anpha beta Tôi viết vì tôi thích thế.

Thương trường khốc liệt: Những chiêu trò dơ bẩn

Đăng 6 năm trước

Thương trường là chiến trường. Nhưng đôi lúc, những trò bẩn trên chiến trường này khiến bạn không khỏi choáng váng.

Thương trường là chiến trường, có thể nói đây là câu sấm ngôn mà bất cứ ai trong kinh doanh cũng biết, thậm chí ngay cả những người làm công ăn lương cũng phần nào cảm nhận được nó. Tôi cũng không ngoại lệ, khi bắt đầu khởi nghiệp, tôi luôn tự nhắn nhủ với bản thân về tính khốc liệt trên chiến trường kinh doanh, nhưng bây giờ khi ngẫm lại mọi thứ, tôi cảm thấy mình khi đó chỉ như một đứa trẻ giữa một trận đánh lớn. 

Từ những kẻ sòng phẳng. 

Khi còn ngồi trên giảng đường, tôi vẫn thích thú khi nghe người ta kể về cuộc chiến kịch tính của những kẻ khổng lồ: Coca-cola và Pepsi đối đầu thẳng thừng qua các chiến dịch quảng bá đá đểu nhau, hay Quả Táo (Apple) và viên đạn Trái Dâu Đen (Black Berry) quyết chiến bằng những clip quảng cáo đầy sáng tạo. 

Khi bắt đầu sự nghiệp của một người làm thuê, tôi lại được mở mang tầm mắt hơn khi chứng kiến cuộc đấu đá của những tập đoàn khác. Một ví dụ như Unilever và P&G, không bóng bẩy và kịch tính trên sàn diễn truyền thông, nhưng âm thầm và quyết liệt không kém, họ theo dõi và sẵn sàng bắt lỗi nhau, và nhờ thế cùng nhau hoàn thiện. 

Những tập đoàn này những đối thủ không đội trời chung, cuộc chiến giữa họ vô cùng khốc liệt. Dù cho mọi người cảm thấy thích thú vì sự sáng tạo (như trong trường hợp của Coca-cola và Pepsi) hay khó chịu vì sự tranh cãi (như trong trường hợp của Samsung đá đểu Apple và Oppo), nhưng đa số mọi người cũng gật gù chấp nhận rằng đây là một cuộc chiến sòng phẳng, hay ít nhất thì nhờ nó mà người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi. 

Nhưng đến khi bước vào con đường khởi nghiệp, bị một sự thật phũ phàng dội thằng vào mặt, tôi mới nhận ra rằng trong cuộc chiến này những kẻ sòng phẳngchỉ là số ít. 

Đến những chiêu trò. 

Với những tập đoàn lớn, họ luôn coi trọng thương hiệu và uy tín của mình, vì lẽ đó họ luôn xây dựng một chiến dịch quảng bá dài hơi và chắc chắn.Nhưng với những doanh nghiệp siêu nhỏ thì không, thay vì những chiến lược xây dựng hình ảnh chắc chắn, họ lại sử dụng những mánh lới bẩn thỉu nhằm triệt hạ nhau, mà mục đích cuối cùng là gia tăng lợi nhuận tối đa cho mình, hoặc đôi khi chỉ là vì “con gà ghét nhau tiếng gáy.”

Chắc hẳn một lúc nào đó, bạn đã đọc được một tin đồn trên Facebook kiểu như: “hãy xem Coca-cola được sử dụng làm nước tẩy bồn cầu hiệu quả như thế nào?Hẳn là dạ dày của bạn cũng sẽ bị bào mòn giống như thế đấy! Hãy ngừng sử dụng và chia sẻ thông tin này cho bạn bè.” Và không lâu sau đó, người tung tin sẽ bán một loại nước “từ thiên nhiên” và tốt cho sức khỏe nào đó.

Sự thật là: Coca-cola là loại nước uống có vị chua, vì thế nó có tính acid - là một nhân tố có khả năng tẩy sạch bồn cầu, nhưng với dạ dày, vốn dĩ không xa lạ gì với acid thì nó chả là gì cả.  

Với nhiều người, họ sẽ nhìn ra ngay đây là một chiêu trò marketing rẻ tiền khi nhằm thẳng vào sự sợ hãi của người tiêu dùng mà trục lợi, nhưng với một số đông khác, họ sẽ chỉ sợ hãi mà mắc bẫy. Nhưng dù gì, với một thương hiệu lớn như  Coca-cola, những chiêu trò này chả khác gì muỗi đốt inox, hiệu quả của nó sẽ rõ ràng hơn khi nhìn ở một góc khác.

Thương trường nhỏ, trò bẩn lớn

Từ đồ uống.

Mặt hàng tôi chọn khi bắt đầu khởi nghiệp là trà sữa, một đồ uống thông dụng của giới trẻ. Tôi đầu tư khá nhiều vốn liếng để xây dựng một không gian đẹp,tìm những nhà cung cấp nguyên liệu chất lượng, và tiến hành một chiến dịch quảng cáo bài bản ở địa phương. Mọi thứ tiến triển rất tốt, vì xung quanh khu vực tôi đặt quán đa phần là các cửa hàng cafe, và một phần lớn lượng khách trẻ dần dịch chuyển từ vùng cà phê sang trà sữa.

Nhưng không lâu sau đó, ở một group về đồ uống khá lớn trên facebook bắt đầu có những bài đăng bêu xấu trà sữa (hóa chất, độc hại), mà còn đăng hẳn một hình ảnh minh họa là trà từ quán của tôi. Ai cũng biết có thời trà sữa bị dập tơi bời vì dùng nguyên liệu của Trung Quốc, nhưng không phải ai cũng biết giờ đây chúng tôi chỉ dùng nguyên liệu chất lượng từ những nhà cung cấp uy tín. Vì sự kiện này mà doanh thu của quán sụt giảm liên tục, đến nỗi xém phải đóng cửa, giai đoạn đó tôi cảm thấy stress kinh khủng.

Tôi có nhờ người điều tra về thông tin bêu xấu cửa hàng, và kết quả là:người đứng đằng sau những bài bôi xấu đó chính là một chủ quán cafe gần đó, họ ra sức tấn công tôi vì bị mất doanh thu. Không những ấm ức, mà điều làm tôi rất bực bội ở đây, trong khi họ bêu xấu tôi bằng một trò hèn hạ mà không hề có bằng chứng, thì rất có thể trong chính cafe của họ toàn đậu nành rang cháy.

Tới thời trang

Sau này tôi có tìm hiểu thêm, thì tình trạng chơi bẩn này không chỉ diễn ra ở mặt hàng thực phẩm và đồ uống, mà nó còn xuất hiện ở nhiều loại mặt hàng khác.

Một người bạn của tôi kinh doanh sneaker hiệu cũng phải phát điên vì những chiêu trò bôi xấu trên mạng xã hội. Những đối thủ có trong tay những group Facebook lớn liên tục tung tin bôi xấu cửa hàng của bạn tôi bán sneaker giả. Liên tục xuất hiện những bài bóc phốt, nhưng hoàn toàn xuất phát từ những tài khoản Facebook ảo, từ đó câu kéo theo những trận ném đá không thương tiếc của cư dân mạng. Những bình luận chê bai xuất hiện hàng dài, còn những lời khen hay đính chính thì bị xóa không một lời giải thích.

Cũng tương tự như trường hợp của tôi, đứng đằng sau chiến dịch bôi xấu này là một cửa hàng khác. Vì họ có quan hệ tốt với một group lớn trên facebook,cộng với tình trạng sụt giảm doanh thu do chiến lược kém, nên đã không ngần ngạibày ra trò này để triệt hạ lẫn nhau.

Kết

Không thể chối cãi rằng, nhờ có cạnh tranh mà người tiêu dùng được hưởng lợi. Nhưng với sự phát triển mạnh của mạng xã hội, nơi mà mọi thông tin được loan truyền một cách nhanh chóng mà không hề được kiểm chứng, thì sự xuất hiện của những chiêu trò cạnh tranh bẩn là không tránh khỏi. Điều đáng nói ở đây là người tiêu dùng không hể được lợi lộc gì từ những mánh mung này, mà trái lại người ta chỉ bị gieo rắc những nỗi sợ phi lý mà thôi.

Hy vọng rằng trong tương lai, với sự nỗ lực của các nhà quản lý, cũng như sự hoàn thiện của các mạng xã hội, những chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh sẽ biến mất, để lại một mảnh đất màu mỡ cho những người gieo hạt khởi nghiệp.

Chủ đề chính: #cạnh_tranh_trong_kinh_doanh

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn