Thu Hải Đường

Thử tài suy luận phá án qua 5 vụ án kỳ bí

Đăng 7 năm trước

Hãy cùng xem 5 vụ án dưới đây, vận dụng hết khả năng phân tích, suy luận của mình để tìm ra lời giải cho mỗi vụ án các bạn nhé!

1. Vụ án mưu sát trong gia đình

Trong gia đình phát sinh án mạng là một chuyện khiến người ta đau lòng, nếu là tương tàn lẫn nhau, thì càng khiến người ta đau đớn hơn. Một gia đình 4 người đã phát sinh vụ án mưu sát như vậy.  

Kết quả điều tra như sau, trong một cặp vợ chồng, cùng một người con trai và một người con gái của, một người đã giết chết một người, người thứ ba là nhân chứng, người thứ tư là tòng phạm. 

Ngoài ra, trong 4 người này: 

(1) Tòng phạm và nhân chứng là khác giới.  

(2) Người lớn tuổi nhất và nhân chứng là khác giới.  

(3) Người nhỏ tuổi nhất và người chết là khác giới.  

(4) Tòng phạm lớn tuổi hơn người chết.  

(5) Người cha lớn tuổi nhất.  

(6) Hung thủ không phải là người nhỏ tuổi nhất.  

Hỏi: Trong gia đình 4 người này, ai là hung thủ?

2. Lí luận của nhà tâm lý học

Một nhà tâm lý học nổi tiếng kiêm bác sĩ chữa bệnh tâm thần có thể vận dụng học thuyết phân tích tinh thần để phá án

Một hôm, cục trưởng cục cảnh sát mời nhà tâm lý học này đến nói chuyện, tình cờ gặp phải một vụ án như sau:

5 ngày trước, một người con gái xinh đẹp của một hộ gia đình sống ở ngoại thành bị giết hại, hiện trường không tìm thấy vật chứng hung thủ để lại, mà chỉ nhặt được một điếu thuốc hút dở bên cửa lớn. 

Hiện tại, có 2 tình nghi: Một người là người tình của người bị hại, sinh viên của trường âm nhạc. Trước kia, người bị hại thường dẫn người này về nhà. Gần đây, người bị hại và anh ta thường xuyên cãi vã. Một tình nghi khác là nhân viên chào hàng máy khâu của vùng. Người này từng nói ngon nói ngọt để dụ dỗ người chết, nhưng bị từ chối. Hai người này đều bị nghi là kẻ giết người, nhưng thiếu chứng cứ có hiệu lực. 

Cục trưởng cục cảnh sát đang chuẩn bị đối chiếu vân môi, thì nhà tâm lý học này nói: “Cho dù không cần làm như vậy, vẫn có thể phán đoán ai là kẻ giết người!”. 

Hỏi: Thủ phạm là ai?

3. Phòng nào

Một ngày nọ, một vị cảnh sát đến một khách sạn, chuẩn bị tham dự lễ cưới của một người bạn. Khi đến đại sảnh của khách sạn, anh ta đã nhận được một tin báo: Có một cặp vợ chồng bị cảnh sát lùng bắt nhiều giờ đang tìm phòng ngủ ở tầng ba của khách sạn. Để tránh kinh động đến đôi uyên ương này, vị cảnh sát quyết định tự mình đi bắt họ. 

Anh ta giơ thẻ cảnh sát trước nhân viên đứng quầy, kiểm tra ghi chép phòng ở của khách sạn, phát hiện tầng ba có 3 gian phòng có người ở. 3 gian phòng này lần lượt có hai nam, hai nữ và một nam một nữ, ghi chép hiển thị trên máy tính là: “301 – nam, nam”; “303 – nữ, nữ”, “305 – nam, nữ”.

Vị cảnh sát thầm nghĩ: “Xem ra, đôi uyên ương này nhất định ở phòng 305”. Anh ta vội vàng xông lên tầng ba, chuẩn bị bắt họ. 

Thế nhưng, khi vị cảnh sát muốn xông vào phòng 305, thì giám đốc khách sạn đột nhiên xuất hiện. Giám đốc kéo vị cảnh sát sang một bên, nhỏ giọng nói: “Thực ra, ghi chép phòng ở đã bị người ta động tay động chân! Thông tin hiển thị trên máy tính và thân phận của các vị khách trong phòng hoàn toàn không khớp”. 

Vị cảnh sát suy nghĩ một hồi, chỉ gõ cửa một phòng trong đó, nghe thấy tiếng trả lời bên trong, đã rõ được tình hình của ba căn phòng.

Hỏi: Vị cảnh sát rốt cuộc đã gõ cửa phòng nào?

4. 3 kẻ tình nghi

Tòa án mở tòa thẩm tra xử lý vụ án trộm cướp, 3 kẻ tình nghi A, B, C được áp giải lên toàn. Người phụ trách xử lý vụ án nghĩ như sau: Người chịu cung cấp thông tin chính xác không thể là kẻ trộm; ngược lại, để che giấu tội, tội phạm thực sự nhất định sẽ ngụy tạo khẩu cung. Bởi vậy, anh ta đã đưa ra kết luận như sau: Người nói thật chắc chắn không phải là kẻ trộm, người nói dối chắc chắn là kẻ trộm. Kết quả thẩm tra đã chứng minh cách nghĩ của vị thẩm phán này là chính xác. 

Cuộc thẩm vấn bắt đầu. 

Thẩm phán hỏi A trước: “Anh đã tiến hành trộm cắp như thế nào? Khai thật mau!”, A liến thoắng trả lời câu hỏi của thẩm phán, bởi vì anh ta nói tiếng địa phương, nên thẩm phán cơ bản không hiểu anh ta nói gì. 

Thẩm phán lại hỏi B và C: “Vừa rồi A trả lời câu hỏi của tôi như thế nào?”. 

B nói: “Thưa thẩm phán, ý của A là, anh ta không phải là kẻ trộm”. 

C nói: “Thưa thẩm phán, vừa rồi A đã khai, anh ta thừa nhận mình chính là kẻ trộm”. 

Sau khi nghe B và C nói, vị thẩm phán này lập tức phán đoán: B vô tội, C là kẻ trộm. 

Hỏi: Tại sao thẩm phán có thể căn cứ vào câu trả lời của B và C để đưa ra phán đoán như vậy? A có phải là kẻ trộm không?

5. Cùng dùng bữa

Một hôm, bốn người A, B, C, D, cùng dùng bữa tại một nhà hàng. Trong bữa ăn, D bỗng nhảy bật lên, hét lớn một tiếng: “Có người hạ độc vào thức ăn!”, dứt lời bèn ngã khuỵu xuống nền, tắc thở. Cảnh sát gọi ba người cùng ăn với anh ta đến, tiến hành tra hỏi. Bởi vì mỗi người được thẩm tra đều nói 2 câu nói thật, 1 câu nói dối, khiến tình tiết vụ án khó bề phân biệt. 

A nói: “Tôi không hạ độc D”. “Tôi ngồi cùng với C”. “Nhân viên phục vụ đang đưa đồ ăn lên cho chúng tôi”. 

B nói: “D ngồi đối diện với tôi”. “Hiện tại chúng tôi lại có nhân viên phục vụ mới”. “Nhân viên phục vụ không hạ độc D”. 

C nói: “B không phạm tội”. “Là nhân viên phục vụ hạ độc D”. “Hung thủ ở giữa chúng tôi”. 

Gợi ý: Trước khi A nói “Nhân viên phục vụ đang đưa đồ ăn lên cho chúng tôi”, đã nói dối một lần. 

Hỏi: Nếu bạn là cảnh sát, bạn có thể căn cứ vào những lời khai và gợi ý này, để phán đoán ai là hung thủ trong số A, B, C và nhân viên phục vụ hay không?

Đáp án vụ án 1

Bởi người nhỏ tuổi nhất và người chết là khác giới, nên có thể biết người chết không phải là người nhỏ tuổi nhất. 

Tòng phạm lớn tuổi hơn người chết, có thể thấy tòng phạm là cha hoặc mẹ. Người lớn tuổi nhất và nhân chứng là khác giới, mà người cha lớn tuổi nhất, bởi vậy, nhân chứng là nữ giới. Tòng phạm và nhân chứng là khác giới, mà tòng phạm là nam giới, bởi vậy là người cha. 

Nếu người chết là nữ giới, bởi người nhỏ tuổi nhất và người chết là khác giới, có thể thấy người nhỏ tuổi nhất là nam giới, đồng thời là hung thủ (bởi vì nhân chứng là nữ giới), nhưng bởi điều kiện “hung thủ không phải là người nhỏ tuổi nhất”, cho nên, người chết là nam giới và là người con. Người nhỏ tuổi nhất là con gái, bởi vì hung thủ không phải là người nhỏ tuổi nhất, cho nên, hung thủ là người mẹ, con gái là nhân chứng.

Đáp án vụ án 2

Thủ phạm chính là nhân viên chào hàng kia. Người tình thường xuyên ra vào nhà của người bị hại, miệng ngậm điếu thuốc ra ra vào vào là chuyện hết sức bình thường. Nhân viên chào hàng lại khác, để chào hàng, thường đi tới nhà của người lạ. Xuất phát từ phép lịch sự, trước khi bước vào nhà của một hộ gia đình, anh ta thường vứt điếu thuốc đang hút dở ở ngoài cửa lớn. Điều này đối với anh ta mà nói là thói quen. Kết quả chứng minh, nhà tâm lý học đã phán đoán đúng.

Đáp án vụ án 3

Vị cảnh sát đã gõ cửa phòng 305, bởi vì giám đốc nói thông tin hiển thị trên màn hình máy tính và thân phận khách trong phòng hoàn toàn không khớp, chứng tỏ trong phòng 305 nhất định là hai nữ hoặc hai nam, nếu gõ cửa phòng 305, nghe ra được giọng nói là nam hay nữ, là có thể biết trong phòng 305 là hai nam hoặc hai nữ. 

Giả sử trong phòng 305 là hai nam, thì trong phòng 301 nhất định là hai nữ, còn phòng 303 sẽ là một nam một nữ. 

Còn một khả năng khác là, trong phòng 305 là hai nữ, vậy thì trong phòng 303 nhất định là hai nam, phòng 301 là một nam một nữ.

Đáp án vụ án 4

Nếu A là kẻ trộm, vậy thì A nói dối, như vậy anh ta chắc chắn sẽ nói mình “không phải là kẻ trộm”; nếu A không phải là kẻ trộm, vậy thì anh ta nói thật, như vậy chắc chắn anh ta cũng nói “mình không phải là kẻ trộm”. 

Trong tình huống này, B đã chuyển lời của A đúng như sự thật, nên lời B nói là thật, bởi vậy anh ta không phải là kẻ trộm. C cố tình chuyển sai lời của A, cho nên C nói dối, bởi vậy C là kẻ trộm.

Đáp án vụ án 5

C là hung thủ. 

Theo lời gợi ý, bởi vì trước khi A nói “Nhân viên phục vụ đang đưa đồ ăn lên cho chúng tôi” đã nói dối một lần, có thể phán đoán câu “nhân viên phục vụ đang đưa đồ ăn lên cho chúng tôi” là câu nói thật. Vậy thì, câu “Hiện tại chúng tôi lại có nhân viên phục vụ mới” trong khẩu cung của B là câu nói dối, do vậy có thể phán đoán: Hai câu còn lại là câu nói thật, nhân viên phục vụ không phải là hung thủ. 

Lại xem câu “Là nhân viên phục vụ hại chết D” trong khẩu cung của C là câu nói dối, mà “B không phạm tội”, “Hung thủ chính là người ở giữa chúng tôi” là câu nói thật, bởi vậy B cũng không phải là hung thủ. 

Lại quay lại xem khẩu cung của A, bởi vì B nói “D ngồi đối diện với tôi” là câu nói thật, cho nên “Tôi ngồi cùng C” là câu nói dối, “Tôi không hạ độc D” là câu nói thật, tổng hợp những điều trên, A, B và nhân viên phục vụ đều không phải là hung thủ, hung thủ là C.

Nguồn: Trích từ cuốn 500 trò chơi suy luận logic

Dịch: Hải Đường - Ohay TV

Chủ đề chính: #phá_án

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn