Meow Nguyen

Tết nhất, tránh nói những điều sau để không bị kém duyên và gây khẩu nghiệp

Đăng 5 năm trước

Tết cổ truyền là dịp để gia đình đoàn tụ, họ hàng gặp mặt sau một năm xa cách, bận rộn với những kế hoạch, lo toan trong cuộc sống. Đây là khoảng thời gian mọi người cùng trao tặng nhau những lời chúc tốt đẹp, ý nghĩa cho một năm mới. Thế nhưng không ít người phải nhận những lời nói khó chịu, thậm chí bị tổn thương bởi những câu hỏi, quan tâm một cách vô duyên, thiếu ý nhị trong thời khắc năm mới này. Để tránh gây vết thương lòng cho người khác, bạn hãy tránh xa những câu nói dưới đây nhé!

1. Bao giờ kết hôn?

Em trai bao giờ cưới vợ thế? Em gái bao giờ cho chị ăn cỗ nào? Câu hỏi mà thường ngày những người độc thân đã hay phải nghe rồi mà tết đến thì thực sự bội thực. Biết là người hỏi đôi khi thể hiện sự quan tâm của mình nhưng quan tâm và hỏi han về chuyện trăm năm của người ta có giúp gì cho người ta được không? Có làm cho tâm trạng người ta tốt lên không? Nếu không, xin đừng gieo bão vào lòng người ta nữa. Bởi nếu có cô nàng, anh chàng nào mà tìm được ý chung thân của đời mình rồi, muốn kết hôn lắm rồi thì đâu cần bạn phải hỏi, phải giục giã.

2. Bao giờ sinh con? Bao giờ sinh đứa nữa? Lại con gái à?

Khi đã kết hôn được vài tháng hoặc lâu hơn là hai, ba năm mà chưa sinh con, hẳn các cặp đôi luôn được tặng những câu hỏi không muốn nhận như: "Sao vẫn chưa có em bé à?", thậm chí kém duyên như: "Hai đứa kế hoạch hay là bị làm sao mà chưa đẻ?". Hoặc nếu như đã sinh một bé rồi mà vài ba năm sau chưa thấy có bé tiếp theo thì lại nhận về câu hỏi: "Bao giờ sinh đứa nữa? Đẻ sớm đi không là không đẻ được đâu". Tệ hại không kém là khi đã đẻ đứa tiếp theo rồi thì cũng chưa được yên thân, bởi có thể ai đó tự cho mình quyền phán xét, cảm thán về giới tính đứa trẻ mà bạn sinh ra: "Lại con trai/gái à?".  Chuyện con cái là chuyện quan trọng của tất cả những người làm cha, mẹ. Nếu như cặp vợ chồng đó chưa sinh con có thể vì họ chưa sẵn sàng về tinh thần, kinh tế hay lý do về sức khỏe chẳng hạn. Những câu hỏi về chuyện con cái trong ngày đầu năm có thể làm cho người nhận được chẳng lấy gì làm vui vẻ, có khi gây nhói lòng. Các cụ ta có câu: "Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau", vì vậy hãy suy nghĩ trước khi đặt ra câu hỏi cho người khác: bản thân người ta có muốn nhận câu hỏi từ bạn hay không? Có muốn trả lời những câu hỏi chỉ để thỏa mãn tính tò mò trong bạn hay không?. Đừng để những câu hỏi thiếu tế nhị như vậy làm mất vui không khí ngày xuân.

3. Hỏi chi tiết tài chính của người khác

Lương tháng được bao nhiêu? Mua nhà trên thành phố chưa? Thằng A, đứa B lương cao lắm, chúng nó mua được nhà trên thủ đô rồi đấy. Hỡi ôi, không chỉ hỏi về chuyện tiền bạc nhạy cảm của người khác mà còn ngầm so sánh nữa. Thử hỏi, bạn có vui vẻ gì không nếu như bị hỏi và bị so sánh như vậy? Thật lòng mà nói nhé, chả có ai muốn nghe mấy câu hỏi kiểu này đâu, ngoại trừ mấy người muốn khoe khoang, kể lể về bản thân mà thôi. Nếu mục đích của bạn hỏi theo kiểu quan tâm, vậy xin hỏi quan tâm đó để làm gì? Còn hỏi theo kiểu mỉa mai, bóng gió, so sánh ngầm thì làm ơn dừng lại đi, khẩu nghiệp đấy. Cả năm chúng ta đã mải mê với chuyện đồng tiền bát gạo rồi. Năm mới hãy tận hưởng những phút giây quý giá này, nói lời hay ý đẹp để cả nhà, cả họ cùng vui.

4. Nhận xét về ngoại hình người khác gây tổn thương

Rất vui nếu bạn nhận xét tích cực, khen ngợi thật tâm như: "Kiểu tóc này hợp với chị đấy" hay: "Dạo này dáng em chuẩn thế, cho chị xin bí kíp",... Còn nếu có thấy người ta béo một chút, gầy một chút, mặt mụn vài chỗ, màu tóc nhuộm chưa hợp lắm thì đừng có hồn nhiên mà nhận xét ngoại hình khiến người ta tổn thương bạn nhé. Nhận xét không tích cực, miệt thị ngoại hình của người khác chẳng khác nào giết người bằng lời nói. Có thể trước đây bạn chưa biết hậu quả của việc miệt thị ngoại hình người khác hậu quả ghê gớm như thế nào và hồn nhiên làm điều đó, còn giờ đã biết rồi thì nên tránh bạn nhé! Đặc biệt năm hết tết đến, hãy nói những lời hoa ngọc để cả năm được sống trong những lời yêu thương, đẹp đẽ.

5. Thêu dệt, buôn chuyện người khác

Chúng ta đôi khi không tránh khỏi những phút giây quên đi bản thân, mải mê ngắm nhìn và nói chuyện về một người nào đó. Nhưng sau những phút giây đó, có bao giờ chúng ta tự hỏi: "Mình nói chuyện về người khác làm gì nhỉ? Nó có mang lại lợi ích tích cực nào cho mình không?". Những câu chuyện nói về người khác khen thì ít mà soi mói thì nhiều, lời nói truyền miệng nhau qua lại làm cho câu chuyện bị thêu dệt và khác xa sự thật. Đó chính là một trong những khẩu nghiệp. Nói về người khác không soi mói, đặt điều thì cũng hạ người ta xuống để nâng mình lên. Hãy thử đặt mình vào vai người bị lôi ra nói, bàn tán. Hẳn bạn sẽ nhận thấy sự khó chịu, bực bội phải không nào? Tết nhất là thời điểm gặp gỡ, trò chuyện, quây quần, những lúc tụ tập đông người vui vẻ như vậy, hãy tự ý thức không nói hay bàn luận về một ai đó bạn nhé, hãy chia sẻ về bản thân nhiều hơn và cùng đón nhận những chia sẻ từ những người xung quanh. Tết thôi nói xấu, ngưng đặt điều bạn sẽ được sống trong một năm an lành, ít thị phi.

Tết là dịp ai cũng mong ngóng vì một năm chỉ có một lần. Đó là khoảng thời gian mà chúng ta dành cho bản thân, cho gia đình, bạn bè và những người thân yêu. Hãy gieo những ý niệm tốt đẹp và nói lên những lời nói tình cảm, chân thành để tất cả chúng ta cùng đón một cái Tết hạnh phúc trọn vẹn nhất bạn nhé!

Chủ đề chính: #tết_nguyên_đán

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn