Tùng Anh Nguyễn

Trái Đất bị diệt vong - chuyện viễn vông hay thực tế kinh hoàng?

Đăng 6 năm trước

Những lời tiên tri, cảnh báo về một ngày không xa, Trái Đất thân thương mà chúng ta đang sinh sống sẽ bị hủy diệt tràn ngập trên các trang mạng xã hội, các trang web mà chúng ta lướt hàng ngày. Một số lời đồn đại, ví như lời dự đoán rằng ngày 21-12-2012 sẽ là ngày tận thế, dự đoán của tổ chức End Time rằng Trái Đất diệt vong vào ngày 29-7-2016,... đã gây ra khá nhiều sự lo lắng, sợ hãi khi đó để rồi đã chẳng có gì xảy ra. Nhưng, liệu trong tương lai Trái Đất có thực sự bị diệt vong?

Hiểm họa đến từ thiên thạch

Thiên thạch, theo nghĩa chữ Hán Việt là "đá trời", là một vật thể tự nhiên ngoài không gian. Thường thì khi thiên thạch di chuyển với vận tốc nhanh và khi va vào bề mặt của một hành tinh hay tiểu hành tinh thì nó để lại trên bề mặt của hành tinh đó những mảnh vỡ hay những dấu vết về sự va chạm. Chúng ta có thể thấy rõ những ảnh chụp từ trong không gian của NASA về những vết rỗ trên Mặt Trăng vì ở đây không có gió hay trên Hỏa tinh (Sao Hỏa). Chúng chính là những gì còn sót lại của những vụ va chạm thiên thạch từ thời xa xưa và vẫn đang tiếp diễn.

Nhưng với Trái Đất thì sao?

Chúng ta biết rằng, theo nhận định của phần đông các nhà khoa học, chính một thiên thạch với đường kính ước chừng 15km đã đâm vào Trái Đất cách đây 65 triệu năm tại vùng đất nay thuộc lãnh thổ Mexico đã làm tuyệt chủng loài khủng long và chấm dứt 160 triệu năm thống trị của loài bò sát này. Bên cạnh đó, tính đến giữa năm 2006, trên thế giới đã có khoảng 1050 mẫu thiên thạch từ những vụ va chạm. Trong đó có thể kể tới vụ va chạm với thiên thạch Ensisheim đâm vào bề mặt trái đất vào ngày mùng 7 tháng 9 năm 1492, tại một thị trấn nhỏ thuộc vùng Ensisheim, Pháp; thiên thạch Vredefort Dome tại Nam Phi và thiên thạch Barringer, khi một tảng thiên thạch với kích thước khoảng 50m hạ cánh, để lại một hố sâu chừng 170m, miệng hố rộng 1.200m và đường kính khoảng 1.6km cách đây 50.000 năm, theo VietQ.

Đó là những vụ va chạm cách đây cũng đã khá lâu, vậy còn thời hiện đại?

Cũng theo VietQ, ngày 15.2.2013, một khối thiên thạch từ vũ trụ lao xuống vùng Chelyabinsk thuộc miền trung nước Nga vào khoảng 9h sáng. Nó bốc cháy trong khí quyển, gây nên tiếng nổ lớn kèm theo ánh sáng chói lòa trên bầu trời.Vụ nổ khiến ít nhất 1.200 người bị thương và gây thiệt hại vật chất hàng chục triệu USD. Năm 1908, vụ nổ Tunguska đã san phẳng 80m cây trên diện tích 2.000km2. Theo các nhà phân tích thì vụ nổ này có lực công phá bằng khoảng 15 triệu tấn thuốc nổ TNT, lớn hơn 1.000 lần sức công phá của quả bom ở Hiroshima.

Giờ bạn đã có thể tưởng tượng được sức phá hoại của những tảng "đá trời" này rồi chứ? Và bạn hãy nghĩ xem, nếu một khối thiên thạch nặng khoảng 40 triệu tấn đâm vào Trái Đất, bạn sẽ thấy sao?

Theo ông Alberto Cellino, một chuyên gia thiên văn học đến từ Đài quan sát ở Turin, Italy nói thiên thạch khổng lồ sẽ bay sát Trái đất vào năm 2029 trước khi quay trở lại vào năm 2036. Ông Cellino tin rằng đó có thể là thời điểm va chạm xảy ra, tức là 12 năm nữa.

Thiên thạch Apophis được Đài quan sát Kitt Peak ở Arizona, Mỹ phát hiện vào năm 2004. Ở thời điểm đó, các nhà thiên văn ước tính, thiên thạch dài 370 mét có 2,7% cơ hội đâm vào Trái đất năm 2029. Nếu kịch bản này diễn ra, thiên thạch khổng lồ như Apophis có thể tạo ra hố sâu 518 mét, rộng 2km. Sức công phá của vụ va chạm tương đương 880 triệu tấn thuốc nổ TNT hoặc 65.000 quả bom nguyên tử Mỹ từng ném xuống Hiroshima, Nhật Bản.

Hiểm họa đến từ lỗ đen

Sự tồn tại của lỗ đen từng được Einstein mô tả trong thuyết tương đối, cũng như đã được chứng minh bằng rất nhiều bằng chứng khác nhau. Nó có thể được hình thành từ những ngôi sao đã chết, khiến không gian và thời gian xung quanh bị bẻ cong. Lỗ đen là “con quái vật tham lam”, không thứ gì thoát khỏi lực hút của nó, kể cả ánh sáng.Giả sử có một lỗ đen tiến gần về phía trái đất, nó sẽ có sức tàn phá ghê gớm, nếu bị hút vào lỗ đen thì Trái Đất khó, phải nói là gần như không thể tồn tại. 

Ngoài cách nuốt chửng, lực hút lỗ đen còn rất nhiều cách để hủy diệt sự sống trên Trái Đất. Lực hút của lỗ đen chỉ cần làm Trái Đất lệch khỏi quỹ đạo, hành tinh của chúng ta sẽ bị mặt trời thiêu đốt như Sao Kim hoặc bước vào thời kỳ băng hà vĩnh viễn như số phận của Sao Hỏa.Có rất nhiều lỗ đen trong vũ trụ, và vì tính chất hút được cả ánh sáng và không thể nhìn thấy được bằng mắt thường, hàng trăm trong số đó được cho là đang di chuyển một cách vô hình xung quanh thiên hà chúng ta như những thần chết thầm lặng. 

Trên thực tế, ta có lỗ đen V404 Cygny cách Trái Đất chỉ có 7.800 năm ánh sáng. Lỗ đen này đã từng phát sáng dữ dội suốt 2 tuần liền vào năm 2015 trong quá trình ăn một ngôi sao. Và tâm của mỗi thiên hà, bao gồm cả Ngân Hà của chúng ta được cho rằng là tồn tại một lỗ đen siêu nặng.

Hiểm họa từ vũ khí hạt nhân

Hai hiểm họa trên, tôi chỉ mới đề cập về những hiểm họa đến từ vũ trụ, tức là những hiểm họa khách quan, đến từ bên ngoài. Vậy, giờ đây tôi sẽ đưa ra mối hiểm họa thực tiễn nhất, đau lòng thay, lại đến từ chính con người chúng ta.

Vũ khí hạt nhân là một loại vũ khí hủy diệt hàng loạt  mà năng lượng của nó do các phản ứng phân hạch hạt nhân hoặc/và phản ứng hợp hạch gây ra. Một vũ khí hạt nhân nhỏ nhất cũng có sức công phá lớn hơn bất kỳ vũ khí quy ước nào. Vũ khí có sức công phá tương đương với 10 triệu tấn thuốc nổ có thể phá hủy hoàn toàn một thành phố. Nếu sức công phá là 100 triệu tấn (mặc dù hiện nay chưa thể thực hiện được) thì có thể phá hủy một vùng với bán kính 100 – 160 km.

Trong quá khứ, chỉ mới có hai quả bom hạt nhân được dùng trong Thế chiến thứ II, hai quả bom được Hoa Kỳ thả xuống các tỉnh Hiroshima và Nagasaki để buộc Nhật đầu hàng vô điều kiện. Dù sự kiện đau thương này đã qua đi, nhưng những thiệt hại mà nó mang lại quả là cực kì khủng khiếp. Theo ước tính, ở Hiroshima có 140.000 người và Nagasaki có 74.000 người tử vong, kèm theo một số không nhỏ những người qua đời sau đó vì phóng xạ. Phần lớn đều là thường dân. Hai tỉnh này đều phải gánh chịu sự tàn phá vô cùng lớn.

Đó chỉ là những quả bom đầu tiên trong lịch sử. Vậy, theo các bạn, sau hơn nửa thế kỷ phát triển, vũ khí hạt nhân còn có thể gây ra sức phá hoại lớn tới mức nào?

Thấy trước được hiểm họa này, các quốc gia đã kí kết thỏa thuận chống vũ khí hạt nhân. Nhưng đó chỉ là trên giấy tờ, không ai biết chắc được nó có thể xảy ra hay không. Ví như hiện tại, dù thỏa thuận ấy vẫn còn, Triều Tiên hiện vẫn đang thử nghiệm thứ vũ khí diệt chủng này. Giả sử Triều Tiên thử nghiệm thành công, tấn công một quốc gia nào đó, rồi lại khơi mào cho cuộc Chiến tranh Thế giới thứ III thì sao? Trong hai cuộc Chiến tranh Thế giới trước thương vong đã nhiều vô kể, vậy hỏi khi khoa học vũ khí hiện đại phát triển, cộng thêm thứ vũ khí tiêu diệt hàng loạt này thì có phải là cái kết cho thế giới này hay không?

Nếu các bạn khi còn nhỏ có xem phim Justice League: Crisis on two Earths, các bạn có thể nhìn thấy cảnh Người Cú (phiên bản trái ngược của Người Dơi) chỉ vào một Trái Đất trong đa vũ trụ và nói rằng đây là Trái Đất giống như của chúng ta, nhưng đã bị hủy diệt do chiến tranh hạt nhân. Liệu kịch bản tương tự có xảy đến với Trái Đất này?

Kết

Trên đây chỉ là ba trên tổng số rất nhiều những khả năng mà vũ trụ khắc nghiệt này có thể đưa ra để đẩy chúng ta vào sử sách. Dĩ nhiên, trong tương lai, có thể khoa học, kĩ thuật có thể ngăn chặn những tai họa này xảy ra. Nhưng hiện tại, tất cả những gì chúng ta có thể làm là hy vọng.

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn