Ho Hoanganh Đi, nghe, nhìn, đọc và viết.

Thuốc phiện trong sử Việt

Đăng 4 năm trước

Từ khoảng thế kỷ 19, thuốc phiện đã xuất hiện và khá phổ biến tại Việt Nam. Trong những văn bản hành chính, đặc biệt là các châu bản triều Nguyễn đã đề cập đến vấn nạn này do các thương thuyền nước ngoài mang đến.

1. Các thương thuyền nhà Thanh

 Vua Minh Mạng đã từng ra chỉ dụ rằng: "Thuốc phiện là thứ thuốc độc từ nước ngoài đem lại. Thuốc phiện do ngoại phiên chế ra, không phải nước ta vẫn có".Các đạo dụ của vua Minh Mạng đã chứng minh rằng thuốc phiện là do ngoại quốc đem vào xứ ta qua các châu bản Nguyễn triều và Quốc Sử Quán trong Đại Nam Thực Lục Chính Biên.

Trong đó, chủ yếu chúng được vận chuyển đến nước ta thông qua các thương thuyền từ Trung Hoa. Ngoài ra, cũng có số ít là do thuyền của các quan lại An Nam đi nước ngoài rồi mang về. Vì thế đây chính là 2 đối tượng được các vua triều Nguyễn lưu ý đưa ra các biện pháp ngăn chặn và trừng phạt nặng nếu có các vi phạm liên quan đến thuốc phiện.

Châu bản triều Nguyễn có ghi: "Năm trước đã nhiều lần nghiêm cấm thuyền buôn ngoại quốc chở lậu thuốc phiện, đã viết thành điều lệ rõ ràng. Lại nghĩ đến những quan thuyền nước ta đôi khi có phái đi ngoại quốc cũng cần phải nghiêm lệnh cấm để ngăn ngừa mối tệ."

Các sử liệu Nguyễn triều đề cập nhiều đến các cửa biển quan trọng trong giao thương, thường xuyên kiểm tra gắt gao các hoạt động của thương thuyền nước ngoài đến xin buôn bán có mang theo hàng quốc cấm là thuốc phiện.

Như các của biển Cần Giờ, Thị Nại, Phan Thiết, Lâm Hải, Ba Lạt,...Theo tường trình của Thụ Ngự tấn Phan Thiết Vũ Văn Đao: "Vào năm Thiệu Trị thứ 2 có một chiếc thuyền người Thanh quê ở tỉnh Quảng Đông chở hàng tạp hóa vào tấn này, tình nguyện chịu thuế bán hàng, đã cử người đến kiểm tra, đều là hàng tạp hóa, không thấy mang theo thuốc phiện. Đã cho phép mở quan bán hàng, thu thuế cảng thuyền theo lệ."

Triều Minh Mạng đã có các qui định chặt chẽ về việc kiểm tra các thương thuyền ngoại quốc đến neo đậu tại cửa biển nước ta, tránh để họ đưa thuốc phiện vào nước ta. Vua Minh Mạng đặc biệt chú ý đến các thương thuyền nhà Thanh:

"Nay truyền dụ đến các tỉnh Nam Kỳ cho đến các quan, ai nấy đều phải tuân theo điều lệ cấm.  Phàm người Thanh đén làm ăn, chỉ cho phép qua lại mua bán ở đường sông, không được ra biển. Các thuyền buôn trong hạt vượt biển buôn bán không được thuê người Thanh lái thuyền. Nếu có người Thanh mượn thuyền ra biển buôn, lẻn theo thuyền buôn của dân trong hạt thì phải lập tức bắt giải, trừng trị nghiêm".

Châu bản triều Minh Mạng năm thứ 21 có đề cập:"Tuần phủ quan phòng Án sát sứ tỉnh Phú Yên làm công văn trình về vụ án tháng 5 năm ngoái:Bắt được bọn gian thương thuộc thuyền buôn nhà Thanh với 17 khối thuốc phiện sống, đã ghi rõ vào án gởi lên tỉnh."

Đầu thế kỷ 19, thuốc phiện đã được phổ biến trong các tầng lớp quan lại và dân thường sử dụng, không chỉ đàn ông mà kể cả phụ nữ. Thấy hậu quả nghiêm trọng của thuốc phiện, vua Minh Mạng đã dụ bầy tôi rằng:"Quan thì bỏ cả chức vụ, dán thì phá hết sản nghiệp. Thậm chí gầy mòn thành bệnh, tổn thương sinh mệnh"

Vua Thiệu Trị cũng cảnh báo:"Thuốc phiện là thứ thuốc mê. Cái hại rồi đến khuynh gia bại sản. Hại tính mệnh người. Hai việc ấy đều là nghiêm cấm ở trong nước. Ta sẽ giáng dụ để vào quốc sử truyền lại đời sau để nghiêm tuyệt ra đi mà ngăn chặn mối lo ở ngoài."Châu bản triều Nguyễn cũng đề cập không ít các trường hợp quan lại lúc bấy giờ có liên quan đến thuốc phiện.

Năm Tự Đức thứ 7, Án Sát Lạng Sơn Lê Tăng Mậu làm tập tâu thú tội đã hút trộm thuốc phiện tại nhà, đã giải chức tại ngoại cai nghiện.Tóm lại, có thể thấy từ đầu thế kỷ thứ 19, thuốc phiện đã có mặt tại nước ta gây ra những hậu quả to lớn trong các tầng lớp từ quan lại đến dân thường.

2. Triều Nguyễn và vấn nạn nha phiến

Đứng trước vấn nạn thuốc phiện hoành hành và ngày càng lan rộng, các vua triều Nguyễn đã đưa ra nhiều đối sách khác nhau. Có những giai đoạn triều đình cấm ngặt với các biện pháp mạnh tay, quyết liệt nhưng cũng có lúc lại nới lỏng, bỏ lệnh cấm và thu thuế.Sách Đại Nam Thực Lục Chính Biên có chép lại:"Vào năm Gia Long thứ 17, nhà vua ra dụ cấm thuốc phiện ở Gia Định."Đến thời Minh Mạng vua thực hiện nhiều biện pháp răn đe, trừng trị đối với các đối tượng sử dụng, tàng trữ, buôn bán, vận chuyển thuốc phiện. 

Vua qui định phàm các quan lại, quân dân, ai hút thuốc phiện, tang vật từ 1 cân trở xuống đều phải chịu phạt đánh bằng trượng và lưu đày. Nếu tang vật từ 1 cân trở lên thì xử giảo giam hậu (tức giam lại chờ ngày thắt cổ).

Theo bảng tấu của Bộ Hình vào năm Minh Mạng thứ 21, tập án tấu của tỉnh Ninh Bình trình rằng: "Tên phạm Nguyễn Văn Nghị hút trộm thuốc phiện, xin chiếu theo tội hút trộm thuốc phiện đánh 100 trượng, lưu đày ba nghìn dặm đến tỉnh Thanh Hóa."

Vua Minh Mạng cho rằng nguy hại nhất vẫn là bọn nấu bán thuốc phiện, chúng dụ dỗ nhiều người làm mối nguy hại nha phiến ngày càng lan rộng ra. Hình phạt cao nhất cho người nấu bán và tàng trữ thuốc phiện là xử thắt cổ và tịch thu gia sản.

Bản tấu của Tổng đốc Bình Phú Vũ Xuân Cẩn vào năm Minh Mạng thứ 15: "Hoàng Văn Trực bán thuốc phiện sống. Theo luật đi đày sáu năm rưỡi, thích chữ, hết hạn giao về bản quán".Một số châu bản vào thời vua Tự Đức cũng chép: "Phàm những người nấu thuốc phiện bán cho khách và chứa chấp giấu giếm, mua bán thuốc phiện sống hoặc chín từ 1 cân trở lên đều xử giảo giam hậu".

Song song với việc ngăn chặn thương thuyền ngoại quốc mang thuốc phiện vào nước ta, vua qui định phạm các thuyền được phái đi ngoại quốc mà bọn quan lại, quân lính mya giấu thuốc phiện thì mức phạt cao nhất là xử tử.Dưới triều Minh Mạng, thuốc phiện bị cấm tuyệt đối. Đến thời vua Thiẹu Trị cũng duy trì các điều cấm mà Minh Mạng đã ban hành trước đó mà không thay đổi gì về các vấn đề liên quan đến thuốc phiện.

Dưới thời Tự Đức, nước ta rơi vào thời kì rối ren khi chính thức bị thực dân Pháp xâm lược. Thời vua Tự Đức có giai đoạn thuốc phiện bị cấm ngặt nhưng cũng có khi bãi bỏ lệnh cấm, thu thuế thuốc phiện.Nhiều châu bản dưới thời Tự Đức có đề cập đến các vấn đề liên quan đến thuốc phiện. Từ năm Tự Đức thứ 22 tức năm 1869 về sau đã bắt đầu cho thu thuế thuốc phiện trong khi giai đoạn trước đó đã áp dụng các biện pháp cứng rắn.

Tự Đức cũng nới lỏng các hình phạt so với các đời vua trước như gia hạn cho người cai thuốc phiện từ bỏ dần, người cai nghiện được trả lại gia sản, khôi phục chức vũ nếu bỏ được thuốc phiện. Ví dụ như bản tấu của Tôn Thất Thường vào năm Tự Đức thứ 7 về việc Thái Giám Nguyễn Khanh, Thừa Biện Thái Giám Ngô Siêu cùng Giám Phạm Sĩ trước hút trộm thuốc phiện thì vua Tự Đức phê rằng: "Truyền cho bọn Nguyễn Khanh, Ngô Siêu, Phạm Sĩ đều bị cách chức ngay, cho hạn 3 tháng tự cai"

Cũng do việc nới lỏng này cộng với việc Pháp nắm quyền kiểm soát nhiều phần lãnh thổ của nước ta dưới triều Tự Đức việc hút thuốc phiện ngày càng lan rộng trong các tầng lớp nhân dân nước ta.

Bài viết có sử dụng một số tài liệu của Trung Tâm Lưu trữ Quốc gia.

Hồ Hoàng Anh tổng hợp

Chủ đề chính: #lịch_sử_việt_nam

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn