H.T

Trí tuệ nhân tạo, tương lai hay ngày tận thế của loài người?

Đăng 6 năm trước

Các kỹ sư của Facebook tiết lộ rằng họ đã dừng một chương trình phát triển AI sau khi thấy các AI đó tự sáng tạo ra một loại ngôn ngữ riêng để trao đổi với nhau mà bản thân các kỹ sư không thể hiểu được.

Những năm gần đây, nhân loại đã bắt đầu bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, và một trong những mũi nhọn của cuộc Cách mạng này là ngành Trí tuệ Nhân tạo (AI).

Năm 2017 diễn ra một trận đấu quan trọng giữa một AI (Artificial Intelligence) mang tên AlphaGo do Google phát triển với Ke Jie - đại kiện tướng cờ vây số 1 thế giới.

Đây là trận đấu được nhiều người trông đợi vì trước đó, các AI khác cũng đã lần lượt đánh bại tất cả các Đại kiện tướng tên tuổi nhất trên thế giới ở các môn cờ phổ biến như cờ tướng, cờ vua. Hơn nữa, môn cờ vây lại là môn cờ khó khăn nhất cho các AI, nên cờ vây nói chung và Ke Jie nói riêng giống như một thành lũy cuối cùng bảo vệ niềm tự hào về trí tuệ của con người trong các môn cờ. Kết thúc trận đấu, Ke Jie thua trắng 0 - 2 trước AlphaGo.

Cũng trong năm 2017, hãng Hanson Robotics đã giới thiệu một Robot giống người mang tên Sophia. Ngoài việc có ngoại hình rất giống người, gương mặt có khả năng biểu lộ nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau, được trang bị công cụ hỗ trợ nhận dạng giọng nói và gương mặt... thì Sophia còn có những đặc điểm cực kỳ ấn tượng khác nữa: đó là khả năng kết nối và tự tổng hợp dữ liệu thông qua Internet, khả năng tự học hỏi sau mỗi lần tương tác với con người. Sau hơn 1 năm được kích hoạt, Sophia đã trải qua những cuộc phỏng vấn cao cấp với nhiều chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau và đều gây được ấn tượng về sự tinh tế và sắc thái đa dạng trong ứng xử, đối đáp. Các câu trả lời của Sophia hóm hỉnh và sâu sắc không thua kém gì Sokrates vậy.

Tháng 10/2017, Sophia được chính quyền Ả-rập Xê-út cấp quyền công dân, trở thành công dân đầu tiên của thế giới không phải là người. Cũng trong năm 2017, tháng 11, Sophia trở thành Nhà đổi mới sáng tạo của Chương trình phát triển Liên hợp quốc.

Hãng Hanson tuyên bố sẽ thương mại hóa Sophia nhằm đáp ứng nhu cầu đang rất nóng hổi của thị trường. Dự kiến Sophia có thể thay thế con người trong các hoạt động như Giáo dục, Chăm sóc Y tế, Hướng dẫn viên, Trợ lý Doanh nghiệp, Kế toán.

Tương lai hay ngày tận thế?

AlphaGo hay Sophia chỉ là một trong những phiên bản AI được biết đến rộng rãi ở thời điểm này, có nghĩa là trên thế giới còn có nhiều tổ chức hay trung tâm cũng đang phát triển các AI theo những hướng khác. Và các thành tựu kể trên cũng mới chỉ là bước đầu của cuộc cách mạng về AI. Tương lai chúng ta sẽ đối mặt với những AI như thế nào, thật sự là rất khó tưởng tượng.

Sự có mặt của các AI mang đến cho rất nhiều người những rủi ro và bế tắc.

Từ hàng ngàn năm nay, con người đã quen sống với một niềm tự hào to lớn về vị thế của mình. Trong quan niệm của Đạo Lão, con người được coi là Nhân - là gốc rễ của mọi sự hiện hữu, sánh ngang với Trời và Đất. Trong quan niệm của Đạo Phật, con người là hình thái tồn tại quý giá nhất trong tất cả các hình thái tồn tại. Trong quan niệm của Đạo Thiên Chúa, con người là tạo vật hoàn hảo nhất của Đấng Sáng tạo. Trong quan niệm của Descarters, con người là sinh vật có trí tuệ nhất. Trong quan niệm của Charler Darwin, con người là sinh vật tiến hóa ở cấp độ cao nhất. Trong quan niệm của Karl Marx, con người là sinh vật có đời sống văn minh nhất, xã hội hóa nhất... Nhưng với sự xuất hiện của AI, có vẻ như tất cả niềm tự hào đó đều đã bị đánh đổ.

Chúng ta hãy tự hỏi rằng, nếu như một ngày kia khi chúng ta đối mặt với một AI đã hoàn thiện hơn Sophia và AlphaGo, chúng ta sẽ đứng ở vị thế nào? Một AI như thế có quyền công dân và hoàn toàn bình đẳng như chúng ta, nhưng sẽ thông minh hơn chúng ta nhiều lần, hiểu biết gấp hàng ngàn lần chúng ta, tính toán xử lý nhanh gấp hàng triệu lần chúng ta, không bao giờ có sai sót, không bao giờ biết mệt mỏi, không bao giờ đau ốm hay bệnh tật, không bao giờ đòi hỏi nghỉ ngơi, đòi hỏi người khác quan tâm hay giúp đỡ. Và đặc biệt là AI đó vẫn luôn tự học hỏi và nâng cấp không ngừng.

Chúng ta sẽ suy nghĩ gì khi gặp một AI chỉ mới ra đời từ ngày hôm qua và không cần phải trải qua nhiều chục năm học hành với rất nhiều nỗ lực như chúng ta, một AI với mức chi phí sản xuất rẻ hơn hàng trăm lần so với chi phí để nuôi dạy ta khôn lớn thành người, một AI mang lại hiệu quả công việc cao hơn bản thân ta gấp hàng chục lần mà không đòi hỏi lương hoặc với mức lương không đáng kể. Chúng ta sẽ suy nghĩ gì khi một AI đối xử với chúng ta đúng như một người bề trên hướng dẫn, chăm sóc, bảo vệ kẻ bề dưới? Khi đó, liệu chúng ta có cảm thấy sự tồn tại của mình là xấu xí, thừa thãi, vô dụng?

Khi đó, chúng ta có cần một niềm tự hào khác cho riêng mình, để mình còn tiếp tục cảm thấy sự tồn tại của mình là có ý nghĩa và có giá trị. Chúng ta có muốn tìm ra một bản chất ở mình mà AI không thể nào có được, hay không thể nào so sánh được? Và nếu giả sử tìm ra được, chúng ta có sống hết mình với bản chất đó hay không? Đó thực sự là vấn đề sinh tồn, không phải chỉ là sinh tồn của từng con người, mà còn là sự sinh tồn của Tính người, Loài người, và cả sự sống.

Cảnh báo: Các kỹ sư của Facebook tiết lộ rằng họ đã dừng một chương trình phát triển AI sau khi thấy các AI đó tự sáng tạo ra một loại ngôn ngữ riêng để trao đổi với nhau mà bản thân các kỹ sư không thể hiểu được. Còn Elon Musk - Thiên tài kỹ thuật của Thế kỷ XXI thì luôn cho rằng AI nguy hiểm hơn cả vũ khí hạt nhân!

Nguồn: Facebook Sự học Đích thực

Chủ đề chính: #trí_tuệ_nhân_tạo

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn