Nguyễn Huy Phương

Thuật dùng người và sức cảm hóa con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đăng 8 năm trước

Người không chỉ là một nhà lãnh đạo kiệt xuất, một nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng đại tài mà nghệ thuật dùng người của Bác vẫn còn để lại rất nhiều ý nghĩa.

Hồ Chí Minh (19 tháng 5 năm 1890 – 2 tháng 9 năm 1969) là một nhà cách mạng xuất chúng, người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam và là một trong những người đặt nền móng, lãnh đạo công cuộc đấu tranh giành độc lập, toàn vẹn lãnh thổ cho dải đất hình chữ S. Khi nhắc đến tên Bác, mỗi người dân Việt Nam đều cảm thấy vô cùng tự hào xen lẫn niềm biết ơn vô bờ bến về những hi sinh cao quý mà Người đã dành trọn vẹn cho non sông, đất nước và đồng bào ta. Người không chỉ là một nhà lãnh đạo kiệt xuất, một nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng đại tài mà nghệ thuật dùng người của Bác vẫn còn để lại rất nhiều ý nghĩa và bài học cho ngày hôm nay.

Mời các bạn cùng tìm hiểu về thuật dùng người và sức cảm hóa con người của Hồ Chủ tịch qua những câu truyện dưới đây:

Bác Hồ là một người khoan dung, độ lượng. Bác nhìn nhận và đánh giá từng con người một cách cụ thể và không nhìn quá khứ của họ. Bác dám sử dụng cả các quan lại cũ, khai thác những tiềm năng dù là nhỏ nhất ở họ. Mục đích của Bác là nhằm mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc, đập tan và dẹp bỏ những định kiến cũ, những việc gì có lợi cho sự nghiệp chung của đất nước thì nên làm và phải làm.

Giáo sư Hoàng Minh Giám đã kể lại rằng: Sau ngày Tuyên ngôn độc lập, Bác đã hỏi tôi: "Chú có quen cụ Trần Trọng Kim và biết cụ ở đâu không?". Ai cũng biết cụ Trần là nhà học giả đứng đầu Chính phủ do Nhật dựng lên sau cuộc đảo chính Pháp ở Đông Dương ngày 9/3/945. Tôi ít gặp nhưng có quen, vì trước cùng là nhà giáo, mặc dù ông nhiều tuổi hơn tôi.

Bác hỏi tiếp: "Nhà cụ ấy có ngõ để xe ôtô vào không?"

Tôi xin Bác để đi trực tiếp đến đó xem sao. Tôi hiểu Bác muốn có một cuộc gặp kín đáo với ông Trần để tránh mọi sự hiểu lầm hoặc để bọn phản động phá rối về sau. Tôi đến phố Nhà Rượu quan sát, về báo cáo với Bác nhà ấy không có cổng cho xe vào.Ít lâu sau, có tin ông Trần biến khỏi Hà Nội rồi mất âm thầm ở xứ lạ quê người. Rất tiếc, ông đã không có cơ may gặp Bác.

Lúc đó, Bác còn chủ động gặp cả Ngô Đình Diệm ra ẩn náu ở Hà Nội để bàn chuyện hợp tác chung lo việc nước. Nhưng họ Ngô nuôi đầu óc chống cộng kịch liệt đã từ chối.

Tháng 2/1946, Bác mời cụ Huỳnh Thúc Kháng ra Hà Nội tham gia Chính phủ. Cụ Huỳnh cũng ra nhưng chỉ cốt để xem Nguyễn Ái Quốc, con người nổi tiếng ấy như thế nào, chứ không có ý định nhận chức vụ gì. Thế rồi, chỉ sau vài lần trao đổi, cụ Huỳnh đã bị Bác cảm hóa. Cụ Huỳnh nói: “Chí thành năng động, tấm lòng thành của Cụ Hồ làm đá cũng phải chuyển, huống là tôi!”. Cho nên, ngày 2/3/1946, tại buổi họp đầu tiên của Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ta thấy cụ Huỳnh đứng cạnh Cụ Hồ với tư cách Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Ngày Bác Hồ sang Pháp, Người đã giao quyền điều hành đất nước cho cụ Huỳnh và cụ Huỳnh đã không phụ lòng tin của Bác, kiên quyết chỉ đạo phá án vụ âm mưu đảo chính và bắt cóc giết hại người của bọn Quốc dân đảng phản động, tháng 7/1946.

Cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Bác Hồ đã cử Chánh Văn phòng Chính phủ Phan Mỹ về Đường Lâm đón ông Phan Kế Toại, nguyên Khâm sai đại thần của Chính phủ Nam Triều, mời ra làm việc. Ông Phan mừng lắm và đi theo kháng chiến đến ngày thắng lợi. Trở về giữ chức Phó Thủ tướng nhiều năm.

Cũng vì cảm phục nhân cách lớn của Bác mà các nhà trí thức Việt Nam sang Pháp du học, được người Pháp trọng dụng, đã từ bỏ cuộc sống giàu sang để theo Bác về nước tham gia kháng chiến, phục vụ Tổ quốc như kỹ sư vũ khí Trần Đại Nghĩa, kỹ sư luyện kim Võ Quý Huân, bác sĩ Trần Hữu Tước...

Thuật dùng người và sức cảm hóa con người của Chủ tịch Hồ Chí MinhChính phủ lâm thời được thành lập ngày 25/8/1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. (Nguồn: Tư liệu TTXVN)

Tham gia Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch có nhiều trí thức trẻ, trong đó có tiến sĩ văn khoa - cử nhân luật Nguyễn Văn Huyên được cử giữ chức Tổng Giám đốc Đại học vụ (sau là Bộ trưởng Bộ Giáo dục) lúc ấy mới 37 tuổi. Ông Huyên đã phụ trách việc “diệt giặc dốt”, tìm mọi biện pháp, giữ quyết mọi khó khăn, vận động đông đảo mọi người tham gia dạy học và đi học. Chỉ trong một thời gian ngắn, 90% người không biết chữ ở nước ta đã có khá đông đọc được, viết được. Bác Hồ rất hài lòng về người đã được Bác giới thiệu vào Chính phủ, ông Nguyễn Văn Huyên.

Thế mà, một lần ông Huyên đến xin Bác từ chức Bộ trưởng, chỉ vì ông không phải là đảng viên. Bác Hồ đã gặp và nói với Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên:

“Không cốt là đảng viên cộng sản hay không đảng, mà cốt là làm việc có tốt hay kém, có hiệu quả hay không hiệu quả, điều đó mới quan trọng”.

Nghe lời khuyên của Cụ Chủ tịch, ông Huyên tiếp tục làm việc, và giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục cho đến cuối đời. Năm 1960, chi bộ Văn phòng Bộ Giáo dục đề nghị kết nạp ông. Trung ương cũng đã đồng ý, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh lại góp ý kiến: “Để chú Huyên ở ngoài Đảng có lợi hơn là ở trong Đảng”. Ông Huyên rất xúc động vì thấy Cụ Hồ rất hiểu những trí thức như ông, dù không là đảng viên nhưng suốt đời vì dân, vì nước.


Trong thư gửi đồng bào Nam Bộ (6/1946), Bác đã viết:

“Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người, cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng, đã là con Lạc, cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc... ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đại đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang”.

Thuật dùng người và sức cảm hóa con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trên đây chỉ là một vài mẩu truyện nhỏ nói về cách dùng người cũng như cách cảm hóa con người của chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng ta, những con người của thế hệ trẻ cần phải tiếp tục tiếp thu, học tập và làm theo theo tấm gương của Bác Hồ vĩ đại, để non sông, gấm vóc ta ngày một tươi đẹp hơn đúng như ý nguyện của Bác.

Sưu tầm và biên tập: Huy Phương


LIKE và SHARE nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích nhé!

Subscribe tại đây để đọc những bài viết hay khác các bạn nhé!

Chủ đề chính: #hồ_chí_minh

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn