Huyền Iris Iris là sinh mệnh. Sống như một nàng công chúa, sống vui vẻ như một nàng tiên. Sống như thế bởi vì nếu chỉ còn 1 ngày để sống! Không hối tiếc lòng tốt cho đi, cũng không mong nhận lại, chỉ cần sống như thế!!! Bởi nếu lòng tốt là con người của bạn, thì được sống là chính mình sẽ không bao giờ cảm thấy hối tiếc.

Tôi có được muốn cái tôi muốn?

Đăng 4 năm trước

Những gì chúng ta có thể nhìn thấy và nhận biết, chỉ là cái mà bộ não động vật có vú cho phép chúng ta nhìn thấy. Ý chí của bạn đã làm được cái nó muốn, và lý trí của bạn chỉ cung cấp cho nó một biện minh thích hợp.

Có hai lý do chính đáng. Thứ nhất vì chúng ta sẽ làm quen một người đàn ông cực kỳ đặc biệt và nhất định là một trong những nhân vật độc đáo nhất từng giữ vai trò trong triết học. Chính ông đã có lần nói: " Sẽ đến lúc mà nếu ai không biết tôi đã từng phát biểu gì về một đề tài nào đó thì sẽ bị coi khinh là kẻ ngu ngốc". Khiêm nhường không phải là đức tính nổi bật của ông. Và lý do thứ hai: ta bàn về một vấn đề rất quan trọng, chính xác là một trong những câu hỏi triết học được tranh luận nảy lửa nhất hiện nay.

Trước tiên hãy nói về triết gia của chúng ta. Arthur Schopenhauer là con trai một thương gia thành đạt ở thành phố Danzig. Năm 1793, khi Schopenhauer mới 5 tuổi, gia đình chuyển đến Hamburg. Người cha đầy tham vọng ấy mong đợi nhiều ở con trai. Ông gửi đứa bé 15 tuổi vào các trường nội trú Hà Lan, Pháp, Thụy Sĩ, Áo, Silesia, Phổ và Anh. Chưa kịp quen sinh hoạt ở chốn nào đó là Schopenhauer đã lại khăn gói ra đi, và hậu quả để lại cực kỳ nặng nề. Schopenhauer nói trôi chảy tiếng Anh và Pháp, nhưng là người trầm lặng và đa nghi. Một kẻ cô đơn. Lên 17, Schopenhauer bị cha ép học nghề thương mại. Đòn số phận: người cha chết bất ngờ. Mọi người thì thào là ông tự sát! Cái chết của người cha khiến Schopenhauer gục ngã. Ông sợ cha, nhưng ông cũng kính trọng và khâm phục cha. Nhưng mẹ Schopenhauer giờ đây tươi tỉnh hẳn lên. Cuối cùng thì bà được lên cái ghế mà bà vẫn thèm muốn: một nữ Mạnh Thường Quân. Cả nhà chuyển đến Weimar, và phòng khách văn chương của bà thành công rực rỡ. Tuy Weimar chỉ là một phố huyện vùng Thuringen nhưng với Goethe, Schiller, Weiland và Herder thì đây là địa chỉ sống và làm việc của những nhân vật quan trọng nhất trong đời sống văn học.

Nhìn Goethe và những ngôi sao văn học khác ngạo nghễ chiếm chỗ trong phòng khách của mẹ và trên tràng kỷ của cha, chàng trai Schopenhauer lạnh cả sống lưng, chỉ còn biết cự lại điệu bộ hoan hỉ của mẹ bằng những lời mỉa mai. Nhưng Schopenhauer không thản nhiên như vẻ ngoài cố tạo ra. Là một người thông minh và mặt mũi khôi ngô, nhưng ông cảm thấy không ai hiểu đúng mình. Năm 21 tuổi Schopenhauer bị mẹ tống ra đường với một phần tiền thừa kế, chàng đi Gottingen rồi sau đó đến Berlin và Jena để học y, khoa học tự nhiên và triết.

25 tuổi Schopenhauer viết luận án tiến sĩ, một tác phẩm đầy hoài nghi, không thỏa hiệp, và cực đoan. Schopenhauer tuyên bố, đám đông không thể có năng lực nhận biết thế giới một cách khách quan. Những gì chúng ta có thể nhìn thấy và nhận biết, chỉ là cái mà bộ não động vật có vú cho phép chúng ta nhìn thấy. Về mặt này Schopenhauer đi xa hơn Kant, người từng cho rằng bộ máy nhận thức của con người là một công cụ rất tinh vi và hữu hiệu. Còn Schopenhauer thì ít tin rằng ý thức hệ có chút gì thông thái. Mẹ ông đánh giá cuốn sách ấy là không tinh tế, tẻ ngắt. Bà nói, để cho " nhân viên hiệu thuốc" đọc nó thì hợp hơn. May mà Goethe, người vốn không được Schopenhauer coi trọng lắm, biết trân trọng vài suy nghĩ tinh anh của chàng trai. Ông nhận ra nét thiên tài và công khai tiên đoán cho chàng một con đường văn chương rực rỡ. Để đáp lễ, ông gửi chàng " Lý thuyết màu sắc", một bản nghiên cứu làm ông kiêu hãnh. Chàng trai Schopenhauer, vốn giỏi khoa học tự nhiên, đọc công trình khảo cứu của Goethe về sự hình thành và tác động của màu sắc, nhíu mày và vứt vào sọt rác. Đúng với bản tính ít đáng mến, chàng rêu rao chuyện này khắp nơi rồi ngồi vào bàn viết ngay lý thuyết riêng của mình về màu sắc. Lập tức Goethe rút vào im lặng, và từ đó trở đi không người nào phạm sai lầm mà đứng ra bảo trợ cho gã trai hãnh tiến ngạo mạn đó nữa. Năm 1820 Schopenhauer bắt đầu giảng triết tại Đại học Tổng hợp Berlin. Nhằm vượt mặt Georg Wilhelm Friedrich Hegel đang là ngôi sao của trường, ông xếp các giờ lên lớp của mình trùng với lịch dạy của Hegel. Cuộc cạnh tranh thất bại thảm hại. Hàng trăm sinh viên kéo đến nghe Hegel, trong khi tại giảng đường của Schopenhauer chỉ có bốn, năm mống. Schopenhauer vận tự vỗ ngực cho mình là một thiên tài, trong khi người ngoài cho ông là người tự cao quá đáng. Nhà trường ngỏ lời cảnh báo vì thiếu sinh viên. Schopenhauer tự ái chấm dứt giảng bài và chuyển về Frankfurt bên sông Main rồi trụ lại đó. Ông cặm cụi viết sách và biến thành trò cười cho mọi người trong khu dân cư bằng những cuộc độc thoại ngoài phố, tính tình cáu bẳn, cách âu yếm mấy con chó xù của mình và nỗi lo thường trực trước những đồ độc hại nào đó. Lúc về già, quả thật Schopenhauer cũng tương đối nổi danh, nhưng ông không tận hưởng được điều đó. Hình tượng con người trong mắt ông đã rất tăm tối. Ít nhất thì ông còn giữ được một niềm thỏa mãn: " Thế giới đã học được vài điều từ ta, và sẽ không bao giờ quên đi".

Schopenhauer sớm nhận ra đóng góp quan trọng nhất của mình. Mới ở tuổi 30 ông đã xuất bản tác phẩm đỉnh cao Thế giới như là ý chí và biểu tượng, tuy thoạt tiên không được ai để mắt đến. Nhưng quả thật ông đã khám phá ra một điều mà Kant, Hegel và rất nhiều triết gia khác bỏ lỡ. Họ hầu như đều cho rằng lý tính hay lý trí nói cho con người biết nên làm gì. Và toàn bộ nhiệm vụ của con người tập trung vào việc tuân thủ ngoan ngoãn như có thể mọi mệnh lệnh của lý tính. Nhưng Schopenhauer vô cùng nghi ngờ, và ông đưa ra một trong những câu hỏi ngoạn mục nhất của triết học. Đó là: " Tôi có được muốn cái tôi muốn?".Câu hỏi này là một sự khiêu khích mạnh mẽ, vì có rất nhiều thứ liên quan đến nó. Giả sử tôi không được muốn cái mình muốn thì mọi chuyện đều vô nghĩa! Lúc đó ý chí của con người không tự do. Và nếu không có ý chí tự do thì thực ra lý tính không còn vai trò gì nữa cả. Vậy thì mệnh lệnh thức nhất quyết, hay cái " quy luật đạo đức" của lý trí, để làm gì? Nó sẽ trở nên vô nghĩa, vì lý tính sẽ không được ấn định bởi các quy luật cho hành động của tôi, mà bởi ý chí thiếu lý tính! Và Schopenhauer đẩy luận cứ của mình đến tột đỉnh: bộ tư lệnh trong não không phải lý tính, mà là ý chí. Vô thức chính là cái ấn định cuộc sống và tư chất của chúng ta. Ý chí là tướng, và lý trí là quân. Lý trí không được tham dự vào các quyết định thực tế và các nghi sự bí mật của ý chí, lý trí chẳng hề biết đến những gì diễn ra sau lưng nó. Chỉ riêng ý chí nói với tôi nên làm gì, còn lý trí chỉ việc nghe lời ý chí. Vì " bụng không thích gì thì đầu sẽ chặn lại" - đó là điểm mấu chốt. Mọi chuyện khác chỉ là ba hoa vớ vẩn!

Đúng vậy không? Ta thử lấy một ví dụ để xét. Hãy nhớ lại thời bạn còn đến trường. Tiết thứ sáu là tiết toán và bạn hoàn toàn chẳng hứng thú gì, vậy thì bạn tính chuyện trốn học. Dĩ nhiên là bạn áy náy lắm, vì bạn học kém môn toán, nhưng cũng vì thế mà bạn không thích đến lớp. Nếu không đi học thì kiến thức toán càng hổng hơn. Nhưng nghĩ đến lúc sắp ngồi trong lớp là đã ngán rồi. Do vậy bạn lưỡng lự. Thực ra bạn chưa hề biết rõ là bạn đang ấp ủ ý định trốn học lắm rồi. Có nghĩa là: lý trí của bạn chưa biết. Nhưng đúng lúc đó thì bạn được biết là một số bạn khác cũng không muốn đi học tiết thứ sáu. Dĩ nhiên, nếu cân nhắc cho kỹ thì đó không phải là lý do thực sự để bạn hết áy náy. Các bạn có trốn học hay không, hoàn toàn không liên quan đến học lực của bạn sẽ xuống dốc nếu bạn trốn học. Song khi nghe tấy các bạn không đi học thì trong bạn dâng lên một niềm vui khôn tả, khiến chính bạn cũng hơi ngạc nhiên. Bạn quyết tâm không học tiết toán nữa! Và mãi đến lúc đó lý trí của bạn mới nhận thấy ý chí của bạn đã lập kế hoạch xong xuôi trong khi lý trí còn do dự và mải đôi co với sự áy náy. Vậy thì có phải bạn đã tự do hạ một quyết định ý chí không? Hình như như không. Trước đó, ý chí của bạn đã biết nó muốn gì, và nó thắng thế bằng một luận cứ ngụy tạo, cốt để xoa dịu lý trí của bạn. Bạn tự nhủ: các bạn khác cũng không đến lớp; mặc dù điều đó, như đã nói, thực ra không phải lý do thuyết phục. Ý chí của bạn đã làm được cái nó muốn, và lý trí của bạn chỉ cung cấp cho nó một biện minh thích hợp. 

Bằng cách nhấn mạnh vai trò của ý chí, Schopenhauer đã chọc một cái gai vào thịt triết học - cũng nên nói thêm là ông rất khoái ý chí khi làm chuyện đó. Theo quan điểm cá nhân, sau " hàng nghìn năm triết luận" Schopenhauer rốt cuộc đã triệt hạ tin đồn thất thiệt là con người được dẫn dắt và chỉ huy bởi lý trí. Ông đã nhận ra " sai lầm cơ bản của các triết gia" và qua đó cũng nhận ra, theo lời ông, " ảo tưởng lớn nhất của mọi ảo tưởng", đó là: chỉ cần biết cái gì là tốt thì cũng thực thi được cái tốt đó. Chẳng phải chính Immanuel Kant cũng nghĩ hệt như thế: lý trí thế nào thì ý chí như vậy? Trong khi thực tế thì ngược lại hoàn toàn: ý chí muốn gì thì lý trí quyết định đúng như vậy?

Ngành nghiên cứu não còn lâu mới hiểu thấu đáo được sự đồng hành phức tạp của ý thức hệ con người, kể cả cảm xúc tâm linh, sáng tạo, ý chí hữu thức và năng lực tưởng tượng, huống hồ định đo chúng. Vấn đề lớn của ý chí tự do có lẽ không thể thay thế bằng câu hỏi " bao nhiêu thời gian trôi qua giữ một xung lực não và khi tiếp nhận xung lực đó?". Ngoài ra, còn có nhiều xung lực ý chí khác nhau. Một số trong đó thì đơn giản và rõ ràng, ví dụ đói, khát, mệt, hứng tình. Ngược lại, có nhiều xung lực đa tầng. Quyết tâm muốn tốt nghiệp phổ thông, học luật, hay tổ chức một lễ sinh nhật hoành tráng - chúng phức tạp hơn nhiều so với cảm giác đói khiến tôi muốn ăn. 

Sách đọc: Tôi là ai - và nếu vậy thì bao nhiêu? 

Một chuyến du hành triết luận  

Richard David Precht

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn