Lê Duy Mẫn Tôi hiện tại là sinh viên năm thứ 5 Khoa Y Dược của Trường ĐH Tây Nguyên . Tôi có niềm đam mê lớn với game và thể thao . Tôi hy vọng sẽ mang nhiều bài viết có chất lượng về các chủ đề game , thể thao , sức khỏe, khám phá thế giới đến đông đảo bạn đọc Ohay Tv

Toxic Masculinity: Những chuẩn mực độc hại của sự nam tính khiến đàn ông cảm thấy khổ sở

Đăng 5 năm trước

Đàn ông thường bị gán những cái mác như mạnh mẽ, giỏi kiếm tiền... Những điều đó phần nào khiến họ gặp áp lực trong việc được là chính mình.

Toxic Masculinity (tính nam độc hại), hiểu một cách đơn giản nghĩa là xã hội miêu tả tính nam bằng những từ ngữ tiêu cực như hung hăng, ủy mị, bạo lực tình dục,... 

Tính nam độc hại đưa ra những tiêu chuẩn về một người đàn ông đích thực như trụ cột gia đình, cơ bắp lực lưỡng, khả năng giường chiếu, hiểu phụ nữ, biết uống bia rượu,... 

Nó đồng thời cũng khiến đàn ông bị hạn chế bày tỏ một vài cảm xúc, tính cách và sở thích như khóc lóc, thích màu hồng, xem phim tình cảm, chăm chút vẻ bề ngoài,...

Tính nam độc hại áp đặt lên nam giới từ khi là một đứa trẻ. Ví dụ, những cậu bé không được phép thể hiện mình yếu đuối hoặc nếu chúng khóc sẽ bị trêu chọc là “đồ con gái!”. Hậu quả là những cậu bé lớn lên trong áp lực phải thể hiện mình “bình thường”, mình nam tính. 

Khi không thể đáp ứng những tiêu chuẩn đàn ông thực thụ của xã hội, họ có thể gặp trầm cảm, lạm dụng các chất kích thích, tự vẫn, hoặc gây ảnh hưởng đến những người xung quanh như hay gây sự, bạo lực với phụ nữ, kỳ thị người đồng tính, người chuyển giới,... 

Một số câu chuyện dưới đây hy vọng giúp bạn đọc hiểu hơn về những áp lực mà đàn ông đang phải đối mặt. Bởi vì làm đàn ông cũng... khổ mà. 

Adam, Canada: “Tôi thấy ổn khi có người giúp đỡ mình"

“Có nghiên cứu chỉ ra tỉ lệ tự sát ở đàn ông cao hơn phụ nữ. Bởi vì đàn ông và các cậu con trai ít tìm kiếm sự giúp đỡ khi họ cần.Bạn không nên đánh giá chuyện đàn ông cần sự giúp đỡ. Mọi người, dù là đàn ông hay đàn bà, đều có lúc cảm thấy cần được giúp. Điều đó nên được xem là chuyện bình thường”.

Denom, Nepal: “Tôi thấy ổn khi được bộc lộ cảm xúc và được khóc”.

“Yếu đuối chẳng có gì sai trai cả. Chúng ta đều là con người và những cảm xúc này hoàn toàn bình thường. Đàn ông khóc cũng không hề sai. 

Thực tế là khi họ khóc cũng là lúc họ được giải tỏa và chia sẻ cảm xúc với người khác.Chúng ta vẫn thường mặc định đàn ông khóc là yếu đuối và không biết kiềm chế cảm xúc. Chúng tôi thường hay nghe những câu như ‘Đồ đàn bà’, ‘Đồ ủy mị’. 

Nếu cứ nói những lời như vậy, các cậu con trai sẽ nghĩ thế nào và cảm thấy thế nào trong quá trình trở thành một người đàn ông?”

Sonam, Tibet: “Tôi thấy ổn khi phản đối kịch liệt một số giá trị truyền thống bắt nguồn từ định kiến và phân biệt giới tính”.

“Những giá trị đó sẽ chỉ càng cổ súy cho một xã hội trọng nam khinh nữ, một xã hội mà mẹ tôi, các chị em của tôi và con gái tôi phải sống trong đó”.

Nils, Pháp: “Tôi thích mặc áo hồng”.

“Tôi nghĩ màu sắc chẳng liên quan gì đến giới tính cả và thật khó chịu khi chúng ta buộc phải giới hạn những lựa chọn chỉ vì mấy cái lý do như này”.

Jason, Bỉ: “Không nên so sánh sự khác biệt giữa đàn ông và phụ nữ”.

“Tôi thấy ổn khi không phải so sánh sự khác biệt giữa đàn ông và phụ nữ. Chúng ta đều là người và thế là đủ”.

Arnaud, Bỉ: “Tôi thấy ổn khi cần sự chỉ dẫn”.

“Một người đàn ông cần sự hướng dẫn có nghĩa là anh ta đang không biết nên tự giải quyết thế nào. Tôi nghĩ đàn ông chúng tôi thường muốn chứng minh là mình làm được và việc hỏi chỉ dẫn dường như là biểu hiện của sự yếu kém hoặc thất bại”.

Max, Nepal: “Tôi thấy ổn khi bị hiểu nhầm là nữ”.

“Nhiều người bảo động tác tay của tôi trông như con gái vậy. Cũng mấy lần tôi để tâm đấy, rồi tôi nhận ra là mình không thể điều khiển những suy nghĩ đó của mọi người. Mà mọi người cũng bảo trông mặt tôi như gái và tôi có thể dễ dàng giả thành nữ nữa cơ. Nói chung là giờ tôi thấy chẳng sao cả nếu mình trót đẹp gái. 

Tôi nhớ tháng trước có một sự hiểu lầm xảy ra khi tôi đến Mumbai. Tôi gọi đồ ăn lên phòng. Chuông cửa reo, tôi ra mở cửa. Lúc đó tôi đang mặc áo choàng tắm và xõa tóc. 

Cậu nhân viên nhìn tôi và nói ‘Chào cô’. 

Tôi đáp lại cậu ấy bằng giọng khàn khàn ‘Chào cậu, đặt đồ lên bàn giúp tôi nhé’. Mặt cậu chàng lúc đó lập tức biến sắc, rối rít xin lỗi tôi và bảo bữa tối này miễn phí.

 Nhiều lần tôi tỏ ra lạnh lùng, điềm tĩnh, và thầm nghĩ tại sao mọi người cho rằng một người để tóc dài và có những nét nữ tính thì không thể là đàn ông cơ chứ? 

Tôi đoán mọi người hiểu nhầm tôi là người chuyển giới nên tôi thấy cũng chẳng có vấn đề gì nếu bị hiểu nhầm là phụ nữ hoặc người chuyển giới. Một người đàn ông sẽ không bị ảnh hưởng bởi suy nghĩ của người xung quanh”.

Caspar, Hà Lan: “Tôi thấy ổn khi bộc lộ sự bất an”.

“Tôi luôn cảm giác là một thằng đàn ông thì mặc định là tự tin, mạnh mẽ và không cảm thấy xấu hổ hoặc bấp bênh.Áp lực làm đàn ông khiến tôi gặp khó khăn trong việc đối phó với những bất an. Học cách chấp nhận chúng giúp tôi rất nhiều trong việc hiểu rõ vấn đề và tìm ra cách giải quyết”.

Dan, Mỹ: “Tôi thấy ổn nếu có lúc chỉ là một thằng bị động”.

“Tôi không thích đối đầu với ai cả và tôi cảm giác mình bị ép phải mạnh mẽ, cứng rắn vào những lúc như thế.Tôi không muốn đánh lại ai cả nếu chẳng may bị đứa nào đó thụi vào người, tôi cũng không muốn chỉ vì tôi là một thằng đàn ông thì phải la hét chửi bới khi có ai đó sỉ nhục mình”.

Rajen, USA/Nepal: “Coi trọng tình yêu hơn sex không hề sai”.

“Tôi thấy ổn khi mình coi trọng tình yêu và các mối quan hệ hơn là sex. Ở thế hệ của tôi, tư tưởng tự do về sex cũng cởi mở hơn, bớt cấm đoán hơn so với hồi xưa rồi. 

Nhưng mà trong một xã hội vẫn cho rằng phụ nữ cặp với nhiều người thì là lăng nhăng, còn đàn ông như thế là chuyện thường, tôi cảm thấy việc đàn ông không có hứng thú với tình một đêm sẽ bị xem là kém nam tính. 

Khi ti vi, nhạc, phim ảnh tán dương quá đà việc tự do về sex hơn là một mối quan hệ, nhiều cậu trai trẻ sẽ cho rằng đó là đặc điểm định nghĩa thế nào là một gã đàn ông thực thụ

Khi cả đàn ông và phụ nữ đều tự do về sex và không muốn yêu đương nghiêm túc, đó là chuyện bình thường. Nhưng khi một người chỉ có ham muốn với người mà họ có cảm xúc và yêu thương, đó cũng chẳng phải chuyện lạ lẫm gì đâu”.

Raphael, Đức/Pháp: “Tôi thích làm những chuyện nhỏ bé cho người yêu hoặc mấy cô bạn của mình”.

“Có một lần, dây giày của bạn tôi bị tuột, tôi đã quỳ xuống buộc giúp cô ấy. Cô nàng rất ngạc nhiên và bảo cô không biết liệu có bao nhiêu người đàn ông sẵn sàng làm vậy, nhất là ở chỗ đông người.Biết sao được, đàn ông thường cảm thấy làm những việc như vậy là kém nam tính và lo sẽ bị những gã đàn ông khác chế giễu mà”.

Varun, Nepal: “Tôi thấy ổn nếu mình sợ hãi điều gì đó”.

“Các cậu con trai thường cho rằng sợ hãi là thất bại. Còn tôi nhận ra rằng sợ hãi sẽ mở ra những cơ hội để học được một điều gì đó.Tôi cũng để ý là đàn ông thời nay thường phản ứng một cách vô lý vì họ sợ mọi người phát hiện ra họ chẳng biết cái gì cả”.

Alberto, Italy: “Tôi thấy ổn khi để lộ những phút giây mình yếu đuối trước mặt phụ nữ”.

“Tôi cũng thấy ổn khi chấp nhận rằng có lúc mình cư xử không đúng cũng như bộc lộ cảm xúc và những tổn thương trong lòng mình. Tôi không mong trở thành một gã đàn ông lúc nào cũng tỏ ra mình đúng, che giấu yếu đuối và giả vờ kiểm soát được mọi thứ. 

Tôi từng là một thằng làm hỏng các mối quan hệ, không chịu lắng nghe và không hiểu được là ai cũng đều có thể yếu đuối. Tôi cố tỏ ra mình mạnh mẽ vì tôi nghĩ đàn ông thì phải thế. Rốt cuộc là điều đó chỉ gây tổn thương cho bản thân tôi và những người xung quanh”.

Nguồn bài: BP

Chủ đề chính: #tâm_lý_học

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn