Carot

Tin vào những điều tốt đẹp

Đăng 7 năm trước

Tại sao con người lại hoài nghi lẫn nhau nhiều như vậy? Phải chăng cuộc sống hiện đại và cạnh tranh nhiều quá khiến chúng ta mất dần đi khả năng sống bằng cảm xúc mà thay vào đó là sống bằng lí trí?

Tôi luôn nhớ lời dặn dò quen thuộc của mẹ tôi trước lúc đi đâu xa: “Hãy cẩn thận con nhé, vì  cuộc sống này rất phức tạp và lắm bon chen. Đi ra xã hội và sống hết sức tỉnh táo, khôn ngoan, đừng bao giờ dễ dàng tin tưởng một ai”. Hơn ai hết, tôi hiểu những nỗi lo của mẹ từ sau khi chuyện sa ngã của các anh chị họ hàng đi trước xảy ra. Tôi hiểu và tự nhủ lòng mình hãy mang lời dặn dò đó trên mọi chặng đường phía trước. Nhưng sự thật trong thâm tâm mình, tôi vẫn còn hi vọng và ước mơ, về những điều tốt đẹp sẽ còn đến,con người không đối xử với nhau bằng vụ lợi, cơ hội nữa mà bằng ý thức và lòng tự trọng. Thế nên, rong ruổi suốt những năm tháng sống tự lập trong đời, tôi luôn kiếm tìm cho mình một điểm tựa về những điều tốt đẹp, màu hồng của cuộc sống ẩn khuất giữa những xô bồ, nghiệt ngã.

Có một lần tôi tìm hiểu về chữ “Vị tha” trên mạng Internet và mãi băn khoăn về những câu sau trên trang Wikipedia: “Hiện vẫn còn nhiều tranh cãi liên quan tới việc liệu chủ nghĩa vị tha thực sự có tồn tại hay không. Thuyết vị kỉ tâm lí cho rằng không có hành động chia sẻ, giúp đỡ hay hi sinh nào có thể được coi là vị tha hoàn toàn, bởi người thực hiện sẽ nhận được phần thưởng về bản chất chính là sự hài lòng cá nhân”. Tôi đâm ra nghi hoặc nhiều hơn về hi vọng của chính mình: Rằng con người không thể đến với nhau bằng sự đồng điệu trong tâm hồn? Họ sẽ vẫn hoài nghi lẫn nhau, dè chừng lẫn nhau và không thể hy sinh cho nhau nhiều thứ?

Người ta vẫn dạy con em mình rằng hãy biết sống sẻ chia cho nhau, trân trọng và hy sinh cho nhau. Những bộ phim hoạt hình cho trẻ con hầu như đều hướng tới chức năng giáo dục để bồi đắp tâm hồn trẻ thơ khiến chúng không bị bào mòn bởi thực tế xã hội như vậy. tôi vẫn còn nhớ hình ảnh hai anh em sống chết có nhau trong bộ phim hoạt hình Nhật lấy được bao nhiêu nước mắt của người xem “Ngôi mộ đom đóm”, hành trình trưởng thành của chú khủng long Arlo trong phim “The good Dinosaur”,… tất cả đều gợi đến trong ý thức trẻ thơ về mối quan hệ hy sinh cho nhau giữa con người với con người. Tuy nhiên, người lớn chúng ta lại hoài nghi những điều như thế, hoài nghi những điều mà chúng ta dạy con trẻ phải tin. Rồi chúng ta ai rồi cũng khác, sẽ phải vấp váp, thất bại và chúng ta sẽ thấy được rằng đời không như là mơ…

Tại sao con người chúng ta lại hoài nghi lẫn nhau nhiều như vậy? Tôi đã tự hỏi chính mình,hỏi những người xung quanh câu hỏi này không biết bao nhiêu lần rồi, nhưng kết quả là người ta nhìn tôi bằng ánh mắt kì thị và xa lạ. Phải chăng con người quá tự tin về nhận thức và trải nghiệm của chính mình? Có một người bạn của tôi đã kể cho tôi về chặng đường khó khăn trong cuộc đời của nó, và câu cuối cùng nó tuyên bố rằng: “Trên đời này chưa có chuyện gì là tao chưa trải qua”. Tôi giật mình về câu nói đó. Sự từng trải phụ thuộcvào cách con người ta lăn lộn như thế nào giữa đời , nhưng một điều quan trọng không kém nữa, đó chính là thời gian. Mười tám tuổi không phải là quá trẻ nhưng có thể nói là chưa đủ để có được sự già dặn, trải nghiệm mọi điều trong cuộc sống.Có nhiều người tỏ ra già dặn, kinh nghiệm lão luyện với cuộc đời, gạt phăng đi sự cầu xin bố thí của người ăn xin trên đường phố vì phong trào giả làm ăn xin để kiếm thêm thu nhập đang tràn lan khắp xã hội. Người ta nhổ toẹt vào tình yêu của tuổi trẻ vì cho rằng tuổi trẻ chưa đủ trải để có một tình yêu thực thụ. Người ta nhìn kẻ làm từ thiện bằng nửa con mắt vì nghi hoặc rằng Hắn ta đang định giở trò che mắt thiên hạ hay PR về một thương hiệu nào đây… Sự bảo thủ trong cách nhìn nhận và suy nghĩ làm cho con người ta chỉ thấy được bóng tối mà không cảmnhận được ánh sáng đang xuất hiện sau lưng. Con người cứ hoài nghi lẫn nhau nhưthế.

Tại sao con người lại hoài nghi lẫn nhau nhiều như vậy? Phải chăng cuộc sống hiện đại và cạnh tranh nhiều quá khiến chúng ta mất dần đi khả năng sống bằng cảm xúc mà thay vào đó là sống bằng lí trí? Chúng ta miệt mài với cuộc đua chen giữa cuộc sống,chúng ta đọc văn chương không phải để bồi đắp tâm hồn nữa mà là để chiến thắng trong thi cử, chúng ta mải miết học lịch sử chẳng có lí do gì khác ngoài hi vọng đạt điểm cao trong các kì thi, chúng ta nghĩ cách kiếm tiền qua mạng, câu view, câu like để kiếm được nhiều tiền hơn. Thời thế làm cho con người ta suốt ngày dán mắt vào điện thoại thông minh và máy tính điện tử, suy nghĩ cách cạnh tranh, chiến thắng trong cuộc đua khốc liệt này. Ta hoài nghi mọi thứ và mặc nhiên xem tất thảy những người quanh mình là đối thủ. Sự thận trọng trong từng câu nói, bước đi, trong cả từng ánh mắt làm tôi nghẹt thở. Tôi ám ảnh về hình tượng cậu bé Holden Caulfield trong tiểu thuyết “Bắt trẻ đồng xanh” của nhà văn Mỹ J.D.Salinger, một cậu bé đang ở tuổi vị thành niên chán chường mọi thứ trong cuộc sống đầy giả tạo này. Cậu thách thức mọi thứ: Gia đình, trường học, bạn bè, thầy cô,… Niềm khát khao có được một cái gì đó thật sự mãnh liệt trong cậu,không còn dối trá, không còn sự giả tạo… Tôi hiểu cảm giác đó của Holden, con người sống quá tỉnh táo, lí trí và đầy cơ hội làm cho cuộc sống này trở nên khô cứng. Cho nên, một cô cảnh sát dắt cụ bà qua đường được chụp ảnh đăng lên nhiều trang báo, người đời dành cho cô nhiều lời ca tụng, mặc dù đó chỉ là một hành động bình thường giữa cuộc sống thường nhật này. Chúng ta thiếu thốn quá những cử chỉ âu yếm, thiếu đi những khoảnh khắc gạt bỏ công việc để cùng nhau tâm sự, giãi bày nên dù có được chúng chỉ một ít thôi cũng trở nên thật đặc biệt.

Chúng ta tỏ ra thông  minh và hoài nghi mọi thứ, cho nên, có những thứ tốt đẹp trở nên nhuốm màu cơ hội, người ta nói đó là khi lòng tốt bị bốc mùi. Sự bùng nổ công nghệ số khiến trái đất tròn trở thành một thếgiới phẳng, chuyện của anh hôm nay bị người ta dòm ngó, ngày mai đã tràn lantrên mạng xã hội, đủ mọi con mắt trông vào, đủ mọi lời đàm tiếu. Hình ảnh giáo sư Ngô Bảo Châu đi dép tổ ong lên vùng cao dạy học tạo điều kiện cho các anhhùng bàn phím có việc để làm, họ hoài nghi và mặc lời xỉ vả, rằng giáo sư là người cơ hội và rởm đời, hão danh. Có người phụ nữ đã quên mình phục vụ cho công tác từ thiện, dành cả đời mình để giúp đỡ những số phận bất hạnh, nhưng rồi cô nhận ra cô đã mất tất cả: gia đình, bè bạn, đồng nghiệp và cả tình yêu. Côthốt lên rằng: Tôi thật sự mệt mỏi khi cố gắng làm người tốt, tôi muốn từ bỏcông việc thiện nguyện của mình.

Người ta hoài nghi về sự tốt đẹp có thật sự hiển diện trong đời? Khi anh Nguyễn Quang Thạch cuốc bộ khắp mọi miền đất nước đã chạy vào các huyện đường tuyên bố rằng trẻ con cần phải có sách để đọc, hãy cho tôi cơ hội, tôi sẽ giúp cho trẻ con có sách đọc mỗi ngày. Dĩ nhiên, người ta chỉ xem anh là một thằng khùng khi tuyên bố những điều không tưởng như thế. Nhưng sự thật là anh đã vận động xây dựng được hơn 10000 tủ sách nông thôn cho các huyện nghèo trên cả nước và trở thành ngườiViệt Nam đầu tiên dành được giải thưởng Vua Sejong về xóa mù chữ của UNESCO năm 2016.

Đến bao giờ chúng ta mới dừng hoài nghi về mọi thứ? Đến bao giờ chúng ta mới nhận ra rằng chỉ có cách sống vì nhau, tin tưởng lẫn nhau mới cho ta cuộc sống tốt đẹp và ý nghĩa… Bạn không thấy mệt mỏi hay sao khi cứ mải dè chừng lẫn nhau? Bạn không thấy hạnh phúc hay sao khi tất cả mọi người đều nắm tay nhau vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống? Bạn có nhớ những con thú trong “hành trình của chú báo đốm” đã làm gì để đến với Delhi và nói với con người: “Hãy cùng chia sẻ thế giới”? Hành trình của chú báo con không đơn độc, chú có mọi người bên cạnh, cùng chia sẻ những gian nan, vất vả trong suốt chặng đường tìm về với thế giới của con người. Khi con người ta không chịu bắt tay nhau, khi chúng ta cứ mải hoài nghi nhau, chúng ta liệu có đến được với vùng đất hứa?Kết quả hình ảnh cho cuộc hành trình của chú báo đốm

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn