Khánh Lâm

TẾT THANH MINH.

Đăng 4 năm trước

Tết Thanh minh là một trong những ngày lễ truyền thống của người dân tộc Hán

Trong Truyện Kiều, đại thi hào Nguyễn Du có viết: 

"Ngày xuân con én đưa thoi 

Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi 

Cỏ non xanh tận chân trời 

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa 

Thanh minh trong tiết tháng Ba 

Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh 

Gần xa nô nức yến anh 

Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân"

Vậy Tết Thanh minh là gì? Tại sao lại có tết Thanh minh? Chúng ta cùng nhau tìm hiểu nhé!

Tết Thanh minh là một trong những ngày lễ truyền thống của người dân tộc Hán, là một trong hai mười bốn tiết khí theo quan niệm của người Trung Quốc cổ xưa. Thời gian của nó được ước lượng khoảng trước sau ngày mồng 5 tháng 4 âm lịch. 

Xưa kia, trước tiết Thanh minh một ngày được gọi là tiết Hàn thực. Tương truyền vào thời kỳ Xuân Thu, Tấn Văn Công truy niệm sự kiện “Cát cổ sung cơ” (Cắt thịt đùi chống đói) của Giới Tử Thôi, về sau thì nhập chung với tết Thanh minh thành một tiết. Từ đời Đường trở về sau, lễ tảo mộ đều lấy ngày này làm nhật kỳ.

Tương truyền, sau khi vua Vũ trị thuỷ xong, mọi người lấy hai chữ Thanh minh để chúc mừng thủy tai đã được diệt trừ, chúc mừng thiên hạ đã được thái bình. Đó là thời đoạn mà ngày xuân ấm áp, hoa nở tươi vui, vạn vật biến chuyển, “Thiên thanh địa minh” (trời trong đất sáng), chính là lúc tốt nhất để du xuân đạp thanh. 

Tập tục Đạp thanh vốn đã có từ đời Đường, dần dần đã trở thành một tập tục. Ngoại trừ việc thưởng thức cảnh sắc sông núi, cảnh đẹp ngày xuân, đạp thanh còn tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, càng làm tăng thêm vẻ hứng thú của ngày xuân.

Tết Thanh minh còn lưu giữ tập tục Tảo mộ, nhưng kỳ thực tục tảo mộ là nội dung của tết Hàn thực diễn ra trước thanh minh một ngày. 

Hàn Thực là ngày tương truyền bắt đầu từ việc Tấn Văn Công truy niệm sự kiện Giới Tử Thôi. Năm Khai Nguyên thứ 20, Đường Huyền Tông hạ chiếu hiệu lệnh thiên hạ, “Hàn thực thướng mộ ” (ngày hàn thực đi thăm mộ). Vì tết Hàn thực và Thanh Minh gần nhau nên về sau người xưa có xu hướng chuyển dân sang lễ thanh minh để đi tảo mộ. 

Thời kỳ Minh Thanh, tục tảo mộ thanh minh càng trở nên thịnh hành. Theo phong tục tảo mộ thời cổ, trẻ em thường thả diều. Những cánh diều bình an thường mang theo sáo trúc, khi gió thổi có thể phát ra âm thanh, thường gọi là sáo diều. Đấy là người xưa đã căn cứ vào âm thanh vui tai mà đặt tên cho diều vậy.

Trong tết thanh minh còn có khá nhiều những phong tục bị thất truyền, chẳng hạn những phong tục được lưu truyền vào thời cổ đại như Đới liễu, Xạ liễu, Đả thu thiên… 

Những phong tục thanh minh này cũng rất thịnh hành thời Liêu, từ triều đình cho đến thứ dân đều lấy trò đánh đu làm âm nhạc, gái trai tụ tập, phong tục đạp thanh cực kỳ thịnh hành. Không khí ngày xuân thật rộn ràng, đúng như Nguyễn Du đã miêu tả trong Truyện Kiều: 

“Thanh minh trong tiết tháng ba

Lễ là Tảo mộ, hội là Đạp thanh”.

Theo truyền thuyết, phong tục Sáp liễu (trồng liễu) được dùng để kỷ niệm sự kiện tổ sư của nhà nông là Thần Nông Thị dạy dân trồng cấy, gặt hái (“Giáo dân giá sắc”). Có nơi, người ta cắm những cành liễu ở dưới mái tranh nhà để mà dự báo thời tiết. Ngạn ngữ xưa có câu: 

“Liễu điều thanh, vũ mông mông. Liễu điều can, tình liễu thiên"

(Cành liễu xanh, mưa lất phất. Cành liễu khô, trời tạnh ráo).

Tết Hàn thực rốt cục là trước tết Thanh minh mấy ngày? Có mấy cách giải thích? Lương Tông Lẫm trong Kinh Sở tuế thời ký có ghi chép rằng: Sau đông chí khoảng 105 ngày thì gọi là Hàn thực. 

Như vậy, tết Hàn thực trước Thanh minh đúng 02 ngày. Trong thơ của ông Nguyên Chẩn đời Đường có câu: 

“Sơ quá Hàn thực nhất bách lục” 

(Qua đến tiết Hàn thực là đúng 106 ngày)

Và ông cho rằng tết Hàn thực trước ngày Thanh minh đúng 1 ngày. Tiết Thanh minh và Đông chí bản thân nó cũng có thời điểm rõ ràng, có thể sai dị 1 ngày. Bởi vì ngày Thanh minh và Hàn thực gần nhau nên người xưa những hoạt động trong ngày Hàn thực thường được kéo dài đến ngày Thanh minh, lâu dần trở nên tập tục ấy, giữa Hàn thực và Thanh minh cũng không có gì khác biệt lắm.

Trước và sau tết Thanh minh diễn ra nhiều hoạt động mang tính phong tục truyền thống, như Hàn thực thì tặng lửa (Hàn thực tứ hoả), Thanh minh thì đi tảo mộ phần (Thanh minh tảo mộ), lễ hội Đạp thanh, đi dạo vùng ngoại ô (Giao du), đánh cầu ngựa (đả mã cầu), thả diều (phóng phong tranh), đánh đu (Đãng thu thiên), đá gà (Đấu kê), lội sông (Bạt hà)… 

Những hoạt động này được thay đổi kế tục theo năm tháng. Tuỳ theo sự phát triển của xã hội, có những tập tục giờ đã bị đào thải, có những tập tục được lưu giữ đến ngày nay nhưng đã phú cho nó nội dung mới.

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn