Bee

Thanh niên các nước trên thế giới tự lập từ bao nhiêu tuổi?

Đăng 6 năm trước

Sớm hay muộn, hầu hết thanh thiếu niên đều sẽ phải rời khỏi vòng tay của cha mẹ để bắt đầu cuộc sống tự lập. Thường là sau khi họ đến tuổi trưởng thành, hay khi bắt đầu có việc làm và độc lập về tài chính, hoặc có thể sau khi họ kết hôn. Tuy nhiên, thời điểm bắt đầu xa gia đình và sống tách riêng với cha mẹ của giới trẻ ở các nước thường không giống nhau. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về điều này ở một số quốc gia trên thế giới.

Hy Lạp

Ở đất nước Hy Lạp, những người đến 30 tuổi vẫn sống cùng với cha mẹ của họ không phải là hiếm. Các nhà xã hội học đã chỉ ra rằng do thanh thiếu niên Hy Lạp đã quen với cuộc sống được chiều chuộng và họ được cha mẹ sẵn sàng chu cấp mọi thứ từ nhỏ, đồng thời họ cũng sợ những khó khăn. Nếu họ quyết định ra sống riêng, cha mẹ cũng sẽ đảm bảo con mình không phải gặp khó khăn về kinh tế. Tại Thessaloniki và Athens, người trẻ thuê một căn hộ và việc trả tiền nhà có thể được trừ thẳng vào tài khoản ngân hàng của bố mẹ.

Ý

Theo số liệu thống kê, hơn một nửa số thanh niên Ý từ 18 đến 34 tuổi vẫn sống cùng một mái nhà với cha mẹ, ngay cả khi họ đã có việc làm. Mối liên hệ của họ với các thành viên trong gia đình rất chặt chẽ, đặc biệt là mối quan hệ giữa mẹ và con trai. Một phần lí giải cho điều này là do giá nhà đất ở Ý khá cao và giới trẻ thường gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một công việc tốt. Tuy nhiên những người trẻ tuổi ở đất nước này vẫn cảm thấy thoải mái vì cha mẹ họ luôn cố gắng hết sức để có thể cho con mình có một cuộc sống thoải mái, kể cả về vật chất.

Israel

Nhiều thanh thiếu niên ở Israel vào quân đội ngay sau khi học xong trung học. Họ hoàn thành nghĩa vụ sau 21 tuổi nhưng rất hiếm khi về nhà sau đó. Nếu có những thời điểm họ sống với cha mẹ của mình thì thường là trường hợp bắt buộc và tạm thời, điều đó sẽ tiết kiệm được tối đa cho chi phí nếu họ học cao đẳng, đại học. Nhiều bậc cha mẹ ở Israel thường giúp trả tiền thuê nhà cho con nhưng nếu họ muốn tự lập về mọi thứ, cha mẹ cũng không gây áp lực lên quyết định của đứa trẻ. 

Ai Cập

Phần lớn thanh thiếu niên ở Ai Cập sau 18 tuổi cố gắng sống riêng với cha mẹ, sau đó kết hôn. Tuy nhiên rất nhiều người trẻ ở đây gặp khó khăn vật chất. Trước tiên, để một người đàn ông có thể tự lo cho bản thân và lập gia đình, anh ta phải có một mức lương tốt. Theo thống kê gần đây, cứ 4 thanh niên Cairo trong độ tuổi kết hôn thì có một người vẫn sống cùng với cha mẹ. Lí do là vì khủng hoảng kinh tế và vấn đề nhà ở làm cho nhiều người trẻ Ai Cập vẫn  phải sống cùng nhà với cha mẹ cho dù họ không muốn. 

Philippines

Người trẻ ở Philippines sau tuổi trưởng thành và kể cả khi có được một công việc ổn định vẫn ở lại sống với cha mẹ. Không hiếm những người đến 40 tuổi chưa kết hôn vẫn sống cùng gia đình. Thậm chí, ở đất nước này trong một ngôi nhà còn có cha mẹ, ông bà, cô dì chú bác sinh sống cùng nhau. Thông thường những chàng trai sau khi kết hôn đều đưa cô dâu đến sống cùng gia đình mình. Điều này là do truyền thống văn hoá của Philippines và còn có một thực tế là giá nhà ở đây rất đắt đỏ. 

Nga

Hơn một nửa số thanh thiếu niên ở Nga sống với cha mẹ của họ cho đến khi 24 tuổi. Phần lớn người Nga trẻ tuổi ở các vùng nông thôn đều bắt đầu sống riêng  từ 18 đến 21 tuổi, điều này là do người Nga rất chú trọng vào giáo dục hướng nghiệp cho những người trẻ. Nhiều người sống trong ký túc xá hoặc thuê một căn hộ cùng với bạn bè. Hầu hết giới trẻ ở Nga bắt đầu tìm việc và tự lập về tài chính sau khi tốt nghiệp đại học. Trước đó, cha mẹ thường hỗ trợ họ về mặt tài chính, như trả học phí, nhà ở và các chi phí sinh hoạt khác. 

Mỹ

Tại Mỹ, việc một người trẻ tuổi sống cùng cha mẹ họ quá lâu thường được cho là khó chấp nhận. Ngay sau khi tốt nghiệp trung học ở tuổi 18, nhiều người rời nhà đi học đại học hoặc cao đẳng. Sau khi tốt nghiệp, một số trở về sống với cha mẹ, nhưng chỉ trong trường hợp họ thất nghiệp và bắt buộc phải làm thế. Người Mỹ cho rằng con cái sau 25 tuổi vẫn sống với cha mẹ trong bất kỳ trường hợp nào đều không thể chấp nhận.

Anh Quốc

Tại Anh, những người trưởng thành có thể ở lại với cha mẹ nếu gia đình họ có một căn nhà lớn. Nhưng đến tuổi 24, phần lớn thanh niên nước này bắt đầu sống tự lập, mặc dù đôi khi tìm một công việc ở đây rất khó khăn, họ vẫn cố gắng để có thể độc lập về tài chính.

Pháp

Hầu hết người trẻ ở Pháp xa cha mẹ ngay sau khi kết thúc trung học (18 tuổi). Thậm chí các sinh viên ở Paris để học được những ngành đúng chuyên môn, họ sẵn sàng rời khỏi thủ đô, bởi vì có những trường đại học tốt ở tất cả các vùng khác trên đất nước. Họ thường sống trong ký túc xá hoặc thuê một căn hộ với bạn bè. Cha mẹ thường để họ tự lập và không can thiệp nhiều vào cuộc sống của con mình. 

Đức

Hầu hết người Đức nghĩ rằng con cái đến 25 tuổi phải tự lập và không phụ thuộc vào bố mẹ. Hơn một nửa số thanh thiếu niên Đức dưới 24 tuổi sống cùng cha mẹ, trong số phần đa là nữ. Thống kê cho thấy rằng ở Đức những người trên 40 tuổi vẫn sống cùng cha mẹ chỉ có 4% là nam giới và chỉ 1% là nữ giới. 

Thụy Điển

Sau khi rời trường trung học (18 tuổi), thanh thiếu niên Thụy Điển rời khỏi nhà và tự thuê một căn hộ riêng. Tuy nhiên, họ thường vẫn sống cùng một thành phố với cha mẹ để không làm mất liên lạc với họ. Thanh thiếu niên Thụy Điển được dạy cách sống tự lập, cách quản lý tiền bạc, trả các hóa đơn. Những người trẻ tuổi vẫn phải sống phụ thuộc vào cha mẹ ở nước này bị gọi một cách khinh miệt là "mambo", nghĩa là "bám váy mẹ".

Nhật Bản

Người trẻ Nhật Bản thường xa cha mẹ sau khi bắt đầu học cao đẳng, đại học. Thanh thiếu niên ở đây luôn cố gắng có thể sống riêng và tự lo được cho mình. Tất nhiên, có những trường hợp ngoại lệ vì lý do nào đó họ phải sống với cha mẹ nhưng đây là những trường hợp rất hiếm. Trong các trường đại học ở Nhật Bản, học bổng không bao gồm tất cả các khoản chi phí. Vì vậy, hầu hết sinh viên ở đây đều đi làm thêm để trang trải chi phí sinh hoạt, họ có thể kiếm được từ 40$ đến 80$ một ngày.

Ngọc Linh - OhayTV

Chủ đề chính: #sống_tự_lập

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn