Form Your Soul Tải ebook mới nhất của mình Content Writing for Everyone tại đây nhé: https://bit.ly/37b1P4c

Tình yêu hay là chỉ là sự gắn bó?

Đăng 7 năm trước

Sự gắn bó giống như việc bạn là một chú chim cứ mãi bị nhốt trong một chiếc lồng. Tình yêu cũng vậy, chỉ khác đó là 'chiếc lồng yêu thương' - nơi bạn luôn nhìn thấy chiếc chìa khóa để mở cửa và bay đi bất cứ nơi đâu bạn muốn.

Bạn có thực sự yêu chân thành một người hay đang tự đặt bản thân vào một mối quan hệ chỉ mang tính chất “gắn bó”? Bạn muốn một tình yêu tự do, có cảm thông, thấu hiểu, sẻ chia nhưng bỗng một ngày, bạn chợt nhận ra họ thật ích kỷ, nông cạn, lười biếng, lẳng lơ? Bạn muốn thoát ra khỏi họ, muốn sống cuộc đời của mình, muốn đi tìm một người xứng đáng hơn nhưng vì một lý do nào đó mà bạn chẳng thể nào dứt bỏ? 

Giữa tình yêu (Love) sự gắn bó (Attachment) luôn có khoảng cách. Yêu chân thành nghĩa là bạn mở rộng trái tim và tâm hồn của mình đối với một người theo cách vượt lên trên tất cả các hình thức của cảm giác muốn được gắn bó. Trong khi đó, gắn bó là nỗi sợ hãi phải một mình và bạn trốn tránh bằng cách dựa vào sức mạnh của một người khác. Tình yêu thật sự chính là bạn được tự do làm những gì bạn muốn, sống với đúng con người người bạn; còn ở trong một mối quan hệ mà bạn chẳng thế nào là chính mình, phải làm theo những thứ mà họ áp đặt cho bạn thì đó chẳng phải là yêu. Có chăng chỉ là cảm giác của một người sợ cô độc đành bám víu vào một người dường như quá xa lạ.

Dưới đây là 3 điểm khác biệt giúp bạn nhận diện một tình yêu chân thành hay chỉ là cảm giác gắn bó.

1. Hãy để ý đến sự gắn bó trong tình yêu của hai người

Trong một nghiên cứu, Tiến sĩ Phillip Shaver và Cindy Hazan đã nhận thấy khoảng 60% số người tham gia thuộc dạng gắn bó bền chặt (secure attachment - nghĩa là kiểu gắn bó mang tính chất hỗ trợ nhau), trong khi đó, 20% thuộc dạng trốn tránh (avoidant attachment) và 20% thuộc dạng đối lập (an anxious attachment).

Đến giai đoạn trưởng thành, các kiểu gắn bó được mở rộng và đánh giá dựa trên hai tiêu chí là trốn tránh (Avoidance – mức độ một người muốn xây dựng hay trốn tránh các mối quan hệ) và lo lắng (Anxiety – mức độ cảm thấy an toàn hay lo sợ của một người khi xây dựng mối quan hệ với người khác).

• Bền chặt (Secure Attachment): Những người thuộc nhóm này luôn cảm thấy an toàn trong mối quan hệ của họ, xuất phát từ một tuổi thơ được yêu thương và có sự chăm sóc đấy đủ. Họ biết quan tâm, giúp đỡ người mình yêu, sẵn sàng hỗ trợ và phát triển mối quan hệ dựa trên tình yêu và sự tin tưởng. Đây cũng chính là nền tảng cho một tình yêu bền vững, đích thực.

• Lo sợ chiếm hữu (Anxious Preoccupied Attachment): Không giống như các cặp đôi thuộc dạng gắn bó bền chặt, những người thuộc nhóm này luôn bị khoảng hoảng bởi mối lo rằng mối quan hệ có thể đổ vỡ. Thay vì đặt niềm tin hoặc yêu thương cho người ấy, họ lại dành thời gian để ghen tuông, kiểm soát mối quan hệ rất dữ dội và tìm mọi cách để giải thoát hoặc hoàn thiện đối phương theo cách làm họ hài lòng. Mặc dù hành động “bám lấy bằng mọi giá” này cũng chỉ để tạo cảm giác an toàn nhưng thực tế thì chính nó lại càng khiến hai người trở nên xa cách. 

• Trốn tránh (Dismissive Avoidant Attachment): Đây là những người có mức độ trốn tránh cao nhưng lo lắng thấp. Họ thường không tin tưởng người khác và cũng không muốn ai dựa dẫm vào mình. Họ độc lập, tự làm mọi thứ, không muốn phát triển các mối quan hệ trở nên bền chặt mà chỉ muốn ở mức xã giao. Họ “yêu” một người và sau đó, dần “biến mất” bằng các lý do như bận công việc hay không có thời gian gặp mặt. 

• Lo sợ trốn tránh (Fearful Avoidant Attachment ): Đây là những người luôn sống trong trạng thái lo sợ và trốn tránh. Họ muốn xây dựng mối quan hệ thân thiết nhưng lại sợ bị tổn thương nếu tình yêu tan vỡ. Thêm nữa, một khi đã có được tình yêu với một người mà họ tin tưởng thì họ lại tiếp tục lo sợ và tìm cách giữ chặt bằng mọi giá. 

Và giờ là nhiệm vụ của bạn, bạn đánh giá tình yêu của mình thuộc vào dạng gắn bó nào?

Tình yêu đòi hỏi cảm giác an toàn, sự cho – nhận, yêu thương nhau và để cho nhau được sống với đúng con người mình. Sự gắn bó cũng xuất hiện trong một mối quan hệ như là tất yếu, là nhu cầu được lấp đầy những chỗ trống trong trái tim mỗi người và thi thoảng đó còn là sự phụ thuộc.

2. Tình yêu là đam mê, trong khi, sự gắn bó nghĩa là chấp nhận một mối quan hệ mà không hề có ham muốn nào cả

Trừ khi dựa trên yếu tố bền chặt, còn không thì sự gắn bó trong trường hợp này đều có thể không lành mạnh.

Secure Attachment thường xuất phát từ tình yêu. Đam mê được khơi mào và mỗi bên đều cảm nhận được toàn bộ sự khao khát đó. 

“Buộc chặt” mình vào một mối quan hệ lại là sự thờ ơ, lãnh đạm (giống như dạng lo sợ chiếm hữu hoặc trốn tránh). Họ chỉ muốn “tình yêu” khi họ cần, ngay cả khi họ biết rằng chẳng có điểm chung gì giữa hai bên cả. Trong mối quan hệ này, giận dữ và thương hại sẽ bắt đầu được xây dựng. Một người sẽ bắt đầu tin rằng họ có thể tha thứ cho những hành vi nhất định, nhưng nếu thiếu tình yêu thì suy nghĩ này sẽ không thể nào tồn tại được lâu dài. Nó sẽ dần gặm nhấm và hủy hoại mối quan hệ đó.

Bí mật của việc “chìm đắm vào một tình yêu” (fall in love) đó là trạng thái phấn chấn. Một người chỉ đơn thuần gắn bó vào một người khác sẽ không bao giờ cảm nhận được cảm giác khao khát một cách sâu sắc. Đa phần, họ không thích đối tác mà chỉ sợ sẽ không sống được nếu thiếu người đó, giống như nhóm người thuộc dạng lo sợ trốn tránh vậy.

3. Tình yêu là vị tha, gắn bó là ích kỉ

Tình yêu chân thành hoàn toàn tự do. Bạn muốn trở thành phần tốt nhất đối với người ấy. Bạn dành cho họ sự vị tha. Bạn yêu thương họ thật lòng. Bạn coi trọng những ước muốn của họ và đặt nó trên những nhu cầu của bản thân. Đó chính là trạng thái của sự nhận thức và chấp nhận bạn là ai và bạn là gì trong cuộc sống của một người khác. Tình yêu sẽ xoay chuyển thế giới của bạn. Nó khiến cho cảm giác được mang đến những điều tốt đẹp cho người mình yêu trở nên mãnh liệt, muốn những điều hạnh phúc cho cả hai và muốn cùng nhau xây dựng một tương lai bền vững.

Người chỉ gắn bó với người khác lại rất ích kỷ. Họ muốn thứ họ muốn, cần gì phải có ngay và không bao giờ có khái niệm thỏa hiệp. Họ thiết lập một mối quan hệ vì lợi ích của họ. Tình yêu cũng như vậy nhưng nó không chỉ nhận mà còn cả việc dành tặng cho người khác. Cả hai phải cùng cho và nhận. 

Sự gắn bó chỉ khiến bạn có cảm giác đau đớn khi một ngày nào đó, đối phương không còn quan tâm tới bạn nữa. Bạn muốn trở thành tất cả của một người, muốn là cả thế giới của họ và không bao giờ để họ làm bất cứ điều gì trái ý của bạn. Đó không phải là tình yêu, đó là sự độc ác. 

Tình yêu tạo ra sức mạnh cho cả hai bên nhưng sự gắn bó chỉ là một người nào đó sở hữu sức mạnh chế ngự người khác bằng thái độ ích kỷ của mình.

Nếu phân vân không biết mối quan hệ của mình đang ở mức nào thì hãy tự hỏi bản thân 3 câu hỏi:

• Bạn có tự khiến mình mệt mỏi, lo âu khi người ấy không làm những điều bạn thích? 

• Bạn có đang yêu một người mà chưa bao giờ cảm thấy lo lắng (do bạn chỉ coi đó là tình cảm “xã giao”) hay bởi vì bạn thực sự yêu và tin tưởng họ?

• Cuộc sống của bạn ra sao khi một ngày, một tuần thiếu vắng người đó?

Hãy dành thời gian nhìn lại quá khứ để quyết định rằng tình yêu hiện tại có phải là nền tảng cho mối quan hệ của bạn hay đơn thuần chỉ là nỗi sợ cô đơn giam cầm bạn trong mối quan hệ đó.


Theo Power of Positivity

Chủ đề chính: #tình_yêu

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn