Hồ Huy Thích viết lách và trải nghiệm du lịch.

Thiên Thai trở lại động cài then hoa

Đăng 5 năm trước

Không chỉ trong lời thơ cổ kính của Tản Đà, chẳng phải trong ý tứ mới mẻ của người thơ Thế Lữ hay một khúc nhạc lòng Văn Cao. Chốn thiên thai vẫn còn trong trí tưởng của thiên hạ, vẫn là cõi mà người ta ước mơ được nhìn thấy, được bước vào. Thế nên mới có chuyện Thiên Thai trở lại động cài then hoa.

Thiên Thai là tên của chuyện Lưu Thần và Nguyễn Triệu đời nhà Hán nhân tiết Đoan Dương (5-5 âm lịch) vào núi Thiên Thai hái thuốc, bị lạc lối về. Hai người tao ngộ tiên nữ, kết làm vợ chồng. Sống hạnh phúc được nửa năm thì hai chàng nhớ quê muốn về thăm. Các tiên nữ cho biết đây là cõi tiên, đã về trần là không thể trở lại, song vẫn không giữ được hai chàng. Lưu, Nguyễn hồi hương thấy quang cảnh khác hẳn xưa, thì ra họ xa nhà đã bảy đời. Buồn bã, hai người trở lại Thiên Thai thì không thấy tiên đâu nữa…Thiên Thai ở đâu, Thiên Thai là gì, hay Thiên Thai chỉ là những cái bóng của giấc mơ, là những ảo ảnh trong một hay nhiều cuộc đời buồn phiền? Bạn có từng mơ thấy Thiên Thai? Đương nhiên là có rồi. Theo Phân tâm học (viết tắt của Phân tích tâm lý học, tiếng Anh: Psychoanalysis) là tập hợp những lý thuyết và phương pháp tâm lý học có mục đích tìm hiểu những mối quan hệ vô thức của con người qua tiến trình liên tưởng. Nó được khởi thảo bởi Sigmund Freud, một bác sĩ người Áo. Theo đó những giấc mơ của con người có thể đến từ những ẩn ức sinh lý.

Tiếng sáo trỗi mơ màng  

Hương đào đâu phảng phất 

Thiên thai là nơi đây 

Nơi nữ tiên hò hẹn 

 Thơ ta đề cửa sổ  

Nét chữ vẫn chưa phai 

Ghi mối tình muôn thuở  

Trần tục với bồng lai 

 (Huỳnh Văn Nghệ)


Thiên Thai cứ như mơ, cứ như thực réo rắt cội nguồn. Thiên Thai là những ảo vọng của tâm hồn trở thành những ám ảnh thi ca nhạc họa. Một buổi chiều, tôi ngồi đây nhớ tới người nhạc sỹ già tài ba Văn Cao nhớ tới cuốn băng cassette năm nào đã phủ bụi thời gian, nhớ tới giọng hát ma trơi của Lê Dung mà lặn lội vào những thanh âm cung bậc tiền chiến. 

Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng  

Nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới Đào Nguyên  

Kià đường lên tiên, kìa nguồn hương duyên theo gió tiếng đàn xao xuyến  

Phím tơ lưu luyến, mấy cung u huyền  

Mấy cung trìu mến như nước reo mạn thuyền  

(Văn Cao)


Bài hát trôi đi, lấp lánh ánh sáng của thời gian, mơ màng bàng bạc réo rắt không gian, tôi du dương vào mấy phím tơ, tôi lưu luyến trong mấy cung huyền. Nhân tình thế thái, buồn mà chi em, kìa đường lên tiên, kìa nguồn hương duyên. 

Nhạc tình Văn Cao chỉ vỏn vẹn ít bài như Buồn Tàn Thu, Suối Mơ, Bến Xuân, Thu Cô Liêu, Trương Chi, Thiên Thai. Nét nhạc lãng đãng sương khói, lời ca thanh cao thóat tục. Ca khúc hay nhất của Văn Cao là Thiên Thai được xếp hạng vào những ca khúc đặc biệt nhất của làng tân nhạc Việt Nam. Tác phẩm này vượt lên trên công thức khuôn sáo của ca khúc bình thường. 

Đây là ca khúc Văn Cao sáng tác vào năm 1941, khi ông 18 tuổi, đầu óc tràn đầy mộng mơ. Với chiều dài hơn một ca khúc bình thường, có 94 khuông nhạc, được coi là truyện ca, có thể dựng thành nhạc cảnh Lưu Nguyễn Lạc Thiên Thai. 

Bi kịch của hai người đàn ông Lưu Nguyễn được đẩy lên cao trào khi cõi thực không chấp nhận cõi mơ cửa đóng then cài. Thiên Thai như một nỗi tuyệt tình đau thương khiến cho hai chàng thổn thức, khiến cho đào nguyên cung tiên trở thành một thứ dằn vặt ám ảnh kiếp kiếp đời đời… Lưu Nguyễn ơi là Lưu Nguyễn làm trai sá gì Thiên Thai trở lại động cài then hoa.

Giữa đời dòng trong dòng đục, cuộc sống nhiều phen muộn phiền, đôi khi buông bỏ, hồn về một cõi ước mơ trùng phùng, đó là tiên cõi Thiên Thai. Và nhạc phẩm Thiên Thai của Văn Cao cho người nghe những giây phút thần thái, được coi là một ca khúc kinh điển của dòng tân nhạc Việt Nam. 

 Chợt nhớ trong mấy năm trở lại đây giang hồ dậy sóng một thứ Tuyệt Tình Cốc xôi thịt. Đáng buồn cho thế gian…Xôi thịt đâu phải là một thứ ảo ảnh hoài vọng của Thiên Thai? Theo UBND H.Lạc Dương, trước đây khu vực này là mỏ đá cũ khai thác đá xây dựng đã ngưng hoạt động lâu ngày và nước trên núi chảy ra tạo thành hồ nước sâu trong veo giữa rừng, rồi gần đây “dân phượt” tự tìm đến và gọi khu vực này là “Tuyệt Tình Cốc”. 

Tháng 8.2018, cộng đồng mạng “dậy sóng” khi xuất hiện nhiều đoạn clip và hình ảnh hậu trường chụp ảnh của hai phụ nữ “mặc như không” tại “Tuyệt Tình Cốc” này, trong đó có một người được cho là cựu Á hậu 2 Hoa hậu Du lịch Sinh thái Quốc tế 2018, với những hình ảnh rất phản cảm.

Có một Thiên Thai giữa đời thường.

Đà Lạt, xứ lạnh của phương Nam mùa nào cũng hút hồn du khách bởi nét đẹp dịu dàng đến mê lòng. Bởi vậy, thiên nhiên và con người Đà Lạt luôn được ưu ái khi xuất hiện hầu hết trong các áng văn thơ, bản nhạc trữ tình hay cả trong những thước phim đẹp mắt. Lên Đà Lạt vào những ngày mùa đông để hưởng không khí lạnh đang ngấm dần vào từng tế bào da, để xuýt xoa trước vẻ đẹp của thác Thiên Thai mà cứ ngỡ đang lạc bước vào tiên cảnh. 

Đi trong rừng thông hoang sơ, gió thổi rì rào “bản nhạc rừng” không dứt, không khí thoáng đãng, mát mẻ thật thú vị. Thỉnh thoảng, băng qua những con suối nhỏ, nước chảy róc rách, nhón chân bước trên hòn đá chênh vênh, cảm giác như vừa thi xong bài “băng rừng vượt suối” nhưng không hề thấy mệt. 

 Buổi tối, tiếng cồng chiêng thúc giục, say đắm Nụ cười Tây Nguyên, mùi thịt nướng than béo ngậy thơm lừng, hương rượu cần nồng cay khiến mọi người quên hết sự mệt nhọc của chuyến đi vào rừng trước đó. Và các chàng trai, cô gái K’ho hừng hực quyến rũ trong váy áo thổ cẩm rực rỡ nhảy múa theo tiếng nhạc, tiếng cồng chiêng vang cả núi rừng.

Lên Đà Lạt Dã quỳ phố núi thênh thang, về Đà Lạt nghe thác Thiên Thai lạc bước đào nguyên. Thiên Thai một thủa đào nguyên một khúc nhạc hường. Nào phải cảnh cũ người xưa. Thiên Thai có trong vạn nẻo đi về. Thác Thiên Thai trong vườn quốc gia Bidoup – Lâm Đồng được ví von là chốn bồng lai tiên cảnh bởi vẻ đẹp nên thơ, trữ tình, đầy quyến rũ và nhẹ nhàng cùng thiên nhiên xung quanh. Đây cũng là nơi ở của Thần nước theo quan niệm của dân tộc người K’ho nên luôn được lòng tôn kính của người dân bản xứ Tây Nguyên này. Thiên Thai trở lại động đâu cài then hoa. Đừng buồn vì ảo giác…


Trải Nghiệm Khác Biệt

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn