng heo bị chọc tiết kêu la inh ỏi. Đường làng, người đi chia thịt cười nói rộn vang. Tờ mờ sáng mỗi người xách về một xâu thịt, thịt được xâu vào sợi lạt tre còn tươi roi rói. Sướng nhất mấy bác mổ heo, được nồi cháo huyết ứ, bộ lòng luộc nóng hổi khề khà ngon hết biết.

Làng còn nghèo, cuộc sống người dân lắm vất vả, nên mấy ngày Tết cổ truyền, dân làng hết sức quý. Mang theo nhiều tập tục miền quê xứ Quảng, tết đối với bà con là niềm vui của sự chộn rộn. Chộn rộn nhà cửa, chộn rộn bánh mứt, thịt thà, chộn rộn quần áo giày dép, cả đến chộn rộn giặt giũ, lau chùi bàn ghế… Nhà nào cũng vậy! Nghèo khó mấy cũng phải có vài đòn bánh tét, nồi măng khô hầm, ít củ kiệu, bộ quần áo mới cho con cái nó vui, và đặc biệt không được quên tục cúng làng.

Dường như cái tuổi tròn 20 năm sống với làng từ thời thơ ấu, ngần ấy năm tôi được đồng hành với tập tục này. Cúng đình, cúng tộc thì nơi nào cũng có, nhưng cúng làng, cầu cho năm mới làng quê bình yên, mọi người sức khỏe, mưa thuận, gió hòa… không phải nơi nào cũng có. Chẳng ai hẹn ai và dù bận rộn, khó khăn gì, từng gia đình với lòng thành kính, họ đều dành dụm chút ít tiền hoặc lễ vật để đóng góp cúng làng. Việc cúng làng được tổ chức dịp cuối năm vào rạng sáng 25 tết. Địa điểm, xưa là hội trường làng, rồi hội trường thôn và nay là hội trường khu phố. Đứng ra lo việc cúng kiến là người có tuổi, có uy tín, kết hợp cùng chính quyền khu phố. Tiền nong do dân làng đóng góp được chuyển giao cho ban tổ chức sắm lễ vật, nhang đèn… số còn lại mua thực phẩm, gia vị… để các chị, các em chế biến phục vụ dân làng sau lễ cúng. Nói nghe to tát vậy, chứ thực ra cả làng đóng góp cao lắm cũng vài triệu đồng là cùng.

4 giờ sáng 25 tết, khi nghe tiếng trống làng tùng tùng vang vọng, dân làng ai nấy áo quần tề chỉnh kéo về hội trường dự lễ cúng. Bàn thờ được đặt nơi trang nghiêm nhất, trên có nhang đèn hoa quả. Mâm cúng có đầu heo, xôi chè, thịt rượu. Người chủ lễ trong trang phục áo dài khăn đóng thực hiện nghi thức cúng tế, bái tạ trời đất, thần linh, cầu xin cho dân làng năm mới mọi sự tốt lành, an khang thịnh vượng, mùa màng bội thu, con cái học hành tiến bộ… Lễ cúng làng diễn ra trang nghiêm trong sự thành kính của dân làng. Sau lễ cúng mọi người tụ tập vui với nhau chén rượu, cùng chúc cho nhau những lời tốt đẹp nhất. Một buổi họp mặt dân làng cuối năm đúng vào thời khắc rạng đông tuy hết sức đơn sơ nhưng vô cùng nồng ấm.

Vậy đó, tết làng tôi chỉ giản dị thế thôi. Nhưng năm nào xa làng, xa tết là thấy nhớ da diết quặn lòng.

Chủ đề chính: #TẾT_LÀNG

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn