Phuong Nguyen Không có gì quý hơn độc lập tự do

Tìm cát giữa sa mạc

Đăng 8 năm trước

Khung cảnh núi rừng hùng vĩ và thiên nhiên tráng lệ ở Đăk Glong đối lập hoàn toàn với cái nghèo, cái đói dai dẳng trong từng mái nhà sập xệ và đôi mắt đau đáu của các em học sinh

Khung cảnh núi rừng hùng vĩ và thiên nhiên tráng lệ ở Đăk Glong đối lập hoàn toàn với cái nghèo, cái đói dai dẳng trong từng mái nhà sập xệ và đôi mắt đau đáu của các em học sinh trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc nằm chênh vênh trên gò cao.

Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc là trường dành cho học sinh thôn 11, 12, huyện Đăk Glong, một đơn vị hành chính mới được tách ra từ xã Quảng Sơn, nơi giao nhau của 2 tỉnh Đăk Nông, Đăk Lăk và Lâm đồng. Đăk Glong là huyện nghèo thứ 63 trong 63 huyện nghèo cả nước. 

Thôn 11 và 12 được khai phá từ năm 1998 bởi người dân tộc phía Bắc di cư vào. Ở đây hoàn toàn không có điện lưới, mạng chưa có, sóng Viettel được đưa về đây độ 2 năm, chập chờn lúc có lúc không. Ban đêm, thôn xóm chìm vào màn đen tĩnh lặng, vài ánh sáng le lói từ các bóng đèn sử dụng điện tích lũy năng lượng mặt trời. Anh Lình, xã đội trưởng tâm sự: "Khoảng 70% hộ dân ở đây có bòng đèn thắp từ năng lượng mặt trời. Hoàn toàn không có điện lưới. Các giếng nước khơi đã bị đào xuống rất sâu, nguồn nước dần cạn kiệt. Nhiều người dân phải sử dụng nước mưa và ra thị trấn xin nước. Khó khăn lắm, em à! Lúc nào người dân cũng mong có điện, có nước để sinh hoạt."

Không có nước tưới tiêu, đất đai cằn cỗi, sản lượng hoa màu rất thấp, sản xuất canh tác bấp bênh. Việc trao đổi nông sản còn khó khăn hơn. Toàn bộ đường đều là đất đỏ, dốc núi ghập ghềnh, trời mưa sình lầy be bét, trong khi đại lý thu mua ở tận bên xã Quảng Sơn, cách đó 60km. Tư thương vào mua thường ép giá đến tận đáy, người dân nghèo vẫn hoàn nghèo. Một người dân cho hay, mọi người cũng đã ý kiến lên các cơ quan lãnh đạo nhưng không giải quyết được gì cả. Người dân vẫn vật vã tự khắc phục mọi gian khó, bởi ngân sách của nhà nước nhà nước không đủ nguồn lực để "chạy theo" nhu cầu của những "điểm di cư tự do" (theo Đăk Nông online). 

Trường có 8 phòng học, 2 tòa nhà cấp 4 và 2 nhà tạm, 1 nhà nội trú 6 phòng tạm bợ. Trường nằm trên một gò đất cao, nắng nôi và gió giật. Một cơn gió đến, bụi cát bay tứ tung. Gió đã giật hư toàn bộ cửa sổ. Trường mầm non Đăk glong ngay cạnh đó, chỉ có 3 phòng được kiên cố hóa, còn lại vô cùng xập xệ. Trường hiện có 21 giáo viên và hơn 400 em học sinh. Khoảng 20 em học sinh đã bỏ học trong năm qua do hoàn cảnh gia đình khó khăn và nhà quá xa.Ngôi trường tạm bợHai tấm pin năng lượng mặt trời của trường chỉ đủ thắp sáng 6 bóng đèn nhưng cũng phải tiết kiệm. 50 em học sinh ở nội trú ban đêm đều phải đeo đèn lên đầu để học bài. Nhà các em ở rất xa, bố mẹ không đưa đón được, các em về nhà vào cuối tuần, lấy ít lương thực rồi quay trở lại trường, tự nấu ăn, giặt giũ, chăm lo cho nhau. Sớm sống tự lập, các em rất hiểu chuyện, lễ phép.các em học sinh ở trường tiểu học Nguyễn Bá NgọcEm học sinh lớp 2. Ánh mắt ngây thơ, ám ảnh mà khắc khổ hơn so với tuổi lên 9 của em

Thầy hiệu trưởng La Minh Tuấn, người Cao Bằng là một trong những người đầu tiên đưa con chữ về với hai thôn. Phòng thầy hiệu trưởng chỉ có một cái bàn với giấy tờ công văn bên trên, không cả một cái quạt. Nhìn thầy và các cô tôi đã thấy hết được sự hy sinh của người làm nghề giáo cho tương lai của con em một vùng quê xa xôi, nghèo khó. Hai giáo trẻ nhất ở đây sinh năm 1995, vừa tốt nghiệp Trung Cấp. Trường có một ngôi nhà nội trú cho các thầy cô nhưng không có điện, nên các cô ra ngoài xã trọ, ngày lên lớp dạy, cuối tuần về thăm nhà. Tranh thủ thời gian rảnh, các thầy cô đi vận động từng nhà dân để duy trì sĩ số lớp. Thầy Phạm Văn Huyễn, gốc Nam định chia sẻ: "Đôi lúc thấy các em bỏ học, mình rất buồn, nhưng thấy các em lọ mọ từ sáng mờ sương, đi bộ dốc núi hơn tiếng đồng hồ để đến trường, tôi xót xa lắm". Khi được hỏi vì sao cuộc sống khó khăn như vậy mà thầy vấn bám trụ nơi đây, thầy trầm giọng xuống: "Thầy vào đây xung phong công tác dạy học, vậy thì có khăn nào cũng phải khắc phục. Âu cũng là cái duyên cả, trẻ em ở đâu cũng cần học hành và dạy dỗ cẩn thận, thầy cô ở đây là để làm điều đó, không chỉ cho vùng quê này mà còn cho đất nước."

Nhiều thầy cô nơi non cao này rất trẻ, trẻ cả tuổi đời lẫn tuổi nghề. Nhiều thầy cô đã bạc mái đầu, họ đến từ các vùng quê khác nhau nhưng tấm lòng dành cho các em, cái tâm của người thầy vô cùng chân thành và bầu nhiệt huyệt cống hiến luôn bừng bừng ngời sáng.

Tôi ra về với ánh mắt ám ảnh của các em bé, trong lòng chỉ đâu đáu một câu hỏi: "Làm sao để cuộc sống người dân nơi đây ổn định hơn? Làm sao để mảnh đất xinh đẹp với những con người hồn hậu này, một phần của đất nước Việt Nam cũng phát triển đi lên? Làm sao để các em có một môi trường học tập tốt hơn?"

Chủ đề chính: #Đăk_Glong

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn