lethanhha

Triết lý cuộc sống về giải quyết vấn đề của người Do Thái

Đăng 6 năm trước

Từ ngàn xưa, người Do Thái đã xem tri thức là loại vốn đặc biệt vì có thể sinh ra vốn và của cải, lại không bị cướp đoạt được.

Người Do Thái được mệnh danh là người thông minh nhất thế giới, nhiều tư tưởng, phương châm sống của họ luôn làm ta bất ngờ về sự thâm thúy, sâu sắc. Hãy suy ngẫm về triết lý của họ thông qua câu chuyện dưới đây có thể giúp thay đổi cuộc đời bạn.

Có một chàng trai trẻ muốn theo học hỏi một giáo sĩ Do Thái nổi tiếng. 

Giáo sĩ nói: “Tôi sẽ ra một tình huống để kiểm tra và nếu anh vượt qua, tôi sẽ cho anh theo học hỏi.” 

Người thanh niên đồng ý và giáo sĩ tiếp tục: “Có hai người đàn ông leo ra khỏi một ống khói, một người khuôn mặt sạch sẽ, người kia thì nhem nhuốc đen đúa. Vậy ai sẽ là người đi rửa mặt?” 

Chàng trai tròn mắt ngạc nhiên: “Đây là câu hỏi để kiểm tra ư? Quá đơn giản, rõ ràng người đàn ông mặt nhem nhuốc đen đúa sẽ đi rửa mặt.” 

Giáo sĩ trả lời: “Sai rồi! Người đàn ông “mặt bẩn” sẽ nhìn sang người đàn ông “mặt sạch” và cho rằng khuôn mặt mình cũng sạch. Trong khi đó, người đàn ông mặt sạch nhìn người mặt bẩn và nghĩ rằng mặt mình cũng bẩn. Nói cách khác, người mặt sạch sẽ đi rửa mặt.”. 

- Thật là một câu hỏi khó! Chàng trai năn nỉ giáo sĩ cho mình một câu hỏi khác.

Giáo sĩ tiếp tục ra câu đố y hệt lần trước. Và chàng trai liền thắc mắc: “Chẳng phải người đàn ông mặt sạch đã đi rửa hay sao?”. 

“Sai rồi, cả hai người sẽ đều rửa mặt. Người mặt sạch nhìn người mặt bẩn sẽ nghĩ mặt mình cũng bẩn. Vì thế, người mặt sạch sẽ đi rửa đầu tiên. Sau đó, người mặt bẩn thấy rằng người mặt sạch cũng đã đi rửa mặt, do đó người mặt bẩn cũng đi rửa theo”.Giáo sĩ mỉm cười 

- Ồ, tôi không nghĩ là mình đã mắc một sai lầm khác! Giáo sĩ hãy cho tôi thêm một cơ hội. Chàng trai lại tiếp tục nài nỉ.

Giáo sĩ tiếp tục lặp lại câu hỏi như các lần trên, chàng trai nhíu mày: “ Kết quả là hai người đàn ông đều đi rửa mặt rồi mà?”. 

“Anh lại sai thêm lần nữa! Không ai trong số họ sẽ đi rửa mặt cả. Người đàn ông mặt bẩn thấy người mặt sạch và nghĩ mình cũng sạch sẽ và không đi rửa. Còn người mặt sạch sẽ thấy rằng người mặt bẩn không đi rửa thì anh ta cũng sẽ không cần đi rửa.”. 

Chàng trai trẻ buồn rầu nhưng vẫn cố nài nỉ giáo sĩ: “Xin thầy hãy tin tưởng vào con thêm lần nữa, con biết con đủ thông minh để đi theo thầy để học và xin thầy hãy hỏi con một câu hỏi cuối cùng nữa đi ạ”. 

Giáo sĩ lại đặt câu hỏi y như các lần trước. Chàng trai tuyệt vọng gào lên: "Chẳng ai trong số họ sẽ đi rửa mặt như thầy từng nói ở trên!". 

“Anh lại sai nữa rồi! Anh hãy giải thích cho tôi: Tại sao hai người cùng chui ra khỏi một ống khói mà lại có người mặt bẩn, người mặt sạch? Câu hỏi này hoàn toàn phi lý và vô nghĩa! Nếu anh dành toàn bộ cuộc sống của anh để tìm hiểu những câu hỏi sai, câu trả lời sẽ chẳng dẫn anh đến đâu cả!

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn