tt.thuylinh

Thành Cát Tư Hãn có thể là ông tổ của hơn 16 triệu người trên thế giới hiện nay

Đăng 6 năm trước

Hàng triệu người đàn ông khắp châu Á được cho là mang gene của Thành Cát Tư Hãn, người sáng lập đế chế Mông Cổ rộng lớn và là cha của hàng trăm đứa trẻ trên đường đi chinh phạt.

Bí ẩn xung quanh người con trưởng của Thành Cát Tư Hãn

Trong các tài liệu lịch sử còn lại cho đến ngày nay, người vợ duy nhất của Thành Cát Tư Hãn được nhắc đến là bà Bật Tê, con gái thủ lĩnh một bộ tộc đồng minh với bộ tộc của Thành Cát Tư Hãn. Thời trẻ, bà là một tuyệt thế giai nhân. Chính vì có nhan sắc hơn người nên sau khi đã là vợ Thành Cát Tư Hãn, bà Bật Tê vẫn bị người của một bộ tộc khác bắt cóc và cầm giữ trong 8 tháng. Sau khi được cứu trở về, bà sinh con trai đầu lòng, được Thành Cát Tư Hãn đặt tên là Truật Xích. 

Theo cuốn Bí sử Mông Cổ được một tác giả khuyết danh biên soạn sau khi Thành Cát Tư Hãn qua đời thì Truật Xích không phải là con ruột của Thành Cát Tư Hãn mà là con của bà Bật Tê với một trong những kẻ đã bắt cóc bà. Ngoài mặt, Thành Cát Tư Hãn có vẻ không mấy quan tâm đến việc này và thường tỏ ra rất giận dữ khi người em trai liền kề Truật Xích nhạo báng nguồn gốc của anh mình. Thế nhưng, có lẽ trong thâm tâm, Đại Hãn cũng cảm thấy có đôi chút nghi ngờ. Cái tên Truật Xích có thể là một bằng chứng. Trong tiếng Mông Cổ, Truật Xích có nghĩa là Người khách không mong đợi.  

Mặc dù thuộc ngành trưởng nhưng Truật Xích và các con cháu của ông không bao giờ được coi là người kế vị ngôi báu của Thành Cát Tư Hãn. Năm 1223, sau những chiến thắng tưng bừng ở Nga và Cáp-ca, đội quân của Đại Hãn bắt đầu quay về Mông Cổ. Tất cả những người con trai khác của Thành Cát Tư Hãn đều cùng về với ông, chỉ riêng Truật Xích kiên quyết đòi ở lại vùng đất của mình ở phía bắc Aral và biển Caxpi. Ông ở lại đây cho đến cuối đời và không một lần về triều gặp lại cha mình. Một số nhà nghiên cứu nhận định rằng hành động này thể hiện sự bất mãn của Truật Xích khi không được Đại Hãn chọn kế vị.

Ông tổ của hơn 16 triệu người

Ngoài Truật Xích, vốn bị nghi ngờ về thân thế, Thành Cát Tư Hãn còn có 3 người con trai khác với bà Bật Tê. Sau khi ông qua đời, người con thứ hai là Sát Hợp Đài được chia phần đất Trung Á và bắc Iran. Con trai thứ ba là Oa Khoát Đài kế vị tước Đại Hãn và nhận vùng đất Trung Quốc, Triều Tiên. Con trai út, Đà Lôi ở lại Mông Cổ làm giám quốc. Ngoài ra còn có 5 người con gái được gả cho thủ lĩnh các bộ tộc để tạo liên minh. 9 người con kể trên chỉ là kết quả cuộc hôn nhân của Thành Cát Tư Hãn với bà Bật Tê, người vợ cả được gia đình mai mối. Sau này, Thành Cát Tư Hãn còn thu nạp thêm nhiều tiểu thiếp. Hầu hết đều sinh con cho ông.  

Một số người con của các tiểu thiếp cũng được chia những vùng đất nhỏ và được phép lập quân đội riêng, nhưng không được ban tước vị và không được ghi vào sử sách nên chẳng ai biết đến.

Ngoài hậu cung, còn có những mỹ nữ được các tướng lĩnh dưới trướng và thủ lĩnh các vùng đất chịu khuất phục dưới vó ngựa Mông Cổ dâng cho Đại Hãn như chiến lợi phẩm hay đồ cống nạp. Các sử gia phương Tây cho rằng ở chốn phòng the, Thành Cát Tư Hãn cũng mạnh mẽ không khác gì trên sa trường. Vì vậy rất nhiều người trong số các mỹ nhân đã từng hầu hạ ông đã mang cốt nhục của Đại Hãn. Nhưng không phải ai cũng được tuyển làm hậu phi. Trước khi kịp biết mình mang giọt máu đế vương, một số người đã được ban tặng cho các tướng làm vợ, số khác bị bỏ lại trên đường chinh chiến của đại quân Mông Cổ.

Con cái của họ sinh ra cũng mang huyết thống của Thành Cát Tư Hãn nhưng không bao giờ được biết đến và công nhận. Như thế, hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn có thể có mặt ở khắp những miền đất mà ông đã từng chinh phục. 

Tạp chí khoa học Nature cuối tháng trước cho biết các nhà khoa học ở đại học Leicester, Anh phát hiện gần 8% đàn ông thuộc 16 dân tộc ở châu Á mang các nhiễm sắc thể Y gần giống nhau. Con số tương ứng với 0,5% đàn ông trên thế giới (gần 16 triệu người). 

Các biến thể di truyền của những người này cho thấy dòng gene khởi nguồn từ khoảng 1.000 năm trước ở Mông Cổ.Thành Cát Tư Hãn là một vị vua sáng lập ra Đế quốc Mông Cổ sau khi hợp nhất các bộ lạc ở vùng đông bắc châu Á năm 1206. Mông Cổ sau đó mở rộng xâm chiếm khắp châu Á, sang đến vịnh Ba Tư. Những gì mà Thành Cát Tư Hãn thực hiện không chỉ là cai trị đế chế rộng lớn nhất thế giới, mà còn làm tăng dân số ở những nơi vó ngựa của ông đi qua.

Thành Cát Tư Hãn được cho là có hàng trăm người con. Mỗi con, cháu trai của ông cũng có hàng chục người con trai khác. Sau khi Thành Cát Tư Hãn chết năm 1227, vài trăm năm sau đó, con cháu của ông vẫn tiếp tục sự nghiệp chinh phạt và "truyền bá nòi giống" của mình. 

Nhóm nghiên cứu cũng phân tích các nhiễm sắc thể Y của hơn 5.000 đàn ông thuộc 127 nhóm dân cư khác nhau trên khắp châu Á. Họ phát hiện 11 chuỗi nhiễm sắc thể Y phổ biến lặp đi lặp lại ở các bộ gene được nghiên cứu. 

Bằng cách tìm kiếm các đột biến ngẫu nhiên tích lũy theo thời gian đối với những chuỗi nhiễm sắc thể Y này, nhóm nghiên cứu có thể phỏng đoán thời điểm khởi phát chúng. Họ khám phá ra rằng ngoài Thành Cát Tư Hãn, 10 người nữa cũng có nhiễm sắc thể Y di truyền khắp thế giới.

Một trong số đó là Giác Xương An, tổ phụ của Nổ Nhĩ Cáp Xích, người đã thống nhất các bộ tộc Nữ Chân và xây dựng một nhà nước mà sau này trở thành nhà Thanh. Giác Xương An được cho là có rất nhiều vợ và tỳ thiếp, và là ông tổ của hơn 1,5 triệu đàn ông. 

Một dòng giống người châu Á khác cũng tạo thành các nhóm dân cư sống rải rác dọc theo tuyến giao thương Con Đường Tơ Lụa, ra đời từ khoảng năm 850 sau Công nguyên. Rất có thể, họ có nguồn gốc từ các nhà cầm quyền hùng mạnh, thống trị các thảo nguyên nơi Con đường tơ lụa đi qua như Khiết Đan, Tây Hạ, Juchin, Tây Liêu và đế quốc Mông Cổ. 

Nhóm nghiên cứu nhận định, ông tổ của dòng giống người này có thể là Liêu Thái Tổ  A Bảo Cơ - hoàng đế đầu tiên của Khiết Đan, một vương quốc Trung Á tồn tại từ 907 cho đến khi bị đế quốc Mông Cổ tiêu diệt năm 1218. A Bảo Cơ qua đời năm 926 sau Công nguyên. 

Những ông tổ có nhiễm sắc thể Y di truyền mạnh mẽ ở châu Á được xác định xuất hiện khoảng năm 2100 trước Công nguyên tới năm 1100 sau Công nguyên. Họ sống ở các xã hội nông nghiệp ít di chuyển, cũng như các bộ lạc du mục ở khắp Trung Đông, Trung Á tới Đông Nam Á và đông bắc Trung Quốc, Mông Cổ.  

Mark Jobling, nhà di truyền học, người dẫn đầu chương trình nghiên cứu gene của đại học Leicester, cho biết việc thiết lập được một dòng giống lớn đến vậy phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống xã hội, trong đó cho phép đàn ông lấy nhiều vợ và có con với họ. 

(Tổng hợp)

Chủ đề chính: #thành_cát_tư_hãn

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn