Đỗ Huỳnh Thái Tâm Viết về đủ thứ dưới góc nhìn giáo dục học.

Thí sinh Olympia: Cuộc chiến với dư luận

Đăng 5 năm trước

Trường quay S14 (Đài Truyền hình Việt Nam) đã chứng kiến nhiều cuộc đấu trí vô cùng căng thẳng, gay cấn của các thí sinh cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia (thường được biết đến với cái tên Olympian). Thế nhưng, họ hoàn toàn có thể phải bước vào một cuộc chiến khốc liệt hơn nữa: cuộc chiến với cộng đồng mạng sau khi lên sóng.

Suốt 19 năm tổ chức, nhờ sự nỗ lực không ngừng nghỉ của biết bao con người, chương trình "Đường lên đỉnh Olympia" của VTV được khán giả cả nước đón nhận nồng nhiệt. Những gương mặt học sinh THPT xuất sắc đã để lại biết bao ấn tượng đẹp đẽ và sôi nổi. Họ được nhiều khán giả trên khắp cả nước ngưỡng vọng và mến mộ. Thế nhưng, cái tiếng con nhà người ta như con dao hai lưỡi. Cũng như những hiện tượng mạng, họ hoàn toàn có thể nhận gạch đá từ dư luận bất kì lúc nào. Trong khi đó, họ vẫn chỉ là những học sinh lớp 11, chưa va vấp cuộc đời nhiều. Đứng trước mũi rìu dư luận, họ gần như bất lực. Bao nhiêu vụ đã nổi lên, rồi lại chìm xuồng nhanh chóng. Gần đây nhất, trưa ngày 17 tháng 2 năm 2019, kênh truyền hình VTV3 phát sóng trận đấu Tuần 2 - Tháng 3 - Quý 2 - Năm thứ 19, với highlight là màn "múa quạt" đến từ thí sinh Lại Kinh Châu (THPT Hồ Thị Kỷ, Cà Mau). Ngay lập tức, không ít người đã có dự cảm không lành, và quả nhiên: dư luận lại dậy sóng!

"Múa quạt" và hát "Baby Shark" thì làm sao?

Ngược về quá khứ, tại trận Tuần 1 - Tháng 3 - Quý 4 - Năm thứ 18, có một Olympian cũng rơi vào tình cảnh tương tự chỉ vì... hát "Baby Shark" trong phần giao lưu trước phần thi Khởi động. Đó là Vũ Lê Hà Anh (THPT Trần Phú, Lâm Đồng). Sau khi trận đấu được phát sóng, cả Hà Anh và Kinh Châu đều xuất hiện dày đặc trên các fanpage, phải nhận những lời chế giễu cay nghiệt, mà phổ biến nhất, người ta cho rằng họ "không bình thường" do "học quá nhiều". Nhiều Olympian khác cũng đã trải qua các tình huống tương tự.

Thực tế, họ cũng ăn, ngủ, học, làm việc nhà, thể dục thể thao, văn nghệ, hoạt động xã hội, vui chơi giải trí... như bao bạn bè đồng trang lứa. Có chăng chỉ là họ đam mê tri thức hơn (hoặc thích lên truyền hình hơn), quyết tâm cho ước mơ của mình hơn, và một chút may mắn hơn nữa. Những màn biểu diễn ngẫu hứng của họ trước khi cuộc thi diễn ra cũng chỉ nhằm thay đổi không khí trường quay, giúp các thí sinh thoải mái hơn trước một cuộc thi căng thẳng sắp diễn ra trong vòng 3 đến 5 tiếng đồng hồ. Đó là điều đáng khích lệ, vì nó thể hiện rằng: Họ không phải là những con mọt sách, họ tự tin thể hiện cá tính của mình, ngay cả khi đó không phải là một màn trình diễn tốt.

Lại chuyện thể-hiện-cá-tính

Để vừa lòng đa số thiên hạ, Olympian phải tươi cười suốt trận đấu. Không được lạnh lùng, không được thất vọng khi vụt mất ước mơ hay sung sướng khi thực hiện được nó. Lạnh lùng là "khó ưa", khóc (sau khi chiến thắng trong một trận đấu dài quá nửa đêm đầy căng thẳng và mệt mỏi) là "diễn sâu", nhảy ăn mừng là "lố lăng", trả lời ngắn gọn là "kiêu ngạo".

Mọi hành động của Olympian lọt vào ống kính đều bị khán giả "mổ băng" phân tích và thoả thích phán xét. Họ không chỉ phải tập trung vào những câu hỏi hóc búa, họ còn phải tỏ ra như một "hoa hậu thân thiện" nếu như không muốn trở thành điểm đến của gạch đá.

Có lúc thở dài nhìn mình trong gương


Thấy khác chi đâu một con rối người


Héo hết cả lòng phải làm nụ hoa tươi


Nói nói cười cười...

Đường lên đỉnh Australia (!?)

https://www.facebook.com/olemepia/videos/2202965673308249/

Những cái tên kiểu vậy được người ta nhắc đi nhắc lại suốt khoảng thời gian tính bằng thập kỷ, đến mức nó xuất hiện trên cả trang Wikipedia về cuộc thi, với lí do ra đời khá đơn giản: hầu hết các quán quân sau khi học xong đều chọn phương án định cư tại Úc. Có hai lí do khiến người ta nhắc đến cái tên này, và cả hai đều vô cùng phản cảm. Thứ nhất, đó là lời trách móc các Olympian. Thực tế, suất học bổng là phần thưởng xứng đáng dành cho họ, và họ có quyền đưa ra lựa chọn hợp lí cho cuộc sống của mình. Thứ hai, đó là lời mỉa mai rằng Việt Nam không có sức thu hút nhân tài, để xảy ra chảy máu chất xám. Thực tế, nhà vô địch Olympia không hẳn là người giỏi nhất (ở mọi khía cạnh) trong những người cùng trang lứa. Và họ cũng chỉ chiếm một số lượng rất nhỏ, có nghĩa là còn rất nhiều hiền tài khác cống hiến cho đất nước. Những ý kiến này không chỉ thể hiện sự cái nhìn tiêu cực và phiến diện, nó còn khiến nhiều người khó chịu, nhất là cộng đồng Olympian.

Khi khán giả là những... "huấn luyện viên online"

Tên gọi "huấn luyện viên online" có lẽ không xa lạ gì với chúng ta. Trong thời gian qua, sau mỗi trận đấu của các đội tuyển bóng đá Việt Nam, trên mạng không thiếu những comment cho rằng họ phải đá thế này, phải đá thế kia. Có người còn nói đùa: Sao VFF phải thuê ông Park Hang-seo làm gì, khi chỉ cần lên mạng là có lực lượng HLV hùng hậu? Các Olympian cũng phải nhận những lời chỉ dạy vô lý như vậy. Thí sinh điểm cao, họ cho rằng gói câu hỏi quá dễ, thí sinh chỉ đơn thuần gặp may. Thí sinh giành vòng nguyệt quế, họ cho rằng có người khác xứng đáng hơn. Họ cho rằng trong trường hợp nào đó thí sinh phải chọn ngôi sao hy vọng, chọn gói câu hỏi này kia; họ quên mất rằng: thí sinh không phải là một nhà tiên tri, không thể biết được điều gì sắp xảy ra để dựa vào đó mà đưa ra quyết định. Lựa chọn của một Olympian thường là lựa chọn có tính toán chiến thuật tốt nhất, không thể có phương án tối ưu hơn. Cũng vì thế, một thí sinh thi đấu không tốt sẽ bị quy chụp về trình độ. Người ta không hiểu rằng kiến thức vốn bao la, và cũng không tìm hiểu xem thí sinh có gặp trục trặc gì không. Thấy điểm thấp là lăng mạ, họ không hề nghĩ nếu thí sinh đọc được những dòng đó sẽ bị tổn thương như thế nào.

Phạm Tường Lan Thy - những tin đồn mãi chỉ là tin đồn

Nếu không có gì xảy ra, Lan Thy vẫn sẽ được xếp chung với những Olympian trên - những người bị thóa mạ vì kết quả không tốt. Tuy nhiên, Thy là một trường hợp vô cùng đặc biệt.

Thy là một trong bốn đứa trẻ đầu tiên ở Việt Nam được sinh ra vào năm 1998 nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm; nổi tiếng nhờ nhiều yếu tố, trong đó có ngoại hình xinh xắn. Thế nhưng, không biết từ năm nào, trên mạng xã hội xuất hiện nhan nhản những status cho rằng cô ăn cắp phát minh của một người bạn và rồi giành học bổng tại Đại học Quốc tế Tokyo, còn cậu bạn kia ra đi vì đột quỵ. Những bài viết này được đăng đi đăng lại qua các năm, thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận, chủ yếu là sự căm tức đối với Thy. Tính đến nay, vẫn chưa có bằng chứng nào rõ ràng để đưa vụ việc ra ánh sáng. Thế nhưng, cộng đồng mạng vẫn không ngừng nhục mạ cô bằng những lời xấu xí nhất. Ngày 28 tháng 1 năm 2019, khi cô cập nhật một bức ảnh trên Facebook cá nhân, cô nhận được hàng nghìn lượt phẫn nộ, trong khi chỉ có vài trăm lượt thích. Tròn 1 tháng sau, cô đăng đàn phân trần về các sự việc đã diễn ra, kèm theo các bằng chứng. Thế nhưng, có nực cười không khi những bài "bóc phốt" vô căn cứ trước đây lại được tin tưởng, còn bài viết có đủ chứng cứ lại bị soi từng li từng tí để cho rằng mọi thông tin đã được ngụy tạo? Đó là chưa kể: có những người không cần biết lí lẽ, không cần nghe giải trình, chỉ chú tâm lao vào "ném đá" một cách thiếu văn hóa.

May mắn cho Thy khi cô đã học được cách đối diện với dư luận, hiểu rằng không ai có quyền được làm tổn thương mình. Thế nhưng, một lần nữa nhắc lại, liệu những cô cậu học sinh lớp 11 kia có đủ bản lĩnh đến mức ấy?

Không phải Thy, ai mới thực sự là kẻ giết người không dao?

Miệng lưỡi thế gian là con dao sắc.

Đã có nhiều tiếng chuông đau đớn từ cái chết vì sự đàm tiếu, vì những lời nói độc địa vô căn cứ. Trong khi ấy, những kẻ bức tử kia vẫn nhởn nhơ... Như đã nói ở trên, mỗi trận đấu Olympia có thể được ghi hình trong vòng 3 đến 5 tiếng, có thể kéo dài quá nửa đêm (chứ không chỉ đơn thuần là 45 phút trên sóng truyền hình) và những vấn đề nhạy cảm hoàn toàn có thể diễn ra, chỉ là khán giả qua màn ảnh nhỏ không hề hay biết. Hãy tìm hiểu trước khi phán xét, vì chúng ta đều không muốn bất kì ai phải chịu thương tổn, nhất là những tài năng tương lai của đất nước, phải không nào?

Chủ đề chính: #dư_luận

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn