quân sư

Tiểu đường - những điều không phải ai cũng nói cho bệnh nhân mới mắc

Đăng 5 năm trước

Bạn hoặc người thân của bạn mới phát hiện ra tiểu đường (đái tháo đường). Tuy không phải là một bệnh lý mang đến những điều khủng khiếp như ung thư, nhưng việc mắc bệnh cũng đem đến cho chúng ta rất nhiều phiền toái và lo lắng. Vậy nếu mới mắc bệnh, nên làm như thế nào để có được sức khỏe và việc điều trị đúng đắn, chính xác nhất. Hi vọng những điều sau sẽ đem lại nhiều thứ bổ ích cho những bệnh nhân mới mắc tiểu đường.

1. Ngay lập tức đi khám chuyên khoa nội tiết

Thông thường, bệnh tiểu đường diễn biến rất âm thầm. Bệnh nhân sẽ phát hiện ra một cách tình cờ chỉ số đường huyết cao khi đi khám sức khỏe, hoặc khi đã có biến chứng của nó. Vậy việc đầu tiên là bệnh nhân nên đến khám ở các cơ sở chuyên khoa nội tiết, ở tuyến trung ương/tuyến tỉnh. Dù biết bệnh nhân Việt Nam đa phần còn nhiều khó khăn, nhưng việc khám ban đầu ở một cơ sở uy tín rất quan trọng. Nó giúp khẳng định chẩn đoán, bị bệnh hay không bị bệnh, giúp phát hiện ra các biến chứng mà đôi khi phải cần đến một vài xét nghiệm rất chuyên sâu. Khám lần đầu giúp bệnh nhân có được cái nhìn tổng quát về tình trạng của mình. Không nên tiếc chi phí cho lần khám đầu tiên này. Và nhớ là khám ở các cơ sở chuyên khoa về nội tiết.

2. Mua bảo hiểm y tế, đăng ký lấy thuốc định kỳ

Sau lần khám ban đầu để xác định tình trạng tổng quát, bệnh nhân cần mua ngay bảo hiểm y tế, hoặc nếu có rồi thì đến ngay cơ sở khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế để đăng ký ở đó. Tiểu đường cho đến nay vẫn chưa chữa khỏi hoàn toàn, bệnh nhân sẽ sống cả đời với bệnh, nên việc đi khám hàng tháng, kiểm tra và lấy thuốc là vô cùng quan trọng. 

3 Chăm sóc ở nhà

Dù bác sĩ có giỏi bao nhiêu, thuốc có tốt bao nhiêu những với các bệnh mạn tính không lây như tiểu đường, việc chăm sóc ở nhà là vô cùng quan trọng. Thật vậy, có rất nhiều sai lầm của bệnh nhân tiểu đường như: vì thấy cơ thể bình thường nên không uống thuốc đều, không đi khám đều; vẫn ăn uống như lúc chưa phát hiện ra bệnh, không điều chỉnh chế độ ăn; không vận động thể lực, thể dục thể thao; duy trì nhiều thói quen có hại như đi chân đất.  Với từng vấn đề, sẽ có những bài riêng, nhưng tổng quát lại, thay đổi thói quen và lối sống là điều quan trọng, chiếm tới hơn 50% việc điều trị thành công hay không.

4. Theo dõi đường huyết tại nhà

Với những gia đình có điều kiện, mua một máy thử đường huyết, thử đường huyết tại nhà và ghi lại là một điều rất nên làm. Vì khi đi khám định kỳ, nếu không thể theo dõi được đường huyết của bệnh nhân trong khoảng thời gian bệnh nhân ở nhà, bác sĩ rất khó đánh giá hiệu quả điều trị. Nên thử đường huyết 3 lần/ngày, trước các bữa ăn.

5. Tham gia vào các câu lạc bộ sinh hoạt của bệnh nhân đái tháo đường

Bệnh nhân bị tiểu đường rất nên tham gia sinh hoạt vào những câu lạc bộ đái tháo đường ở địa phương. Tập hợp lại, những người bệnh có thể cảm thông và chia sẻ với nhau những kinh nghiệm, những khó khăn trong quá trình điều trị bệnh tật, những vấn đề gặp phải. Nó giúp giảm căng thẳng tâm lý, giảm nguy cơ trầm cảm do đái tháo đường.

Hi vọng những chia sẻ trên sẽ giúp ích cho bệnh nhân cũng như người nhà bệnh nhân trong giai đoạn mới bị mắc căn bệnh này. Đây là những chia sẻ ban đầu, còn nhiều vấn đề chưa được cụ thể, hẹn các bạn vào loạt bài tiếp theo.

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn