Võ Thị Thơm Thích viết lách, hay lảm nhảm. Yêu Sài Gòn, thích làm màu, mong muốn có những ngày lê lết đi khắp nơi, những chốn hoang sơ, lạc người. Những ngày còn lại thì cuộn tròn bên máy tính viết linh tinh, về tình về đời về người.. Cái thú vui ở đời, như vậy là đủ :))

Trần Thủ Độ, một Giai Thoại hay Quyền Thần cướp ngôi?

Đăng 7 năm trước

“Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo” là câu nói bất hủ của thái sư Trần Thủ Độ trong cuộc chiến tranh chống quân Mông Nguyên. Ông được cho là người vừa có công lại vừa có tội. Đến nay, cuộc đời của ông vẫn xoay quanh những tranh cãi trái chiều

Thái sư Trần Thủ Độ (1194 – 1264)

“Đại Việt sử ký toàn thư” viết: "Giáp Tý năm thứ 7(1264), mùa xuân, tháng giêng, Thái sư Trần Thủ Độ qua đời (71 tuổi), truy tặng Thượng phụ Thái sư Trung vũ Đại vương. Thủ Độ tuy không có học vấn nhưng tài lược hơn người, làm quan triều Lý được mọi người suy tôn. Thái Tông lấy được thiên hạ đều là mưu sức của Thủ Độ cả, cho nên nhà nước phải nhờ cậy, quyền hơn cả vua".

Quyền thần

Cuộc đời và cống hiến của ông luôn có nhiều luồng dư luận trái chiều. Theo sử sách, ông được cho là một quyền thần, có công với nhà Trần, lại có tội với nhà Lý. 

Dòng họ Trần bắt đầu thao túng chính trường triều thần của nhà Lý từ khi Đại tướng quân Trần Tự Khánh có công dẹp loạn Quách Bốc. Sau khi Trần Tự Khánh qua đời, Trần Thủ Độ lên thay thế nắm binh quyền.

Cuối đời nhà Lý, Lý Cao Tông xa đọa, Lý Huệ Tông lại nhu nhược. Không có thực quyền, Trần Thủ Độ ép Lý Huệ Tông nhường ngôi cho con gái là Chiêu Thánh công chúa, sau thành Lý Chiêu Hoàng, vị nữ hoàng đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, cũng là giai đoạn kết thúc nhà Lý và khởi đầu của nhà Trần. Lý Chiêu Hoàng được sắp xếp gả cho Trần Cảnh (cháu của Trần Thủ Độ, con Trần Thừa) và chuyển ngôi sang họ Trần.

Cuối 1225, Trần Cảnh lên ngôi, Lý Huệ Tông đi tu, truất làm Huệ Quang đại sư, chính thức kết thúc triều đại nhà Lý. Như vậy, trong công cuộc chuyển đổi từ nhà Lý sang Trần, luôn có bàn tay của một quyền thần, chính là Điện tiền Chỉ huy sứ Trần Thủ Độ.

Làm quan hai triều, Trần Thủ Độ tuy là thái sư nhưng lo toan mọi việc trong triều đình, quyền át cả vua. Dưới ngòi bút của sử sách, Trần Thủ Độ là một quyền thần, không có học thức, có tài không đức. Ép chết Lý Huệ Tông, giết hết tôn thất nhà Lý. Tuy nhiên, Đại Việt sử ký toàn thư do Ngô Sĩ Liên soạn thảo tập hợp từ nhiều nguồn dã sử, ngoại sử... rất khó phân biệt thực hư. Cho nên khi nói về việc giết chết tôn thất nhà Lý, Ngô Sĩ Liên cũng có chú thích “việc này chưa chắc đã có thực”.

Còn đối với nhân dân, ông có công nhiều hơn là tội. Giúp dân thoát khỏi cảnh nghèo khói chiến tranh, có tài thao lược, có công xây dựng kinh tế, văn hóa, đất nước. Ở đồi Lim (Liên Sơn, Hà Bắc) có hai câu đối được khắc trước đền thờ Trần Thủ Độ: 

“Công đáo vu kim, bất đán Trần gia nhị bách tải.

Luận định thiên cổ, kỳ tại Nam thiên đệ nhất lưu”

(Công đức của ông để mãi đến ngày nay, không chỉ bó hẹp trong hai trăm năm đời nhà Trần.

Sau nghìn đời, công luận đã định, ông đáng liệt vào bậc thứ nhất dưới trời Nam.)

Giai thoại Trần Thủ Độ

Sách Đại Việt sử kí toàn thư viết: “Thủ Độ tuy không có học vấn nhưng tài trí hơn người, làm quan triều Lý được mọi người suy tôn. Thái Tông lấy được thiên hạ đều nhờ vào mưu sức của ông cả, vì thế, ông được nhà nước dựa cậy, quyền át cả vua. Bấy giờ có kẻ đàn hặc ông, vào gặp Thái Tông, khóc mà nói rằng: “Bệ hạ còn thơ ấu mà Thủ Độ thì quyền át cả vua, xã tắc rồi sẽ ra sao?” Thái Tông lập tức ra lệnh cho xe ngựa đến dinh Thủ Độ, bắt cả người đàn hặc ấy đem theo và kể hết những lời người ấy nói cho Thủ Độ biết. Thủ Độ trả lời rằng: “Quả có đúng như những lời hắn nói thật. Xong, đem tiền lụa mà thưởng cho”.

Thông qua các tài liệu chính sử và văn bia, thần phả, thần tích, Trần Thủ Độ là người có bản lĩnh chính trị, Ông xử lý việc gì cũng thẳng thắn, quả quyết theo ý chí của mình, ít khi để cho tình cảm sai khiến. Là một quyền thần trụ cột, có công với nhân dân.

Theo sử sách, có lần Trần Thủ Độ đi duyệt định hộ khẩu, bà Quốc mẫu (Trần Thị Dung, tái hôn với Trần Thủ Độ sau khi nhà Lý kết thúc) xin riêng cho một người được làm chức Câu đương, Thủ Độ gật đầu rồi ghi rõ họ tên quê quán người đó. Khi xét duyệt đến xã ấy, liền hỏi tên nọ ở đâu, người đó mừng rỡ chạy đến. Thủ Độ bảo hắn: “Ngươi vì có công chúa xin cho được làm Câu đương, không thể ví như những Câu đương khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt với người khác!” Người đó van xin mãi mới tha cho. Từ đó, không ai dám đến thăm Thủ Độ vì việc riêng nữa.


Trong cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên, câu nói bất hủ “Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo!” của ông được lưu truyền từ đó đến ngày nay. Đối với nhân dân, cái nhìn về ông khác với Nho giáo, ông là người khí phách hiên ngang, có tài có công, ý chí kiên cường. Ở thôn Thái Bình, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, chính là nơi sử chép Trần Thủ Độ đặt bẫy giết hại tôn thất họ Lý, nhân dân đã dựng một ngôi đình Thái Bình để thờ Lý Chiêu Hoàng ngồi giữa, Trần Cảnh và Trần Thủ Độ ngồi hai bên.

Như vậy, đối với Trần Thủ Độ, dù còn nhiều tranh cãi trái chiều, nhưng lại không thể phủ nhận được những cống hiến to lớn của ông trong cuộc đời làm quan hai triều. Trần Thủ Độ xứng đáng được xếp vào hàng những nhân vật kiệt xuất, đi đầu trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của lịch sử dân tộc.


Xem thêm:

Chủ đề chính: #Trần_Thủ_Độ

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn