Bảo Thanh Lương

Thần thoại Việt Nam: Thần trụ trời

Đăng 5 năm trước

Thuở trời đất còn mịt mù hỗn độn, tự nhiên hiện lên một vị thần to lớn khác thường, đầu đội trời, chân đạp đất, đào đất, vác đá đắp thành một cái cột to cao để chống trời lên, mà phân chia ra trời đất. Trời như một cái vung úp, đất bằng như một cái mâm vuông, chia ra làm bốn hướng đông, tây, nam, bắc. Chỗ giáp giới trời đất gọi là chân trời.

Khi đã chống trời lên cao rồi, thần phá bỏ cột trụ đi, ném tung vãi đất và đá khắp tứ phía làm thành những đồi, núi, đảo khiến mặt đất hóa ra chỗ cao chỗ thấp. Còn chỗ thần đào đấtđể đắp cột chống trời về sau đầy nước thành biển. Dấu vết cột chống trời ngày nay người ta cho là ở núi Thạch Môn thuộc về tỉnh Sơn Tây, Bắc Việt, cũng gọi là núi Không Lộ (đường lên trời), hay Kình Thiên Trụ (cột chống trời). 

Dân chúng còn có câu hát lưu hành nhắc nhở đến công việc của ông Trụ Trời vào thuở khai thiên lập địa: 

Một ông đếm cát, 

Hai ông tát bể, 

Ba ông kể sao, 

Bốn ông đào sông, 

Năm ông trồng cây, 

Sáu ông xây rú, 

Bảy ông trụ trời.

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn