Duy Hữu

Trả lương cao không bao giờ thiệt

Đăng 8 năm trước

Hẳn Henry Ford, ông chủ của Công ty Ford Motor, khi quyết định trả lương cho công nhân cao hơn mức thông thường ở thời điểm đầu thế kỷ 20

Hẳn Henry Ford, ông chủ của Công ty Ford Motor, khi quyết định trả lương cho công nhân cao hơn mức thông thường ở thời điểm đầu thế kỷ 20, đã có những suy nghĩ thực tiễn về vấn đề này. Các lý thuyết kinh tế khác nhau cũng đã đưa ra nhiều phân tích về lợi ích của việc trả lương cao.

Mô tả hình ảnh

Ảnh: cdnassets.hw.net

Năm 1914, Công ty Ford bắt đầu trả lương cho công nhân 5 USD/ngày khi mà mức lương phổ biến vào thời điểm đó chỉ khoảng 2-3 USD/ngày. Henry Ford tin rằng lương cao làm tăng sự ổn định của lực lượng lao động và giúp đỡ con người tập trung làm việc vì gia đình họ được hỗ trợ đầy đủ về vật chất.

Động cơ của Ford là gì? Sau này Henry Ford cho biết: “Chúng tôi trả mức lương như vậy để đặt công ty trên nền tảng lâu dài. Chúng tôi xây dựng cho tương lai. Doanh nghiệp (DN) trả lương thấp không có tương lai... Việc trả 5 USD/ngày làm việc tám giờ là một trong những biện pháp cắt giảm chi phí tuyệt vời nhất mà chúng tôi thực hiện”.

Bằng chứng cho thấy rằng việc trả lương cao như thế có lợi cho công ty. Theo một báo cáo kỹ thuật viết vào thời gian đó thì “mức lương cao của Ford đã quét sạch sự chây lười và chống đối... Người lao động trở nên cực kỳ dễ bảo và có thể nói chắc chắn rằng từ hôm tất niên năm 1913 đó, không có ngày nào nhà máy của Ford không cắt giảm đáng kể chi phí của mình”.

Số người nghỉ việc giảm 75% và điều này cho thấy nỗ lực của công nhân tăng lên rất nhiều. Allan Nevins, một sử gia nghiên cứu thời kỳ đầu của Công ty Ford, đã viết: “Nhiều lần Ford và đồng nghiệp của ông ta đã tuyên bố công khai rằng chính sách tiền lương cao tỏ ra rất hiệu quả. Khi nói như vậy, họ muốn nhấn mạnh rằng nó góp phần nâng cao kỷ luật của người lao động, làm cho họ quan tâm và trung thành hơn với công ty, cũng như nâng cao hiệu quả cá nhân của họ”.

Lương trả đúng không phải là mức tối thiểu người công nhân đành phải nhận để sinh sống. Lương trả đúng 
phải là tiền lương cao nhất mà doanh nghiệp có thể trả - Henry Ford

Ông đã phát biểu:

Việc tăng lương, thưởng đáng được phải làm và phải làm sớm. Giúp những người làm việc ở công ty mình bảo đảm cuộc sống của họ là trách nhiệm của chủ DN. Nếu chi lương cao không bảo đảm được quỹ kinh doanh là khuyết điểm của bản thân việc kinh doanh. Không bảo đảm được đời sống của người làm công cho mình là không đủ tư cách kinh doanh

Ở Việt Nam ít có lãnh đạo, chủ DN nào nghĩ được vậy. DN muốn lợi nhuận cao thì phải giảm chi phí tối đa, trong đó cắt giảm lương càng nhiều càng tốt miễn sao lợi nhuận nhiều nhất. Trong cuộc thảo luận mức tăng lương cơ bản vừa rồi, đại diện các DN một mực than rằng không kham nổi chi phí do tăng lương. Tuy nhiên qua ví dụ này về công ty của Henry Ford, có lẽ các DN nên suy nghĩ lại.

Lý thuyết kinh tế - 
tiền công hiệu quả

Một trong những lý thuyết kinh tế ủng hộ tăng lương và duy trì một mức tiền lương cao là lý thuyết “Tiền công hiệu quả” (Efficiency wages theory) được đưa ra từ những năm 1950 bởi trường phái tân cổ điển (Neoclassical economics) sau đó được phát triển thêm.

Lý thuyết tiền công hiệu quả cho rằng tiền công cao làm tăng năng suất lao động và hiệu quả lao động, thậm chí giúp giảm chi phí cho DN.

Một lý thuyết khác là về dinh dưỡng: lý thuyết này phổ biến ở các nước nghèo, cho rằng tiền công ảnh hưởng đến chế độ dinh dưỡng của người lao động. Nếu được trả tiền công cao, người lao động sẽ có chế độ dinh dưỡng tốt hơn, do vậy sẽ khỏe mạnh hơn, có năng suất lao động cao hơn.

Đây là lý do khiến DN trả tiền công cao nhằm duy trì lực lượng lao động khỏe mạnh và đạt được năng suất lao động cao. Trong bối cảnh của Việt Nam, việc tăng lương tối thiểu nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu sẽ giúp người lao động tái tạo sức lao động, để có thể lao động lâu dài và tăng năng suất lao động.

Lý thuyết thứ ba về tối thiểu hóa sự thay thế công nhân: có một số nguyên nhân dẫn đến người lao động bỏ việc là tìm việc làm mới tốt hơn, thay đổi ngành nghề hoặc chuyển đi sinh sống ở nơi khác... DN trả tiền công cao, người lao động càng có động cơ để không bỏ việc và do đó chính DN tránh được chi phí tuyển mộ, đào tạo lao động mới.

Lý thuyết thứ tư là về lựa chọn bất lợi: cho rằng chất lượng lao động bình quân của một DN phụ thuộc vào mức tiền công mà DN đó trả cho người lao động của mình. Nếu DN trả tiền công không đủ cao, những người lao động giỏi nhất sẽ bỏ đi tìm việc làm ở DN khác, như vậy chất lượng lao động bình quân của lao động giảm xuống.

Thông qua việc trả tiền công cao hơn mức cân bằng của thị trường lao động, DN giảm được hiện tượng lựa chọn bất lợi, duy trì và cải thiện chất lượng bình quân của lực lượng lao động dẫn đến năng suất lao động cao.

Lý thuyết thứ năm là về ngăn ngừa sự suy giảm đạo đức (còn gọi là lý thuyết ngăn ngừa sự lười biếng) cho rằng tiền công cao làm tăng nỗ lực của người lao động. DN không thể giám sát một cách triệt để người lao động bằng kỷ luật lao động, bản thân họ sẽ tự quyết định mức độ cần mẫn hoặc trốn việc, lãn công, kể cả khi bị phát hiện sẽ bị đuổi việc.

Các nhà kinh tế gọi thái độ này là sự suy giảm đạo đức. DN giảm bớt sự suy giảm đạo đức bằng cách trả tiền công cao, vì tiền công càng cao, tổn thất mà người lao động phải gánh chịu khi bị đuổi việc càng lớn, do đó giảm được số lượng người lười biếng.

Tác động đến nền kinh tế 
vĩ mô

Có nhiều quan điểm cho rằng việc tăng lương tối thiểu sẽ gây ra những ảnh hưởng đến nền kinh tế như sự gia tăng thất nghiệp, tăng lạm phát, giảm sức cạnh tranh... Tuy nhiên, ta có thể có một cái nhìn khác để thấy được mặt tích cực của việc tăng lương tối thiểu tác động lên nền kinh tế vĩ mô.

Mối lo ngại thường thấy khi bàn về tăng lương tối thiểu là khả năng dẫn đến gia tăng thất nghiệp. Khi giá nhân công tăng, chủ lao động thường có khuynh hướng cắt giảm số nhân công xuống làm thu hẹp sản xuất, do vậy làm tăng thất nghiệp.

Khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đưa ra kế hoạch tăng mức lương tối thiểu cho những người lao động ở Mỹ, nhiều tranh cãi và lo ngại tương tự đã dấy lên. Nhưng cũng chính các nghiên cứu tại Mỹ đã phủ nhận điều này. Nghiên cứu mới đây của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Center for Economic and Policy Research) cho thấy tăng mức lương tối thiểu không làm giảm đáng kể số việc làm (1).

Một nghiên cứu khác của Arindrajit Dube, T. William Lester, và Michael Reich vào năm 2010 sau khi so sánh mức việc làm của 250 quận kế cận với mức lương tối thiểu khác nhau trong hai năm 1990 và 2006 đưa đến cùng kết luận: tăng mức lương tối thiểu không ảnh hưởng đến việc làm (2).

Nghiên cứu tương tự của Sylvia A. Allegretto, Arindrajit Dube và Michael Reich vào năm 2011 đã tìm thấy rằng gia tăng mức lương tối thiểu ngay cả trong thời gian có mức thất nghiệp cao cũng không làm mất việc (3).

Trong một lá thư được Viện Chính sách kinh tế Mỹ công bố ngày 15-1-2014, một nhóm chuyên gia kinh tế (trong đó có bảy người đoạt giải Nobel gồm Kenneth Arrow, Peter Diamond, Eric Maskin, Thomas Schelling, Robert Solow, Michael Spence và Joseph Stiglitz) đã kêu gọi Chính phủ Mỹ tăng lương tối thiểu theo giờ cho người lao động từ 7,25 USD lên 10,10 USD từ năm 2016, cũng dựa trên lập luận từ các nghiên cứu kinh tế, rằng tăng lương không làm giảm số lượng công ăn việc làm.

Nhóm chuyên gia này khẳng định dù thị trường lao động (Hoa Kỳ) đang trải qua thời kỳ khó khăn nhưng việc tăng lương gây ra rất ít hoặc không ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động tuyển dụng lao động có mức lương tối thiểu. Tăng lương tối thiểu có thể tạo hiệu ứng kích cầu nhỏ đến nền kinh tế vì người lao động có mức lương thấp phải chi tiêu những khoản thu nhập phụ.

Và Việt Nam cũng cần những nghiên cứu tương tự và chính thức cho vấn đề này thay vì những tuyên bố chung chung đầy phỏng đoán về khả năng “gây ra thất nghiệp nghiêm trọng”.

Trên quan điểm của kinh tế vĩ mô, lập luận ủng hộ cho chính sách lương tối thiểu còn dựa trên đặc tính tiêu dùng. Phần lương tăng thêm đánh một phần vào chính thu nhập của chủ DN, nhưng chủ DN thường đã giàu nên việc giảm đi thu nhập không làm ảnh hưởng nhiều tới chi tiêu của họ.

Trong khi người lao động có thu nhập thấp phụ thuộc vào lương tối thiểu nên hàm chi tiêu rất nhạy cảm với thu nhập, nếu chuyển thu nhập bằng cách tăng mức lương tối thiểu của người lao động thì tổng chi tiêu của nền kinh tế sẽ tăng thúc đẩy tiêu dùng nội địa và kích cầu nền kinh tế.

Có quan điểm cho rằng việc tăng lương tối thiểu sẽ làm giảm thiểu khả năng cạnh tranh của Việt Nam nhờ nhân công giá rẻ. Tuy nhiên, ngay cả khi mức lương tối thiểu được đề nghị tăng 17% theo đề nghị của Tổng liên đoàn Lao động thì giá nhân công của Việt Nam vẫn còn rẻ hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực.

Chưa kể những cảnh báo về ưu điểm lao động giá rẻ sẽ trở nên vô dụng vốn đã dấy lên từ khá lâu. Việc giới thiệu về nguồn lao động Việt Nam với những đặc điểm của hàng chục năm trước như đông đảo, giá rẻ, siêng năng... không còn phù hợp.

Nói chính xác hơn, những đặc điểm này chỉ còn hữu dụng trong 5-10 năm nữa, đặc biệt với ngành dệt may. Khi các ngành nghề càng ngày càng tự động hóa cao, thay đổi liên tục về công nghệ, ưu điểm lao động rẻ sẽ lỗi thời” - chuyên gia Phạm Chi Lan từng nhấn mạnh

Hướng đi lâu dài

Trong một phát biểu gần đây trên báo chí, ông Simon Mathews, đại diện Tập đoàn Manpower, cho rằng vấn đề cần được chú trọng là năng suất lao động và tính hiệu quả trong lao động, thay vì loay hoay chuyện lao động giá rẻ hay đắt. Việc dùng khái niệm “lao động giá rẻ” chưa phản ánh đúng được vấn đề, Việt Nam thật sự đang có một nguồn lao động dồi dào, chi phí lao động tiết kiệm chứ không phải là lao động giá rẻ.

Để chuẩn bị tốt cho sự hội nhập, Việt Nam cần tận dụng nguồn nhân lực dồi dào, đồng thời gấp rút đào tạo nâng cấp kỹ năng lao động, giúp người lao động làm việc được trong những lĩnh vực đòi hỏi kỹ năng cao hơn, đồng nghĩa với thu nhập sẽ cao hơn.

Việt Nam cần trả lời câu hỏi quan trọng: Làm thế nào để tăng năng suất lao động? Việc chi trả mức lương cao, ít nhất cũng phải đủ để duy trì mức sống tối thiểu sẽ giúp cải thiện năng suất cho người lao động một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Do đó, việc tăng lương tối thiểu để đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động là một lựa chọn đúng đắn và có tầm nhìn lâu dài.

Bà Sandra Polaski, phó tổng giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), cho biết:

Nghiên cứu mới nhất về mối quan hệ giữa tiền lương và năng suất lao động của chúng tôi cho thấy tăng tiền lương tối thiểu khiến cho người sử dụng lao động tìm cách tăng năng suất lao động thông qua đầu tư vào công nghệ, quy trình làm việc hiệu quả hơn...

Cuối cùng, nhưng quan trọng không kém, là tăng lương sẽ giúp loại bỏ DN kém cạnh tranh. Đề cập tới sức ép về việc tăng lương mà các DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ có thể phải gánh chịu, ông Bùi Quang Hồng - phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Phú Thọ - cho rằng: “Trong điều kiện chúng ta đang thực hiện lộ trình tái thiết sắp xếp lại DN thì việc phân loại, loại bỏ những DN yếu kém, không có khả năng cạnh tranh là điều cần thiết”.

Ông Yoon Young Mo - cố vấn trưởng dự án quan hệ lao động của ILO tại Việt Nam - cũng cho rằng: “Một khi các DN không đủ sức mạnh về tài chính để trả lương cho người lao động, không còn khả năng cạnh tranh thì cũng nên để họ phá sản...”.

Tăng thu nhập tối thiểu cho người lao động nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu là một nhu cầu chính đáng cần thực hiện càng sớm càng tốt. Nó còn hàm chứa cả một ý nghĩa nhân văn và tầm nhìn sâu rộng về việc đem lại cuộc sống tốt hơn cho những người lao động nghèo cũng như con cái của họ - thế hệ tương lai của đất nước

Theo Tuổi Trẻ

Chủ đề chính: #trả_lương_cao

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn