Thoran

Thị Trường - Yếu Tố Tối Quan Trọng Mà Mọi Doanh Nghiệp Đều Phải Thấu Hiểu

Đăng 2 năm trước
Thị Trường - Yếu Tố Tối Quan Trọng Mà Mọi Doanh Nghiệp Đều Phải Thấu Hiểu

Thị trường (Market) hay thương trường là gì mà mọi doanh nghiệp đều cần phải hiểu biết sâu sắc về nó? Là khái niệm quan trọng trong bộ năm khái niệm cần phân tích trong bước "Thấu hiểu khách hàng và thị trường", việc hiểu rõ những vấn đề quan trọng của thị trường sẽ giúp doanh nghiệp có thể hoạch định rõ ràng đường đi nước bước trong hành trình chinh phục mục tiêu marketing của mình.

Thị trường là yếu tố cuối cùng trong bộ năm khái niệm cần phân tích khi doanh nghiệp bắt đầu lập kế hoạch marketing. Các khái niệm trước đó bao gồm:

  1. Nhu cầu, mong muốn và đòi hỏi (yêu cầu);
  2. Đề xuất của thị trường - Sản phẩm, Dịch vụ và Trải nghiệm;
  3. Giá trị và sự hài lòng của khách hàng;
  4. Sự trao đổi và mối quan hệ;

Bạn nên tìm hiểu kỹ từng khái niệm trên theo trình tự từ 1 tới 4, đặc biệt là khái niệm sự trao đổi và mối quan hệ trước khi bắt tay tìm hiểu sâu hơn về khái niệm thị trường.

Thị trường là gì?

Các khái niệm về sự trao đổi và mối quan hệ đã dẫn tới sự hình thành của khái niệm thị trường. Vậy thị trường là gì?

Một cách định nghĩa đơn giản nhất, thị trường là tập hợp của tất cả người mua sản phẩm và dịch vụ thực cũng như tiềm năng. Những người mua này chia sẻ nhu cầu và mong muốn cụ thể, là những yếu tố có thể thoả mãn, thông qua mối quan hệ trao đổi.

Hoạt động marketing hay tiếp thị chính là hoạt động quản lý thị trường nhằm tạo ra mối quan hệ khách hàng có thể sinh lợi. Nói cách khác, chúng ta nói rằng một người làm marketing có nghĩa là anh/cô ấy đang nỗ lực biến mối quan hệ của doanh nghiệp với khách hàng của doanh nghiệp ấy trở thành một mối quan hệ có thể sinh lời, và điều này diễn ra trên thị trường. Dưới góc độ thị trường, khái niệm marketing cũng hoàn toàn có thể được định nghĩa là marketing = market + ing, tức là làm thị trường. Tuy nhiên, việc tạo ra những mối quan hệ này là không hề đơn giản. Người bán phải tìm kiếm được người mua, nhận diện được các nhu cầu của họ, thiết kế cho họ các đề xuất thị trường (gồm sản phẩm, dịch vụ và trải nghiệm) phù hợp, định giá sản phẩm - dịch vụ, quảng bá chúng, lưu kho và bán hàng. Điều này biến các hoạt động nghiên cứu khách hàng, phát triển sản phẩm - dịch vụ, truyền đạt thông tin, phân phối, định giá và xây dựng dịch vụ trở thành những hoạt động marketing chủ chốt trong các doanh nghiệp.

Ngày nay, marketing là một công việc mang tính tương tác thực thụ

Mặc dù chúng ta thường nghĩ về marketing như là một công việc thuộc phạm vi trách nhiệm của người bán hàng và phía doanh nghiệp, thực tế thì công việc này cũng có thể được thực thi bởi người mua hàng.

Ngày nay, người tiêu dùng có xu hướng tiêu thụ sản phẩm hay sử dụng dịch vụ sau khi họ đã tìm kiếm sản phẩm - dịch vụ ấy, tương tác với các doanh nghiệp để lấy thông tin và ra quyết định thực hiện hành vi mua sắm của mình. Lý do bởi vì trong thực tế, các công nghệ số hiện đại hiện nay như trang web, các mạng xã hội trực tuyến cho đến các thiết bị thông minh như smartphone, đều có khả năng trao quyền cho người tiêu dùng trong việc truy xuất nguồn gốc và thông tin của sản phẩm - dịch vụ từ phía doanh nghiệp. Điều này biến marketing trở thành một công việc mang tính tương tác thực thụ. Khách hàng ngày nay chủ động tìm kiếm hơn so với ngày xưa rất nhiều. Tính tương tác hai chiều trong hoạt động marketing đang ngày một rõ nét hơn.

Như vậy, ngoài việc quản trị hoạt động xây dựng các mối quan hệ với khách hàng theo cách chủ động như trước (doanh nghiệp chủ động tiếp cận và chào mời khách hàng), các chuyên gia tiếp thị ngày nay còn phải thực thi hiệu quả việc giúp khách hàng chủ động hơn trong việc xây dựng mối quan hệ với doanh nghiệp. Câu hỏi mới được đặt ra cho các nhà tiếp thị trong thời đại ngày nay không còn là "Làm thế nào để chúng ta có thể tìm thấy khách hàng?" nữa mà thay vào đó sẽ là câu hỏi "Làm thế nào để khách hàng có thể tìm thấy chúng ta?" và thậm chí là "Làm thế nào để khách hàng của chúng ta có thể tự tìm thấy nhau?"

Các yếu tố chính trong hệ thống tiếp thị

Hệ thống tiếp thị bao gồm một số yếu tố chính như sau:

  • Nhà cung ứng
  • Công ty/Doanh nghiệp
  • Đối thủ cạnh tranh
  • Trung gian tiếp thị
  • Người tiêu dùng
  • Các nguồn lực môi trường chủ chốt

Những yếu tố này quan hệ với nhau theo một sơ đồ. Sơ đồ này chính là hệ thống tiếp thị hiện đại:

Hệ thống tiếp thị hiện đại.

Hãy cùng phân tích sơ đồ hệ thống tiếp thị hiện đại để có được cái nhìn tổng quát nhất về hoạt động marketing.

Qua sơ đồ, có thể thấy được tiếp thị bao gồm việc phục vụ thị trường người tiêu dùng cuối cùng trong điều kiện cạnh tranh với các đối thủ. Công ty và các đối thủ nghiên cứu thị trường, đồng thời tương tác với khách hàng nhằm hiểu được nhu cầu và mong muốn của họ. Sau đó, họ thiết kế và chuyển tải các đề xuất thị trường, gồm sản phẩm, dịch vụ và trải nghiệm, cùng với các thông điệp marketing tới trực tiếp khách hàng hoặc thông qua các thực thể tiếp thị trung gian. Mỗi bên trong hệ thống sẽ bị tác động bởi các nguồn lực môi trường cơ bản, ví dụ như nhân khẩu học, sức khoẻ nền kinh tế, các yếu tố tự nhiên và môi trường sinh sống, công nghệ, chính trị, văn hoá - xã hội, tôn giáo, sắc tộc, tín ngưỡng,...

Ngoài ra, chúng ta cũng có thể thấy rằng mỗi yếu tố bên trong hệ thống tiếp thị sẽ bổ sung giá trị cho các cấp độ tiếp theo. Các mũi tên thể hiện những mối quan hệ cần được phát triển và quản lý bởi doanh nghiệp. Do đó, thành công của doanh nghiệp trong việc xây dựng mối quan hệ sinh lợi không chỉ phụ thuộc vào các hành động của riêng họ mà còn phụ thuộc vào cả mức độ phục vụ nhu cầu người tiêu dùng cuối cùng của toàn bộ hệ thống tiếp thị. Doanh nghiệp không tồn tại độc lập mà luôn bị phụ thuộc vào một hay nhiều yếu tố khác trong hệ thống. Lấy ví dụ về chuỗi bán lẻ lớn hàng đầu thế giới là Walmart cho dễ hiểu. Walmart chắc chắn không thể thực thi và truyền tải cam kết của mình về giá thấp vô địch, trừ khi các nhà cung ứng hàng hoá đầu vào của họ có thể đưa ra mức giá thấp. Hay một ví dụ khác về hãng xe Ford. Ford không thể tạo ra trải nghiệm sở hữu xe hơi chất lượng cao nếu các đại lý bán hàng (là các trung gian tiếp thị) không thực thi tốt khâu bán hàng và cung cấp các dịch vụ vượt trội.

Tìm hiểu thêm về Mô hình quy trình tiếp thị đơn giản - Khung xương cho toàn bộ hoạt động tiếp thị của doanh nghiệp.

Chủ đề chính: #marketing

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn