Kokoro Vì gió vẫn thổi và ta phải tiếp tục sống và mơ ước dù biết ngọn gió cuộc đời không lặng bao giờ

Thú vui nho nhỏ giúp bạn sống lâu trăm tuổi

Đăng 5 năm trước

'Trường sinh bất lão' luôn là giấc mơ ngàn đời ám ảnh nhân loại. Người ta thi nhau lên rừng xuống biển tìm thần dược, tu luyện khắc khổ để thân thể cường tráng, thậm chí sẵn sàng đánh đổi cả gia tài để chạy theo 'chén thánh' trong truyền thuyết. Vậy mà ít ai biết rằng bí quyết trường thọ đôi khi lại nằm ngay trong những thú vui đơn giản nhất. Hãy cùng theo chân phóng viên của BBC khám phá điều thần kì này ngay nào!

    Dan Buettner đã đi tìm hiểu 5 địa danh nổi tiếng khắp thế giới về số lượng người trường thọ: Okinawa của Nhật Bản, Nicoya của Costa Rica, Icaria của Hy Lạp, Loma Linda ở California và Sardinia của Italy.

    Người dân sống tại những nơi được gọi là "vùng xanh" (blue zone) này có chung vài đặc điểm - mạng lưới hỗ trợ xã hội, thói quen tập thể dục hằng ngày và trên hết là chế độ ăn giàu thực vật. Nhưng họ còn giống nhau ở một điều bất ngờ nữa. Trong mỗi cộng đồng, người dân đều duy trì thói quen làm vườn đều đặn đến tận tuổi già - 80, 90 và hơn thế nữa.

    Vậy việc nuôi dưỡng thú vui cây cỏ có thực sự giúp bạn sống lâu trăm tuổi?

Lên dây cót tinh thần

    Từ lâu người ta đã biết rằng lối sống ngoài trời cùng với hoạt động thể chất vừa phải giúp tăng tuổi thọ, và làm vườn là một cách dễ dàng để thực hiện cả hai điều đó. “Nếu bạn làm vườn, tức là bạn đang hoạt động thể lực cường độ thấp gần như mỗi ngày, và bạn có xu hướng làm đều đặn hàng ngày,” Buettner nói. Anh cho biết, có những bằng chứng về việc người làm vườn sống lâu hơn và ít căng thẳng hơn. Nhiều nghiên cứu đã xác nhận điều này, chỉ ra những lợi ích sức khỏe cả về thể chất và tinh thần của việc làm vườn.

    Trong một nghiên cứu mới đây tại Hà Lan, các nhà nghiên cứu yêu cầu người tham gia hoàn thành một nhiệm vụ nhiều áp lực, sau đó chia họ thành hai nhóm. Một nhóm đọc sách trong nhà còn nhóm kia làm vườn ngoài trời trong 30 phút. Nhóm đọc sách báo cáo lại rằng tinh thần của họ "đi xuống nhiều hơn", trong khi những người làm vườn không những có mức hormone căng thẳng cortisol thấp hơn, mà còn cảm thấy "phục hồi hoàn toàn" về trạng thái tinh thần tốt.

    Các nhà nghiên cứu Australia theo dõi nhiều nam giới và phụ nữ trong độ tuổi 60 cũng đã phát hiện: những người thường xuyên làm vườn có nguy cơ sa sút trí tuệ thấp hơn 36% so với những người không làm.

    Và những nghiên cứu ban đầu trên những người già mắc những vấn đề về nhận thức (như sa sút trí tuệ và Alzheimer) đã cho thấy lợi ích của "liệu pháp trồng cây và bài trí vườn tược" (garden settings and horticulture therapy). Chẳng hạn như ánh nắng và không khí trong lành giúp những người già vốn khó chịu trở nên an tĩnh hơn, trong khi màu sắc và kết cấu của các loài cây rau đa dạng có thể cải thiện thị lực và xúc giác.

    Không có thuốc tiên cho sự lão hóa, nhưng khoa học đã cho thấy, làm vườn rất có vẻ sẽ cải thiện chất lượng cuộc sống khi chúng ta già đi.

Hãy để thiên nhiên nuôi dưỡng thân mình

    Hiệu quả không chỉ đến từ lợi ích về sức khỏe: lợi ích xã hội của việc làm vườn cũng có thể giúp tăng tuổi thọ. Tiến sĩ Bradley Willcox thuộc Đại học Hawaii nghiên cứu những người trăm tuổi ở Okinawa, nơi có tỉ lệ người trăm tuổi cao nhất thế giới, khoảng 50 người trên 100000 dân. Nhiều cư dân ở đây vẫn duy trì khu vườn nhỏ của riêng mình tới tận khi đã già. 

    Tiến sĩ Willcox cho biết việc làm vườn giúp cải thiện nhiều nhân tố thiết yếu khác, vốn rất mơ hồ, trong việc kéo dài tuổi thọ. "Ở Okinawa người ta nói rằng bất kì ai sống lâu sống khỏe cũng cần có một ikigai, tức lí do để sống. Làm vườn cho bạn một thôi thúc để phải thức dậy mỗi ngày."

    Trên tất cả, Willcox giải thích, người dân Okinawa rất xem trọng khái niệm yuimaru, tức trạng thái liên kết xã hội cao độ. "Tụ họp nhau ở chợ, mang đến những sản phẩm của mình và sẻ chia những thành quả mới nhất từ khu vườn là một hoạt động xã hội lớn," ông nói. "Điều đó chắc chắn giúp người ta cảm thấy an tâm và hòa đồng hơn." 

    Cảm giác được kết nối với mọi người khác là rất quan trọng, nhưng sự kết nối giữa cá nhân mỗi người với tự nhiên cũng quan trọng không kém. Một nghiên cứu của Đại học Havard đã cho thấy những ai sống giữa cây cỏ sum suê sẽ sống lâu hơn, cùng với khả năng mắc bệnh hô hấp và ung thư cũng thấp hơn.

    Các bác sĩ ở Scotland hiện nay có thể "kê đơn" một chuyến đi bộ giữa thiên nhiên để điều trị nhiều chứng bệnh, trong đó có tăng huyết áp và lo âu, và để cải thiện cảm giác hạnh phúc toàn diện. Làm vườn - ngay cả với một khoảng đất nhỏ trong đô thị - là một cách đơn giản để đưa thiên nhiên vào cuộc sống hằng ngày của bạn.

    Sau tất cả, chế độ ăn để sống lâu cũng là một khía cạnh mà việc làm vườn có thể giúp ích. Các nhà nghiên cứu đã chứng minh mối liên quan giữa "chế độ ăn Địa Trung Hải" - vốn nhiều rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, đậu, các loại hạt, cá và dầu olive - với chậm lão hóa.

    Willcox nói rằng nguyên tắc cơ bản về việc ăn đa dạng các loại rau tươi, lí tưởng nhất là từ vườn và chợ ngay tại địa phương, là rất quan trọng cho sự trường thọ, bất kể chế độ ăn có là Địa Trung Hải hay không. Chẳng hạn như ở Okinawa, phần lớn người dân đều tự trồng các loại rau như mướp đắng và khoai lang trong vườn nhà. 

    “Khi bạn ăn rau do tự tay mình trồng, mọi thứ đều thay đổi - cảm giác ngon hơn, và thật sự mang lại khác biệt về chất lượng sức khỏe (vitamin, khoáng chất, hoạt chất thực vật...) từ bản thân thức ăn,” Willcox nói. Buettner, chuyên gia về các "vùng xanh" khuyến cáo một chế độ ăn gồm "90% thực vật, đặc biệt là rau xanh và đậu”, đồng thời chỉ ra một sự thật giản đơn: những người làm vườn thường có xu hướng trồng những loại họ muốn ăn.

Làm nông để sống lâu hơn?

    Nếu làm vườn đã tốt, liệu làm ruộng có tốt hơn? Nhiều yếu tố lối sống đi đôi với tăng tuổi thọ - như sống ở nông thôn và thể dục nhiều - cũng đúng với những người nông dân. 

    Một số bằng chứng cho thấy làm nông là một trong những nghề khỏe mạnh nhất. Một nghiên cứu tại Australia cho thấy nông dân có nguy cơ mắc các bệnh mãn tính thấp hơn một phần ba, và khả năng phải đến gặp bác sĩ thấp hơn 40% so với người lao động không làm nông. Các nhà nghiên cứu Mĩ so sánh tử suất giữa các nông dân với dân số chung và phát hiện nông dân ít nguy cơ chết vì ung thư, bệnh tim và tiểu đường hơn. Và những nghiên cứu tại Pháp và Thụy Điển cũng cho thấy nông dân khỏe mạnh hơn những người không phải nông dân. 

    Tiến sĩ Masahiko Gemma thuộc Đại học Waseda tại Tokyo đã nghiên cứu những người nông dân tự túc của tỉnh miền trung Saitama, những người được phát hiện là có tuổi thọ cao hơn những người không phải nông dân và làm việc được lâu hơn. Nhiều người trong số các đối tượng của Gemma là nông dân bán thời gian hoặc đã nghỉ hưu, và ông mô tả đa phần công việc của họ "tương tự như chăm sóc một khu vườn". 

    “Những trang trại gia đình quy mô nhỏ rất phổ biến trong nền nông nghiệp Nhật Bản,” Gemma nói, đồng thời giải thích rằng khảo sát của mình không bao gồm những nông dân làm việc cho các tập đoàn quy mô lớn. Ông phát hiện nông dân tự túc tận hưởng những thay đổi tích cực đáng kể về thể chất và tâm lý cả trước và sau khi tham gia hoạt động đồng ruộng nhẹ nhàng. “Phỏng đoán của chúng tôi là công việc đồng áng góp phần duy trì sức khỏe và tinh thần tốt,” ông nói.

Kiểm chứng thực tế

    Mặc dù những phát hiện của Gemma là rất đáng chú ý, song không phải lúc nào việc làm nông cũng đi theo mô hình truyền thống, dùng ít công nghệ của Nhật Bản mà ông đã mô tả. Ở phần lớn các nước phương Tây, nông nghiệp cũng là một ngành công nghiệp, và nông dân có thể phải chịu đựng điều kiện làm việc vất vả hay nguy hiểm, nợ cao và những quy trình tự động ngày càng xuất hiện nhiều. 

    “Thực tế nền nông nghiệp hiện nay, ít nhất là tại Mĩ, đó là nhìn chăm chăm vào máy tính lâu hệt như mọi người khác, điều khiển những hệ thống quản lí trang trại gà hoặc cơ sở nuôi lợn, hay ngồi trong cỗ máy gặt đập có lắp điều hòa vừa xem phim vừa băng qua cánh đồng tẻ ngắt được chỉ dẫn chính xác bởi GPS,” Thomas Forester, một cố vấn về chính sách thực phẩm hiện đang làm việc tại New York cho các tổ chức nghiên cứu và các cơ quan của Liên Hợp Quốc cho biết. 

    Từ đó, thật khó để nhìn nhận làm nông nghiệp như một "viên đạn thần kỳ" chống lại sự lão hóa. Cả làm vườn cũng như làm ruộng đều không thể đảm bảo chắc chắn một cuộc sống trường thọ. Song một vài yếu tố lối sống liên quan tới cả hai việc trên - cụ thể như ở ngoài trời, hoạt động thể chất nhẹ nhàng và chế độ ăn lành mạnh với nhiều rau - là có thể. 

    Sau cùng, tất cả đều hướng đến sự cân bằng. "Tương tự như chiếc ghế dựa," Willcox nói. "Chế độ ăn, hoạt động thể chất, tinh thần say mê và sự kết nối xã hội là bốn chân ghế. Thiếu bất kì cái nào cũng sẽ làm bạn mất cân bằng, và từ đó kéo giảm tuổi thọ. Sự trường thọ không phải là chuyện riêng của một yếu tố, mà bí quyết là phải kết hợp hài hòa tất cả lại với nhau."

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn